Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Anh Hùng phi công Nguyễn Văn Cốc: “Chim cắt số 2” và “Ace filot” của không quân Việt Nam

Cập nhật: 08:38 ngày 20/01/2018
(BGĐT) - Trong chiến tranh chống Mỹ, phi công Nguyễn Văn Cốc, người con của quê hương Bích Sơn (Việt Yên) được đồng đội đặt cho biệt danh "Chim cắt số 2". 25 tuổi, bắn rơi 9 máy bay Mỹ, ông trở thành phi công Việt Nam bắn rơi nhiều máy bay nhất. Ông cũng được chính các đối thủ Mỹ suy tôn lên hàng “Ace Pilot” (phi công hàng đầu của không quân Việt Nam).
{keywords}

Trung tướng Nguyễn Văn Cốc.

Tôi có hai ấn tượng về một người anh hùng- phi công Nguyễn Văn Cốc. Thứ nhất, khi còn là sinh viên, trong lần lớp tổ chức thăm Bảo tàng Phòng không- Không quân (PK- KQ) bên đường Trường Chinh (Hà Nội), trong rất nhiều hiện vật, tư liệu, tôi đặc biệt ấn tượng với chiếc máy bay số hiệu MiG-21PF 4326- một huyền thoại của bầu trời miền Bắc những năm đánh Mỹ. Mười ba ngôi sao đỏ gắn ở phần đầu máy bay là 13 kẻ thù- những máy bay địch bị chiếc MiG này bắn hạ. Lướt nhanh thông tin về chiếc máy bay nổi tiếng này được ghi chú ngắn gọn song cũng đủ để chuyển tải chiến công của nó trên bầu trời, đại ý chiếc MiG-21PF 4326 từng thuộc Trung đoàn 921 Sao Đỏ do nhiều phi công sử dụng bắn rơi 13 máy bay đối phương. Riêng phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 chiếc, lập nên hàng loạt kỷ lục. Ấn tượng còn lại là khi công tác, tôi được biết ông là người con của quê hương Bích Sơn (Việt Yên). Bằng sự ngưỡng mộ, cảm phục, trong một chiều cuối đông giá rét, tôi được trò chuyện cùng ông tại nhà riêng ở ngõ 178, phố Thái Hà cách Bảo tàng PK- KQ chừng 2 km.

{keywords}

Chiếc máy bay số hiệu MiG-21PF 4326 tại Bảo tàng PK- KQ.

Phi công hàng đầu của không quân Việt Nam

Dù tuổi cao, sức khỏe không còn tốt nhưng giọng Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Cốc khá khỏe. Sau vài ba câu chuyện khởi đầu, tôi hỏi ông rằng nhiều ý kiến từng nhận xét, nhắc đến máy bay tiêm kích MiG-21 phải nhắc đến anh hùng Nguyễn Văn Cốc và ngược lại(?). Thoáng trầm ngâm, ông cười hiền bảo thì ấy là người ta nói thế.

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết ông sinh năm 1942, hồi nhỏ học tại trường Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang). Năm học lớp 8 có đoàn cán bộ về khám tuyển phi công. Vượt qua nhiều vòng khám khắt khe, ông có tên trong danh sách hai người trúng tuyển, sau đó huấn luyện tại Sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Nửa năm sau, ông được chọn tham gia khóa huấn luyện lái máy bay MiG-17 trong ba năm tại Liên Xô cũ. Về nước, ông được biên chế tại Đại đội 1, Trung đoàn 921 Sao Đỏ- nơi có những phi công đàn anh tiếng tăm lẫy lừng như Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Nhật Chiêu... Sau đó ông lại được chọn đi học chuyển loại máy bay MiG-21 ở Liên Xô rồi về đơn vị cũ chiến đấu. Ông được xếp vào đội hình bay số 2 trong biên đội- vị trí làm nhiệm vụ yểm trợ, hỗ trợ cho số 1 tấn công tiêu diệt địch. Từ tháng 4-1967 đến tháng 2-1969, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh, tấn công tiêu diệt nhiều máy bay của giặc Mỹ. Riêng ông bắn rơi 9 chiếc gồm 5 máy bay F-105, 2 chiếc F-4 và 2 máy bay trinh sát không người lái trên vùng trời Hà Nội, Vĩnh Phú, Tuyên Quang, Hà Bắc, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Năm 1967 là năm đã đi sâu vào ký ức và sự nghiệp của ông như một mốc son rực chói. 6 máy bay địch bị ông bắn rơi trong năm này, trong đó có những trận đánh đã đi vào lịch sử không quân Việt Nam, sau này được tuyển chọn vào tập sách những trận đánh hay. Ông nhớ mãi ngày 29-4-1967. Hôm đó, phi công Nguyễn Ngọc Độ (sau này là Thiếu tướng) lên bảo: Ngày mai đơn vị bố trí cho tớ với cậu đi trực và dặn dò ông bình tĩnh, nắm chắc địch, chọn thời cơ để khai hỏa. Gần 9 giờ sáng 30-4-1967, nhận được thông báo có máy bay địch từ hướng Sầm Nưa - Tuyên Quang - Tam Đảo vào, biên đội của ông được lệnh vào cấp 1 cất cánh. Hai chiếc MiG-21 bay vút lên vùng trời Hòa Bình, Sơn La. Biên đội trưởng Nguyễn Ngọc Độ ở vị trí số 1, ông vị trí số 2 bay lên độ cao 4.000m. Chẳng mấy chốc đã phát hiện 4 chiếc F105 địch bay theo hình thang ở phía dưới, phía sau là các tốp cường kích. Biên đội trưởng Nguyễn Ngọc Độ bám sát và phóng tên lửa làm chiếc F-105 bay phía sau bốc cháy. Cùng lúc đó, từ vị trí số 2, lợi dụng địch chưa phát hiện ra, ông điều khiển máy bay vọt lên đưa một chiếc F-105 vào tầm ngắm và phóng tên lửa, thêm một chiếc F-105 bốc cháy.

