Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những thầy thuốc mang sắc phục công an

Cập nhật: 09:12 ngày 25/02/2021
(BGĐT) - Mỗi chiến công của lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang đều có sự đóng góp quan trọng của những người chiến sĩ - thầy thuốc. Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, họ còn lo sức khỏe cho cả can phạm, phạm nhân; giám định pháp y giúp cơ quan điều tra làm rõ các vụ án mạng.

Lực lượng Công an tỉnh hiện có gần 40 thầy thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Được sự quan tâm của Ban Giám đốc, Bệnh xá Công an tỉnh (trực thuộc Phòng Hậu cần) hiện có hai cơ sở ở TP Bắc Giang (đường Cao Kỳ Vân, phường Trần Nguyên Hãn và đường Lê Lợi, phường Lê Lợi) với 15 bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, nhân viên. Cơ sở vật chất cũng được đầu tư xây dựng đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu; khám tuyển sinh, tuyển nghĩa vụ công an; phục vụ huấn luyện.

{keywords}

Cán bộ Bệnh xá Công an tỉnh kiểm tra thân nhiệt cho các thanh niên thực hiện nghĩa vụ CAND.

Bên cạnh đó, Bệnh xá quan tâm làm tốt công tác dự phòng; phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19. Thiếu tá, bác sĩ Bùi Thế Nguyên, Trưởng Bệnh xá cho biết: "Cán bộ y tế vào ngành đều phải tham gia học các lớp về nghiệp vụ công an. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là chăm sóc sức khỏe cho CBCS và một bộ phận nhân dân (có thẻ bảo hiểm y tế)". 

Thời gian này, nhằm phòng, chống dịch Covid-19, tại các hội nghị, chương trình do Công an tỉnh tổ chức, Bệnh xá đều bố trí 2 tổ để thực hiện các nhiệm vụ; cán bộ y tế đều phải có mặt sớm trước ít nhất 30 phút chuẩn bị trang thiết bị, vật tư phục vụ. Bên cạnh đó còn được tăng cường thực hiện dẫn giải phạm nhân, bị can; phối hợp với các phòng nghiệp vụ đưa đối tượng xuất nhập cảnh trái phép trao trả; tiếp nhận đối tượng phạm tội từ Trung Quốc về Việt Nam.

Đại úy, bác sĩ Hoàng Đình Lục nhớ mãi lần đi dẫn giải đối tượng từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Đó là vào thời điểm cuối năm 2020, đối tượng quê ở huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) sinh năm 1993 bị truy nã toàn quốc về hành vi buôn bán ma túy. Trời rét căm căm mà hắn chỉ mặc mỗi quần đùi, áo cộc, run cầm cập, lại bị bắt truy nã nên đối tượng tỏ ra mất tinh thần, lo sợ. Bác sĩ Lục đã nhanh chóng mua một bộ quần áo ấm đưa cho, đồng thời động viên trấn an đối tượng rồi nhanh chóng cùng tổ công tác đưa về Khu cách ly y tế phòng, chống dịch Covid -19 của tỉnh để thực hiện cách ly theo quy định.

{keywords}

Sức khỏe phạm nhân được cán bộ y tế Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh kiểm tra thường xuyên.

Cùng làm nghề y trong lực lượng công an tỉnh nhưng những thầy thuốc công tác ở Bệnh xá Trại tạm giam (trại Kế) không tránh khỏi những áp lực đặc thù của công việc. Hầu hết “bệnh nhân” của họ đều là can phạm, phạm nhân, khi vào đa số đều có tâm lý bất ổn, mặc cảm, tuyệt vọng, có khi lỳ lợm, chống đối. 

14 năm làm việc tại đây, Trung tá, bác sĩ Nguyễn Văn Triệu, Bệnh xá trưởng đã quen thuộc với đặc điểm, diễn biến tâm lý của từng nhóm khi hằng ngày anh và đồng nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với không ít người có lối sống buông thả ngoài xã hội, rối loạn nhân cách, ra tù, vào tội, phạm tội nhiều lần, nghiện ma túy, mắc tệ nạn xã hội, mang đủ loại bệnh tật mạn tính kèm theo như lao phổi, thậm chí nhiễm HIV. Khi tiếp nhận “bệnh nhân”, công việc đầu tiên của họ không phải bằng việc thăm khám, điều trị bằng thuốc mà là bằng tâm lý, tình cảm. 

