Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát huy vai trò hòa giải viên trong giải quyết tranh chấp

Cập nhật: 09:33 ngày 19/05/2021
(BGĐT) - Hòa giải tại TAND là thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự. Thực hiện nhiệm vụ này, trong quá trình giải quyết án, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác hòa giải giữa các đương sự, phát huy tốt vai trò của các hòa giải viên nhằm giảm áp lực xét xử. 

Hòa giải trong tố tụng dân sự ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp tại tòa án. Đây cũng là phương thức hiệu quả để hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị, đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Trên cơ sở "Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án" có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và các hướng dẫn của TAND Tối cao, từ giữa năm 2020, TAND tỉnh đã triển khai các bước lựa chọn, giới thiệu, bổ nhiệm các hòa giải viên. 

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Vượng, hòa giải viên TAND TP Bắc Giang cùng thẩm phán trao đổi về nội dung vụ án cần hòa giải.

Qua lựa chọn, TAND tỉnh đã bổ nhiệm 4 hòa giải viên cấp tỉnh và 40 hòa giải viên cấp huyện, TP. Đây là những người am hiểu pháp luật, từng có thâm niên làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, luật sư, hội thẩm nhân dân hoặc có quá trình công tác trong các cơ quan Nhà nước. Các hòa giải viên đã được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại tòa án; truyền đạt các kỹ năng hòa giải tranh chấp dân sự; kỹ năng đối thoại khiếu kiện hành chính để có thêm kinh nghiệm, kiến thức khi trực tiếp hòa giải, đối thoại trong các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

25 năm tham gia làm hội thẩm nhân dân, bà Nguyễn Thị Vượng ở tổ dân phố Á Lữ, phường Trần Phú trực tiếp làm hòa giải viên trong nhiều vụ việc mà TAND TP Bắc Giang thụ lý. Trong đó phần lớn là án dân sự về hôn nhân gia đình. Hiện bà Vượng là một trong những hòa giải viên tích cực của TAND TP Bắc Giang. Gần đây nhất, bà đã tham gia hòa giải thành vụ án về tranh chấp tài sản chung giữa chị Nguyễn Thị T và anh Trịnh Hữu Tr ở khu 34, xã Song Mai. Trong thời gian chung sống, anh chị có tạo lập được tài sản là nhà cửa, đất đai trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. 

Sau khi “đường ai nấy đi”, chị T yêu cầu anh Tr phải trả cho mình 600 triệu đồng nếu muốn sở hữu nhà. Không thống nhất được, 2 bên căng thẳng, chị vợ nhất quyết làm đơn nhờ Tòa án phân xử. Sau nhiều lần hòa giải, phân tích, nguyên đơn đã rút đơn. Bà Vượng tâm sự: “Nhiều vụ mâu thuẫn hôn nhân do cả vợ và chồng có cái tôi quá lớn, khi được giải thích cặn kẽ về vai trò, trách nhiệm của mỗi người, họ đều nhận ra sai sót của mình. Khi giải quyết vụ việc, tôi căn cứ vào quy định của pháp luật để phân tích đúng, sai, đồng thời lựa lời khơi dậy tình cảm, sự gắn bó giữa hai bên, không nên để bất đồng rất bất lợi cho người thân, nhất là con cái".

Từ đầu năm đến nay, TAND hai cấp thụ lý gần 2.600 vụ việc về dân sự, hôn nhân gia đình, tăng 150 vụ so với cùng kỳ. Trong đó đã giải quyết hơn 2.000 vụ, công nhận thuận tình hơn 650 vụ.

Không làm hội thẩm nhân dân nhưng ông Nguyễn Văn Từ ở thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) cũng có nhiều năm làm công tác hòa giải ở địa phương. Ông cũng mới là thành viên làm hòa giải viên ở TAND huyện. Tháng 4 vừa qua, ông đã hòa giải thành vụ việc về tranh chấp lối đi giữa gia đình bà Đinh Thị H với bà Nguyễn Thị T cùng thôn. Lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân rồi mời hai người đến nói chuyện, bằng những lời lẽ thấu tình, đạt lý, hai bên đã có sự cảm thông, chia sẻ và xóa bỏ mâu thuẫn, thôi không làm đơn kiện. 

Ông Thân Hồng Giang, Chánh án TAND huyện Lạng Giang cho biết: Là một trong những địa phương có lượng án về hôn nhân gia đình nhiều, nhưng từ đầu năm đến nay đã có 50/261 vụ người đứng đơn tự nguyện rút đơn thông qua hòa giải. Kết quả này là sự phối hợp chặt chẽ giữa các thẩm phán và các hòa giải viên. Mỗi vụ việc hòa giải thành sẽ hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị, giảm áp lực xét xử cho Tòa án.

Trung bình mỗi năm, TAND hai cấp thụ lý hơn 8 nghìn vụ. Để giảm áp lực xét xử, TAND hai cấp đã chú trọng công tác hòa giải. Trong số những tranh chấp được hòa giải thành chủ yếu liên quan đến quyền nuôi con, quyền sử dụng đất, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng... Phó Chánh án TAND tỉnh Hoàng Thị Thu Hiền cho biết: “Với việc không phải trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng đã tạo thuận lợi để các thẩm phán, thư ký tòa án tập trung nghiên cứu giải quyết các vụ việc phức tạp trong bối cảnh biên chế còn thiếu. Mặt khác, việc hòa giải, đối thoại thành cũng góp phần hạn chế tối đa những mâu thuẫn có thể phát sinh khi các tranh chấp phải giải quyết bằng việc mở phiên tòa”.

Bài, ảnh: Tuệ An
Các nữ hòa giải viên: Vun đắp tình cảm gia đình, cộng đồng
(BGĐT) - Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thường xuyên thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiều nữ hòa giải viên đã góp phần giải quyết kịp thời những xích mích, mâu thuẫn láng giềng, vợ chồng... giữ gìn an ninh trật tự từ cơ sở, vun đắp sự hòa thuận từ mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.
Hòa giải, đối thoại tại tòa án: Tạo đồng thuận, rút ngắn thời gian giải quyết án
(BGĐT) - Hòa giải tại TAND là thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự giúp giảm thiểu những mâu thuẫn, rạn nứt trong các mối quan hệ. Thực hiện nhiệm vụ này, trong quá trình giải quyết án, TAND TP Bắc Giang đã chú trọng công tác hòa giải giữa các đương sự, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. 
Công tác hòa giải ở cơ sở: Kết nối tình cảm, hóa giải mâu thuẫn
(BGĐT) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác hòa giải, cấp ủy, chính quyền các cấp, các hòa giải viên đều chú trọng đổi mới phương pháp, cách thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng; hạn chế đơn thư khiếu kiện. Nhiều nơi đã có những cách làm hay, hiệu quả.
Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động hòa giải
Ngày 13/7, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...