Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kiếm sống ở đáy sông

Cập nhật: 08:00 ngày 27/12/2014
(BGĐT) - Người làm nghề này phải có khả năng bơi như cá dưới nước, chịu được áp lực nước sông và có cảm nhận tốt từ đôi tay, đôi tai. Mỗi chuyến lặn cũng kiếm được vài trăm nghìn, thậm chí bạc triệu song cũng đối mặt với không ít rủi ro. Đó là tâm sự của những người mưu sinh ở đáy sông.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Khải kiếm sống ở sông Thương đã hơn 50 năm.

Thợ lặn cừ khôi

Giữa trưa, nắng đông trải khắp dòng sông Thương. Nhìn mặt nước phẳng lặng, ông Nguyễn Văn Khải,  66 tuổi ở thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) khỏa bàn tay chai sần xuống nước, nói: “Hôm nay nước ấm thế này là lặn được”. Dáng gầy gò trong bộ quần áo mỏng, chạy khởi động để người ấm hơn, ông Khải thả ống tre dài 1,2 mét, rồi buộc dây thừng nối từ rổ tre đựng viên gạch vào ống.

“Có gạch thì rổ mới chìm hẳn. Bắt được con nào thả ngay vào đó sẽ không bị trôi trượt ra ngoài”, ông Khải giải thích. Nói đoạn, người thợ già từ từ ngụp xuống đáy sông. Sóng gợn lăn tăn, cứ chừng một phút ông lại nổi lên lấy hơi rồi lại nín thở lặn xuống khúc sông dài hơn 2km. 

Khi rổ chứa đầy trai, hến, trùng trục, ông mới lên bờ. Người lạnh cóng, run cầm cập, ông vơ vội nắm lá khô đốt lửa sưởi. Đôi tay tím tái, chằng chịt vết sứt sẹo do trai hến cứa, ông lão gom đống trai hến vào bao, chằng lên xe đạp mang về nhà cho vợ mang đi bán, kịp phiên chợ chiều.

Ở thôn Phúc Mãn có khoảng chục người tuổi như ông Khải làm nghề này nhiều năm qua. Mùa lặn kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch. Khi đã vào đông, mỗi tháng chỉ lặn được vài lần bởi phải chờ sau nhiều ngày trời nắng liên tục, nhiệt độ cao thì nước mới ấm. 

Mỗi buổi lặn từ 2-3 giờ, mỗi người bắt được 30-50kg trai hến, tức khoảng 300-400 nghìn đồng. Thợ lặn thường đi theo nhóm 3-4 người. Cứ người ngoi lên, người lại ngụp xuống để đề phòng bất trắc. Nhờ có bạn lặn, các ông đã không ít lần thoát "lưỡi hái tử thần" do bị chuột rút. 

Năm nay ông Khải đã có hơn 50 năm lặn lội kiếm sống ở đáy sông. Ông ở dưới nước như người khác ở trên cạn. Nhà gần sông Thương, cùng chúng bạn chăn trâu, cắt cỏ bì bõm sông nước nên 8 tuổi, cậu bé Khải đã bơi thành thục và được người làng đặt cho biệt danh "thợ lặn cừ khôi". Bạn cùng trang lứa phần lớn đợi những ngày nước sông rút thì cậy hến ven bờ nhưng ông thường ra giữa sông ngụp xuống bắt những con trai, con hến to hơn như thách đố, khoe bạn bè.

{keywords}
Bộ đồ nghề đi lặn của ông Nguyễn Đức Tiếp.

Lớn lên, ông đi mò con vạng, con cóc tách lấy vỏ bán cho thương nghiệp làm cúc áo. Mỗi ngày làm như vậy mua được cả yến gạo. Đặc biệt, mấy năm gần đây, thi thoảng ông bắt được loài nhuyễn thể lạ vừa giống con vạng, vừa giống con trai, ông và các bạn lặn gọi là trai lai.

