Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Truyền nhân tinh hoa võ thuật

Cập nhật: 10:47 ngày 14/04/2017
(BGĐT) - Nếu đến cảng Á Lữ (TP Bắc Giang) hỏi nhà võ sư Lương Thế Nghĩa thì từ người già đến trẻ em đều tường tận. Căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ cạnh sông Thương cũng chính là võ đường Bắc Giang II từng đào tạo hàng nghìn môn đồ suốt 30 năm qua. Tuy tuổi cao nhưng võ sư vẫn tận tụy truyền dạy cho học trò những đường quyền tinh túy nhất của môn phái.
{keywords}
Dù tuổi cao nhưng võ sư Lương Thế Nghĩa vẫn luyện tập hàng ngày.

Bậc thầy làng võ

{keywords}

Tôi là võ sư nhưng từ trước đến nay sử dụng tới 7 phần văn, chỉ có 3 phần võ. Nói thế để thấy rằng người học võ phải đức độ, vị tha và sống chan hòa yêu thương".


Võ sư Lương Thế Nghĩa

Lần đầu tiếp xúc với lão võ sư Nghĩa, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi ở tuổi 80 mà ông vẫn giữ được cơ thể rắn chắc, dẻo dai, cường tráng và khá hoạt ngôn. Càng ngạc nhiên hơn khi chứng kiến ông thể hiện những công phu võ nghệ đẹp mắt, hiệu quả. Dù nắm giữ nhiều kiến thức võ học nhưng lúc nào võ sư cũng khiêm nhường, nho nhã và luôn hào hiệp, thoải mái, cũng vì thế mà ngay tên võ đường Bắc Giang II cũng là cách ông thể hiện sự khiêm tốn, chỉ nhận mình về sau. Ngoài một ban thờ có tượng Bồ Đề Đạt Ma sư tổ (người sáng lập ra môn phái Thiếu Lâm), trong căn phòng nhỏ trên gác hai của võ đường trưng bày rất nhiều kỷ vật, huân, huy chương thời quân ngũ và hình ảnh hoạt động của võ đường mấy chục năm qua. 

Được hỏi về võ thuật, tinh thần lão võ sư phấn chấn hẳn lên, thỉnh thoảng ông lại nhảy ra một khoảng trống mà vận công, rồi bổ ngũ trảo, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn, săn chắc, chỉ vài động tác là mồ hôi bị ép tuôn ra từng dòng. Kể về bản thân, ông Nghĩa bảo: "Thực ra tên bố mẹ đặt cho tôi là Lương Văn Nghĩa nhưng mình theo học võ đổi thành Lương Thế Nghĩa cho mạnh mẽ. Khi 14 tuổi, tôi bắt đầu học võ, về quê nội ở Hải Phòng bái sư theo môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông Bắc phái. Một đời lặng lẽ theo đuổi đam mê, vì không muốn những bí kíp bị uổng phí khi mình mất đi nên tôi đã nghĩ đến việc truyền dạy cho hậu thế. Sau khi kiểm tra tư cách, mục đích học võ, tôi mới xem xét có chấp nhận hay từ chối nhận môn đồ”. 

Năm 1968, ông Lương Thế Nghĩa với lưng vốn đầy đặn về võ nghệ đã theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ; từng tham gia giữ chốt 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị. Hòa bình lập lại, người cựu binh ấy phục viên và chuyển về làm công tác vận tải đường bộ, năm 1988 quyết định về quê mở võ đường. Ba năm đầu ông dạy phong trào cho thiếu nhi trong xóm nhưng sau này chỉ dạy võ cho người độ tuổi sắp trưởng thành trở lên. Theo giải thích của võ sư, lúc này nhân cách, nhận thức của học trò dần hoàn thiện sẽ tránh được sự bồng bột không đáng có khi có chút võ công trong người. Môn đồ học tại đây ba năm đầu không mất học phí, từ năm thứ tư trở đi thì đóng góp “tùy tâm”. 

