Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khởi nghiệp ở quê

Cập nhật: 14:06 ngày 05/01/2018
(BGĐT) - Học chuyên ngành về kinh tế, anh Vũ Tiến Trường, thôn Hoàng Lại, xã Thanh Vân (Hiệp Hòa) đã “liều” bỏ công việc có mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng về quê gắn bó với ruộng đồng, làm nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Mô hình được đánh giá là điển hình về ứng dụng CNC trong sản xuất của tỉnh.
{keywords}
Khu sản xuất rau CNC của gia đình anh Vũ Tiến Trường.

Rau xanh bốn mùa

Chúng tôi về thôn Hoàng Lại, xã Thanh Vân vào một ngày cuối của năm Đinh Dậu. Giá rét cộng với mưa rả rích khiến cánh đồng của thôn vắng tanh. Những thửa khoai lang, ngô nếp rung rinh theo gió song chóp lá xám, vàng vọt do sương muối. Người đi đường cũng co ro trong chiếc áo mưa. Vậy mà khi bước vào nhà màng CNC của anh Vũ Tiến Trường, ai nấy đều cảm nhận dường như cái lạnh đã được xua tan. Nhóm công nhân vẫn miệt mài lao động bình thường dù bên ngoài mưa lộp độp rơi trên tấm lợp của mái nhà. Tìm hiểu, tôi được biết, ngoài lớp màng lưới, trên mái còn có một phần gần như tấm kính mỏng trong suốt nên nước không thể lọt xuống.

Với hệ thống khung thép kiên cố, đường ống nước tưới phun sương rải đều khắp diện tích, canh tác bằng nhà màng đã giúp người sản xuất chủ động, không lệ thuộc nhiều vào thời tiết như trước nữa. Vì thế, từng vạt rau xanh mơn mởn nơi đây được thu hái để kịp giao cho khách. Kế đó, mấy chị em làm thuê thời vụ đang xử lý đất, chuẩn bị xuống giống lứa rau mới. Ở góc nhà màng có một khoảnh rau cải cao vống nở hoa vàng tươi. Thấy khách thắc mắc sao không thu hoạch, để cải già thế kia, anh Trường giải thích: “Đây là cải soi, hiếm lắm, chất lượng vượt trội so với nhiều loại khác. Vụ vừa rồi tôi tìm kiếm mãi mới được một ít nên phải chọn một số cây dành nhân giống”. 

Đến thăm mô hình sản xuất của anh Vũ Tiến Trường vào tháng 12 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái ghi nhận sự nỗ lực của anh Trường. Đồng thời nhấn mạnh, tuy tuổi còn trẻ song anh Trường đã mạnh dạn bỏ số vốn lớn đầu tư vào nông nghiệp và bước đầu thành công. Do đó, các cấp, ngành cần có sự động viên, khích lệ kịp thời để nhân rộng mô hình.

Thăm một vòng khu sản xuất rộng gần 3 nghìn m2 nằm ở giữa cánh đồng thôn Hoàng Lại, chúng tôi thấy có nhiều lứa rau gối nhau. “Tôi tính toán từng thời vụ của cây trồng sao cho cứ hết lứa này được thu hoạch, lại đến lứa khác, liên tục có sản phẩm cung cấp cho đơn vị ký hợp đồng. Bằng cách này, khu sản xuất sẽ có rau xanh bốn mùa”- anh Trường nói. Theo lời anh Trường, nhiều khách hàng đặt cọc với số lượng lớn nhưng hiện cơ sở chưa đủ để bán. Riêng trong hơn một tháng vừa qua, anh thu về hơn 50 triệu đồng từ gần 4 tấn rau xanh, tương đương gần 500 triệu đồng/năm. Qua tiếp xúc, tôi cảm nhận được sự cẩn thận của ông chủ trẻ này. Dừng lại bên khoảnh rau cải ngồng, anh hướng dẫn tỉ mỉ cho người lao động cách thu hái sao cho đủ kích cỡ, tiêu chuẩn của đối tác. Đó là thân cây phải căng, tròn và có điểm chút hoa thì mới thu hoạch. Khi đóng gói cần nhẹ nhàng, tránh giập nát, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình bảo quản. Sản phẩm này cung cấp cho một bếp ăn khách sạn cao cấp ở Hà Nội nên họ rất kỹ tính, với họ giá không thành vấn đề nhưng chất lượng phải bảo đảm. Vì vậy, anh luôn nhắc và giám sát công nhân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình. Hiện cơ sở sản xuất có hai tổ với 6 người, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. 

Biến ruộng lầy thành mô hình CNC

Được biết, toàn bộ từ khâu xử lý đất, phòng trừ sâu bệnh đều không dùng thuốc bảo vệ thực vật mà sử dụng tỏi, ớt, gừng nghiền nhỏ phun vào đất hay trên cây trồng. Rau hoàn toàn không có hóa chất, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ cả sức khỏe người trồng rau. “Thành thạo hướng dẫn nông dân từng bước trong quy trình chăm sóc, nắm rõ các loại bệnh của rau màu, chắc hẳn anh học chuyên ngành về nông nghiệp?”- tôi hỏi. Xoa đôi tay, cười tươi, anh đáp: “Không, tôi học về lĩnh vực ngân hàng và quản trị kinh doanh”. Thấy khách tò mò, anh cởi mở chia sẻ. Sinh năm 1985, năm 2007, tốt nghiệp Học viện ngân hàng, anh làm việc cho một ngân hàng thương mại, rồi trở thành trưởng chi nhánh. Ở cương vị này, mức lương có tháng lên tới hàng chục triệu đồng. 

