Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Pháp luật
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Nhân Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy 4/10: “4 tại chỗ” ngăn hỏa hoạn

Cập nhật: 09:18 ngày 04/10/2022
(BGĐT) - Phương châm “4 tại chỗ” luôn được nhắc đến nhằm ngăn chặn sớm, dập tắt đám cháy kịp thời, hạn chế thiệt hại thấp nhất khi lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở xa hoặc khó tiếp cận hiện trường.

“Nước xa không cứu được lửa gần”

Ẩn họa từ lửa luôn rình rập trong sản xuất và đời sống, bất kể ở nơi đâu, thời điểm nào. Khi xảy ra sự cố cháy nổ, cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) dù có nhanh đến mấy cũng phải cần một khoảng thời gian nhất định để di chuyển đến hiện trường. 

{keywords}

Diễn tập phương án chữa cháy tại Công ty TNHH công nghệ chính xác FUYU ở KCN Quang Châu (Việt Yên).

Khoảng thời gian đó nhiều hay ít còn phụ thuộc vào quãng đường, tình hình giao thông và vị trí đám cháy... “Nước xa không cứu được lửa gần” chính là thể hiện sự gấp gáp của công tác chữa cháy, đòi hỏi bản thân mỗi người ở hiện trường phải biết cách dập lửa khi chưa cháy lớn đồng thời bảo vệ mình.

Phương châm “4 tại chỗ” được xây dựng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, dập tắt đám cháy và hạn chế thiệt hại khi lực lượng cảnh sát PCCC ở xa chưa kịp tới hoặc khó tiếp cận đám cháy. 

Bao gồm: Chỉ huy tại chỗ, được hiểu là tổ trưởng tổ dân phố hoặc đội trưởng đội dân phòng hay người được ủy quyền chịu trách nhiệm; lực lượng tại chỗ là những người dân sinh sống trên địa bàn khu dân cư, mà nòng cốt là lực lượng dân phòng; phương tiện tại chỗ là các phương tiện phục vụ công tác cứu người, cứu tài sản như nguồn nước, vật liệu chữa cháy (cát, nước, bình chữa cháy, xe chữa cháy); vật tư và hậu cần tại chỗ là sự chuẩn bị kinh phí, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác này.

Sự cố đường dây truyền tải điện 0,4 kV gây cháy xảy ra vào chiều 16/8 tại trạm biến áp Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn (thuộc tổ dân phố Trường Chinh, thị trấn Chũ) là một ví dụ về phát huy hiệu quả của “4 tại chỗ”. 

Trung tá Trần Văn Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an huyện Lục Ngạn cho biết: “Sau khi phát hiện sự cố cháy, anh Hoàng Văn Nhất (SN 2005) làm ở cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống Hà Bắc gần đó đã nhanh chóng tiếp cận đám cháy, sử dụng bình chữa cháy bột (được trang bị sẵn ở cửa hàng) phun vào vị trí cháy và dập tắt ngay sau đó”. 

Được biết, anh Nhất đã từng được tập huấn kỹ năng chữa cháy. Cửa hàng nơi anh làm việc cũng trang bị sẵn bình chữa cháy mi ni.

Hay như vụ cháy xảy ra tại cửa hàng xe đạp Thành Bắc ở phường Trần Phú (TP Bắc Giang) vào hồi 23 giờ 20 phút ngày 29/6. Do thời tiết nắng nóng, lại đêm khuya nên các thành viên trong gia đình đóng kín cửa, bật điều hòa nghỉ ngơi ở tầng trên. 

Khi phát hiện ra cháy, người dân đã thông báo đến gia chủ với mong muốn làm sao cứu được người một cách nhanh nhất. Nhận được thông tin, những người trong gia đình đã nhanh chóng thoát nạn bằng cách đi qua nhà bên cạnh. Mặc dù tài sản thiệt hại là cả trăm xe đạp nhưng gia đình vẫn thấy may mắn khi không có ai thương vong.

Phòng hỏa hơn cứu hỏa

Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) cho biết: Cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ”, năm 2022, Phòng đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm giao thông, nguồn nước phục vụ PCCC và CNCH nói chung và tại các khu dân cư tập trung đông người nói riêng. 

{keywords}

Cán bộ phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh hướng dẫn nhân viên và bảo vệ Siêu thị GO! sử dụng bình chữa cháy mi ni.

Thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Xây dựng 11 mô hình tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn các huyện, thành phố và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC. 

Tổ chức các khóa huấn luyện hướng dẫn người dân kỹ năng cơ bản và chuẩn xác khi xử lý sự cố cháy, nổ và tai nạn, đặc biệt là khu vực có mật độ xây dựng cao, ngõ hẹp và nhà ở kết hợp kinh doanh, xây dựng kiểu “chuồng cọp”. Cùng đó, HĐND tỉnh có Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

“4 tại chỗ” bao gồm: Chỉ huy tại chỗ, được hiểu là tổ trưởng tổ dân phố hoặc đội trưởng đội dân phòng hay người được ủy quyền chịu trách nhiệm; lực lượng tại chỗ là những người dân sinh sống trên địa bàn khu dân cư, mà nòng cốt là lực lượng dân phòng; phương tiện tại chỗ là các phương tiện như nguồn nước, vật liệu chữa cháy; vật tư và hậu cần tại chỗ là sự chuẩn bị kinh phí, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác PCCC và CNCH.

Để phương châm “4 tại chỗ” thực sự đạt hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân phải xác định công tác phòng cháy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, hằng ngày. 

Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH cũng phải được quan tâm, triển khai đến từng hộ gia đình, người dân. 

Quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện chữa cháy cần thiết cho lực lượng PCCC dân phòng, cơ sở và chuyên ngành, tạo ra thế trận toàn dân tham gia công tác PCCC. 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy, mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản hàng chục tỷ đồng. 

Còn trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra cháy lớn. Dù lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất nhưng hậu quả vẫn vô cùng đau xót. Nhiều người chết, tài sản thiệt hại lớn không thể lấy lại được. Không ít doanh nghiệp, hộ gia đình nợ nần, thậm chí phá sản chỉ sau một vụ cháy.

Trên thực tế, chỉ cần một chút bất cẩn, thiếu ý thức khi sử dụng lửa trong sinh hoạt, sản xuất, câu móc điện, xếp hàng hóa trong nhà không chú ý đến phòng cháy và thoát hiểm là tai họa có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Vì vậy mỗi người, mỗi đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp phải luôn nâng cao ý thức phòng, chống cháy, nổ; biết sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để có thể xử lý đám cháy nhỏ trước khi xảy ra cháy lớn.

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2022 - 2023
(BGĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô 2022 - 2023.
Bắc Giang: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT và phòng cháy, chữa cháy
(BGĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn đề nghị Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự (ANTT) và phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Bắc Giang: Tạm đình chỉ 34 cơ sở karaoke vi phạm về phòng cháy, chữa cháy
(BGĐT) - Thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang liên quan đến vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại tỉnh Bình Dương, từ ngày 9/9 đến 12/9, công an các huyện, TP và đơn vị chức năng của Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành tổng kiểm tra việc chấp hành quy định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đối với tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Bắc Giang triển khai nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2022 - 2023
(BGĐT) - Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang vừa có Công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô 2022-2023.
Đặt người dân là trung tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy
(BGĐT) - Ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC. 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...