{keywords}

Võ sư Lương Thế Nghĩa (bên phải) hướng dẫn học trò. Ảnh nhân vật cung cấp.

Trong giới võ thuật từ thời Hà Bắc xưa, nhiều người không lạ võ sư Nghĩa nhưng sở dĩ người ngoại đạo ít biết về ông một phần vì võ sư không thích ồn ào, phần khác do học trò không tham gia chuyên nghiệp nên võ sư ít xuất hiện trong các sự kiện võ thuật của tỉnh. 

Mở võ đường được chừng 3 năm, ông Nghĩa mang quân thi đấu tại Lễ hội Yên Thế và đại thắng trở về vì không có đối thủ, đó là lần đầu và cũng là lần cuối cùng tham gia tranh tài giải võ thuật của tỉnh. Sau đó ông chỉ âm thầm dạy võ mà không xuất hiện trong các sự kiện võ thuật. Đánh giá về võ sư Nghĩa, cả võ sư Hải Hữu (TP Hồ Chí Minh) và trọng tài võ thuật Khởi Toàn (Bắc Ninh) đều cho rằng đất Hà Bắc hiếm có một nhân tài như vậy, ông Nghĩa xứng đáng là “cây cao bóng cả” và là bậc thầy của võ học trong vùng. 

Dạy võ, rèn đức

Vẫn giữ được nếp xưa, thầy Nghĩa rất khắt khe mỗi khi chọn học trò để truyền dạy võ thuật, tuyệt đối cấm học trò  uống rượu vì làm cho tâm không ổn định. Đồng thời dạy học trò cả về võ thuật lẫn võ đức nhằm khoẻ về cơ thể và đẹp về tâm hồn. Học trò của thầy đều rất lễ phép, biết đối nhân xử thế đúng với tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản". Dù là cao thủ nhưng mấy chục năm nay ông chưa hề đánh ai. 

Ông giải thích: “Tôi là võ sư nhưng từ trước đến nay sử dụng tới 7 phần văn, chỉ có 3 phần võ. Nói thế để thấy rằng người học võ phải đức độ, vị tha và sống chan hòa yêu thương. Môn đồ phải có tinh thần đoàn kết, tuyệt đối không được hung hăng, khệnh khạng, phải biết sử dụng võ thuật đúng chỗ, đúng lúc. Không ít học trò chịu phạt, thậm chí bị “gạch tên” khỏi sư môn vì vi phạm quy định của võ đường”. Ban đầu môn đồ được học thể lực, đạo đức rồi mới học đến tấn, có nhiều bộ tấn như: Tấn tại chỗ, tấn di chuyển, tấn đánh. “Khi mở tấn ra phải “thượng thu hạ thách” thì mới khỏe. Tiếp đến là được học các bài Quan Âm tấn, quyền cước liên hoàn, tứ lộ quyền, thủ pháp Sơn Đông rồi học thế đòn, nuôi dưỡng khí, vận khí.  

{keywords}

Một buổi tập luyện tại võ đường.

Mỗi khóa học, võ đường tiếp nhận 30 người, mùa hè sân sới thường chật cứng, nhiều em ở xa ăn ở luôn tại nhà thầy. Học trò của ông Nghĩa đến từ Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Trong đó có cả chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp nhưng không ai theo con đường chuyên nghiệp mà mục đích chính học võ để tự vệ, rèn luyện sức khỏe. 

Hai người con trai của ông dù có kỹ thuật tốt nhưng cũng không theo nghiệp võ của cha. Sự an ủi lớn đối với võ sư đó là đã dạy cho học trò biết cách phòng vệ và rèn luyện thể lực, tránh xa những điều xấu, điều ác. Võ sư giải thích: Trong võ thuật “khỏe đẻ ra miếng” nhưng trí tuệ rất quan trọng, dù anh có sức mạnh nhưng không có cái đầu thì không thể thắng được đối phương. Tôi dạy học trò không bao giờ được phép dùng các đòn hiểm chết người mà chỉ được tự vệ làm cho đối phương mất khả năng chiến đấu”.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...