Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhà viết kịch Huy Cờ: Giải nghĩa lịch sử bằng văn học

Cập nhật: 09:44 ngày 04/08/2017
(BGĐT) - Tự nhận mình là người “chả có cá tính gì” khi viết kịch, tiểu thuyết nhưng chính ánh mắt cương quyết, giọng nói đanh chắc và những lập luận sâu sắc của nhà viết kịch Huy Cờ khi nói về lịch sử đã “tố cáo ngược”  tính cách của ông. Theo tôi, chắc chắn đó phải là con người tỉ mẩn, cẩn trọng và rất khó tính khi dứt ruột viết ra mỗi câu, mỗi từ trong những cuốn tiểu thuyết hàng vạn chữ. 
{keywords}
Nhà viết kịch Huy Cờ.

“Say” nghiệp con chữ

Ở tuổi 70 nhưng nhà viết kịch Huy Cờ (tên thật là Nguyễn Huy Cờ) xem ra vẫn còn tráng kiện lắm. Ông có dáng người nhỏ nhưng nhanh nhẹn, đôi mắt biết cười và thường hay pha trò hóm hỉnh. Căn nhà nhỏ trong con ngõ nhỏ ở đường Đồng Cửa, thành phố Bắc Giang với những bậc cầu thang cũng nhỏ bé không làm giảm đi sự trân trọng của những vị khách đã từng một lần tiếp chuyện với ông tại tư gia. Gặp ông một vài lần nhưng tôi ấn tượng bởi khả năng nhớ rành rẽ các sự kiện lịch sử và những câu chuyện hấp dẫn mà ông chưa hề đưa vào trong các tác phẩm của mình. 

Để có được gần bốn chục tác phẩm kịch đủ các thể loại tuồng, chèo, kịch nói… cùng hàng loạt tiểu thuyết đầy đặn như “Phố làng”, “Luật trời”, “Chủ soái Cai Vàng” và đặc biệt là bộ tiểu thuyết lịch sử “Rừng thiêng Yên Thế”, nhà viết kịch Huy Cờ đã phải lao động một cách thực sự nghiêm túc và cật lực. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi trở thành nhà viết kịch như thế, Huy Cờ từng là kế toán của một hợp tác xã mậu dịch thuở còn “hét ra lửa” rồi đi học về thủy sản. Dường như “máu” làm ăn kinh tế trong ông không tồn tại mà trái lại, những day dứt về con chữ cứ ám ảnh để đến nỗi ông phải gác lại tất cả để đăng ký thi vào khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường, về công tác tại Sở Văn hóa Hà Bắc, ông như cá gặp nước khi được đắm mình trong không khí nghệ thuật. Hàng loạt tác phẩm kịch của ông đã được phôi thai và ra đời trong thời kỳ này như: “Nguyên phi Ỷ Lan”, “Quế Mị nương”, “Anh cán bộ dân quân”… Nhưng ấn tượng nhất vẫn là kịch bản “Người con gái Kinh Bắc” đã được nhiều đoàn tuồng dàn dựng, công diễn và được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của sân khấu tuồng Việt Nam. 

Nhân vật trong các tác phẩm của nhà viết kịch Huy Cờ đều là những nhân vật của lịch sử với cuộc đời có thật, những khúc bi tráng đã được lịch sử soi rọi. Đó là Cai Vàng, bà Ba Cẩn, Đề Thám, Đề Sặt, Bá Phức, Đội Văn, Đề Nắm… Nhưng ông dường như chưa bao giờ muốn dừng lại ở những kiến thức khô khan có sẵn trong các tài liệu lịch sử mà trái lại, ông luôn thấy ở đó những số phận con người, sự chuyển động của cả một đất nước ở những giai đoạn lịch sử nhất định. 

Cùng với những biến thiên của xã hội, nghệ thuật sân khấu cũng dần bị thu hẹp, Huy Cờ không vì thế mà bơ vơ trong vườn văn học nghệ thuật. Trái lại, ông tìm thấy niềm vui lớn của mình qua việc viết tiểu thuyết. Tác phẩm đầu tiên của ông là tiểu thuyết “Phố làng”, một câu chuyện về làng quê đổi mới, vượt ra khỏi lũy tre làng để vươn lên phát triển mạnh mẽ nhưng cũng ẩn chứa trong nó những mặt trái của xã hội cần lên án. Tiểu thuyết ngay lập tức được một hãng phim chuyển thể thành bộ phim “Làng Thanh mở phố” mà ông không hề được biết. Tình cờ biết qua xem ti vi, ông lần tới hãng định “kiện” vì vi phạm bản quyền thì gặp nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, người chịu trách nhiệm về bộ phim ấy. Bà gặp ông thì vui sướng như bắt được vàng rồi kể, hãng phim đã phải mất bao công cho người đi tìm số điện thoại, địa chỉ liên lạc với tác giả để xin phép, trả tiền bản quyền nhưng không nhà xuất bản nào biết tìm tác giả Huy Cờ ở đâu. Mọi bực dọc trong người tiêu tan hết, ông cũng cười xòa: Âu cũng là vì mình “mới” quá với lại có tác phẩm được dựng thành phim là sự động viên lớn với mình rồi. Tính toán làm gì nữa!

