Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đông trùng hạ thảo “mọc” ở dãy Nham Biền

Cập nhật: 10:20 ngày 28/07/2017
(BGĐT) - Trong dân gian, Đông trùng hạ thảo được xem như “thần dược” vì dùng để bồi bổ bệnh nhân suy nhược, hỗ trợ sức khoẻ, nâng cao khả năng đề kháng cho cơ thể. Đông y từ lâu đã công nhận những tác dụng tích cực của vị thuốc quý hiếm và đắt đỏ có nguồn gốc từ vùng Tây Tạng (Trung Quốc) xa xôi. Vậy mà giờ đây, dưới chân dãy Nham Biền, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), nấm Đông trùng hạ thảo đang được nuôi trồng trong điều kiện hiện đại.
{keywords}

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quán.

“Nuôi” nấm tiền triệu trong phòng lạnh

Ngay bên quốc lộ 17 đoạn qua thôn Yên Sơn, xã Tiền Phong (Yên Dũng) có một không gian thoáng đãng với nhiều dãy nhà đang được sửa chữa. Các khu nhà không còn mới tựa lưng vào dãy Nham Biền xen giữa những cây nhãn to bằng cả vòng tay người lớn. Đặc biệt nhất ở đây là căn phòng đã được cải tạo, ốp gạch trắng tinh, máy điều hòa nhiệt độ chạy 24/24 giờ.

Trò chuyện dưới bóng cây để tránh cái nóng mùa hè gay gắt, ngồi đối diện với tôi là một người đàn ông với tác phong điềm đạm, ánh mắt và giọng nói mang đầy bản lĩnh của nhà khoa học kỳ cựu. Ông khác hẳn với lời giới thiệu của anh bạn tôi rằng ông đã gần 80 tuổi và trải qua đợt tai biến mạch máu não rất nặng cách đây khoảng 10 năm, mất hết trí nhớ trong thời gian dài. Da dẻ hồng hào, nhanh nhẹn, minh mẫn, ông nói với tôi: “Đó là nhờ Đông trùng hạ thảo đấy. Ngày tôi bị tai biến, bạn bè biết nên gửi cho dùng, không ngờ nó đã đưa tôi từ cõi chết trở về”.

Ông kể: “Quê tôi ở Bình Đà (Hà Tây cũ), ngay từ nhỏ, tôi đã được gửi sang Liên Xô học tập, lứa học sinh khi ấy sau này nhiều người trở thành những nhà khoa học nổi tiếng, hạt nhân của nền khoa học-kỹ thuật nước nhà. Sau khi tốt nghiệp Đại học Moskva, tôi trở về Việt Nam công tác, những năm đó tôi cũng có biết thông tin về Đông trùng hạ thảo nhưng chưa để tâm nhiều. Chỉ đến khi bị tai biến, được những người bạn giới thiệu và mua gửi cho dùng, bệnh tình chuyển biến tích cực, tôi mới tập trung tìm hiểu và nghiên cứu về loại biệt dược này”.

Nhiều người cho rằng, Đông trùng hạ thảo là sinh vật đặc biệt, ở dạng côn trùng vào mùa đông, còn mùa hè thì hóa thành nấm nên mới có tên như vậy. Tuy nhiên theo giới khoa học, Đông trùng hạ thảo là tên gọi chung cho một nhóm nấm ký sinh và gây bệnh ở côn trùng. Cuối mùa thu đầu mùa đông, chúng ký sinh trên côn trùng. Đến mùa hạ, khi nhiệt độ tăng lên, nấm phát sinh thành quả, mọc ở dạng cây cỏ.

Những năm gần đây, với sự phát triển của ngành công nghệ sinh học thì các nhà khoa học Việt Nam đã nuôi cấy được nấm Đông trùng hạ thảo nhân tạo trên cơ thể ấu trùng hoặc các loại giá thể khác như gạo lứt, ngô, đậu xanh và các men vi sinh thích hợp cho từng loại nấm, trong đó loại nấm được nuôi cấy phổ biến là Cordyceps Militaris có quả thể màu vàng cam.

Nấm Đông trùng hạ thảo chứa nhiều giá trị dinh dưỡng cao, trong đó tập trung vào hai hợp chất chính là Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ, tiền ung thư và Adenosin là thuốc điều trị trong tim mạch. Kết quả phân tích các mẫu nấm Đông trùng hạ thảo đang được trồng ở cơ sở xã Tiền Phong của Phòng Phân tích hóa học, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào đầu năm 2017 cho thấy, lượng Cordycepin đạt 5,69 mg/g, lượng Adenosin đạt 1,36 mg/g, cao gấp nhiều lần một số sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường. Sau vài lứa trồng ban đầu (trung bình 3-4 tháng/lứa), sản phẩm của cơ sở hiện nay chủ yếu là nấm tươi và khô, riêng để được 1 kg nấm Đông trùng hạ thảo khô phải cần khoảng 10 kg nấm tươi nên giá khá cao, từ 150 đến 200 triệu đồng/kg.

