Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mưu sinh ngày cuối năm

Cập nhật: 16:00 ngày 28/01/2019
(BGĐT) - Những ngày cuối năm, khi mọi người tất bật sắm sửa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cũng là lúc lao động tự do tranh thủ làm thêm. Họ làm mọi việc, từ dọn dẹp, sơn sửa nhà ở, công sở cho đến vận chuyển đào, quất, hoa, bán đồ trang trí...  chỉ mong kiếm thêm khoản thu nhập để Tết này đủ đầy, ấm cúng hơn.

Lao động tự do đắt khách

Mặc dù trời vừa đổ mưa bất chợt song tại những điểm bán hoa, cây cảnh trên địa bàn TP Bắc Giang tấp nập người mua, bán. Quan sát tại đây chúng tôi thấy có nhiều cây bưởi, quất trĩu quả, cao từ 2 đến 5 m, trọng lượng từ vài chục đến hàng trăm kg. 

{keywords}

Dịch vụ vệ sinh nhà ở đắt khách dịp cuối năm.

Ảnh: Chị Ngô Thị Hiền (trái), xã Huyền Sơn dọn nhà cho một gia đình ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam).

Sau khi khách ưng ý cây hoặc chậu hoa nào, chủ gian hàng gọi thợ dùng xe chuyên chở về tận cơ quan hoặc nhà riêng. Trước nhu cầu đó, một đội xe lưu động chừng 30 người chuyên chở cây cảnh hình thành ngay tại các điểm bán hoa.

Khác với ngày thường làm nghề xe ôm, dịp cuối năm, anh Nguyễn Văn Lợi ở xã Tiền Phong (Yên Dũng) đến TP Bắc Giang nhận vận chuyển cây cảnh. Với chiếc xe máy cũ, anh làm thêm giá đỡ và xe kéo để thuận tiện kéo hàng. Đôi tay chai sạn vì sương gió, anh Lợi lấy hết sức kéo chậu quất trĩu quả cao gần 3 m và 2 chậu lan Hồ Điệp lên xe chuẩn bị giao cho khách hàng tại thị trấn Bích Động (Việt Yên).

Anh cho biết từ sáng đến giờ chạy liên tục được “4 cuốc”, trừ chi phí xăng xe còn bỏ ra gần 800 nghìn đồng. So với ngày thường dịp này việc nhiều nên thu nhập cao gấp 4, 5 lần. Tính tình hiền lành, thật thà, chất phác, anh Lợi duy trì “mối” làm ăn với nhiều cửa hàng hoa Tết. Năm nay, anh tiếp tục đảm nhận vai “shipper” giao hàng đến tận nơi cho khách.

Từ đầu tháng Chạp đến nay, với chiếc xa đạp cũ và đôi sọt, ngày nào chị Nguyễn Thị Nga, quê ở xã Mỹ Thái (Lạng Giang) cũng bán hết hơn 2 tạ hoa quả. Tranh thủ lúc chị dừng chân tại Tổ dân phố Nghĩa Long, phường Lê Lợi, tôi kịp hỏi chuyện được biết, ngày nào chị cũng dậy từ 4 giờ sáng đạp xe đến chợ Mía, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) mua hàng. 

Vừa đẩy chiếc xe chở nặng các loại quả, chị bán rong trên các tuyến phố. Mưu sinh vất vả nhưng theo lời chị kể thì không có nhiều lựa chọn vì phụ nữ ở nông thôn khó tìm việc làm. Và để dành dụm tiền mua sắm chuẩn bị đón Tết, nhất là nuôi hai con ăn học, bữa trưa chị chỉ dám mua bát bún hoặc suất cơm 10 nghìn ăn lót dạ.

Tất bật nhất những ngày này phải kể đến đội ngũ giúp việc gia đình, công nhân vệ sinh công nghiệp. Đến ngày 21 tháng Chạp, danh sách khách đặt lịch vệ sinh nhà ở với bà Nguyễn Thị Huế, quê ở xã Quế Nham (Tân Yên) đã gần 50 hộ. 

Là người cẩn thận, sạch sẽ, tỉ mỉ, mấy năm gần đây bà được nhiều gia đình ở TP Bắc Giang thuê đến dọn nhà. Lâu dần có nhiều khách quen, lưu số điện thoại liên hệ bà Huế làm vệ sinh định kỳ hoặc bất cứ khi nào khách cần. Từ tháng 12 đến nay là thời gian các gia đình có nhu cầu vệ sinh nhà cửa, bà phải từ chối nhiều nơi vì làm không hết việc.

