Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sắc mới ở vùng quê cách mạng

Cập nhật: 08:51 ngày 03/02/2017
(BGĐT) - Chiến khu Bừng năm xưa nay là xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) từng là căn cứ địa cách mạng quan trọng đang từng ngày thay da, đổi thịt. Qua đó khẳng định vùng đất này không chỉ anh hùng trong kháng chiến mà còn là điểm sáng về xây dựng cuộc sống mới.
{keywords}

Nhà văn hóa thôn Mải Hạ được xây mới từ tiền đóng góp của người dân.

Đổi thay cách làm, tăng thu nhập

Về xã Tân Thanh những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông Đoàn Văn Tài, thôn Tê, người có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở tuổi gần 90, ông Tài vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông bồi hồi: “Không ngờ tôi lại may mắn được chứng kiến cuộc sống đổi thay như hôm nay. Nhà nhà no đủ, không như ngày xưa khoai, sắn chẳng có mà ăn nói gì đến cơm gạo trắng. Nhớ về năm tháng đã qua, chúng tôi luôn biết ơn Đảng, Nhà nước và những người đã chiến đấu anh dũng cho Tổ quốc mình”. Hòa bình lập lại, anh du kích Tài xây dựng gia đình và sinh được 6 người con. 

Theo gương cha mẹ tần tảo sớm hôm, các con của ông chịu khó trồng trọt, chăn nuôi để tăng thu nhập nên đều có của ăn, của để. Điển hình là anh Đoàn Văn Thắng. Với diện tích hơn 2 ha vườn đồi, anh trồng dứa, vải thiều và nuôi gà. Riêng vụ Tết vừa qua, anh bán hơn 7 nghìn quả dứa trái vụ với giá bình quân 8 nghìn đồng/quả tại vườn, thu về hơn 50 triệu đồng. 

Các tiêu chí xã Tân Thanh đạt được trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm: Điện; nhà ở dân cư; bưu điện; thu nhập bình quân đầu người; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ lao động; hợp tác xã; giáo dục, y tế; an ninh trật tự.

Tương tự, hộ anh Giáp Văn Sáng cùng thôn trồng hơn hai vạn gốc dứa. Bán Tết gần một vạn quả, hiện số dứa còn lại trong vườn đã có khách đặt hàng. Anh chia sẻ: “Học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi nên hầu hết các hộ trong xã đều biết cách điều tiết dứa cho quả nghịch vụ. Đó là ra quả, chín vào dịp Tết hoặc tháng Giêng. Làm như vậy tốn công hơn nhưng bù lại giá bán cao gấp 2-3 lần so với phương pháp thông thường”.

Không chỉ trồng gần 500 ha cây ăn quả, tận dụng lợi thế vườn đồi rộng, hàng chục hộ tại xã làm lán sản xuất nấm tươi. Đơn cử, vụ đông vừa qua, lần đầu tiên gia đình ông Đỗ Đức Quảng, thôn Tuấn Mỹ mạnh dạn trồng nấm sò tím quy mô gần 1.000 m2. Chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nấm sinh sôi thành từng chùm, được nhiều khách ưa chuộng hơn so với nấm trắng. Giáp Tết, giá nấm sò lên tới hơn 40 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi so với ngày thường nên gia đình ông thắng lớn, thu lãi hơn 200 triệu đồng/vụ. Cùng với trồng trọt, các hộ dân còn phát triển mạnh chăn nuôi. Năm 2016, giá trị thu nhập từ gia súc, gia cầm toàn xã đạt gần 50 tỷ đồng. 

Theo đại diện lãnh đạo xã, thu nhập chính của người dân vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên nhờ đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc đã đưa năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tăng, giúp cuộc sống của người dân cải thiện, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm, cao hơn 10 triệu đồng so với 5 năm trước.

Tạo diện mạo mới

Kinh tế phát triển, người dân trong xã tích cực góp sức xây dựng quê hương. Đổi thay dễ nhận thấy ở đây là đường giao thông hầu hết được đổ cấp phối, mở rộng lên 6 m, tăng 2 m so với trước. Nhựa hóa, bê tông hóa đường trục xã, liên xã; đường ngõ xóm phong quang, xe cơ giới lưu thông dễ dàng nhờ hàng trăm hộ hiến đất. Các công trình công cộng như: Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn được “thay áo mới” theo hướng ngày một hiện đại. 

Ví như ở thôn Mải Hạ, xuân này, bà con vui đón năm mới tại khuôn viên nhà văn hóa khang trang, rộng rãi. Tại đây có sân bóng chuyền hơi, cầu lông để người dân rèn luyện sức khỏe. Toàn bộ kinh phí hơn 500 triệu đồng xây dựng công trình đều do nhân dân đóng góp. Với phương châm không huy động quá sức dân nên phong trào chung tay làm nhà văn hóa tạo được sự đồng thuận cao. Anh Nguyễn Văn Tình, người dân ở thôn nói: “Nhà văn hóa diễn ra hoạt động cộng đồng, mang lại lợi ích chung. Vì vậy, làm thợ điện, nước, tôi đã góp toàn bộ vật tư, thiết bị điện và công lắp đặt cho công trình trị giá khoảng 8 triệu đồng”.

Bên cạnh đó, chăm lo đời sống tinh thần của người dân được chú trọng. 12/12 thôn thường xuyên duy trì sinh hoạt câu lạc bộ văn nghệ, đội bóng đá nữ, bóng chuyền hơi; tu bổ công trình văn hóa tâm linh… Nhờ vậy, năm 2016, Tân Thanh đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Đức cho biết: “Dựa vào lợi thế của địa phương về đất canh tác, thời gian tới, xã định hướng mở rộng diện tích cây ăn quả, lúa chất lượng, nấm; tuyên truyền để người dân nắm rõ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó đoàn kết đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa mới, phấn đấu đạt xã nông thôn mới vào năm 2020”.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...