Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những "con đường xanh" no ấm

Cập nhật: 13:36 ngày 28/11/2014
(BGĐT) - Thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án xây dựng đường lâm nghiệp đang được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang triển khai, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân miền núi.

{keywords}

Những con đường xuyên rừng phục vụ phát triển lâm nghiệp và dân sinh.

Người dân hưởng lợi

Những ngày này, các hộ dân thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng (Lục Nam) vào mùa khai thác gỗ rừng trồng. Ai cũng vui mừng khi được lưu thông trên con đường mới uốn lượn qua những sườn núi, việc khai thác, vận chuyển gỗ thuận tiện hơn. 

Chị Nguyễn Thị Hường, một người dân trong thôn cho biết: "Gia đình tôi có hơn 200 ha đất rừng đã trồng keo, bạch đàn từ hàng chục năm nay nhưng chưa có điều kiện khai thác. Khi Nhà nước cho mở gần 4 km đường rừng đi qua, tôi đã thuê hơn 30 nhân công khai thác gần 10 ha, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ thuận lợi trong khâu khai thác, nhiều hộ trong thôn sử dụng xe máy, ô tô chở cây giống, phân bón lên trồng và chăm sóc rừng".

Tuy tuyến đường đi qua mới đang được đơn vị thi công tiến hành san gạt nền  nhưng hộ anh Nguyễn Văn Hùng (cùng thôn) đã lên kế hoạch chăm sóc, khai thác hơn 70 ha rừng của gia đình. Hơn 10 năm trước gia đình anh đã tự bỏ vốn làm đường vào rừng nhưng do kinh phí ít nên lối đi chỉ đủ cho xe máy, xe trâu. Nay nhờ dự án, đường lâm nghiệp đã mở rộng gần 4 m, xe tải dễ dàng ra vào vận chuyển, tiêu thụ gỗ. 

{keywords}

Thi công đường lâm nghiệp tại thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng (Lục Nam).

Dự án xây dựng đường lâm nghiệp được khởi công tại huyện Lục Nam ngày 28-6, sau 5 tháng triển khai đã cơ bản hoàn thành 10 tuyến với tổng chiều dài 18 km tập trung tại các xã Đông Phú, Đông Hưng và Tam Dị nơi có hàng nghìn ha rừng trồng đang đến tuổi khai thác. Ông Dương Quang Hiền, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đông Phú chia sẻ: “Diện tích trong vùng chủ yếu là rừng trồng, trước đây người dân phải thuê nhân công gồng gánh cây giống, phân bón lên rừng với chi phí cao. Đến khi khai thác lại bị ép giá với lý do đường khó đi, phải mở đường mới… ảnh hưởng đến hiệu quả trồng rừng. Nay được hưởng lợi từ dự án người dân rất phấn khởi nên đường mở đến đâu các hộ đều nhường mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công. Có đường mới, giá bán gỗ rừng trồng trên địa bàn đã tăng gấp 2 -3 lần so với trước đây”.    

Kết nối, gia tăng lợi ích

Không chỉ huyện Lục Nam, dự án làm đường lâm nghiệp cũng đang được triển khai tại huyện Lục Ngạn. Bên cạnh việc tăng cường công tác bảo vệ, phát triển, phòng cháy, chữa cháy rừng, những con đường ở đây còn phục vụ đời sống hằng ngày của người dân, tạo đà phát triển du lịch trên địa bàn. 

Theo đó, các tuyến chủ yếu có điểm đầu từ các thôn Biềng (xã Nam Dương), Khả Lã (xã Tân Lập) và thôn Hoa Quảng (xã Tân Mộc) tạo thành các trục chính dẫn lên chùa Am Vãi – khu vực có hàng trăm ha đất trống chưa có rừng. Nhờ có đường, diện tích này sẽ được phủ xanh trong nay mai. 

Theo dự án đường lâm nghiệp, tỉnh Bắc Giang được đầu tư 54 km trên địa bàn các huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. Với mỗi suất đầu tư 450 triệu đồng/km, bề rộng đường 3 mét cùng hệ thống lề, rãnh dọc, cống thoát nước hai bên hoàn chỉnh sẽ bảo đảm cho các phương tiện lưu thông thuận tiện, phục vụ nhu cầu phát triển lâm nghiệp và dân sinh.

Ngoài ra, dự án còn cải tạo, nâng cấp tuyến đường chạy quanh hồ Khuôn Thần nối trung tâm xã Kiên Lao với bản Khuôn Thần, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân lưu thông, vừa kết hợp mở hướng thu hút đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, tâm linh.   

Theo ông Nguyễn Minh Hiền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Ngạn thì đây là những vị trí trọng yếu được địa phương lựa chọn phục vụ quy hoạch phát triển rừng kết hợp giải quyết nhu cầu bức thiết về dân sinh, đồng thời tạo điều kiện phát triển du lịch tại địa phương. Sau khi hoàn thành, các tuyến đường sẽ phát huy hiệu quả, giúp nhân dân trong vùng phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Do dự án không dành kinh phí hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng nên chuẩn bị triển khai dự án, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với UBND các huyện, xã có tuyến đường đi qua thống nhất chủ trương, lựa chọn địa điểm đầu tư. Đồng thời, tổ chức họp bàn, vận động nhân dân trong vùng hiến đất làm đường. Sau khi được giải thích, hiểu rõ ý nghĩa con đường các hộ dân đều ủng hộ, thống nhất bằng biên bản trước khi dự án được khởi công. 

Ông Dương Xuân Bánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Đây là dự án quan trọng trong chính sách bảo vệ, phát triển, phòng cháy chữa cháy rừng của tỉnh, góp phần hình thành các vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung, khuyến khích nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Chi cục sẽ đẩy mạnh công tác giám sát, bảo đảm chất lượng, tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm 2015”.

Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...