Như ông thổ lộ, đó là trận đầu tiên mở màn cho những trận đánh lập công của ông trong năm 1967 đáng nhớ. Và cũng chính ông là người lập công nhiều nhất ở vị trí số 2, làm thay đổi cách đánh của không quân ta khi đó. Trên nguyên tắc chiến thuật, số 2 chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát địch giúp số 1 vào công kích, nhưng ông không những đã làm tốt điều này mà còn cùng tham gia tiêu diệt địch vì thế hiệu suất của trận đánh rất cao, có trận hạ tới 3 máy bay Mỹ. Trong trận đánh ngày 23-8-1967, ông đã thử nghiệm thành công chiến thuật "Đồng thời công kích". Lúc 13 giờ 45 phút cùng ngày, mạng ra đa của Quân chủng PK- KQ phát hiện đội hình lớn gồm 40 máy bay địch từ hướng Sầm Nưa (Lào). Phán đoán địch sẽ vào hướng Tây- Tây Bắc Hà Nội, Bộ Tư lệnh quyết định sử dụng biên đội MiG-21 Chiêu - Cốc và hai biên đội MiG-17 chặn đánh địch. Biên đội MiG-21 Nguyễn Nhật Chiêu (số 1), ông (số 2) được dẫn thọc sâu vào phía sau đội hình địch, tạo thế công kích có lợi. Sau khi số 1 bắn hạ 1 chiếc F-105, nhận thấy địch không phát hiện được số 1, ông từ vị trí yểm hộ băng lên, phóng tên lửa và tiêu diệt ngay một chiếc F-4 địch ở phía trước. Trong trận đánh ngày 12-12-1967, ở độ 5.000 mét, ông- với vai trò biên đội trưởng nhìn thấy tốp 4 F-105 của giặc Mỹ bay trên vùng trời quê hương Yên Thế (Bắc Giang). Ngay lập tức, ông hạ máy bay xuống độ cao 3.000 mét ngang bằng máy bay địch chỉnh kính ngắm và ấn nút phóng tên lửa, chiếc F-105 bùng cháy thành ngọn lửa khổng lồ.

"Bác chúc không quân có nhiều Cốc hơn nữa"

Sau khi rời khỏi đội bay chiến đấu, Anh hùng Nguyễn Văn Cốc công tác trong Quân chủng PK- KQ, lần lượt trải qua các chức vụ từ Đại đội phó đến Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371. Từ 1988 đến 1996, ông là Phó Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh rồi quyền Tư lệnh Quân chủng PK- KQ, hàm Thiếu tướng. Từ 1997 đến 1998, ông đảm nhận chức vụ Phó Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 10-1998 đến năm 2002 là Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, hàm Trung tướng.

Anh hùng Nguyễn Văn Cốc nhớ rất rõ lần được gặp Bác Hồ vào ngày mùng Một Tết Kỷ Dậu năm 1969 khi Người đến thăm Quân chủng PK- KQ. Trong không khí trang nghiêm, ấm áp của ngày đầu năm mới, Bác hỏi: “Buổi họp mặt hôm nay có mấy đồng chí là Anh hùng quân đội?” Chính ủy Đặng Tính thưa: “Thưa Bác, có 5 đồng chí ạ!”

Bác gật đầu, rồi tiếp: Người nào bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất? Chính ủy Đặng Tính tự hào: “Thưa Bác, đồng chí Nguyễn Văn Cốc, phi công Trung đoàn 921 bắn rơi nhiều nhất ạ!“

Bác lại hỏi: “Chú Cốc có mặt ở đây không?”

Nghe Bác gọi tên mình, ông vô cùng xúc động, nói: “Dạ thưa Bác, cháu Cốc có mặt ở đây ạ!”

Bác nhìn về phía ông và nói: “Chú Cốc lên đây”.

Ông đứng nghiêm trước mặt Bác, giơ tay chào theo kiểu quân sự: “Báo cáo Bác, phi công Nguyễn Văn Cốc có mặt ạ!”

Tiếng cười rộn dưới hàng quân và tiếng vỗ tay vang lên. Bác trìu mến hỏi: “Chú bắn rơi bao nhiêu máy bay Mỹ?”

- Thưa Bác, cháu bắn rơi 9 chiếc ạ!

Bác cười tươi, nói: “Chú Cốc giỏi lắm, bắn rơi 9 chiếc máy bay Mỹ là giỏi!” Nói rồi, Bác chuyển bàn tay trái cầm tay Nguyễn Văn Cốc giơ lên cao, tay phải Bác cũng giơ lên trước hàng quân. Bác nói to để mọi người đều nghe rõ: “Nhân dịp đầu năm mới, Bác chúc cho không quân có nhiều Cốc hơn nữa!” Tiếng vỗ tay vang lên cùng với tiếng reo vui của mọi người... Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày đó, nay dù tuổi cao nhưng trong tâm trí ông vẫn nhớ rất rõ kỷ niệm về lần được gặp Bác, về những lời Bác dặn dò.

Minh Giang - Việt Hùng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...