Bao năm lặn ngụp ở sông Thương đoạn từ xã Bố Hạ (Yên Thế) đến cầu Sông Thương (TP Bắc Giang), ông Khải nắm rõ đáy sông như lòng bàn tay - nơi cong, nơi lồi lõm, có chỗ khoét sâu hoắm vào bờ. 

“Nhiều đoạn nhìn ở trên vẫn có bờ nhô ra nhưng thực chất phía dưới đã bị rỗng bởi hoạt động hút cát, sỏi. Sông cũng vì thế mà sâu hơn. Nơi như vậy thì không có trai, hến. Nước sông ngày xưa trong xanh, nhìn thấy rõ vật ở dưới sâu cả mét nước. Khi khát có thể vục tay uống ngay được nhưng bây giờ vô số thứ đổ xuống sông, nước đục ngầu, ô nhiễm”, ông Khải tâm sự. 

“Người nhái” chuyên nghiệp

Không lặn “chay” như ông Khải, ông Nguyễn Đức Tiếp, thôn Sỏi Làng, xã Ngọc Lý (Tân Yên) trang bị đồ nghề chuyên nghiệp hơn. Đến nay ông làm nghề lặn ngụp kiếm sống được hơn 8 năm. Ban đầu ông Tiếp bơi thuyền te hến. Nhưng do có nhiều người đánh bắt, những nơi thuận lợi trai, hến cũng chẳng còn, chỉ ở ghềnh đá mới có. Rồi ông mua bộ đồ bơi thể thao về cải tiến, lắp ráp một số vật dụng để lặn lâu hơn dưới nước. 

Dưới nước ở độ sâu 6-7 mét, mọi thứ đều đen như mực nên khi nhô lên phải biết định hướng. Cũng cần bình tĩnh xử lý các tình huống khi ống khí mắc vào rào gai, bờ bụi.

Đồ nghề lặn của ông gồm: Bộ quần áo cao su, mũ mặt nạ, ống khí; bình ắc quy có tác dụng chạy sục khí được đặt trong thùng nhựa, gắn các chai nhựa rỗng đóng kín nắp xung quanh thùng. Ông Tiếp nói: “Trông thế này thôi chứ thùng nhựa kéo được cả bao hến ở dưới nước nặng chừng 50kg đấy. Tất cả các vật dụng và đồ dùng cá nhân để trong này không lo bị ướt. Giá thành không cao lắm mà lại nhiều tiện ích, hiện 6 hộ trong thôn có bộ đồ này”. 

Dùng máy có khí thở, người thợ có thể ở dưới nước 2-3 tiếng đồng hồ. Mỗi hơi lặn như thế kiếm được chừng 30kg trai, hến, trùng trục song lại khó đánh bắt ở sông lớn. Bởi lẽ do ở dưới nước nhiều giờ nên nguy cơ bị  đứt ống khí hoặc va chạm với các tàu thuyền qua lại rất nguy hiểm. Do đó, các ông chỉ lặn ở những ngòi lớn chảy ra sông Cầu, sông Thương. 

Cùng với mấy sào ruộng, nghề này giúp ông có khoản thu đáng kể, cải thiện cuộc sống. Có ngày ông kiếm được cả tạ trai, hến, trùng trục thu gần triệu bạc. Vào mùa chính vụ, khách đặt điểm cân tại nhà ông Tiếp, thu mua với giá từ 10 - 13 nghìn đồng/kg. Sản phẩm được giao buôn cho thương nhân ở Bắc Ninh rồi chở đi các tỉnh, thành khác.

Bao năm gắn bó với nghề, với sông nước, người đàn ông này biết được quy luật sinh sống của từng loài. Nơi nào nước chảy, nhiều cát thì có trùng trục; hến, trai tập trung vùng nước sạch, màu xanh, không tù đọng. Trước khi lặn người thợ đeo vào mình 5-6 viên gạch để không bị chòng chành trong nước. Cũng cần bình tĩnh xử lý các tình huống khi ống khí mắc vào rào gai, bờ bụi.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...