“Ám ảnh” lịch sử

Nhìn vào các tác phẩm đã xuất bản của Huy Cờ, nhiều người có thể nhận ra, dường như ông là người “nặng nợ” với lịch sử. Nhân vật trong các tác phẩm của ông đều là những nhân vật của lịch sử với cuộc đời có thật, những khúc bi tráng đã được lịch sử soi rọi. Đó là Cai Vàng, bà Ba Cẩn, Đề Thám, Đề Sặt, Bá Phức, Đội Văn, Đề Nắm… Nhưng Huy Cờ dường như chưa bao giờ muốn dừng lại ở những kiến thức khô khan có sẵn trong các tài liệu lịch sử giáo khoa mà trái lại, ông luôn thấy ở đó những số phận con người, sự chuyển động của cả một đất nước, ở những giai đoạn lịch sử nhất định. Và, mỗi con người, mỗi chiến thắng hay thất bại của nhân vật lịch sử đều được lý giải trong sự vận động chung với cách nhìn toàn diện, đa chiều. 

5 năm trời, Huy Cờ mới tìm đủ tư liệu và viết xong bộ tiểu thuyết đồ sộ “Rừng thiêng Yên Thế” với 4 tập. Đây có thể coi là tác phẩm văn học lớn nhất, đồ sộ nhất viết về đề tài khởi nghĩa Yên Thế từ trước đến nay. Nhưng để có được tác phẩm ấy, Huy Cờ đã phải đọc, nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan đến những nhân vật này. Ông cũng lặn lội nhiều nơi trên vùng đất Yên Thế cổ để mong tìm ra được những căn cứ lịch sử, khoa học cho câu chuyện của mình nhưng những gì ông có không được như mong muốn. Ông đành phải lóc cóc bắt xe nhiều lần về Thư viện Quốc gia, chấp nhận bỏ tiền ra “thuê” thủ thư ở đó tìm những tư liệu riêng có về cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Ông đặc biệt ấn tượng với những bản báo cáo, những bức thư của quân đội Pháp, chính quyền tay sai và những nhân vật được coi là “bán nước”, “phản động”… liên quan đến nội dung này. “Khi mình đã hiểu một cách đa chiều về cuộc khởi nghĩa này, đặt nó trong những diễn biến lịch sử chung của thời kỳ bấy giờ thì mình có thể giải nghĩa được những câu chuyện trong đó như vì sao Đề Sặt lại ra tay sát hại Đề Nắm? Rồi về cái chết của Đề Thám ra sao? Nếu còn băn khoăn về những tình tiết thì sẽ không thể viết được hoặc sẽ bị người khác phản biện”, ông chia sẻ.

Và quả thực, ông cũng gặp không ít rắc rối từ phía người nhà của những nhân vật được coi là “phản diện” trong tác phẩm của mình nhưng Huy Cờ tỏ ra khá bình thản: “Ai gặp thì mình phân tích cho họ hiểu bằng các chứng cứ lịch sử từ cả hai phía, diễn biến lịch sử lúc bấy giờ. Nói chung khi được phân tích, họ đều hiểu ra và không có ý kiến gì nữa”.

Không có cũ - mới,  chỉ có dở - hay

Huy Cờ thừa nhận điểm yếu nhất của ông là… không biết dùng vi tính, vẫn tự tay viết từng trang bản thảo. Tiểu thuyết hàng nghìn trang thì cũng từng ấy trang ông phải ngồi viết ra. Ông bảo, viết như thế khổ lắm nhưng bây giờ già rồi, cũng không ngồi gõ máy tính được. 

Tháng Hai vừa rồi, Huy Cờ xuất bản một tiểu thuyết nữa tên là “Người anh hùng của tam tỉnh” viết về Đội Văn, một thủ lĩnh lắm mưu, nhiều kế, quả cảm trong phong trào “Tam tỉnh nghĩa đoàn” của Nguyễn Thiện Thuật những năm cuối thế kỷ XIX. Huy Cờ chia sẻ, có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết cuối cùng bởi bây giờ sức khỏe đã đi xuống nhiều. Hỏi ông có muốn nhắn gửi gì đến những cây viết trẻ hiện nay? Ông lại quay sang kể chuyện ở Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nơi ông đang sinh hoạt, chỉ có những hội viên là diễn viên thì trẻ, còn những nhà viết kịch thì toàn người già. Rồi ông trầm ngâm: “Những cây viết trẻ hiện nay nhận thức vấn đề rất nhanh nhưng cần phải rèn luyện cho mình sự cẩn thận và cái nhìn toàn diện, đa chiều của vấn đề. Tôi rất thích câu nói của một nhà phê bình: Không có tác phẩm cũ hay mới mà chỉ có tác phẩm dở và tác phẩm hay mà thôi…!”.

Nguyễn Trường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...