Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dùng chiêu trò cấp chứng chỉ PCCC, hai đối tượng giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng

Cập nhật: 12:40 ngày 27/05/2022
(BGĐT)- Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) vừa bắt giữ khẩn cấp 2 đối tượng giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều bị hại. 
{keywords}

Đối tượng Mai Thanh Tùng (bên trái) và Vũ Văn Tiến tại cơ quan công an. Ảnh do cơ quan Công an cung cấp.

Thượng tá Trần Huy Việt, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết, ngay sau khi thành lập Phòng (tháng 2/2022), trước diễn biến phức tạp của loại tội phạm giả danh lực lượng công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo đơn vị tập trung đấu tranh.

Qua nắm tình hình, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đầu tháng 3/2022, các cán bộ, chiến sĩ của Phòng đã phát hiện hai đối tượng có dấu hiệu giả danh cán bộ Công an huyện Tân Yên, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Bắc Giang) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một hộ sản xuất, kinh doanh điện năng lượng mặt trời tại xã Ngọc Châu (Tân Yên).

Đối tượng dùng sim rác gọi cho anh Phạm Thành T (SN 1986), trú tại xã Ngọc Châu, tự xưng tên là Tuấn, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính (Công an huyện Tân Yên) nói rằng vừa nhận được công văn thông báo vào ngày 23/3/2022, đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh về kiểm tra trên địa bàn huyện. Trong danh sách kiểm tra có hộ kinh doanh của anh T (thực tế, Công an huyện Tân Yên có người tên là Tuấn nhưng qua xác minh không phải vậy và cũng không sử dụng số điện thoại trên-PV).

Đối tượng yêu cầu anh T phải chuẩn bị sẵn giấy phép đăng ký kinh doanh, chứng chỉ tập huấn PCCC, bình chữa cháy, tiêu lệnh và bảng nội quy PCCC, biên lai nộp thuế, phô tô 2 bản căn cước công dân. Anh T có hỏi phải liên hệ với bên nào để được cấp chứng chỉ PCCC thì đối tượng cho biết, khi đoàn thanh tra liên ngành đến nếu gia đình không có chứng chỉ PCCC thì sẽ bị phạt 7-15 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh từ 3-6 tháng. Vì có dịch Covid-19 nên huyện chưa có lớp tập huấn song Công an tỉnh tháng nào cũng có một lớp tập huấn, nếu quen biết ai ở đó thì nhờ giúp đỡ.

{keywords}

Bộ quần áo bảo hộ PCCC mà đối tượng đã gửi cho các bị hại.

Để bị hại tin tưởng hơn, đối tượng đã giới thiệu cho anh T một người tên là Dũng, kèm theo số điện thoại và nói đó là Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Bắc Giang) hiện đang quản lý toàn bộ hồ sơ trên địa bàn huyện Tân Yên có thể hỗ trợ và cấp chứng chỉ PCCC cho anh T (thực tế, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh không có ai tên Dũng cũng như sử dụng số điện thoại trên-PV).

Anh T đã liên hệ với người tên là Dũng và được gợi ý đăng ký tập huấn cấp chứng chỉ về PCCC, có 2 loại là thời hạn 5 năm và không thời hạn, với kinh phí lần lượt là 1.950.000 đồng và 3.250.000 đồng. Dũng sẽ gửi cho anh T quần áo bảo hộ PCCC trước qua đường bưu điện và yêu cầu anh thanh toán tiền cấp chứng chỉ ngay sau khi nhận bưu phẩm, còn chứng chỉ tập huấn PCCC sẽ được gửi về sau, lấy từ người tên Tuấn, Đội Cảnh sát quản lý hành chính, Công an huyện Tân Yên.

Xét thấy tính chất vụ việc nghiêm trọng, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã báo cáo, xin ý kiến Giám đốc Công an tỉnh để phối hợp với phòng chức năng của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đấu tranh làm rõ.

{keywords}

Lực lượng chức năng khám xét và bắt giữ đối tượng Mai Thanh Tùng tại nhà riêng. Ảnh do cơ quan công an cung cấp.

