Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bất cập trong xử lý khai thác cát, sỏi trái phép

Cập nhật: 08:44 ngày 28/05/2021
(BGĐT) - Để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép gây sạt lở bờ bãi, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng cảnh sát môi trường toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 50 vụ vi phạm. Tuy nhiên, nạn “cát tặc” vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở các địa phương.

Khó khăn khi kiểm tra

Sông Lục Nam chảy qua địa bàn huyện Lục Nam (Bắc Giang) có chiều dài hơn 40 km, trong đó hơn 20 km được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi cho 6 đơn vị. Mặc dù giấy phép đã ghi rõ, trong quá trình khai thác phải thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật, rải phao nối các điểm góc khu vực được cấp phép, báo cáo sản lượng khai thác cho cơ quan chức năng… 

{keywords}

Tàu cát của ông Trần Tuấn Đình khai thác trái phép bị Công an huyện Tân Yên bắt giữ

ngày 17/5/2021.

Đặc biệt, nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực, diện tích được cấp phép, gây sạt lở bờ bãi ven sông sẽ bị đình chỉ hoạt động và xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng thực tế, khi tình trạng sạt lở bờ bãi thuộc thôn Tòng Lệnh, xã Trường Giang xảy ra từ tháng 4/2020 được người dân phản ánh đến cơ quan chức năng, mãi đến tháng 5/2021, doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi tại khu vực này là Công ty cổ phần Đầu tư 286 mới có động thái khắc phục theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Thông tin từ Thiếu tá Trần Văn Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ và môi trường (Công an huyện Lục Nam), từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 21 tàu khai thác cát, sỏi trái phép, xử phạt hành chính nộp ngân sách hơn 758 triệu đồng. "Để bắt giữ được tàu khai thác cát trái phép, chúng tôi mất nhiều thời gian trinh sát địa bàn, cũng như phối hợp cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm quả tang", Thiếu tá Dũng nói.

Trên địa bàn huyện Lục Nam hiện có hơn 10 tàu khai thác cát, sỏi trước đây hoạt động theo thời vụ, nhưng hiện nay đều đã “đầu quân” vào 6 công ty, HTX được cấp phép khai thác khoáng sản. 

Vì vậy, khi Công an huyện tiến hành kiểm tra việc khai thác cát của các tàu này phải mời Phòng Tài nguyên và Môi trường đến để xác định mốc giới, tọa độ... doanh nghiệp được cấp phép mới xác định có vi phạm hay không. Mặt khác, do chiều dài sông Lục Nam thuộc địa bàn huyện lớn với hơn 40 km, xen kẹp nhiều đoạn sông được cấp phép và không cấp phép gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Không chỉ riêng huyện Lục Nam, thực tế cho thấy với 13 km sông Thương chảy qua huyện Tân Yên thuộc địa bàn các xã Quế Nham, Liên Chung và Hợp Đức. Theo phân cấp, Công an huyện Tân Yên chỉ có chức năng quản lý các bến đò ngang, phát hiện, xử lý tàu thuyền khai thác cát, sỏi trái phép, còn việc tuần tra bảo đảm an toàn giao thông đường thủy lại do Công an địa phương khác đảm nhiệm. 

Thiếu tá Nguyễn Hữu Trung, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ và môi trường (Công an huyện Tân Yên) cho biết: "Để bắt quả tang vụ chủ tàu Trần Tuấn Đình (SN 1995) ở thôn Nguyệt Đức, xã Vân Hà (Việt Yên) khai thác cát trái phép trên sông Thương, đoạn thuộc thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức ngày 17/5 vừa qua đã khó, nhưng khâu xử lý còn mất nhiều thời gian hơn trong việc thiết lập hồ sơ, định giá, đấu giá tài sản vi phạm. Đó còn chưa kể, hằng ngày đơn vị phải cử cán bộ trông coi tàu vi phạm vì chưa có bến, bãi neo đậu”.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng Cảnh sát môi trường và Công an các huyện, TP phát hiện 50 vụ khai thác cát, sỏi trái phép, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 47 vụ với 47 đối tượng (3 vụ đang xác minh), thu nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), thời gian qua lực lượng cảnh sát môi trường toàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp: Tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp, chủ phương tiện, các hộ dân có nhiều nguy cơ tiềm ẩn tham gia hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép. 

