Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vượt qua bóng tối

Cập nhật: 07:14 ngày 21/01/2017
(BGĐT) - Bỗng dưng đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, chị tưởng bầu trời sụp xuống đầu, cuộc sống trở nên vô nghĩa. Nhưng bằng ý chí, nỗ lực của bản thân cùng sự động viên, chia sẻ của mọi người, chị đã vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, sống có ích cho gia đình, xã hội.

{keywords}

Chị Đỗ Thị Nhị (ngoài cùng bên trái) tích cực giúp đỡ những hội viên khiếm thị.

Tìm nguồn sáng cuộc đời

Gặp chị Đỗ Thị Nhị (SN 1978), Chủ tịch Hội Người mù TP Bắc Giang tại trụ sở Hội trên đường Nguyễn Văn Cừ, tôi không khỏi bất ngờ bởi đó là một phụ nữ xinh xắn, ưa nhìn, khác hẳn hình dung ban đầu. Thấy tôi ngạc nhiên, cậu nhân viên văn phòng nói: “Tìm hiểu về chị Nhị, nhà báo còn nhiều điều bất ngờ nữa”. “Cậu ấy nói quá đấy. Tôi chỉ cố gắng để bằng một người bình thường, có gì đặc biệt đâu”. Chị vừa rót nước mời khách vừa khiêm tốn nói vậy, nhưng tôi biết để có nụ cười rạng rỡ, tự tin như thế, chị đã phải nỗ lực, quyết tâm rất nhiều.

Khi sinh ra, chị cũng bình thường như bao người khác. Tuổi mười tám, đôi mươi, Nhị từng làm bao chàng trai thầm thương trộm nhớ. Năm 1996, chị quen rồi nên duyên với anh Chu Hồng Quang ở phường Lê Lợi. Hai vợ chồng cùng làm công nhân tại Công ty TNHH Cầu lông Ba Sao. Hạnh phúc thêm trọn vẹn khi chị sinh cậu con trai Chu Tiến Minh bụ bẫm, đáng yêu. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã đã mang đến cho người mẹ trẻ thử thách quá lớn. Năm 2000, lúc bé Minh 3 tuổi, sau một đợt ốm, mắt chị mờ dần rồi không nhìn thấy gì nữa.

“Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, không riêng Nhị mà cả nhà đều bàng hoàng trước tin dữ đó. Lúc đầu, vẫn nuôi hy vọng bệnh có thể chữa được nên nghe ở đâu có thuốc hay, bác sĩ giỏi, người thân lại đưa chị đến chạy chữa. Tốn kém không biết bao chi phí nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Khi biết chắc không còn hy vọng chữa trị, chị hoang mang, tuyệt vọng, suốt ngày ngồi trong nhà ôm con khóc, xa lánh mọi người, thậm chí có lúc còn nghĩ đến cái chết. Song mỗi lần định buông xuôi, nghe tiếng gọi mẹ cùng vòng tay ôm riết của con thơ, chị lại từ bỏ những ý định tiêu cực. Tình yêu chồng con, sự động viên của người thân đã giúp chị dần bình tâm, học cách thích ứng với cuộc sống không ánh sáng, mỗi ngày kiên trì tập luyện một chút. Ban đầu chị học cách định vị đồ đạc trong nhà, đi lại trong bóng tối rồi sau đó đến dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu nướng chuẩn bị bữa cơm cho gia đình.

Nói thì đơn giản vậy nhưng để làm được những điều ấy, chị đã khổ luyện nhiều tháng ròng. Không biết bao lần ngã sứt đầu, mẻ trán, chân tay, mặt mũi bầm tím do va vào bờ tường, bước hẫng bậc thềm... Những lúc chán nản, chị lại tự hỏi: “Người ta làm được, sống được sao mình lại không?” rồi sau đó tự đứng dậy tập tiếp. Dần dần, đôi tai, đôi tay của chị cũng làm được việc của đôi mắt. Thời điểm này cũng là lúc chị được Hội Người mù TP vận động tham gia sinh hoạt. Gặp gỡ, giao lưu với những người cùng cảnh ngộ, chị bớt tự ti, mặc cảm, sống cởi mở hơn. Căn nhà nhỏ của chị ở đường Thánh Thiên, phường Lê Lợi giờ đây luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Nhìn đồ đạc trong nhà được bài trí gọn gàng ngăn nắp, ít ai có thể tin đó là do bàn tay của người khiếm thị làm nên.

{keywords}

Chị Đỗ Thị Nhị cùng hội viên đọc tạp chí chữ Brai.

Giúp đỡ người đồng cảnh

Tiếp xúc với chị Nhị, tôi cảm phục nghị lực lớn lao của người phụ nữ xinh đẹp để vượt lên số phận. Theo chị, cuộc sống của mình có nhiều thay đổi khi tham gia công tác xã hội. Được Hội Người mù TP quan tâm, tạo điều kiện cho đi học chữ nổi Brai và tin học dành cho người khiếm thị, công tác quản lý hội, phụ nữ nuôi con khỏe, dạy con ngoan…, chị tham gia tích cực và lớp nào cũng giành chứng chỉ giỏi, xuất sắc. Chị Nhị tâm sự: “Đi học, mở mang kiến thức, tôi nhận ra rằng được sinh ra và sống ở đời đã là hạnh phúc. So với nhiều người, tôi còn may mắn vì có thời gian nhìn thấy ánh sáng. Nhiều người còn chưa một lần nhìn thấy thế gian này thế nào. Nhưng để thoát ra khỏi 4 bức tường, ngoài sự giúp đỡ của mọi người, bản thân phải tự lực, cố gắng mới thành công”.

