Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Anh ngã xuống, hiên ngang trước giờ toàn thắng

Cập nhật: 15:47 ngày 28/04/2017
(BGĐT) - Sáng 30-4-1975, chỉ vài giờ trước khi giải phóng, Đại úy Ngô Văn Nhỡ, xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) đã anh dũng hy sinh ngay cửa ngõ Sài Gòn. Trong làn mưa đạn của kẻ thù, hình ảnh người chỉ huy hiên ngang hô vang: “Hãy nhằm thẳng Sài Gòn! Tiến lên!” đã thôi thúc cả tiểu đoàn xung phong tiêu diệt địch. 
{keywords}
Xe tăng của Lữ đoàn 203 trên xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn sáng 30-4-1975.  Ảnh tư liệu

“Hãy nhằm thẳng Sài Gòn! Tiến lên!”

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại úy Ngô Văn Nhỡ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đoàn đánh địch ở cầu xa lộ (Đồng Nai). Đây là cây cầu rất quan trọng, lá chắn cuối cùng của quân địch tại cửa ngõ Sài Gòn. Do vậy, địch bố trí hệ thống phòng thủ dày đặc, quyết chặn hướng tiến công của ta. Chúng bố trí hơn chục xe tăng, thiết giáp cùng bộ binh dàn ra giữ cầu, nhiều xe án ngữ ngay trên mặt cầu, một số chôn chìm xuống đất, chỉ ngóc nòng pháo lên. Dưới sông, tàu chiến địch bắn mạnh về hướng cầu.

Cầu kết cấu hình vòm nên địch rất dễ quan sát đội hình của ta, trong khi ta rất khó quan sát được địch. Do đó, ba chiếc xe tăng của ta đi đầu đều bị chúng bắn cháy, lửa khói mù mịt khiến đội hình phía sau dồn lại, không thể di chuyển lên phía trước. Trước tình hình đó, đang ngồi trên xe tăng, Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ lập tức bật cửa xe, nhô hẳn người lên để quan sát địch và chỉ huy đơn vị vượt cầu. Trong làn mưa đạn, hình ảnh người chỉ huy hiên ngang hô vang mệnh lệnh: “Hãy nhằm thẳng Sài Gòn! Tiến lên!” là động lực thôi thúc cả tiểu đoàn xông lên. Thế nhưng một loạt đạn của kẻ thù đã bắn trúng anh, máu thấm đỏ cả mũ và áo, Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ đã anh dũng hy sinh ngay trên tháp pháo xe tăng, cách cánh cổng Dinh Độc Lập không xa, ngay trước giờ toàn thắng chỉ vài tiếng đồng hồ.

Bên nhau ngắn ngủi nhưng hạnh phúc đong đầy

42 năm sau ngày thống nhất đất nước cũng là bằng ấy năm bà Quách Thị Loan không nguôi nhớ về người chồng liệt sĩ - Anh hùng LLVT Ngô Văn Nhỡ. Trong câu chuyện tại nhà riêng ở thôn Phúc Thắng, xã Đức Thắng, khi tôi nhắc đến ngày 30- 4- 1975, ánh mắt bà chùng xuống như thể đang nén niềm đau. Niềm hạnh phúc vỡ òa trong ngày toàn thắng cũng là ngày bà không thể quên. Thời gian đã làm cho mái tóc bà bạc trắng, vết đồi mồi hiện rõ trên khuôn mặt phúc hậu nhưng thời gian không thể nào xóa được ký ức về những ngày vợ chồng bên nhau tuy ngắn ngủi nhưng tràn đầy hạnh phúc.

{keywords}

Bà Quách Thị Loan.