Sau một thời gian dài theo dõi, tổ chức nhiều mũi trinh sát, nắm tình hình, ngày 21/5, lực lượng công an đã bắt giữ khẩn cấp Mai Thanh Tùng (SN 1982) và Vũ Văn Tiến (SN 1994), cùng trú tại thôn Lục Hải, xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Hai đối tượng này đều đã có gia đình, không có nghề nghiệp ổn định.

Qua đấu tranh, Tùng và Tuấn đã khai nhận, do biết các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự phải có chứng chỉ tập huấn PCCC, từ tháng 9/2021, Tùng bàn với Tiến giả danh cán bộ cảnh sát PCCC gọi điện cho các cá nhân, doanh nghiệp yêu cầu tập huấn để được cấp chứng chỉ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Thông qua mạng Internet, Tùng đã thu thập thông tin, họ tên, số điện thoại, nơi cứ trú của các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh, trật tự cần có chứng chỉ PCCC; đồng thời Tùng mua 1.000 bộ quần áo bảo hộ PCCC, với giá 125.000 đồng/bộ.

Sau đó, Tùng, Tiến mua nhiều sim điện thoại không chính chủ để gọi điện giả danh là cán bộ cảnh sát PCCC quản lý địa bàn, yêu cầu cá nhân, doanh nghiệp tham gia tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC để được cấp chứng chỉ, với chi phí khoảng 2.000.000 đến 6.000.000 đồng.

{keywords}

Cơ quan chức năng khám xét và bắt giữ đối tượng Vũ Văn Tiến tại nhà riêng. Ảnh do cơ quan công an cung cấp.

Khi người bị hại tin là thật, đồng ý tham gia tập huấn để được cấp chứng chỉ PCCC, Tùng đã đóng gói bưu phẩm bộ quần áo bảo hộ PCCC đưa đến Bưu điện huyện Nga Sơn gửi cho các bị hại. Khi nhận được bưu phẩm thì các bị hại thanh toán tiền cho nhân viên bưu điện để trả cho Tùng. Sau khi nhận được tiền, Tùng không gửi chứng chỉ và chặn liên lạc. 

Với thủ đoạn như trên, Tùng và Tiến đã lừa đảo hàng nghìn người ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng. Chỉ riêng trong hai ngày 5/3/2022 và 21/3/2022, hai đối tượng này đã lừa đảo 55 bị hại, với tổng số tiền chiếm đoạt là 170.300.000 đồng.

Theo Thượng tá Trần Huy Việt, thủ đoạn lừa đảo của hai đối tượng trên hết sức tinh vi, chúng đã lập kịch bản chi tiết, từ lời thoại đến nội dung trả lời bị hại, rồi in ra giấy để “diễn” cho bị hại nghe. Vì thế, khi bị hại nghe điện, thấy đối tượng nói rất trôi chảy, viện dẫn chính xác nhiều quy định, điều luật liên quan đến lĩnh vực PCCC, từ đó tin, nghe theo đối tượng. Có trường hợp, Tùng đóng “hai vai”, giả vờ là “lãnh đạo”, có trường hợp thì Tùng giao cho Tiến nghe, hướng dẫn các bị hại tham gia lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC để được cấp chứng chỉ. Hiện vụ án đang được Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đấu tranh, mở rộng.

Qua đây, người dân, doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác trước những chiêu trò giả danh cán bộ nhà nước, công an, tòa án, viện kiểm sát, ngân hàng… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào cho các đối tượng khi không biết rõ, chỉ mới thông qua mạng xã hội và điện thoại.

Đỗ Thành Nam
Cảnh báo việc giả mạo website của Bộ Công an để lừa đảo
Qua công tác theo dõi tình hình trên không gian mạng, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện trang website https://2.0840113 có dấu hiệu giả mạo trang website của Bộ Công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Điều tra, làm rõ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Thủ đoạn mạo danh nhân viên y tế gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thời gian qua, địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra nhiều vụ việc các đối tượng tội phạm mạo danh người của các cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện Kiểm sát... và nhân viên y tế gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...