Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cùng cán bộ khuyến nông lên vùng cao

Cập nhật: 07:00 ngày 26/11/2017
(BGĐT) - Địa hình chia cắt, giao thông cách trở cộng với một số bà con vùng dân tộc thiểu số không biết chữ khiến công tác khuyến nông vùng cao gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, với lòng yêu nghề, đội ngũ khuyến nông vẫn kiên trì bám bản, vượt núi để giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
{keywords}

Cán bộ khuyến nông xã Bình Sơn (Lục Nam) đến bản Bình Giang chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.

“Sao con nghé dưới xuôi lại to?”

Một ngày cuối tháng 11, tôi có chuyến trải nghiệm để tìm hiểu về công việc của những người làm công tác khuyến nông vùng cao. Khởi hành từ TP Bắc Giang hơn 5 giờ sáng, sau gần ba giờ đồng hồ, đoàn đến nhà văn hóa thôn Khang, xã Quế Sơn (Sơn Động). Tại đây, hơn 30 chủ hộ ở các thôn Khang, Mìn, Sỏi, Ghè, Gốc Lâm trong xã đã có mặt đông đủ, ai nấy đều phấn khởi khi thấy cán bộ về thôn. 

{keywords}

Không chỉ bám bản, gần gũi cơ sở, khi tiếp xúc với bà con, nhất là vùng dân tộc thiểu số, cán bộ khuyến nông phải thân thiện, tạo được thiện cảm thì họ mới bộc bạch, giãi bày hết những gì đang quan tâm. Khi đó, hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới hiệu quả". 


Ông Nguyễn Viết Thắng, Trưởng phòng Chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông tỉnh).

Từ mong muốn của người dân, hôm nay, kỹ sư Nguyễn Viết Thắng, Trưởng phòng Chăn nuôi (Trung tâm khuyến nông tỉnh) giảng về chăn nuôi trâu, bò. Ông dùng nhiều hình ảnh đa dạng để bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu. Khi giới thiệu về bức ảnh chụp đàn trâu, bò lai, sau bốn tháng tuổi có trọng lượng gần 200 kg, nặng gấp đôi so với đàn vật nuôi thông thường, lớp học  sôi nổi hẳn lên. Nhiều ý kiến được đưa ra. Bà Mè Thị Tú, thôn Mìn nêu: “Cán bộ ơi, làm thế nào mà người dưới xuôi lại có con nghé to thế?”. Hỏi về cách phòng bệnh cho trâu, bò, bà Dương Thị Bộ, thôn Gốc Lâm nói: “Trước đây, chúng tôi thả trâu ở rừng chẳng thấy có bệnh gì. Vậy mà từ khi làm chuồng nhốt, trâu không những có rận mà còn hay ốm? Chúng tôi cũng cho ăn, không bỏ đói mà sao trâu vẫn gầy?”. 

Ông Thắng hỏi lại: “Vậy bà có thường xuyên hót dọn chuồng trại không?”, bà Bộ đáp: “Không, tôi thỉnh thoảng cho chúng ra đồng cho đỡ cuồng chân thôi”. Ông Thắng phân tích, vậy là đã rõ, bệnh của trâu sinh ra chính là bị ở trong môi trường không sạch sẽ, chuồng nuôi đầy chất thải. Để đàn trâu khỏe mạnh, bà cần vệ sinh chuồng trại; định kỳ phòng bệnh cho trâu bằng một số loại thuốc thông thường. Hàng chục câu hỏi liên tiếp đưa ra, cả lớp cùng thảo luận, trao đi đổi lại cặn kẽ các vấn đề.

{keywords}

Mô hình nuôi hươu của gia đình ông Ngô Thế Kỳ, thôn Sỏi, xã Quế Sơn (Sơn Động).

Sau buổi sáng chia sẻ kiến thức cho bà con, buổi chiều đến phần thực hành. Một số chủ hộ đã mang vật nuôi bị bệnh, biểu hiện khác thường đến lớp. Anh Nguyễn Văn Sáu, thôn Mìn đưa 4 con gà bị khô chân nhờ giảng viên “bắt bệnh”. Nhấc con gà ra khỏi lồng, giảng viên gọi từng người lên, chỉ cho cách nhận biết biểu hiện của vật nuôi, phương pháp điều trị; tiêm phòng, bảo quản thuốc, vắc-xin sao cho đúng cách để người dân tự làm được thay vì phải gọi cán bộ thú y, qua đó tiết kiệm chi phí.

