Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người về từ Thành cổ

Cập nhật: 07:00 ngày 19/03/2017
(BGĐT) - Mùa hè đỏ lửa năm 1972, chàng trai quê Bắc Giang Thân Đức Sáng (SN 1953) chưa kịp tốt nghiệp cấp 3 đã có mặt trong chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị.
{keywords}
Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.

Ra đi lành lặn, trở về mất 81% sức khỏe nhưng chỉ một năm sau đó, người thương binh nặng ấy đã nỗ lực thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trải qua nhiều vị trí công tác, trước khi về nghỉ hưu năm 2011, ông Sáng có gần 20 năm làm Phó Giám đốc phụ trách rồi Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường huyện Tân Yên. Nhắc đến ông, nhiều người cũng nhắc đến một gia đình văn hóa tiêu biểu với 4 người con thành đạt (hai con làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài, một thạc sĩ và 1 cử nhân ngân hàng).

Nhớ thương người nằm lại

Tháng Bảy năm 2014, sau hơn bốn mươi năm chiến đấu, ông Sáng mới cùng người vợ thân yêu Trần Thị Phóng trở lại thăm chiến trường xưa Quảng Trị. “Thành cổ giờ đã được phủ xanh màu cây cỏ, nhiều dấu vết xưa đã không thể nhận ra. Bên dòng sông Thạch Hãn từng diễn ra những trận đánh như cối xay thịt để giành từng tấc đất đau thương. Cuộc chiến ở đây như một huyền thoại, khốc liệt và bi tráng. Bao máu xương của đồng đội đã đổ, đau xót và nhớ thương không nguôi”- ông Sáng bùi ngùi nhớ lại. Ngồi nghe ông kể về chuyến đi, về những kỷ niệm cuộc chiến, tôi hiểu rằng, tuổi tác và thời gian không thể xóa nhòa được những năm tháng chiến trường, đồng đội gắn bó bên nhau vào sinh ra tử.

Đưa tay xoa những vết thương đã sần sùi sẹo, ánh mắt ông nhìn xa xăm, đôi chân mày nhíu lại như để nhớ về một thời khói lửa. Trầm ngâm đôi chút, ông kể: "Đơn vị tôi là đặc công trinh sát thuộc Sư đoàn 325 vào mặt trận có nhiệm vụ vừa chốt ở bờ bắc sông Thạch Hãn (làng Nham Biền), đối diện bờ nam là Thành cổ Quảng Trị, lại vừa thực hiện trinh sát và tập kích địch bên kia sông xung quanh Thành cổ. Chập tối ngày 20-8-1972, trên đường đi tập kích, mũi chiến đấu của tôi bị một loạt pháo địch bắn tới. Lúc ấy tôi chỉ thấy ánh chớp, ngã dúi dụi xuống bãi cát ven sông, muốn đứng dậy nhưng mất thăng bằng không sao gượng được. Nhìn xuống chân trái thấy máu chảy, tôi biết mình đã bị thương. Mất nhiều máu, đồng đội kịp ga-rô vết thương cho tôi ngay tại trận địa đỏ lửa, rồi cáng ra Trạm phẫu tiền phương tại Ai Tử". Do vết thương cắt đúng mạch máu, chân trái ông bị hoại tử phải tháo rời khớp gối, cụt sát tận đùi. Bàn tay đang lành lặn cũng trở nên tàn phế, nham nhở bởi vết đạn. Giám định y khoa ông bị thương tật mất 81% sức khỏe, là thương binh loại nặng nhất 1/4. “Mặc dù bị thương nặng nhưng tôi vẫn còn may mắn hơn bao đồng đội là được trở về, được học tập, lao động và công tác, lại có một gia đình đủ đầy với những đứa con lành lặn.”- ông Sáng tâm sự.

Nghị lực tuyệt vời

Tỉnh dậy trên giường điều dưỡng ở Đoàn 157, giơ bàn tay bị cụt ngón và nhìn xuống thấy mất hẳn một chân, chàng thanh niên 19 tuổi hình dung ra cuộc đời mình còn “quãng đường” rất dài ở phía trước. Lúc ấy, câu hỏi đầu tiên ông nghĩ đến đó là “Với thương tật nặng thế này, tương lai sẽ như thế nào đây, có được cuộc sống bình thường như những người khác không?”. Câu hỏi đó đã thôi thúc ông đặt quyết tâm phải đi học. Với một nghị lực tuyệt vời, ông vừa chữa trị vết thương, vừa ôn thi đại học. Tháng 11-1973, thương binh Thân Đức Sáng trở thành tân sinh viên Trường Đại học Kinh tế -Kế hoạch Hà Nội hệ chính quy. 

{keywords}

Ông Thân Đức Sáng (bên trái) với đồng đội.

Sau 5 năm dùi mài kinh sử, tốt nghiệp, ông nhận công tác tại Ty Công nghiệp Hà Bắc. Thời bao cấp kinh tế khó khăn, ông phải nhờ cậy mãi mới xin được về Ban Kế hoạch huyện Tân Yên công tác cho gần nhà, trước hết là đỡ khoản đi lại hơn 30 km, sau là cùng vợ làm nông nghiệp, phát triển kinh tế, nuôi dạy các con. Là cán bộ nhà nước nhưng công việc chính của ông lại gắn bó với con trâu, cái cày, chăn gà, nuôi lợn, trồng sắn, người nông dân làm việc gì ông cũng làm việc đó, thậm chí gia đình còn xây cả lò sấy thuốc lá bán sản phẩm sợi cho Ty Thương nghiệp. Người lành lặn cày cuốc đã vất vả, ông thương tật đầy mình còn khó nhọc hơn rất nhiều. Nhưng ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ cùng với sự chắt chiu, tảo tần, biết lo toan, chia sẻ của người vợ đã chiến thắng, khi đó gia đình ông thuộc diện có của ăn của để ở làng. Rồi 4 người con lần lượt ra đời đều lành lặn, đó là niềm hạnh phúc vô bờ mà không phải gia đình người cựu binh nào cũng có được. 

