Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện trăm năm chỉ còn vài năm

Cập nhật: 07:00 ngày 12/11/2017
(BGĐT) - Hôn nhân là chuyện trăm năm, hệ trọng của cả đời người với những mối quan hệ ràng buộc không dễ gì từ bỏ. Vậy mà chỉ sau vài năm đi lao động ở nước ngoài trở về, nhiều phụ nữ đã không ngại ngần chủ động viết đơn ly hôn. Dứt chồng, chị em còn đang tâm dứt cả con, để lại quê nhà cho chồng và ông bà nuôi dạy. Thực trạng đáng suy ngẫm này đang diễn ra ở xã nông thôn mới Tư Mại, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

{keywords}
Cha mẹ ly hôn, con trẻ phải chịu thiệt thòi.

Gia đình tan vỡ, con cái bơ vơ

Cuối giờ chiều, cổng Trường Tiểu học Tư Mại đông nghịt phụ huynh đến đón con cháu tan học. Dứt hồi trống, các bé ùa ra khỏi lớp tíu tít như chim non chạy đến bên bố mẹ, ông bà rồi lên xe ra về. Thế nhưng không phải cháu nào cũng được hưởng niềm vui con trẻ ấy. Trong số đó có M, lớp 2, con trai anh chị Nguyễn Văn B, Lê Thị H cùng sinh năm 1988 ở thôn Đông Khánh. Kể từ ngày bố mẹ bỏ nhau, nắng cũng như mưa, ngày nào tan học, M cũng tự đi bộ về nhà. “Không có ai đưa đón cháu có buồn không”- Tôi hỏi: “Cháu không, quen rồi ạ!”- M di di ngón chân, mắt nhìn xuống nền đất khi tôi hỏi chuyện. Nhưng trong ánh mắt và câu trả lời ấy, tôi không khó để nhận ra nỗi buồn khi từ nhỏ em đã không được hưởng trọn tình yêu thương của cả bố và mẹ. 

Đưa tôi đến nhà anh B, trên đường đi, chị Nguyễn Thị Huệ, cán bộ tư pháp xã Tư Mại kể: Ngày vợ chồng anh B ra tòa ly dị, cả làng băn khoăn: “Cái thằng B hiền lành, chịu khó thế mà vợ vẫn bỏ, khó hiểu thật”. Dừng xe trước cổng ngôi nhà trần 1 tầng chưa hoàn thiện, nghe tiếng gọi, một người đàn ông gầy gò mặc quần soóc, nước da đen cháy, loẹt quẹt dép tông vừa mặc áo vừa đi ra, trông anh có vẻ già hơn nhiều so với tuổi 29. Thấy người lạ lại lỉnh kỉnh máy ảnh, anh có vẻ ngại ngần không muốn nói chuyện. Chị Huệ phải thuyết phục mãi anh mới đồng ý và dặn tôi không đưa tên thật, sợ ảnh hưởng đến người vợ thứ hai mới cưới. Nghe câu chuyện về cuộc hôn nhân của anh với người vợ đầu là chị H, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

“Chúng em đến với nhau hoàn toàn tự nguyện. Em làm thợ hồ, cô ấy làm ruộng, nhà ở thôn bên Hưng Thịnh. Năm 2010 sinh con trai. Vợ chồng chịu khó cùng nhau làm ăn. Khi con được gần 1 tuổi, thấy trong làng ngoài xã chị em đi lao động xuất khẩu nhiều, cũng có tiền gửi về gia đình, vợ em xin phép bố mẹ, chồng để đi đảo Síp với bao dự định tốt đẹp. Nhưng rồi đi được hơn 3 năm, ngày về cô ấy nằng nặc đòi ly hôn với lý do… không hợp nhau. Em chẳng hiểu thế nào cả. Níu kéo, hòa giải ba lần không được thì thôi, em ký đơn”- anh B kể. Ly hôn xong, chị cũng dứt bỏ luôn cả đứa con hơn 4 tuổi ở nhà cho anh chăm sóc cùng với món nợ 50 triệu đồng vay mượn bên nhà vợ để đi nước ngoài đợt đầu. Dùng dằng mãi, chị đồng ý để anh trả 20 triệu đồng số nợ rồi tiếp tục sang Ma Cao. 

