Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lên bản... xem phim

Cập nhật: 15:57 ngày 16/01/2015
(BGĐT) - “A lô, a lô… tối nay tại Nhà văn hóa bản Khả trình chiếu bộ phim đặc sắc, ly kỳ và hấp dẫn mang tên “Những người viết huyền thoại” do điện ảnh Việt Nam sản xuất. Đơn vị chiếu phim xin trân trọng kính mời toàn thể bà con, cô bác bản nhà có nhu cầu xem phim miễn phí, tối nay khẩn trương thu xếp công việc đến nhà văn hóa để được xem phim và thông tin cho nhiều người cùng xem…”. 

{keywords}

Một buổi chiếu phim ở bản Khả.

Những lời giới thiệu này tôi đã được nghe cách đây gần 30 năm. Hôm nay, một lần nữa tôi lại được nghe với biết bao cảm xúc thời ấu thơ háo hức đi sớm dành chỗ xem phim màn ảnh rộng.

“Các anh lại về”

Chiếc xe U-oát không thể nào cũ hơn của Đội chiếu bóng số 1, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh Bắc Giang lấm lem bùn đất, dò dẫm đưa chúng tôi tới xã Vân Sơn (Sơn Động). Dọc đường đi hễ thấy chỗ nào đông nhà dân, tuyên truyền viên của đội lại đọc sang sảng lời giới thiệu phim mời người dân đến xem. Vừa đỗ xuống bãi đất trống cạnh nhà sàn lúc 16 giờ, lũ trẻ con trong bản chạy ùa ra và quấn lấy chúng tôi mà gào lên như loan tin cho nhau rằng “các chú chiếu phim lại về rồi này”. 

Anh Hoàng Liên Sơn, người có thâm niên hơn chục năm phụ trách chiếu phim trên địa bàn huyện bảo, bọn trẻ ở đây đều thuộc mặt, biết tên 4 anh em trong đội chiếu phim và sẵn sàng giúp đỡ những việc lặt vặt. 

Mỗi năm, Đội chiếu bóng số 1 phải thực hiện hơn 200 buổi chiếu phim miễn phí phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương trên địa bàn huyện Sơn Động, mỗi thôn được phục vụ 1-2 lần/năm. Đây là thời điểm cuối năm, để hoàn thành kế hoạch được giao nên chỉ trừ hôm nào mưa to các anh mới nghỉ. 

“Tháng có 30 ngày thì chúng tôi ở trong bản tới 20 ngày, từ TP Bắc Giang lên tới trung tâm huyện Sơn Động hơn 80 km, nếu vào bản thì cộng thêm vài chục km nữa nên chỉ khi nào cơ quan có việc quan trọng, đội trưởng sẽ đại diện về, còn ba anh em chúng tôi ở lại. Buổi tối chiếu phim phục vụ bà con, ban ngày thì ra đồng gặt lúa, thu hoạch nông sản giúp đồng bào, vui lắm! Người dân ở đây rất quý cán bộ chiếu phim, những điểm xe ô tô không vào được, bà con ra tận xe lục tục giúp khuân vác đồ nghề” - anh Sơn vui vẻ nói. 

Bám bản làng

Nhá nhem tối, từ các lối mòn, trẻ con, người già và thanh niên đã xuống kín sân bãi, không khí mỗi lúc một nhộn nhịp xua đi màn đêm tĩnh mịch và sự buồn tẻ vốn có nơi vùng cao. Đội trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Việc quan trọng đầu tiên với chúng tôi là theo dõi thông tin dự báo thời tiết hàng ngày, nếu đài báo trời sẽ có mưa thì phải hủy lịch chiếu, bằng không hiệu quả tuyên truyền sẽ không cao. Ngoài ra cũng phải chuẩn bị sẵn máy phát điện phòng trường hợp mất điện hoặc những nơi chưa có điện”. 

Hơn 19 giờ tối, bộ phim được khởi chiếu, tất cả lặng im, anh Sơn nhẩm tính có khoảng 200 khán giả. Hơn 22 giờ đêm, buổi chiếu phim kết thúc, sương núi giăng kín những ngả đường, các thành viên trong đội lại thu dọn đồ đạc để ngày mai tiếp tục lên đường tới xã khác phục vụ bà con. Đội trưởng Phúc kể rằng: “Sau mỗi đêm chiếu phim, các anh trải manh chiếu, tấm đệm xuống nền nhà văn hóa để ngủ. Chuyện ăn uống đơn giản, để tránh phiền bà con nên các anh phân công nhau chuẩn bị cơm nước. Ở nhiều, ở lâu trên bản nên giờ mấy anh đã trở thành trai bản rồi"!

Đối với những bản làng vùng cao, nhiều nơi khó khăn, thậm chí chưa có điện lưới, đời sống văn hóa tinh thần thiếu thốn nên vẫn có những con người ngày đêm mang văn hóa về với đồng bào. Sơn Động là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn đang được hưởng Chương trình 30a của Chính phủ thông qua những đợt chiếu phim lưu động. Ngoài phim giải trí, đội chiếu phim còn chiếu các phim tài liệu, phim nhựa ca ngợi tinh thần anh dũng, bất khuất của nhân dân trong chiến đấu, bảo vệ tổ quốc, những cảnh báo nguy hại từ nạn ma túy, mại dâm, tuyên truyền chấp hành Luật Giao thông…

Ông Hà Viết Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bắc Giang cho biết: Hằng năm, ba đội chiếu phim lưu động của tỉnh sẽ phục vụ hơn 600 buổi chiếu miễn phí tại gần 200 xã vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh. Ngoài phim, đội còn kết hợp tuyên truyền lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia: Phòng chống suy dinh dưỡng, ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, chăm sóc sức khoẻ sinh sản...

Đảm nhiệm công việc này phải đi lại xa xôi, khó khăn, thường xuyên xa nhà, trong khi chế độ còn thấp... nhưng những cán bộ văn hóa vẫn tận tâm gắn bó với nghề. Đổi lại, các anh được đồng bào tin yêu, ủng hộ, bằng chứng là mỗi buổi chiếu phim người dân đến rất đông. Đó cũng là lý do khiến các anh nhiệt huyết “cõng” những thước phim, mang văn minh đến bản xa.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...