Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Con đường tới trái tim của đá

Cập nhật: 04:44 ngày 13/01/2018
(BGĐT) - Chặng đường từ TP Bắc Giang lên TP Hà Giang dài gần 400 km đã quanh co, uốn lượn song vẫn không thấm vào đâu so với dốc cao, vực sâu và cảm giác sợ hãi khi ô tô đi tiếp gần 200km từ TP Hà Giang lên Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng bù lại là những cung bậc cảm xúc rất tuyệt vời, khó tả mà hàng tháng sau, nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy tim mình rộn ràng, ấm áp với bao thương mến vùng đất này.
{keywords}

Cột cờ Lũng Cú.    Ảnh: Lê Minh.

“Con đường hạnh phúc”

Ăn cơm trưa ở TP Hà Giang, chẳng kịp khám phá, đành gửi lại những dãy phố thấp thoáng sắc hoa nằm yên bình hai bên dòng sông Lô Lô cái nhìn nuối tiếc, Đoàn công tác chúng tôi vội lên đường cho kịp tới thị trấn Đồng Văn trước khi trời tối.  

Dừng chân ở "Cổng Trời" thuộc địa phận huyện Quản Bạ, chúng tôi nhảy xuống thích thú reo vui, hít hà không khí lành lạnh dễ chịu và chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn như trong cõi bồng lai tiên cảnh với bồng bềnh mây trôi và sắc màu cỏ cây, hoa lá. Đây cũng là điểm đầu của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (có diện tích 2.356km2, bao gồm 4 huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc), một địa chỉ mà từ năm 2010 đến nay thu hút nhiều khách du lịch, kể từ khi được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Bắt đầu lên xe ô tô đi tiếp vào lòng cao nguyên đá, cảnh càng hiện ra như cõi thần tiên với muôn vàn mỏm đá tai mèo mọc nhấp nhô và bạt ngàn sắc hoa. Tuy nhiên từ đây cũng bắt đầu bước vào chặng đường thử thách trên quốc lộ 4C mà cánh lái xe gọi vui là "đường đặc sản". Đây là tuyến đường độc đạo duy nhất lên 4 huyện vùng cao núi đá. Gọi là "quốc lộ" song đường nhỏ, hẹp, nhìn lên là vách núi sừng sững, nhìn xuống hai bên là vực thẳm và lòng sông Nho Quế nhòa sương. Xe chạy lúc dựng đứng như lao vào vách đá, lúc bất ngờ, đột ngột như đâm thẳng xuống vực, lúc nghiêng ngả trong hình xoáy trôn ốc. Chao ôi thót tim! 

Câu chuyện về lịch sử “Con đường hạnh phúc” không phải du khách nào cũng biết. Nhưng bất kỳ ai cũng cảm thấy mình hạnh phúc khi vượt qua con đường khổ ải "có một không hai" để khám phá vẻ đẹp nguyên sơ, huyền bí cùng những câu chuyện bao đời về nụ cười, nước mắt... của đồng bào sống trong lòng cao nguyên đá.

Cứ đi một đoạn, cùng với chỉ dẫn về tọa độ cung đường bất chợt lại gặp dòng chữ "Con đường hạnh phúc". Hôm sau, đỡ mệt, tìm hiểu qua anh chị em Văn phòng HĐND tỉnh Hà Giang, chúng tôi thực sự xúc động khi được biết quốc lộ 4C từ TP Hà Giang đi 4 huyện vùng cao dài 185 km được xây dựng suốt 6 năm, với sự đóng góp bàn tay, công sức của hàng vạn thanh niên xung phong từ dưới xuôi lên. Có những anh chị em đã hy sinh, nằm lại nơi này. Ngày 20-3-1965, con đường hoàn thành và được Bác Hồ đặt tên là "Con đường hạnh phúc". Kể từ đó, con đường huyết mạch ấy đã đem ánh sáng văn hóa, ấm no tới cho đồng bào vùng cao nguyên đá. 

Câu chuyện về lịch sử “Con đường hạnh phúc” không phải du khách nào cũng biết. Nhưng bất kỳ ai cũng cảm thấy mình hạnh phúc khi vượt qua con đường khổ ải "có một không hai" để khám phá vẻ đẹp nguyên sơ, huyền bí cùng những câu chuyện bao đời về nụ cười, nước mắt... của đồng bào sống trong lòng cao nguyên đá. Thật thú vị khi người ta còn gọi con đường này là con đường dẫn tới trái tim của đá.