Cầm tay chỉ việc

Cùng ngày, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức ba lớp học tại xã Quế Sơn. Theo đánh giá của UBND xã, tại các lớp, học viên đều đến đủ theo diện được hưởng lợi. Tranh thủ thời gian giải lao, tôi trò chuyện với anh Hoàng Văn Thiết, dân tộc Tày, thôn Sỏi. Anh chia sẻ, lứa lợn hơn chục con của nhà anh vừa rồi bị ốm, anh ra chợ mua thuốc về cho uống nhưng không khỏi, toàn bộ vật nuôi chết, ốm. Khi biết có lớp tập huấn, dù nhà cách xa hơn 3 km đường đất, anh vẫn đạp xe đến từ rất sớm. Anh nói: “Tại lớp học tôi biết cách tiêm phòng cho vật nuôi; sử dụng từng loại thuốc phòng bệnh qua hình ảnh của tờ rơi. Tôi sẽ áp dụng như hướng dẫn để bảo vệ đàn lợn, trâu của nhà”. Còn chị Thân Thị Đức, thôn Ghè đã được tham gia một số lớp tập huấn trước đó. Cho nên đàn trâu 3 con của nhà chị ít bệnh, bình quân mỗi năm được bán một con nghé, thu về hàng chục triệu đồng. 

{keywords}

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân thôn Khang, xã Quế Sơn tiêm phòng cho vật nuôi.  Ảnh Trường Sơn

Trong chuyến đi này, tôi được “mục sở thị” một số mô hình chăn nuôi mới thông qua công tác khuyến nông như nuôi hươu lấy nhung hay bồ câu trong lồng; thỏ, dê. Không chỉ trong chăn nuôi, dọc một số cánh đồng của xã Quế Sơn hay một số xã khác của huyện Sơn Động trong vụ đông đã xuất hiện nhiều cây trồng mới thay thế cho khoai lang, ngô lai, đó là dưa bao tử, dưa chuột, táo ngọt, khoai tây chế biến, hoa. Điều này chứng tỏ quan niệm, nhận thức của bà con vùng cao đã có nhiều chuyển biến. 

Tuy vậy, để có được kết quả như hôm nay không hề đơn giản. Anh Ngọc Văn Hùng, cán bộ khuyến nông xã Quế Sơn kể, khi mới về xã, nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp bà con nhưng rất ít người tham dự, học viên thiếu tới quá nửa. Có lớp mặc dù cán bộ xã, thôn thông báo trước cả tuần, tuyên truyền vận động song ngày học vẫn vắng teo bởi họ ngại thay đổi cách làm cũ. Nhằm tạo được sự tin tưởng của người dân, anh thường xuyên thăm hỏi, xuống bản nắm bắt tâm tư của người dân. “Lợi thế của tôi là nói được tiếng Tày, Nùng. Bây giờ hầu như có việc gì bà con cũng gọi. Bận nhưng tôi rất vui”-anh tâm sự. 

{keywords}

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách bẫy ruồi vàng trên táo ngọt tại thôn Mìn, xã Quế Sơn.

Một số người làm công tác khuyến nông chia sẻ, để đưa tiến bộ kỹ thuật đến đồng bào vùng cao phải nắm được nhu cầu của bà con là gì, chuẩn bị bài và lịch lên lớp cho học viên đa dạng, phù hợp. Giảng bài chủ yếu bằng tranh, ảnh và mô hình giáo cụ trực quan; tăng tiết học thực hành “cầm tay chỉ việc” trên thực địa. Vì đồng bào thường ngại đọc, thích xem, thích nghe cho nên áp dụng truyền đạt bằng những ảnh đẹp và tranh vẽ cụ thể sẽ dễ tiếp thu hơn. Ông Nguyễn Viết Thắng đến nay có hơn 30 năm làm công tác khuyến nông cho rằng, khi tiếp xúc với người dân phải thân thiện, tạo được thiện cảm thì họ mới bộc bạch hết những gì họ cần. Nhờ cách làm này, bà con nhiều xã vùng cao đã thay đổi nếp nghĩ, tạo sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân tăng thu nhập. Đơn cử, tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa giảm hẳn, bà con đã biết tận dụng làm thức ăn cho trâu, bò; trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc; trồng rau chế biến xuất khẩu. 

{keywords}

Ông Nguyễn Viết Thắng (người đứng) chủ yếu sử dụng hình ảnh khi chuyển giao kỹ thuật cho bà con vùng cao.

Có dịp trò chuyện, cùng cán bộ khuyến nông lên vùng cao, tôi đã phần nào cảm nhận được sự vất vả của họ. Dù giao thông đến các thôn vẫn còn nhiều trở ngại, một bộ phận người dân chủ yếu quen với tập quán canh tác, sản xuất cũ nhưng các cán bộ khuyến nông vẫn kiên trì bám bản, bám làng, luôn là người bạn thân thiết của bà con vùng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng đất nơi đây.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...