Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngăn "ma men" cầm lái

Cập nhật: 07:44 ngày 01/06/2020
(BGĐT) - Sau khi nới lỏng giãn cách phòng dịch Covid-19, tình trạng sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông có xu hướng gia tăng. Nhiều “ma men” đã làm nhiễu loạn phố phường, gây tai nạn giao thông (TNGT).

Gia tăng vi phạm

Từ ngày 1/1/2020, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” có hiệu lực thi hành. Những tháng đầu thực hiện, do mức xử phạt tăng cao, cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát nên lỗi vi phạm về nồng độ cồn giảm mạnh. Tuy nhiên do phòng, chống dịch Covid-19, việc xử phạt có phần “nới lỏng”. Vì thế, nhiều người tham gia giao thông xem nhẹ việc thực hiện quy định nên vi phạm về lỗi này tăng đột biến.

{keywords}

Công an TP Bắc Giang xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Khoảng 20 giờ, ngày 29/5, chúng tôi có mặt tại một nhà hàng ở khu vực đường Cả Trọng, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang). Quan sát cho thấy, đa số khách hàng rời quán đều tự điều khiển phương tiện ra về. Trong số đó có không ít trường hợp mặt đỏ tía tai, đi bộ không vững nhưng vẫn điều khiển ô tô. 

Chỉ sau khoảng 30 phút triển khai kế hoạch tuần tra, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), tổ tuần tra cơ động Công an TP Bắc Giang phát hiện, lập biên bản 4 trường hợp lái xe điều khiển phương tiện trong hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định. 

Đơn cử như Dương Văn Ngọc (SN 1999) ở số nhà 39, đường Lều Văn Minh, tổ dân phố Hậu (phường Thọ Xương) điều khiển xe máy trong hơi thở có nồng độ cồn 0,282 miligam/lít khí thở; Nguyễn Văn Bắc (SN 1979) ở số 6, đường Nguyễn Thị Lưu, tổ dân phố Quang Trung (phường Trần Phú) điều khiển xe máy trong hơi thở có nồng độ cồn 0,396 miligam/lít khí thở. Những trường hợp này sẽ bị phạt từ 4-5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 16-18 tháng.

Tương tự, tại huyện Yên Thế, nếu trong tháng 4, Công an huyện phát hiện, xử lý một trường hợp người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong cơ thể vượt quá quy định thì tháng 5 xử lý 27 trường hợp. 

Theo Đại uý Lê Thế Biên, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an huyện, khi bị kiểm tra, đa phần lái xe đều biện minh rằng do thời tiết oi bức nên uống chút bia giải khát. Không ít trường hợp còn lu loa vu khống hay giả vờ bất tỉnh khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Có người lẳng lặng bỏ đi, để lại phương tiện và nhất quyết không thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn. Dù vậy, lực lượng làm nhiệm vụ đều xử lý nghiêm.

Hệ lụy từ tài xế say xỉn

Mặc dù đã có nhiều bài học đắt giá từ việc uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện nhưng tình trạng này vẫn diễn ra hằng ngày. Không chỉ bị phạt tiền, tước giấy phép lái xe trong thời gian dài, tạm giữ xe vi phạm… nhiều người còn mang thương tật suốt đời, thậm chí mất mạng, ngồi tù. Trường hợp Nguyễn Văn Toan (SN 1963) ở số nhà 24B, đường Nguyễn Cao, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) là một ví dụ. 

Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, riêng trong tháng 5, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh xử phạt hơn 600 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, tạm giữ hơn 540 xe máy, 50 ô tô. Địa bàn vi phạm chủ yếu tại các tuyến quốc lộ, khu vực trung tâm TP Bắc Giang. So với cùng kỳ tháng trước, vi phạm tăng hơn 70% về số vụ.

Sau cuộc nhậu vào tối 29/5, Toan điều khiển ô tô BKS 98A-002.05 về nhà trong trạng thái nửa say nửa tỉnh và lao vào xe máy đi ngược chiều do chị Nguyễn Thị Hà (SN 1974), trú tại số nhà 82, đường Nguyễn Thị Lưu, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) điều khiển chở sau hai con gái. Hậu quả, chị Hà và con gái lớn bị gãy chân phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi gây tai nạn, Toan bỏ mặc nạn nhân bị thương tại hiện trường, điều khiển ô tô về nhà. 