Bà kể: “Tôi và anh Nhỡ cùng ở xã Đức Thắng, anh thôn Tân Hưng, còn tôi thôn Phúc Thắng, hai thôn nằm kề nhau. Anh ấy hơn tôi bốn tuổi, sinh năm 1944. Chưa đầy hai mươi tuổi, anh xin đi bộ đội. Anh Nhỡ rất ít nói, nghỉ phép đến nhà tôi chơi, anh chỉ bảo: Anh tên là Nhỡ, con ông Lẫm bà Sửu, em bác Đồng (ông Ngô Văn Đồng hy sinh năm 1973 tại mặt trận Quảng Nam-PV). Anh về phép một tuần, thầy u anh bảo anh đến thăm em và gia đình...”. Đấy, anh “tán” tôi chỉ nói được có thế, vậy mà mặt cứ đỏ lựng lên. Rồi anh lại vào chiến trường, mấy tuần sau, tôi nhận được thư. Mãi đến giữa năm 1973, anh mới được về phép, chúng tôi cưới nhau trong đợt phép ngắn ngủi ấy, khi đó tôi là y tá ở Bệnh xá Tỉnh đội Bắc Giang. Rồi anh lại đi ngay, mặt trận Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) nơi anh đóng quân vô cùng nóng bỏng. Chẳng có thời gian về với quê hương, gia đình, thầy u chồng cứ giục tôi vào với anh, bán cả con trâu cày lấy tiền đưa tôi đi đường. Mùa hè năm 1974, tôi một mình lặn lội vào Quảng Trị thăm chồng mới cưới. Và rồi, Ngô Văn Việt - đứa con trai mà anh đặt tên để kỷ niệm về vùng đất lửa Cửa Việt năm ấy là giọt máu duy nhất của chúng tôi đã chào đời khỏe mạnh vào tháng 3-1975.

- Vậy là ông hy sinh khi con trai mới được hơn 1 tháng tuổi- Tôi nối tiếp mạch chuyện.

- Anh Nhỡ hy sinh đúng sáng 30-4. Nhận tin dữ từ một người đồng đội của anh, tôi nấc nghẹn rồi òa khóc nức nở. Giải phóng rồi mà anh Nhỡ lại chết. Tôi giữ chặt nỗi đau vào sâu trong tim, lặng lẽ nhìn lên bàn thờ- nơi đó có di ảnh của bác Đồng (liệt sĩ Ngô Văn Đồng) và chú Hảo (liệt sĩ Ngô Văn Hảo). Vẫn biết chiến tranh là mất mát nhưng hy sinh vào thời điểm ấy, thật đáng tiếc.

Mắt đỏ hoe, bà Loan kể tiếp:

- Tôi thương mình thì ít mà thương thầy u chồng thì nhiều. Quảng Nam, Sông Bé, Sài Gòn, ba người con trai của thầy u tôi đã hy sinh ở ba nơi đó. Chú Hảo trẻ nhất (SN 1948) nhưng lại hy sinh sớm nhất khi mới 20 tuổi, chưa có mối tình nào.

- Năm ông Nhỡ hy sinh, bà mới 27 tuổi. Đẹp người, đẹp nết, công việc ổn định, có nhiều cơ hội cho tương lai. Vậy mà bà lại ở vậy, một mình nuôi con…?

- Từ ngày anh Nhỡ hy sinh, tôi chưa bao giờ có ý định đi bước nữa. Tôi luôn tâm nguyện ở lại nhà chồng, cùng anh chị em chăm sóc bố mẹ, nuôi nấng, dạy dỗ con trai. Chị dâu tôi là Nguyễn Thị Liễu (vợ bác Đồng) cũng ở vậy nuôi con đến tận bây giờ.

Giờ đây, ở tuổi 70, bà Loan có một cuộc sống thanh đạm bên căn nhà nhỏ rợp bóng cây xanh, có vườn rộng, hoa thơm, mùa nào thức ấy. Ngô Văn Việt giờ đã là bố của hai đứa trẻ. Không biết mặt cha, mọi ký ức về bố, Việt chỉ nghe qua lời mẹ, lời bà kể lại. Nhưng đối với Ngô Văn Việt thì bố Nhỡ luôn là tấm gương sáng để anh cố gắng, khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, trở thành người con hiếu thảo với mẹ, với gia đình và sống có ích cho xã hội.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...