Người lành lặn cày cuốc đã vất vả, ông thương tật đầy mình còn khó nhọc hơn rất nhiều. Nhưng ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ cùng với sự chắt chiu, tảo tần, biết lo toan, chia sẻ của người vợ đã chiến thắng, khi đó gia đình ông thuộc diện có của ăn của để ở làng. Rồi 4 người con lần lượt ra đời đều lành lặn, đó là niềm hạnh phúc vô bờ mà không phải gia đình người cựu binh nào cũng có được.

Rời Ban Kế hoạch huyện Tân Yên, ông chuyển sang công tác tại Trạm Thú y, rồi cán bộ Công ty Dịch vụ giống cây trồng huyện, Trưởng Trung tâm tự nguyện đưa tiến bộ KHKT vào hộ nông dân huyện Tân Yên. Ở môi trường nào ông cũng phát huy được năng lực, lấy chính mảnh vườn, góc ruộng của gia đình làm nơi thử nghiệm các kỹ thuật cũng như tiến bộ nông nghiệp mới, thành công rồi ông mới nhân ra diện rộng. 

Trong cuộc đời của mình, ông có thời gian công tác lâu nhất là ở Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường huyện Tân Yên (từ năm 1996 đến 2011). Trên cương vị Phó Giám đốc phụ trách rồi Giám đốc, ông đã triển khai có hiệu quả 30 dự án, đề tài khoa học, trong đó cá nhân thực hiện 10 dự án, đề tài. Ông chính là người đầu tiên đưa cây nấm mỡ về trồng ở Bắc Giang. Năm 1991, huyện Tân Yên được chọn làm một điểm tham gia dự án "Sản xuất nấm mỡ năng suất cao" của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường. Ông được cử đi Đà Lạt tập huấn kỹ thuật để về triển khai tại địa phương. Từ cây nấm mỡ rồi đến nấm sò, mộc nhĩ và đặc biệt là linh chi sau đó cũng được ông trồng thành công, rồi phổ biến đến bà con. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông vẫn thu hoạch khoảng 50kg nấm linh chi khô, sản phẩm làm ra không đủ tiêu thụ.

Dành cho con vốn văn hóa

Nhắc đến gia đình vợ chồng thương binh Thân Đức Sáng-Trần Thị Phóng, bà con trong xóm ngoài làng đều nói về 4 người con của ông bà như một tấm gương cho con cháu mình noi theo. Ông tâm sự: "Các con là tài sản lớn nhất đối với tôi, tôi luôn mong muốn dành cho con vốn văn hóa". Ông thường xuyên khơi gợi, truyền cho con tinh thần tự giác, ham học, coi học vấn là nấc thang quan trọng nhất để thành công. Sinh ra rồi lớn lên từ cây lúa, củ khoai, uống dòng nước giếng khơi trong lành, được cha định hướng, các con ông đều có ý thức quyết tâm học tập từ bé. Cả 4 chị em nỗ lực thi đỗ vào Trường THPT Tân Yên số 1- ngôi trường cấp 3 được đánh giá là tốt nhất của huyện cách nhà 12 km, thậm chí ông còn thuê ở trọ cho con thuận tiện việc học tập. 

{keywords}

Ông Thân Đức Sáng kiểm tra nấm linh chi.

Trong bối cảnh nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, không ít học sinh cấp 3 nhờ ông tư vấn thi vào trường nào, học ngành gì để khi ra trường có công ăn việc làm? Ông bảo: Làm gì, học gì cũng phải có niềm đam mê, trường dân lập hay công lập đều được cả, có đam mê mới giúp các cháu tập trung để học giỏi, mà học giỏi thì đều có việc làm. Bằng cấp mà không làm được việc thì cũng không có ý nghĩa. Có cha là thương binh hạng ¼, các con được ưu tiên trong học tập, thi cử, nhưng ông luôn nhắc nhở, căn dặn phải lấy đó làm động lực vươn lên chứ không phải để dựa dẫm, ỷ lại. 

Ông đặt điều kiện “Nếu đứa nào học lên thạc sĩ, tiến sĩ thì dù đã lập gia đình, ở riêng rồi bố vẫn chu cấp đến nơi đến chốn”. Được sự động viên, khích lệ học tập của bố, ít ai nghĩ rằng ở vùng nông thôn sâu xa của huyện mà ông có 2 người con gái nhận bằng tiến sĩ ở nước ngoài. Thân Thị Trang Uyên (SN 1981) công tác tại Viện Chăn nuôi, bảo vệ xong luận án Tiến sĩ lĩnh vực y - sinh tại Úc năm 2016. Thân Thị Linh Quyên (SN 1983), đang làm nghiên cứu sinh tại Đan Mạch. Thân Thị Nguyệt Phòng (SN 1985) là thạc sĩ tài chính, công tác tại Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Hà Nội. Còn cậu út sinh năm 1990 Thân Đức Hùng Quốc, cử nhân Học viện Ngân hàng, đang công tác tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Giang. 

Giờ đây, sống trong ngôi biệt thự do ông tự thiết kế nằm ở thôn Bờ Vàng, xã Đại Hóa (Tân Yên) mới khánh thành trước Tết vừa rồi, người đảng viên, cựu chiến binh, thương binh Thân Đức Sáng có thể tự hào khi đã làm theo đúng lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...