Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giữ rừng Suối Mỡ

Cập nhật: 13:34 ngày 30/07/2014
(BGĐT) - Được giao hơn 1.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, thời gian qua, Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã nỗ lực bảo vệ, phát triển vốn rừng, tạo cảnh quan đẹp cho khu vực. 
{keywords}

Rừng được bảo vệ tạo cảnh quan đẹp cho Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ.

Sau trận mưa rào, ánh nắng bừng lên rực rỡ, phủ khắp những cánh rừng xanh bạt ngàn ở Suối Mỡ. Những tán lá của nhiều loài cây cùng đan kín, tạo thành mái nhà khổng lồ che chở cho muông thú. Tiếng nước chảy róc rách từ khe núi đá đổ về suối, âm thanh nghe vừa gần, vừa xa. 

Những ngày này không phải dịp cao điểm đón khách du lịch nên Suối Mỡ vắng vẻ hơn. Thỉnh thoảng có những đoàn sinh viên, nhà khoa học đến nghiên cứu, khảo sát về môi trường sinh thái. Được biết, trước đây, khi rừng tự nhiên tại khu du lịch này chưa được quản lý theo quy chế rừng đặc dụng, người dân thường xuyên khai thác lâm sản phụ. Một số vụ khai thác gỗ, lấn chiếm đất đã xảy ra. Hơn hai năm qua, kể từ khi Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập khu rừng bảo vệ cảnh quan Suối Mỡ, công tác bảo vệ và phát triển rừng có chuyển biến tích cực. 

Mọi hoạt động khai thác tại những cánh rừng tự nhiên bị cấm triệt để. Ban đã thành lập tổ bảo vệ với 7 người tham gia, trong đó có 4 cán bộ của Ban và ba người dân xã Nghĩa Phương. Tổ chia thành các kíp luân phiên tuần tra, canh gác. Dù rừng rậm, đường xa nhưng các thành viên luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm lâm luật.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, các quyết định mới của Nhà nước về chuyển đổi rừng, quy chế quản lý rừng đặc dụng được đơn vị chú trọng, thực hiện thường xuyên. Hầu hết người dân xã Nghĩa Phương đã chung tay với cơ quan chức năng gìn giữ, phát triển rừng xung quanh khu du lịch. Bà con không lấy gỗ, củi, săn bắt muông thú hay khai thác lâm sản phụ như trước. 

Ông Lê Văn Đức, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lục Nam đánh giá: “Những năm gần đây, công tác bảo vệ rừng Suối Mỡ đã được thực hiện tốt. Do Ban quản lý Khu du lịch tích cực nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với người dân nên có thông tin nhanh cho lực lượng kiểm lâm về những đối tượng chuẩn bị chặt phá rừng. Qua đó, chúng tôi đã ngăn chặn kịp thời, không để hành vi này xảy ra”. 

Tháo gỡ vướng mắc khi bàn giao rừng từ Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam cho Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, năm 2013, UBND huyện Lục Nam đã trích ngân sách hơn 2,1 tỷ đồng bồi thường cho Công ty và các hộ liên doanh khoanh nuôi, bảo vệ. 

Sau khi tiếp nhận, Ban tiếp tục thuê một số hộ dân địa phương giữ rừng. Theo quy chế mới, chi phí trả cho người khoanh nuôi, bảo vệ tăng gấp đôi so với trước (từ 100 nghìn đồng lên 200 nghìn đồng/ha/năm), tạo điều kiện cho bà con nâng cao thu nhập, yên tâm gắn bó với công việc. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chuyển đổi rừng trồng công nghiệp thành rừng cây bản địa, Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ đang tập trung cao cho nhiệm vụ trồng rừng. Trên diện tích keo lai đến chu kỳ khai thác, Ban thay thế bằng cây gỗ lớn như lim, dẻ, hướng tới mục tiêu nâng cao tính đa dạng và chức năng phòng hộ. Giai đoạn 2014 - 2020, đơn vị dự kiến trồng mới khoảng 100 ha, tổng kinh phí đầu tư hơn 5,3 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, trong đó riêng năm 2014 trồng 25,5ha. 

Nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự nỗ lực của Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, thảm thực vật, động vật hoang dã tại đây ngày càng phong phú, hấp dẫn khách tham quan, du lịch. 

Anh Dương Văn Tiệp, thành viên tổ bảo vệ rừng (Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ) cho biết trong những cánh rừng già đầu nguồn Suối Mỡ đã xuất hiện nhiều loài thú như sóc, gà rừng, lợn rừng, cày hương, hươu…Rừng phát triển tốt đã hạn chế xói mòn, rửa trôi, tạo nguồn sinh thuỷ dồi dào phục vụ tưới tiêu cho một số xã trong huyện Lục Nam.


Khu rừng bảo vệ cảnh quan Suối Mỡ có tổng diện tích hơn 1.200 ha, thuộc địa phận xã Nghĩa Phương, được thành lập theo Quyết định 1724 ngày 30-11-2011 của Chủ tịch UBND tỉnh. Trong đó, đất đặc dụng có rừng tự nhiên hơn 658 ha, đất đặc dụng có rừng trồng thông 5,6ha, đất đặc dụng trồng cây bản địa hơn 286,5ha… Khái toán vốn đầu tư bảo tồn và phát triển rừng gần 200 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2020.  



Thy Lan


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...