Hành động vô cảm này khiến nhiều người dân bức xúc đuổi theo và báo công an. Khi lực lượng chức năng đến nhà, Toan không hợp tác mà “cố thủ” trên gác. Gần một giờ sau, Toan đi xuống trong trạng thái “chân nam đá chân chiêu” và tìm mọi cách trì hoãn việc đo nồng độ cồn trong hơi thở. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Bắc Giang đã kiểm tra, kết quả cho thấy mức độ cồn trong cơ thể Nguyễn Văn Toan là 0,935miligam/lít khí thở, cao gấp hơn hai lần so mức quy định tại khung hình phạt cao nhất dành cho lái xe ô tô vi phạm về lỗi này. 

Trước đó, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia. Đơn cử, khoảng 22 giờ 30 phút, ngày 2/4, tại quốc lộ 17, đoạn qua bản Diễn, xã Tam Tiến (Yên Thế), anh Trần Đức Chung (SN 2000), trú tại bản La Lanh, xã Đồng Vương (Yên Thế) điều khiển xe mô tô đi hướng Xuân Lương- Mỏ Trạng trong trạng thái say rượu dẫn đến tự ngã tử vong.

Nhằm giảm thiểu TNGT, hạn chế thiệt hại và thương vong do lái xe điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia, thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh triển khai lồng ghép xử lý chuyên đề về nồng độ cồn với cao điểm tổng kiểm soát phương tiện. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn từng địa bàn quản lý, Phòng Cảnh sát giao thông và công an các địa phương xây dựng phương án tuần tra hợp lý, bảo đảm khép kín tại tất cả các tuyến đường nhất là cao tốc, quốc lộ và đường tỉnh.

Thượng tá Vũ Văn Tường, Trưởng Công an TP Bắc Giang cho biết: Đặc thù địa bàn TP là nơi tập trung nhiều cơ sở ăn uống, giải trí nên tình trạng sử dụng rượu bia rồi lái xe xảy ra nhiều. Do đó, hằng ngày, đơn vị triển khai một tổ riêng biệt về chuyên đề nồng độ cồn nhằm đẩy mạnh xử lý vi phạm, nâng hiệu quả răn đe sau thời gian cách ly xã hội. Đây là lỗi có mức phạt nặng nên lái xe thường quay đầu bỏ chạy, chuyển hướng phương tiện khi thấy lực lượng chức năng. 

Vì vậy, Công an TP triển khai tổ tuần tra lưu động thay vì lập chốt cố định như trước nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân. Cùng với các địa phương, Phòng Cảnh sát giao thông bố trí hai tổ công tác ở các tuyến đường trọng điểm như quốc lộ 1, 31, 17, đường tỉnh 293... Xác định tâm lý, trạng thái người uống rượu thường nóng nảy, không hợp tác nên 100% vi phạm được cán bộ các tổ công tác làm nhiệm vụ tổ chức ghi hình. 

Song song với tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, nhất là không uống rượu bia khi lái xe sẽ được triển khai sâu, rộng đến từng khu phố, thôn, bản và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

Siết quảng cáo rượu bia
(BGĐT) - Từ 01-01-2020, cấm quảng cáo rượu bia từ 18- 21 giờ hằng ngày. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý nêu tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Cùng với việc xử phạt nặng lái xe có nồng độ cồn thì đây được cho là những giải pháp tích cực hạn chế người mua bán, uống rượu bia.
Huyện Sơn Động có cán bộ sử dụng rượu bia trong ngày làm việc
(BGĐT) - Ngày 5-2, Tổ kiểm tra do ông Khuông Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm Tổ trưởng tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 tại một số cơ quan, đơn vị thuộc huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động và Sở Nông nghiệp và PTNT.
Cảnh sát tới nhà tài xế vận động không uống rượu bia
Công an huyện Đức Thọ tới nhà của nhiều tài xế, yêu cầu ký cam kết không sử dụng rượu bia, chất kích thích khi tham gia giao thông.
Bác sĩ lý giải việc sau khi uống rượu bia bao lâu thì có thể lái xe
Theo quy định của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 1-1-2020, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị nghiêm cấm. Trước quy định này, nhiều người băn khoăn rằng sau khi uống rượu, bia bao lâu thì có thể lái xe?
Từ 1-1-2020: Cấm bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định nhiều nhóm hành vi bị nghiêm cấm như: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
Từ 1-1-2020, chỉ người đi bộ mới được uống rượu bia trước khi ra đường
Kể từ năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ nghiêm cấm toàn bộ hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người. Điều khiển xe dành cho người khuyết tật cũng không được phép sử dụng có nồng độ cồn trong người.
Lạm dụng rượu bia, người trẻ sớm gánh hậu quả
(BGĐT) - Hơn 50 % số bệnh nhân vào điều trị bệnh xơ gan, viêm tụy cấp và một số bệnh khác ở Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang có liên quan đến sử dụng rượu bia là người trẻ hoặc mới chạm ngưỡng trung niên.

Anh Minh 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...