Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Niềm vui ở lại

Cập nhật: 09:23 ngày 15/12/2014
(BGĐT) - Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng dấu tích của cuộc chiến vẫn in hằn trong cơ thể và tâm hồn mỗi cựu binh. Những ngày đầu hòa bình niềm vui sướng vỡ òa, bước chân của người lính đi qua chiến tranh cứ lâng lâng vui buồn hòa trộn khó tả. Vui vì mình còn sống trở về với quê hương, gia đình; về với những kỷ niệm ngày ấu thơ với rặng tre, cây đa, bến nước, sân đình…

{keywords}

Ông bà Lực và đồng đội.

Nhớ ngày chúng tôi lên đường, hàng ngũ chỉnh tề, ba lô, quần áo còn thơm mùi hồ. Những cái vẫy tay hẹn ngày chiến thắng trở về. Và ngày chiến thắng chúng tôi trở về còn đâu đội hình tưng bừng như ngày nhập ngũ. Những người trở về cũng đâu trọn vẹn, thương tích chiến tranh đầy mình. 

Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Văn Lực ở thôn Văn Xá, xã Bích Sơn (Việt Yên) ngồi đối diện với tôi, lặng lẽ. Gương mặt sạm nắng hằn những vết nhăn của tuổi ngoài bảy mươi, từng trải một thời trận mạc. Ông rót chén nước đưa cho tôi rồi hỏi: “Ngày hòa bình trở về ông vui lắm phải không? Còn tôi thì…”- ông ngừng lời để cố nén sự xúc động đang dâng trào. Ông cầm chén nước nhấp một ngụm rồi kể tiếp: “Ngày trở về của tôi buồn lắm ông ạ. Chín năm xa quê hương, gia đình, mong ngày trở về gặp vợ con lắm chứ. Nhưng khi về, tôi chết đứng vì vợ đi lấy chồng mới, con cái nhờ họ hàng đùm bọc. Căn nhà chỉ còn cái nền cỏ mọc tràn lan. Tôi ôm đứa con gái nhỏ mà ứa nước mắt”.

Tôi ngắt lời ông hỏi: Nhưng làm sao có con rồi, bà ấy lại đi lấy chồng khác. Thời chiến ở hậu phương chính sách đối với vợ con bộ đội nghiêm khắc lắm mà?

Nghe tôi hỏi, ông cười: “Chẳng tại ai cả. Tất cả là tại chiến tranh. Năm 1965, chiến tranh phá hoại mở rộng ra miền Bắc. Các chiến trường cần quân, tháng 1-1966 tôi nhập ngũ, đứa con gái đầu lòng khi ấy chưa đầy 8 tháng tuổi. Huấn luyện tân binh ở Thái Nguyên mấy tháng rồi chúng tôi hành quân lên Tây Bắc. Tôi được biên chế vào Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Ngày đó, lính Tây Bắc chủ yếu chiến đấu giúp nước bạn Lào. 

Tôi còn nhớ ngày 4-4-1967, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 chúng tôi đánh cứ điểm Noong Khang ở Sầm Nưa. Trận chiến khó khăn đánh không dứt điểm, tôi bị thương gãy cả hai chân, không rút kịp bị địch bắt. Để giữ bí mật, tôi nhận là Việt kiều tên là Nguyễn Văn Vàng ở Sầm Nưa, nghe lời Hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vông đi chiến đấu. Coi như cái tên Nguyễn Văn Lực không còn tồn tại nữa. 

Sau trận chiến, bọn địch đào hố chôn tập thể những chiến sĩ hy sinh. Cho nên đơn vị cứ chiếu danh sách quân số tham gia trận đánh Noong Khang mà không thấy về là báo tử. Nguồn cơn nỗi đau tan nát gia đình tôi từ tờ giấy vô tri vô giác ấy. Tôi bị địch bắt giam ở nhà tù Xảm Thông, vừa chữa vết thương vừa để bọn chúng điều tra khai thác thông tin. Chúng điều trị cho tôi thì ít nhưng tra tấn để lấy cung thì nhiều. Tôi tưởng như không sống nổi. Nhưng tôi cứ bám vào lời khai ban đầu là Việt kiều đi bộ đội Pa Thét Lào nên bọn chúng đánh thế nào tôi cũng chỉ nhận có thông tin ngắn gọn như thế. Sau ba ngày tra tấn, chúng đánh tôi gãy xương quai hàm, không khai thác được gì thêm chúng bảo nhau: “Kôn keo mắm dí lai” (người Việt bướng lắm). Sau đó chúng đưa tôi về giam trong nhà tù La Son ở Thủ đô Viên Chăn cho đến khi trao trả tù binh ở Cánh đồng Chum tháng 8-1974”. 

Ông ngồi tù đúng 7 năm 9 tháng không tin tức, đơn vị báo tử là điều dễ hiểu. Từ khi nhận giấy báo tử của con trai, bố mẹ ông đau buồn rồi mất, vợ gá nghĩa với người khác. Ngày ông trở về con đã học lớp 4, hai cha con xin tre nứa, rơm rạ của họ hàng dựng hai gian nhà vách đất. Ngày ấy, kinh tế đất nước còn khó khăn nên chế độ cho những thương binh như ông chỉ có 80 kg gạo nhưng 30% độn khoai sắn. 

Thế còn người vợ cũ của ông? tôi hỏi. Ông kể tiếp: “Bà ấy có về thăm nhưng không nói được gì, chỉ khóc thôi. Qua bà con, hàng xóm tôi được biết bà ấy đi bước nữa với một cán bộ miền Nam tập kết chuyển ngành về công tác ở huyện. Ông thử nghĩ xem, họ cũng vì chiến tranh, đất nước chia cắt mà ra đây, quê hương, người thân không có, gá nghĩa với người vợ liệt sĩ cũng là hợp lý thôi. Tôi nghĩ, dù sao mình cũng may mắn trở về quê hương có họ hàng, bà con hàng xóm mình còn thuận lợi hơn anh bạn người miền Nam tập kết. Tôi bảo bà ấy, thôi tất cả tại chiến tranh, chúng ta chẳng ai có lỗi. Bà cứ về sống với ông ấy. Bố con tôi sẽ chăm lo cho nhau. Tôi tự nhủ, một mình tôi đau đã đủ rồi, không kéo theo thêm một gia đình tan đàn xẻ nghé nữa. 

Những ngày đầu về quê, ông bươn chải đủ nghề để có tiền nuôi con ăn học. Ông Lực nhấp ngụm nước trà, nét mặt rạng rỡ nói: “Cuộc đời có mất có được ông ạ. Về phục viên một thời gian, được họ hàng vun vén, giới thiệu tôi kết hôn với cô đội trưởng đội sản xuất của Hợp tác xã Khả Lý. Bà nhà tôi tên là Tạ Thị Gái, đảm đang, chịu thương, chịu khó, thương chồng, thương con. Bà ấy sinh cho tôi ba đứa con, một trai, hai gái. Hiện nay các cháu đã có gia đình ở riêng, công việc và đời sống ổn định”. 

Ông cười ròn sảng khoái nắm tay tôi nói: Đồng đội ạ, chiến tranh qua đi gần 40 năm rồi, mỗi khi nhớ lại vẫn nhói đau. Nhưng mỗi người lính chúng ta đã biết cho nỗi buồn qua đi để đón niềm vui ở lại với cuộc đời hôm nay.

Hoàng Tiến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...