Huy động lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, chốt ở các tuyến đường thuỷ trọng điểm trên các tuyến sông ở các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn… Từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng và Công an các huyện, TP phát hiện 50 vụ khai thác cát, sỏi trái phép, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 47 vụ với 47 đối tượng (3 vụ đang xác minh), thu nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng. “Các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép rất tinh vi, khó phát hiện. Trong khi đó, việc xử phạt các tàu khai thác trái phép lại đang gặp khó khăn do hầu hết các tàu không đứng tên chính chủ; nhiều tàu được hoán cải từ tàu chuyên chở hàng sang tàu hút cát, không đăng ký, đăng kiểm”, Thượng tá Hùng cho biết thêm.

Một khó khăn nữa đối với lực lượng công an là do địa bàn quản lý phức tạp, các đối tượng khai thác cát trái phép thường sử dụng bơm hút đặt trên phương tiện lưu động nên khi phát hiện lực lượng chức năng đi kiểm tra, các đối tượng này không hút cát nữa mà di chuyển phương tiện đi nơi khác. 

Sau khi tổ kiểm tra dời đi, các đối tượng lại tiếp tục quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, các đối tượng này sẵn sàng chống đối, không xuất trình giấy tờ, đóng cửa tàu không cho vào, để phương tiện trôi tự do… gây khó khăn cho việc xử lý. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan chức năng có lúc chưa kịp thời, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa tốt, việc xử lý có trường hợp thiếu kiên quyết, số tiền xử phạt vi phạm thấp nên chưa đủ sức răn đe.

Công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông hiện đang được giao cho nhiều cấp, ngành như công an, nông nghiệp và PTNT, tài nguyên và môi trường, giao thông - vận tải, xây dựng, công thương, UBND các cấp. Không chỉ chồng chéo về quản lý, việc phối hợp giữa chính quyền các địa phương với lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý sai phạm về quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép còn chưa đồng bộ, thường xuyên. 

Để xử lý triệt để những bất cập trên, bên cạnh tăng cường kiểm tra, xử lý của lực lượng công an, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng liên quan, nhất là quản lý chặt chẽ hơn nữa của chính quyền các địa phương đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép.

Hoàng Hà

Tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi bảo vệ lòng sông
(BGĐT) - Thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành văn bản chỉ đạo nội dung này. 
Chủ tàu cuốc tại Lục Ngạn cam kết không hút cát, sỏi trộm
(BGĐT)- Ngày 14/5 vừa qua, Báo Bắc Giang điện tử phản ánh tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lục Nam, đoạn thuộc địa phận thôn Đầm, xã Phượng Sơn và Hòa Mục, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) gây sạt lở bờ sông.
Lục Ngạn (Bắc Giang): Doanh nghiệp khai thác cát, sỏi chậm khắc phục sạt lở bờ sông
(BGĐT) - Vừa qua, một số người dân địa phương phản ánh với Báo Bắc Giang, khoảng giữa tháng 4/2021, Công ty TNHH một thành viên Tư vấn dịch vụ đo vẽ bản đồ Việt Ngọc (gọi tắt là Công ty Việt Ngọc), thị trấn Chũ (Lục Ngạn) tự ý đắp đập, ngăn dòng chảy sông Lục Nam làm sụt lún bãi bồi gần khu vực trồng cây ăn quả của người dân. Mặc dù Công ty đã cam kết với chính quyền địa phương và ngành chức năng khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. 
Bắc Giang: Công ty 286 không chấp hành yêu cầu dừng hoạt động khai thác cát, sỏi
(BGĐT) - Mặc dù UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư 286 (Công ty 286), trụ sở tại phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) dừng hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Lục Nam để khắc phục các tồn tại song doanh nghiệp này phớt lờ, tiếp tục đưa tàu cuốc đến khai thác, gây bức xúc trong nhân dân.
Bắc Giang: Yêu cầu Công ty 286 dừng khai thác cát, sỏi, gia cố điểm sạt lở trên sông Lục Nam
(BGĐT) - Ngày 13/4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang có văn bản đề nghị UBND tỉnh có chỉ đạo yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư 286 (Công ty 286), trụ sở tại phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) dừng hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Lục Nam để khắc phục các tồn tại.
Bắc Giang: Người dân tố doanh nghiệp khai thác cát, sỏi làm sạt lở bờ sông
(BGĐT) - Những ngày gần đây, người dân thôn Tòng Lệnh 2, xã Trường Giang, huyện Lục Nam (Bắc Giang) liên tục phản ánh hoạt động khai thác cát, sỏi tại sông Lục Nam, đoạn chảy qua địa bàn, ảnh hưởng đến cuộc sống và nguy cơ sạt lở diện tích đất nông nghiệp, đất vườn của người dân.
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...