Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Ly hương” làm giàu ở An Hà

Cập nhật: 10:26 ngày 14/08/2014
(BGĐT) - Cách đây chưa xa, đời sống của người dân xã An Hà, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) còn khó khăn. Vì thế, nhiều người đã tìm con đường “ly hương” kiếm sống.
{keywords}
Một góc làng Đông, xã An Hà.

Ra đi để thoát nghèo 

Đến nhiều thôn ở xã An Hà dịp này dễ dàng thấy những ngôi nhà xây kiên cố nhưng cổng đóng then cài. Một số nhà chỉ có người già và trẻ nhỏ sớm tối quây quần bên nhau. Ông Nguyễn Xuân Đoan, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đó là do người dân nơi đây vào các tỉnh miền Nam làm ăn, dành dụm được họ về quê xây nhà sẵn để sau này trở về sinh sống”. 

Rót cốc nước chè xanh mát lành mời khách, anh Nguyễn Văn Tuấn, 43 tuổi, thôn Hà trầm ngâm nói: “Tôi nhớ mãi một ngày tháng 8 (âm lịch) năm 1996, khi đó cả nhà có ba sào lúa mùa sớm, vừa gặt về thóc phơi chưa kịp khô đã phải xúc hết trả nợ cho chủ cửa hàng bán lân, đạm. Nhà có con nhỏ, tiền không một xu dính túi, bồ thóc lại trống trơn,… nghĩ  sao mà khổ thế. Đúng lúc đó, ông bạn đang làm trong tỉnh Lâm Đồng rủ vào làm cà phê cùng, thế là tôi cùng vợ con gói ghém hành lý vào đó”. 

Ban đầu anh Tuấn chỉ làm thuê, sau có chút vốn anh mua hai ha đất trồng dâu nuôi tằm, hai năm sau tích lũy thêm anh lại mua 5 ha đất trồng cà phê. Nhờ chăm chỉ, mỗi năm vợ chồng anh để ra được hơn trăm triệu đồng mang về quê xây dựng nhà cửa khang trang. Mới đây, gia đình anh chuyển hẳn về quê sinh sống, phần vì để chăm sóc mẹ già yếu, phần là do đã có chút vốn để làm ăn.

Anh Đào Đức Thập, thôn Mia cũng là một trong những hộ như vậy. Tôi ghé thăm đúng dịp anh Thập về quê thăm gia đình và sắm sửa đồ dùng cho con trai vào học cấp 3. Năm 2009, vợ chồng anh quyết định vay ngân hàng 50 triệu đồng vào Bình Định buôn bán, hai con nhỏ gửi ông bà nội chăm sóc. 

Vào đó, anh Thập được người anh họ dẫn mối cùng đi buôn gà. Thấy công việc có lãi, anh tìm đầu mối liên kết cung cấp gà cho các quán ăn, mỗi ngày bán được vài tạ. Ngoài ra, vợ chồng anh còn chăn nuôi lợn. Chịu thương, chịu khó lại chắt bóp dành dụm nên không chỉ trả hết nợ ngân hàng, vừa rồi gia đình anh còn về quê mua hai mảnh đất, mỗi mảnh trị giá hơn 300 triệu đồng.

Qua câu chuyện với anh Tuấn, anh Thập, tôi được biết phong trào vào miền Nam lập nghiệp ở xã An Hà có cách đây khoảng 20 năm. Ban đầu chỉ vài hộ, sau thấy thuận lợi anh em, bạn bè rủ nhau cùng vào làm ăn. 

Phố giữa quê

Dạo một vòng quanh làng cùng ông Hà Văn Huấn, trưởng thôn Hà, tôi thấy những ngôi biệt thự, nhà cao tầng cùng nhiều hàng quán dịch vụ người qua kẻ lại nhộn nhịp như thị trấn. Dừng chân trước cửa nhà ông Hoàng Văn Sảo, ông cho biết ngôi nhà tầng khang trang mà ông, bà và hai cháu nội đang ở chính là tiền của người con trai Hoàng Văn Mạnh sau ba năm tích lũy gửi từ Lâm Đồng về xây dựng. 

Ông kể: “Vợ chồng Mạnh vào Lâm Đồng buôn bán rau, hoa quả và mở hàng quán kinh doanh được hơn ba năm. Nhờ làm ăn được nên năm ngoái cháu gửi tiền ra xây nhà, tháng tới sẽ đưa cậu em họ vào đó cùng làm”.

Ngay cạnh nhà ông Sảo là ngôi nhà hai tầng của gia đình bà Triệu Thị Cảnh. Ngôi nhà này bà xây đã gần 15 năm. Năm 1990, vợ chồng bà cùng con trai lớn vào Đồng Nai, chồng chạy chợ, rảnh thì làm xe ôm; con trai hết giờ học đi bán vé số còn bà chuyên trồng cà phê, lúc rỗi việc tranh thủ dậy sớm làm bánh cuốn bán buổi sáng. 

“Ở trong đó được 10 năm, do là con trưởng nên các cụ giục về quê. Số tiền vợ chồng kiếm được đủ để xây nhà và dành ra chút vốn làm ăn. Năm đó nhà tôi thuộc loại oách nhất làng đấy”- bà Cảnh cười ròn nói. Đang trò chuyện, cô con dâu gọi bà xuống kiểm tra mẻ bánh cuốn đầu tay cô học từ mẹ chồng. Nghề tráng bánh cuốn trước đây ở Đồng Nai bà chỉ tranh thủ làm khi rảnh rỗi giờ trở thành nghề chính của gia đình.

Thu nhập tốt, cuộc sống khấm khá hơn, các hộ không chỉ đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ, xây dựng nhà cửa khang trang mà còn có điều kiện đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm, công trình phúc lợi góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê. 

Chỉ tay về hướng nhà văn hóa, ông Bùi Văn Mùi, trưởng thôn Mia cho biết: “Đoạn đường dài hơn 300 mét đổ bê tông phẳng lỳ kia là do con em trong làng đi vào Nam làm ăn đóng góp”. Trước đây, người dân phải ra tận thị trấn Kép hay chờ đến phiên chợ mới có thể mua, bán hàng hóa thiết yếu, nay cửa hàng dịch vụ mở ra ngay đầu ngõ. Hàng loạt “dãy phố” hình thành giữa làng Mia, làng Mác, làng Mè… ngày càng tấp nập. Cả xã có hơn 100 hộ có ô tô làm dịch vụ kinh doanh vận tải.

"Xã An Hà có 2250 hộ, hiện hơn 300 hộ đi làm ăn ở các tỉnh: Lâm Đồng, Gia Lai, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… Đến nay, hơn 100 hộ đã trở về địa phương sinh sống. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 3,17%, giảm một nửa so với 5 năm trước" - Ông Nguyễn Xuân Đoan, Chủ tịch UBND xã An Hà.


Hoàng Phương


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...