Câu chuyện của hai anh em trai Ngụy Thành T (SN 2002) và Ngụy Thành H (SN 2011), thôn Bắc Am cũng buồn không kém. Mẹ đi Đài Loan, sau ba năm trở về, những tưởng cuộc sống gia đình sẽ đầm ấm, đủ đầy hơn sau bao năm xa cách, ai ngờ khi về thì mẹ đòi chia tay bố. Bố mẹ ly hôn, hai anh em cũng “tan đàn xẻ nghé” khi bố quyết định vào miền Nam làm ăn, để lại T cho ông bà nội đã có tuổi chăm sóc; còn em trai H gửi ông bà ngoại ở làng bên. Hôm chúng tôi đến, chỉ có mình T ở nhà chuẩn bị nấu cơm tối chờ ông bà đi làm đồng về. Ngôi nhà vắng bóng người phụ nữ vun vén nên không được gọn gàng cho lắm. Khu vườn của gia đình rộng mênh mông nằm sát đê sông Cầu cỏ mọc rậm rịt. Giá như bố mẹ không bỏ nhau, chắc chắn hai anh em sẽ không phải sớm chịu thiệt thòi, xa nhau như thế này.

Hơn 30 năm công tác tại xã Tư Mại, chưa bao giờ ông Hoàng Văn Xuất, Chủ tịch UBND xã lại chứng kiến nhiều trường hợp ly hôn như những năm gần đây. Theo số liệu cụ thể ghi trong sổ theo dõi, 5 năm qua, cả xã có 47 cặp ly hôn ở 9/9 thôn, trong đó hơn một nửa có vợ hoặc chồng từng đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài; chưa kể nhiều vụ có nguy cơ cao đang rục rịch gửi đơn; độ tuổi trung bình khoảng 30. Đáng buồn là trong số đó có nhiều chị em chủ động xin ly hôn và chủ động luôn cả việc không nuôi con, để lại cho chồng hoặc ông bà ở quê chăm sóc, lo liệu.

Đâu là nguyên nhân? 

Hiện toàn xã Tư Mại có gần 500 người đi lao động ở nước ngoài, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Rất nhiều người trở về có cuộc sống no đủ hơn nếu cả hai cùng chí thú làm ăn. Tuy nhiên, đã có không ít người bị cám dỗ khiến sa ngã, hư hỏng, ly hôn để lấy chồng khác cùng đi nước ngoài khiến gia đình tan vỡ. “Bao năm ở với nhau chả sao, đi nước ngoài trở về lại quay ra chê chồng cù lần, không tâm lý, thậm chí… ở bẩn” - anh B kể. Một nguyên nhân nữa là do người chồng ở nhà lười lao động, ăn chơi, quan hệ lăng nhăng thậm chí nghiện hút; vợ chồng “không hợp nhau”; đi nước ngoài mà vẫn nghèo cũng là lý do dẫn đến chia tay... 

{keywords}

Được bố mẹ chờ đón khi tan học là hạnh phúc của con trẻ.

Hệ lụy của vấn nạn ly hôn không chỉ làm mất đi những giá trị đạo đức truyền thống mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ tương lai. Ông Hoàng Văn Xuất cho biết, việc giáo dục truyền thống gia đình, công tác hòa giải, phổ biến pháp luật hiện nay chưa theo kịp với xu thế phát triển nên hiệu quả chưa cao, ít có vụ việc được hòa giải thành. Trước kia, công tác hòa giải do Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng tổ hòa giải, nay công việc này do thôn, bản, tổ dân phố đảm nhiệm. Xuất phát từ kỹ năng, trình độ, năng lực và nhiệt tình của thành viên tổ hòa giải hạn chế dẫn đến việc phân tích những hệ lụy của ly hôn chưa thấu tình, nên khi hòa giải khó thành công. Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển dẫn đến chị em tin vào những ảo tưởng, sẵn sàng dứt tình, bỏ con ra đi để chạy theo lời hứa hẹn xa vời về một cuộc sống sung túc giàu sang nơi xứ người. Việc giáo dục đạo đức truyền thống cũng không thường xuyên dẫn đến “cái tôi” của phụ nữ quá lớn, làm lu mờ cái “chúng ta” trong gia đình. 

Ly hôn - ngõ cụt của hôn nhân, là con đường cuối cùng buộc phải đi khi không còn cách nào khác cứu vãn. Song không phải cặp vợ chồng nào ly hôn cũng là đáng trách, có những cặp chia tay là giải thoát cho nhau để mỗi người có cuộc sống riêng tốt hơn. Chỉ mong rằng khi đã đặt bút cùng ký vào giấy đăng ký kết hôn, đã cùng thề non hẹn biển hạnh phúc trăm năm, sống với nhau tới “đầu bạc răng long” thì cả hai đều phải cùng có trách nhiệm với người bạn đời mình đã lựa chọn, có trách nhiệm với những đứa con mình sinh ra và có trách nhiệm với gia đình, bạn bè để chăm lo, vun vén, giữ gìn tổ ấm sao cho trọn vẹn. Bởi vì lý do gì đi chăng nữa thì ly hôn bao giờ cũng để lại hậu quả là những tổn thương cho cả hai bên nội ngoại, đặc biệt còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần, sự phát triển nhân cách của những đứa con.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...