Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nụ cười sau chiến tranh

Cập nhật: 17:00 ngày 28/10/2014
(BGĐT) - Anh chị đều là những thương, bệnh binh nặng đã bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường chống Mỹ. Anh còn bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Sức khỏe cả hai vợ chồng cộng lại còn chưa đến 40% nhưng điều đó không làm anh chị thiếu đi niềm tin, hay trông chờ ỷ lại mà luôn vượt lên để chiến thắng bệnh tật, động viên, chăm sóc các con học hành thành đạt.

{keywords}

 Gia đình anh Thắng - chị Giữa.

Hai lần chiến thắng

“Sau chiến tranh, cuộc sống mới lại được hồi sinh trên những hố bom, chiến hào ngày trước. Người ta nói nhiều đến điều này,nhưng với chúng tôi thì hạnh phúc còn lớn gấp bội phần bởi được đơm hoa kết trái từ những con người đã không còn nguyên vẹn sau chiến tranh”. Vợ chồng thương, bệnh binh nặng Nguyễn Văn Thắng - Bùi Thị Giữa tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng niềm tự hào như thế.

Sinh ra tại tỉnh Hà Nam, năm 1967 khi chưa đầy 18 tuổi, anh xung phong vào bộ đội, đó là những ngày chiến trường miền Nam sắp bước vào chiến dịch Mậu Thân 1968. Được biên chế vào đơn vị pháo hỏa lực mạnh thuộc Tiểu đoàn 542, Sư đoàn 473, từ năm 1968 đến năm 1974, anh lăn lộn qua nhiều mặt trận, chiến đấu và xóa sổ nhiều căn cứ của địch, phá vòng vây, mở đường cho bộ binh tiêu diệt lực lượng địch. Anh không nhớ biết bao lần bị sức ép, rồi bị thương, tỉnh lại trên tay đồng đội. 

Chị là chiến sĩ biên chế trong đường dây 559 tham gia làm đường 14 thuộc địa danh A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên Huế) với nhiệm vụ bảo đảm giao thông cho các phương tiện vận tải hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường. Chị cũng không thể nhớ đã bao đêm cùng đồng đội, lấp hố bom mở đường giữ gìn mạch máu giao thông. Có lần bị vùi sâu dưới hầm rồi được đồng đội đến cứu. Hai lần bị thương, chân, tay, thân thể bị mảnh bom găm đầy, phải phẫu thuật nhiều lần để duy trì sự sống. 

Người con gái quê lúa Thái Bình có sức chịu đựng dẻo dai nơi bom rơi đạn lửa ròng rã suốt cả gần 1.000 đêm ngày (từ năm 1971 đến 1973). Vất vả là thế nhưng hễ cứ tỉnh, khỏe là chị lại muốn lao ra đường cùng đồng đội làm nhiệm vụ “tất cả cho tiền tuyến” mà không ai nghĩ riêng cho bản thân- chị Giữa bồi hồi nhớ lại. 

Hai “vầng trăng khuyết” ghép lại 

Bước ngoặt cuộc đời bắt đầu từ khi anh chị gặp nhau năm 1978 tại Trại Điều dưỡng Thương binh nặng thuộc xã Quế Nham (Tân Yên). Cảm thông, chia sẻ và hiểu nhau từ những khó khăn, hoàn cảnh của nhau, hai “vầng trăng khuyết” ấy đã “góp gạo thổi cơm chung” dù họ biết sẽ đối mặt với đầy khó khăn. Anh từng sống trong vùng bị ảnh hưởng nặng của chất độc da cam; còn chị, sau những lần bị thương, bác sĩ chẩn đoán khả năng có con là hy hữu. 

Là phụ nữ, nghe thông tin này, chị tưởng như mình gục ngã. Nhưng nghị lực của người lính từ trong chiến tranh đã giúp chị đứng vững. Đến với nhau anh chị đã  xác định sẽ làm bạn bên nhau trọn đời bởi ai cũng sợ những đứa con ra đời không lành lặn sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhưng nỗi khát khao được làm mẹ, muốn có một gia đình như bao người khác, hai người lính một lần nữa lại dấn thân vào “cuộc chiến” mới giành lấy hạnh phúc. Chị lặng lẽ đi sinh con một mình ở bệnh viện khi anh đang lên cơn sốt nặng không thể đi cùng. Trong lòng bao nỗi lo lắng, chỉ sợ đứa nhỏ sinh ra không lành lặn. Khi được bác sĩ thông báo “cháu gái- bình thường” chị đã òa khóc vì ngập tràn sung sướng.  

Ba năm sau (năm 1984), niềm vui lại nhân lên khi tổ ấm nhà chị có thêm một bé trai kháu khỉnh. Hạnh phúc lại một lần nữa mỉm cười, tiếp sức cho gia đình anh chị có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc đời để tiếp tục sống có ý nghĩa, nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành.

Bắc Giang - quê hương thứ hai

Gần 40 năm sinh sống, điều trị, ổn định sức khoẻ tại các Trung tâm Điều dưỡng thương, bệnh binh của tỉnh, Trung ương, anh chị nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện của Nhà nước và sự yêu thương, giúp đỡ của xã hội, Bắc Giang đã thực sự trở thành quê hương thứ hai của anh chị. 

Tình cảm yêu thương đó đã tiếp lửa để đôi vợ chồng thương binh vượt qua khó khăn nuôi dạy các con nên người. Đến khi cả hai con vào đại học (con gái lớn học Đại học Sư phạm Hà Nội; con trai thứ hai học Đại học Khoa học -Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), anh chị dồn hết tiền phụ cấp để nuôi các con. Thương cha mẹ sức khỏe yếu mà vẫn vất vả lo lắng cho việc học hành, hai con đều phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng, ra trường có việc làm phù hợp tại các cơ quan nhà nước. 

Trước khi chia tay, vợ chồng thương, bệnh binh nặng xúc động: Chúng tôi không làm được gì nhiều cho Nhà nước đã là gánh nặng cho xã hội rồi. Sống trong thời bình, các con được tạo điều kiện học hành, công tác, bản thân gia đình được cấp đất ở thành phố, bà con nhân dân Bắc Giang cưu mang, giúp đỡ… thật không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn. Còn sống ngày nào, chúng tôi vẫn nguyện là những người lính Cụ Hồ, sống sao cho xứng đáng với những gì mọi người dành cho.

Ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang có một gian nhà nhỏ nép mình dưới tán cây nơi gia đình thương bệnh binh nặng anh Thắng, chị Giữa sinh sống đã mấy chục năm, dù sức khoẻ không được tốt, song niềm tin trong họ chưa bao giờ thiếu và luôn đầy ắp tiếng cười của hạnh phúc - Nụ cười sau chiến tranh.

Việt Hưng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...