Phát triển du lịch -Níu giữ trái tim du khách 

Vẫn trên “Con đường hạnh phúc”, trong hai ngày còn lại ở Hà Giang, chúng tôi tranh thủ đi thăm những địa danh đã trở thành điểm đến đáng nhớ cho bất cứ ai đến nơi này như thăm cột cờ Lũng Cú, dinh thự của vua Mèo Vương Chí Sình, tới thị trấn Mèo Vạc - nơi có Chợ tình Khau Vai với bao câu chuyện tình yêu của những đôi trai gái Mông, Lô Lô, Giáy, Pu Péo... thấm đầy nước mắt. Rủ nhau thung thăng đi bộ, tìm hiểu phiên chợ, những phố cổ ở thị trấn Đồng Văn, nếm thử rượu ủ từ hạt tam giác mạch và thưởng thức những món ăn ẩm thực đang trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch của Hà Giang như thắng cố, cháo ấu, mèn mén... 

Đến nơi nào chúng tôi cũng cảm nhận người dân ở đây rất mộc mạc và dễ mến. Cho dù các sản phẩm du lịch bày bán tại các điểm tham quan không thật phong phú. Đến chỗ nào cũng gặp sản phẩm địa phương như măng, chuối hột phơi khô, cây mật gấu, quần áo, chăn, khăn choàng dệt bằng thổ cẩm, bánh tam giác mạch. 

{keywords}

Hà Giang mùa hoa tam giác mạch.

Thế nhưng, ấn tượng nhất đối với tôi đó là không nhất thiết cứ phải mua đồ, người bán hàng vẫn trò chuyện với du khách rất hồ hởi. Họ nhiệt tình trả lời những câu hỏi về phong tục, ẩm thực, lễ hội, cả chuyện sinh con, thu nhập của gia đình. Cùng với bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, chính sự thân thiện, mến khách của người dân cũng là thế mạnh để Hà Giang phát triển du lịch cộng đồng. 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có 33 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Tại thị trấn Đồng Văn hoặc nhiều thôn, bản thuộc huyện Lũng Cú, Mèo Vạc..., khách du lịch chỉ cần trả khoảng 40 ngàn đồng tiền nghỉ đêm và 70 ngàn đồng cho bữa ăn là có thể có một chuyến trải nghiệm thú vị sinh hoạt cùng gia đình người dân địa phương. 

Được biết dân số toàn tỉnh Hà Giang hiện chỉ có hơn 800 nghìn người, song năm 2017, tỉnh đã đón 1,1 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 đón 1,5 triệu lượt khách du lịch, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách quan tâm thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Năm 2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, đối với các làng văn hóa du lịch cộng đồng đã và đang triển khai đầu tư xây dựng gắn với xây dựng nông thôn mới được hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ để đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, mua sắm trang thiết bị, tạo cảnh quan trong nhà phục vụ khách lưu trú. Hỗ trợ một lần 20 triệu đồng cho tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch. Để thu hút du khách, tại các huyện vùng cao nguyên đá, người dân còn được hỗ trợ giống hoa tam giác mạch gieo theo các hình khối như hình trái tim, hình ngôi sao..., dọc hai bên quốc lộ 4C và các khu vực trung tâm bản, làng.

Suốt dọc đường trở về trên “Con đường hạnh phúc”, ngắm nhìn những vạt hoa tam giác mạch nở trái mùa vẫn đủ tím dịu, níu giữ trái tim du khách, tôi nghĩ về du lịch Bắc Giang. Với vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, Bắc Giang có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Năm 2017 là năm đầu tiên Bắc Giang đón 1,1 triệu lượt khách du lịch đến thăm. Làm thế nào để tiếp tục đánh thức tiềm năng, tạo điểm đến thân thiện đối với khách du lịch như Hà Giang và nhiều tỉnh bạn đã làm? Đó cũng chính là trăn trở, là mục tiêu phấn đấu của các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang bước vào mùa xuân năm 2018.

Ghi chép của Lê Huyền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...