Năm 2014, anh bỏ việc mà nhiều người mơ ước để làm cán bộ thị trường của hãng thức ăn chăn nuôi tại thị trường phía Bắc. “Quyết định này của tôi chẳng ai ủng hộ. Bố mẹ còn bảo tôi là bao công ăn học mà chẳng biết phát huy, tấm bằng đại học, thạc sĩ cất ngăn kéo thật lãng phí. Nghe mọi người nói vậy, đôi lúc tôi cũng dao động nhưng nghĩ lại thấy làm cán bộ thị trường giúp bản thân năng động, thảnh thơi hơn và quyết tâm theo nghiệp mới”. Cũng từ đây, anh có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc với không ít bà con làm nông thành công. Ý tưởng lập nghiệp từ đồng ruộng đã nhen nhóm trong anh và trở thành hiện thực vào năm 2017. 

{keywords}

Anh Vũ Tiến Trường hướng dẫn người lao động cách thu hái sản phẩm.

Anh mua hơn một ha đất ruộng của người dân tại thôn Hoàng Lại để trồng trọt, đầu tư hạ tầng. Khu đồng này trũng, nhiễm phèn mà mỗi năm nông dân chỉ cấy một vụ được vài chục cân thóc. Bà Nguyễn Thị Minh, gần 70 tuổi, người dân thôn Hoàng Lại bảo, bao đời qua ruộng quanh năm úng khiến việc chăm sóc rất vất vả. Lội xuống chân ngập trong bùn qua đầu gối nên chẳng ai còn thiết tha cấy cày. Mấy năm gần đây, hầu như ruộng bị bỏ trống. Thấy anh Trường đầu tư mua lại, bà và nhiều người đều ái ngại bảo anh dở hơi, không nghĩ anh lại biến khu đất lầy thụt ngày nào trở thành đồng xanh với công nghệ sản xuất hiện đại như hiện nay. Giờ đây, mọi người đều mừng, tin tưởng vào sự quyết tâm, bản lĩnh của ông chủ trẻ. 

Đứng trên khu đồng được cải tạo, anh Trường không thể nào quên những ngày đầu thực hiện ý tưởng. Riêng chi phí tôn cao ruộng mất khoảng 300 triệu đồng song anh đánh “liều”. Anh chia sẻ: “Cả nhà ai cũng cản nhưng vẫn thương. Tôi lo đến nỗi chẳng có một giấc ngủ ngon. Có đêm, giật mình tỉnh giấc tôi lại mò ra khu sản xuất, rồi rớt nước mắt vì thấy rau mới trồng héo quắt. Được sự trợ giúp của một số người bạn về kỹ thuật, tôi đã hiểu hơn về đặc điểm sinh trưởng của cây, yên tâm triển khai các kế hoạch”. 

Tập trung vào rau trái vụ, hữu cơ

Kiến thức kinh doanh cùng với kinh nghiệm làm việc đã giúp anh Trường khởi nghiệp thành công ngay ở năm đầu đến với ruộng đồng. Anh nói: “Bao năm qua, nông dân trong cả nước đều trong tình trạng được mùa rớt giá nên làm nông nghiệp yếu tố cốt lõi phải khắc phục được điều này”. Xuất phát từ đó, anh đã đầu tư nhà màng CNC. Trước khi bước vào sản xuất đều có hợp đồng thu mua, bảo đảm đầu ra thuận lợi. Hiện, toàn bộ sản phẩm của cơ sở đều do HTX Hảo Dương, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) phân phối. Theo đó, giá ký từ đầu vụ và điều chỉnh theo thị trường nhưng khi giá thị trường xuống, HTX vẫn mua bằng giá hợp đồng ban đầu. 

Theo anh Trường, với lợi thế nhà màng, sản xuất nông sản trái vụ theo quy trình hữu cơ là hướng đi chủ đạo trong thời gian tới. Để làm được, anh đang đầu tư xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, nhà quản lý, kênh mương; đặt hàng phần mềm tưới cây, bón phân điều khiển bằng điện thoại di động; lắp đặt nhiệt kế, thiết bị đo ẩm trong nhà màng để tích hợp trong quá trình chăm sóc. Tiếp tục quan tâm đến công tác thị trường. Anh cho rằng, nếu để rau hữu cơ bán như rau thường sẽ thất bại, vì vậy phải phân khúc khách hàng. Trước nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người tiêu dùng ngày càng cao, anh đã làm việc với UBND xã Thanh Vân, người dân trong thôn liên kết sản xuất khoảng 10 ha ngay trong vụ xuân 2018 nhằm có sản phẩm đủ lớn cung cấp, tiến tới xây dựng vùng trồng rau trọng điểm của huyện.  

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa, gia đình anh Trường là một trong hai hộ tiêu biểu làm nông nghiệp của huyện được huyện đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen năm 2017. Chia tay anh trên con đường nội đồng rộng thênh thang do anh cải tạo với mục đích phục vụ bà con nông dân giao thương, chúng tôi chúc anh sẽ thành công với những dự định sắp tới, qua đó giúp mình, giúp bà con trong vùng làm giàu trên đồng đất quê hương.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...