Cho cái Tết đủ đầy hơn

Việc nhiều, thu nhập tăng theo nhưng không vì thế mà người lao động làm ăn chụp giật để mất uy tín với khách hàng. Hơn chục ngày qua, cánh thợ xây do ông Trần Văn Chức, thị trấn Chũ (Lục Ngạn) phụ trách làm 3 ca/ngày. 

Hiện nay nhóm thợ đang nhận xây nhà cho một gia đình tại xã Nghĩa Hồ. Ông cho hay, dù nhiều việc nhưng phải bảo đảm chữ “tín”, làm đâu chắc đó, không vì tiến độ gấp gáp những ngày cuối năm mà làm ẩu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nhóm thợ đang tập trung làm để kịp xong nhà cho khách trước Tết.

Thị trường việc làm cuối năm sôi động có rất nhiều việc để người lao động lựa chọn. Với không ít sinh viên, dù được nghỉ Tết sớm nhưng nhiều bạn không về quê ngay mà nán lại ở TP làm thêm vừa có tiền chi tiêu cho bản thân lại phụ giúp gia đình. 

Hoàng Minh Huệ, sinh viên năm thứ 4, Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang cho hay: "Tết năm trước em cùng các bạn bán quần áo thuê. Năm nay, em nhận uốn mi, làm đẹp cho các bạn gái chuẩn bị du xuân vui Tết. Trừ chi phí trung bình mỗi ngày dư từ 500 đến 700 nghìn đồng". Cũng năng động như Huệ, nhiều học sinh, sinh viên góp vốn mua đèn lồng, đồ trang trí về kinh doanh hoặc bán hàng ở siêu thị, phục vụ nhà hàng. 

Lao động trung tuổi ở nông thôn thì nhận dọn dẹp, giúp việc gia đình, công sở hoặc vận chuyển cây cảnh. Dù phải làm việc thường xuyên, thậm chí ở ngoài trời trong điều kiện thời tiết mưa gió, rét buốt nhưng bù lại họ được an ủi, động viên khi số tiền thu về cao hơn ngày thường.

Tết Nguyên đán đã cận kề, trên khắp ngõ phố vẫn có những người lao động vất vả mưu sinh. Họ đang nỗ lực làm việc từng giờ để có thêm khoản tiền lo cho bản thân và gia đình. Để đón Tết Kỷ Hợi năm nay được trọn vẹn niềm vui, người lao động cần nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho bản thân và những người xung quanh.

Hải Vân

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét
(BGĐT) - Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nhưng trên khắp công trường, đường phố, đồng ruộng không khí lao động, sản xuất vẫn tất bật. Các hoạt động này đã góp phần cung cấp, bảo đảm dịch vụ, cuộc sống thường ngày của người dân. Dưới đây là những hình ảnh do phóng viên Báo Bắc Giang ghi nhận.
 
Mưu sinh dưới trời nắng nóng
(BGĐT) - Từ ngày 29-6 đến nay, thời tiết nắng nóng, nhiều nơi nhiệt độ ngoài trời lên tới 39, 40 độ C. Để tránh sự ảnh hưởng của nắng gắt, nhiều người dân, người lao động tìm nơi mát mẻ "trốn nóng". Dưới đây là một số hình ảnh do phóng viên Báo Bắc Giang ghi lại.  
 
Mưu sinh trong đêm rét buốt
(BGĐT) - Trong những đêm lạnh cắt da thịt, nhiệt độ thường dưới 10 độ C nhưng vẫn có không ít người miệt mài mưu sinh. Họ không quản vất vả để sáng hôm sau, người tiêu dùng có được những bó rau, cân hoa quả tươi ngon nhất. Càng gần Tết, cuộc sống về đêm ở TP Bắc Giang càng nhộn nhịp, bên đống lửa đốt vội, họ kiên trì chăm chút từng cành đào, cây quất trước khi bán cho khách hàng. 
 
Mưu sinh ở đáy sông
(BGĐT) - Anh hỏi ai, ông Trường thợ lặn phải không? Ờ, đi thẳng, khoảng 200 mét rồi rẽ trái là đến nhà. Giờ ông ấy khá rồi, không còn vất vả như trước đâu. Một lão nông ở làng Trại, xã Cao Xá, huyện Tân Yên (Bắc Giang) nói vậy khi tôi hỏi thăm đường. 
 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...