Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nâng niu cổ vật

Cập nhật: 09:56 ngày 24/11/2014
(BGĐT) - Mỗi người có đam mê riêng nhưng với những “tay chơi” cổ vật thì ngoài sự yêu thích, kỳ công còn phải rất am hiểu, đặc biệt là… kinh tế vững. Đã có nhà sưu tập bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua về những thứ mà nhiều người coi là… “đồ bỏ đi”.
{keywords}

Anh Phạm Thanh Hùng và bộ sưu tập cổ vật gốm.

Hoài cổ

Tầng trệt căn nhà rộng thênh thang nằm ở đường Nguyễn Thị Lưu (TP Bắc Giang) của gia đình anh Phạm Thanh Hùng trở thành nơi trưng bày đầy ắp những thạp gốm, rìu đồng, kiếm, bình vôi, tiền cổ... Quan sát mội hồi tôi thấy, vật dụng trong căn phòng ấy có lẽ chỉ có cái cốc uống nước là đồ tân thời, còn lại từ chiếc tủ chè mà mẹ anh bảo là cái “chuồng gà”, cho đến bàn ghế, bình hoa… đều cỡ trăm năm trở lên. Phía trước ngôi nhà là khu vườn nhiều cây cảnh, hoa trái. 

Có thời kỳ anh Hùng đắm đuối với cây cảnh, nhưng khoảng hai mươi năm nay, tình yêu ấy đã nhường chỗ cho cổ vật. Giờ thì “Hùng cổ vật” có hàng nghìn món đồ thuộc những chất liệu khác nhau như đất nung, mộc, đồng, sắt với nhiều thời đại, từ đời Lý, Trần, Lê cho đến đồ cổ của Trung Hoa, Nhật Bản… 

Giải thích về sự đam mê khác người này, anh Hùng bảo: "Trước đây tôi yêu cây cảnh, thích sưu tầm bật lửa và mê tem, từ lúc dấn thân vào cổ vật bị cả gia đình lên án, bố mẹ bảo tôi là dở hơi nên mới rước đâu những thứ giời ơi đất hỡi thế này về cho chật nhà. Ngẫm lại cũng phải, nếu không ở hoàn cảnh của tôi thì ai cũng nói như vậy, mà quả thực giá như mình yêu đất cát, vàng bạc, xe cộ thì chỉ có giàu lên, còn đam mê thứ này thì của cải cứ hao mòn theo năm tháng". 

Mặc dù vậy, theo như giải thích của anh Hùng, chơi cổ vật dù mất tiền và thời gian nhưng đổi lại có thêm nhiều kiến thức, được mở rộng tầm nhìn và mối quan hệ với bạn bè khắp trong Nam, ngoài Bắc.

{keywords}

Nhà sưu tập Nguyễn Hồng Bàng (trái - TP Bắc Giang) hiến tặng cổ vật cho bảo tàng tỉnh.

Tuy mới vào "nghề" được hơn chục năm nhưng giới chơi cổ vật Bắc Giang không mấy xa lạ tên tuổi ông Nguyễn Long Giang, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên). 

Sở hữu hàng trăm cổ ngoạn quý hiếm, người đàn ông ở tuổi ngũ tuần này quan niệm rằng, với người không đam mê thì những cổ vật ấy chẳng có gì khác với vật dụng thông thường, còn khi đã hiểu, đã yêu thì thấy chúng rất có hồn và sức hút ghê gớm. Chỉ cần nhìn bình gốm Chu Đậu là biết đất nước khi đó hưng thịnh hay suy vong. Đơn giản như chiếc bình vôi, ngoài việc để các cụ dùng ăn trầu thì sau đó là những câu chuyện về văn hóa của người Việt, là lòng hiếu khách, sự thủy chung… 

Nâng ý thức bảo tồn

Bắc Giang có hơn chục nhà sưu tập tư nhân là hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam, hầu như địa phương nào cũng có người đam mê sưu tầm cổ vật. Một số “tay chơi” sở hữu hàng nghìn cổ vật độc đáo, có giá trị lớn, từng gửi, hiến tặng nhiều hiện vật có giá trị đến Bảo tàng tỉnh để trưng bày, giới thiệu với đông đảo công chúng như nhà sưu tập Hoàng Minh Hồng (Yên Thế), Trịnh Văn Tâm (Việt Yên), Nguyễn Quang Mạnh (TP Bắc Giang)... Đa số các nhà sưu tập vì đam mê đồ cổ, không mua đi bán lại kiếm lợi nhuận nên luôn trân trọng, không có ý định bán cổ vật cho người khác và ý tưởng thành lập bảo tàng tư nhân để phục vụ công chúng cũng đã được nhiều người ấp ủ. 

Được biết từ năm 2005 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận gần 100 hiện vật, cổ vật có giá trị do người dân và các nhà sưu tập hiến tặng. Đáng quý hơn, một số người còn trưng bày những bộ sưu tập của mình tại Bảo tàng để nhân dân và du khách chiêm ngưỡng. 

Ông Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Bên cạnh một số hội viên sưu tầm để chơi còn có người kinh doanh “lấy cổ vật nuôi cổ vật”, vì vậy khi trở thành hội viên Hội Di sản văn hóa, mọi người được tuyên truyền, trao đổi nâng cao nhận thức, ý thức và kinh nghiệm gìn giữ di sản, có kiến thức nhất định để tránh mua những đồ trộm cắp… 

Để làm tốt công tác quản lý cổ vật, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tại Bắc Giang sẽ tăng cường trao đổi thông tin, nghiên cứu, có cơ chế động viên, khuyến khích hội viên và nhân dân tích cực hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng… Do cổ vật có tính hấp dẫn và giá trị kinh tế cao nên không tránh khỏi một số đối tượng lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng mới, vì vậy các nhà sưu tập nên trang bị cho mình kiến thức sâu rộng. 

Ngành văn hóa tăng cường tập huấn, trao đổi thông tin giám định cổ vật cho hội viên. Thường xuyên tổ chức triển lãm trưng bày giới thiệu, phát huy hiệu quả những bộ sưu tập nhằm quảng bá hình ảnh và các giá trị văn hóa tiêu biểu của tỉnh, qua đó góp phần phát triển du lịch.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...