{keywords}

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quán (bên trái) giới thiệu sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo được nuôi trồng tại xã Tiền Phong.

Mong muốn truyền nghề ở Bắc Giang

{keywords}

Sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo khô.

Trong một lần gặp gỡ “duyên kỳ ngộ” với những con người đầy tâm huyết ở Trung tâm Nhân đạo Thiên Phúc (TP Bắc Giang), biết được tấm lòng và mong muốn của các anh, chị ở Trung tâm, nhất là bà Nguyễn Thị Sông, Giám đốc Trung tâm, ông đã về huyện Yên Dũng khảo sát cơ sở vật chất để trồng nấm. Trước đó, tháng 4-2016, UBND tỉnh đã giao hơn 2.300 m2 đất ở thôn Yên Sơn, xã Tiền Phong để Trung tâm thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo. Sau khi khảo sát thực tế, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quán nhận thấy điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường ở đây đủ tiêu chuẩn để nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo.

Vậy là cuối năm 2016, ông và các cán bộ, nhân viên Trung tâm Nhân đạo Thiên Phúc bắt tay cải tạo, xây dựng phòng nuôi trồng nấm với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Vì là loại nấm “khó tính” nên phòng trồng nấm buộc phải duy trì liên tục nhiệt độ 18-20 độ C, độ ẩm dao động từ 75-95%, ánh sáng không quá mạnh, không khí trong lành, gần như vô trùng. Chỉ riêng việc duy trì để các máy điều hòa nhiệt độ hoạt động suốt ngày đêm, ông và các cộng sự phải “đau đầu” tìm ít nhất 3 nguồn điện để sẵn sàng trong mọi tình huống. Nếu điều kiện sinh trưởng bị ảnh hưởng, hàng nghìn giá thể có thể bị hỏng, chết, thực tế đã có mẻ phải bỏ đi, thiệt hại lớn về kinh tế.

Khi các điều kiện chuẩn bị đã đủ, ông đưa giống từ cơ sở ở Đà Lạt (trước khi đầu tư nuôi trồng ở Bắc Giang, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quán đã có một cơ sở ở Đà Lạt) về nhân nuôi. Bước đầu cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh một số sản phẩm.

Trong sinh khối nấm Đông trùng hạ thảo có khoảng 17 axit amin và các nguyên tố vi lượng, khoáng chất quan trọng. Trong đó có những khoáng vi lượng rất cần thiết cho cơ thể, có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư. Đây là loại thuốc bổ quý giá có tác dụng tích cực với các bệnh thận hư, giảm đau nhức khớp, bổ phổi, bồi bổ cơ thể, giúp ăn ngon ngủ khỏe, giảm lão hóa, kéo dài tuổi thọ...

Nhưng quan trọng hơn là việc chuyển giao kỹ thuật cho người dân địa phương, các cháu hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật ở Trung tâm Nhân đạo Thiên Phúc đã có kết quả nhất định. Ông Vũ Văn Việt (SN 1943 - người đang được Trung tâm chăm sóc), gắn bó và giúp việc cho Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quán từ những ngày đầu về Yên Dũng, hóm hỉnh nói: “Ban đầu tôi cũng có nhiều bỡ ngỡ vì từ bé đến giờ đã nhìn thấy nấm Đông trùng hạ thảo bao giờ đâu, nghe nói loại nấm này rất quý nên khi trồng cũng “run” lắm, may mắn được Tiến sĩ Quán chỉ bảo, cầm tay chỉ việc, bám sát ngày đêm ở phòng nuôi trồng nấm, nên hiện nay tôi đã nắm được kỹ thuật cơ bản”.

Cầm trên tay lọ thủy tinh bên trong có những sợi nấm màu vàng cam tươi đang vươn lên, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quán cười sảng khoái: “Mỗi mẻ chúng tôi nuôi khoảng 5 nghìn lọ như thế này. Qua nhiều lần thành công, tôi có thể khẳng định nấm Đông trùng hạ thảo đã “bén đất” ở dãy Nham Biền được rồi. Mong muốn lớn nhất của tôi là truyền nghề cho các đối tượng ở Trung tâm Nhân đạo Thiên Phúc và người dân địa phương để họ có thêm cách thoát nghèo. Mặt khác khi mở rộng sản xuất sẽ làm hạ giá thành sản phẩm để bệnh nhân và người dân có điều kiện sử dụng nấm Đông trùng hạ thảo, nâng cao sức khỏe, không còn là vị thuốc quý giá xa vời nữa. Đồng thời, nếu thành công, địa phương có thêm một loại sản phẩm đặc sắc, góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hiệu quả, kinh tế và thân thiện với môi trường. Trong thời gian tới, từ nấm tươi, chúng tôi sẽ tiếp tục cho sản phẩm nấm khô, nấm ngâm rượu, ngâm mật ong và viên nén dạng cứng hoặc mềm”.

Quốc Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...