Từ suy nghĩ ấy, ngoài tự rèn kỹ năng thích nghi với cuộc sống, giúp chồng con yên tâm làm việc, học tập, chị còn học nghề tẩm quất, nhận làm tại nhà cho người có nhu cầu để tăng thêm thu nhập. Vốn có giọng hát hay, truyền cảm, chị mạnh dạn tham gia nhiều cuộc thi của người khiếm thị, như: "Tiếng hát từ trái tim", "Nguồn sáng cuộc đời", "Chữ Brai trong cuộc đời tôi"... và đoạt nhiều giải cao. Những nỗ lực, cố gắng của chị đã được ghi nhận. Từ năm 2007 đến nay, chị liên tục được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Người mù TP Bắc Giang. Đảm nhiệm công tác nào, chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giúp người đồng cảnh sống lạc quan hơn.

Chị Nhị chia sẻ: "Ở cương vị lãnh đạo hội, thấu hiểu tâm tư, khó khăn của người khiếm thị, tôi luôn trăn trở, mong muốn giúp họ xóa tan mặc cảm, hòa nhập cộng đồng nên thường xuyên chỉ đạo các chi hội rà soát, vận động hội viên tham gia sinh hoạt hội, học chữ nổi Brai; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, giúp hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả...". Một số hội viên hoàn cảnh khó khăn, chị đến tận nhà thăm hỏi, vận động học nghề phù hợp, thậm chí còn trích tiền lương của mình ủng hộ. Như chị Trần Thị Phương Hoa (SN 1967) ở ngõ 98 đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Trần Nguyên Hãn. Hoàn cảnh chị Hoa rất đặc biệt, mẹ khiếm thị đơn thân nuôi con, nhà cửa lụp xụp. Hai mẹ con sống chủ yếu bằng nghề đẩy xe bán cháo vất vả mà nhiều khi vẫn không đủ sống. Thấy vậy, chị Nhị đã đề nghị chính quyền địa phương, vận động hội viên, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ giúp chị Hoa sửa chữa lại căn nhà. Cá nhân chị Nhị mua tặng mẹ con người hội viên này chiếc ti vi và động viên chị Hoa đi học nghề tẩm quất tự nuôi sống bản thân. Cuộc sống của hai mẹ con người phụ nữ mù giờ đã qua cơn bĩ cực, có tiền nuôi con đi học. Nhắc lại thời gian khốn khó, chị Hoa cảm động nói: “Mẹ con tôi được như ngày hôm nay có sự giúp đỡ rất nhiều từ cô Nhị”.

{keywords}
Đi học, mở mang hiểu biết, tôi nhận ra rằng được sinh ra và sống ở đời đã là hạnh phúc. So với nhiều người cùng cảnh, tôi còn may mắn vì có thời gian nhìn thấy ánh sáng, được người thân quan tâm, yêu thương. Nhưng tôi cũng xác định, để thoát ra khỏi 4 bức tường, ngoài giúp đỡ của mọi người, bản thân phải tự lực, cố gắng mới thành công”.

Chị Đỗ Thị Nhị

Để giúp nhiều hội viên hoàn cảnh khó khăn khác, chị Nhị đã tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền, đoàn thể địa phương, các nhà hảo tâm đối với những phong trào: “Đấu gạo tình thương”, “Chăn ấm tình người”, “Chiếc gậy tình thương”, “Ngôi nhà đoàn kết”... 4 năm trở lại đây, chị cùng Ban chấp hành Hội vận động xây dựng, sửa chữa 7 căn nhà cho hội viên nghèo; quyên góp nhiều tấn gạo, hàng trăm chiếc chăn màn, gậy gấp và nhiều nhu yếu phẩm khác tặng hội viên. Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, chị thường cùng ban lãnh Hội lo cho mỗi hội viên một suất quà Tết từ 100 -200 nghìn đồng. Hiện Hội Người mù TP có hơn 90 hội viên, chỉ còn 7-8 gia đình thuộc hộ nghèo, nhiều hội viên có thu nhập cao. Điển hình là anh Nguyễn Văn Vọng, ở thôn Phú Giã, xã Song Mai với mô hình chăn nuôi gia súc, thủy sản và trồng lúa, thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Một số hội viên khác đang sống tốt bằng nghề tẩm quất tại nhà.

Những việc làm thiết thực, ý nghĩa đó đã giúp hội viên của Hội phần nào vơi bớt khó khăn, sống lạc quan, góp phần đưa Hội Người mù TP trở thành mái nhà chung ấm áp yêu thương của người khiếm thị trên địa bàn. Ông Đỗ Trung Kiên, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh nhận xét: Nhờ sự dẫn dắt của chị Đỗ Thị Nhị, nhiều năm qua, Hội Người mù TP là một trong những đơn vị hoạt động xuất sắc, bản thân chị nhiều lần được T.Ư Hội Người mù Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Tuấn Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...