“Vào đây họ vẫn được quyền chăm sóc sức khỏe, chỉ là hạn chế một số quyền công dân. Chúng tôi là thầy thuốc công an, mở đầu bao giờ cũng cùng với quản giáo làm công tác tư tưởng, tận tình hỏi thăm, tế nhị khai thác tiền sử, hoàn cảnh, lý do phải vào Trại để góp phần giải tỏa tâm lý cho những can phạm; giúp họ có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống”- Bác sĩ Triệu chia sẻ. 

Trong số những bệnh nhân có không ít người lười cải tạo, không hợp tác với bác sĩ, y tá, thậm chí chống đối, dọa nạt lây nhiễm; đang đêm còn viện cớ đau ốm để đòi hỏi yêu sách. Những trường hợp như thế cũng được các thầy thuốc khuyên giải.

Ám ảnh nhất là khi chăm sóc cho những phạm nhân bị kết án tử hình (Trại hiện có gần 30 phạm nhân bị kết án tử) hay tham gia áp tải đối tượng đi tiêm thuốc độc. Do những đối tượng này không còn gì để mất nên họ luôn tỏ ra bất cần, diễn biến tâm lý bất ổn. 

Khó khăn, áp lực, thậm chí là nguy hiểm nhưng không vì thế mà các y, bác sĩ ở đây chùn bước, thậm chí họ luôn phải cố gắng, nỗ lực để làm tròn chức trách, nhiệm vụ. Đó là vừa chăm sóc, vừa cảm hóa, giáo dục, hướng thiện để họ có đủ sức khỏe tiếp tục cải tạo, thi hành án và có cơ hội trở lại với gia đình và xã hội. Đồng thời làm công tác tư tưởng để những giây phút cuối cùng của cuộc đời phạm nhân bị tử hình cảm thấy ấm lòng.

Làm việc trong môi trường độc hại, áp lực, nguy hiểm không kém đó là đội ngũ bác sĩ pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự. Công việc của họ là sớm có mặt tại hiện trường để giám định, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường vụ án, giúp cơ quan điều tra tìm ra các chứng cứ, truy tìm hung thủ, đưa sự thật ra ánh sáng. Ngoài ra, bác sĩ pháp y mỗi năm còn tham gia hàng trăm ca giám định, xét nghiệm thương tích do tai nạn giao thông, đánh nhau... góp phần làm rõ các hành vi phạm tội.

Dù gian nan, vất vả, khó khăn, áp lực thế nào nhưng những cán bộ, chiến sĩ “quân y trong công an” vẫn luôn tự hào khi được khoác trên mình hai màu áo (màu áo công an và màu áo trắng của ngành y). Vinh dự gắn liền với trách nhiệm, họ luôn tận tâm, tận tụy, tâm huyết với nghề, giữ uy tín của người chiến sĩ công an nhân dân. 

Bài, ảnh: Thu Phong
“Dịch bệnh là chiến trận, thầy thuốc là chiến sĩ”
(BGĐT) - Năm nay, đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế đón lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi cấp đang hoành hành ở quốc gia láng giềng Trung Quốc; còn ở trong nước, “cuộc chiến” chống dịch cũng diễn ra đầy cam go, căng thẳng. “Chống dịch như chống giặc”, chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân là sứ mệnh thiêng liêng của những người thầy thuốc. 
Bệnh viện Quân y 110: Xây dựng đội ngũ thầy thuốc quân y vừa “hồng”, vừa “chuyên”
(BGĐT) - Mục tiêu của Bệnh viện Quân y 110  trong năm mới  2020 là tạo bước đột phá về chuyên môn kỹ thuật, không ngừng nâng cao y đức, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, y bác sĩ và duy trì nghiêm rèn luyện kỷ luật, nhất là vấn đề uống rượu, bia, ATGT… đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của người dân.
Công an tỉnh Bắc Giang: Trồng cây gắn với tăng cường bảo vệ, phát triển rừng
(BGĐT) - Ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu (mùng 6 Tết), tại trụ sở làm việc mới ở xã Tân Tiến (TP Bắc Giang), Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Lực lượng công an ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch
(BGĐT) - Bên cạnh thực hiện đợt cao điểm bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) dịp Tết, những chiến sĩ an ninh, cảnh sát lại tỏa về địa bàn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” cùng các lực lượng khác ngày đêm trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...