Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lao động trái phép nơi xứ người: Ác mộng khó quên

Cập nhật: 07:00 ngày 10/03/2018
(BGĐT) - Với mong muốn có tiền trang trải cuộc sống, nhiều lao động đã gạt nước mắt rời xa gia đình, bản quán, vượt biên đi làm ăn xa. Đặt chân bất hợp pháp qua biên giới sang Trung Quốc, những lao động này đều phải sống và làm việc trong cảnh chui lủi để tránh bị công an truy quét. Nơi xứ người, hành trình kiếm sống của họ vô cùng gian nan và đầy hiểm nguy, trắc trở.
{keywords}

Sau khi bị trục xuất về nước vì lao động trái phép, anh Hoàng Văn B, thôn Bắc 1, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) chăm chỉ làm vườn tại quê nhà.

Cơ cực, sợ hãi

Sau Tết, nhìn những vạt hoa vải, hoa bưởi, cam bung nở trắng triền đồi, anh Hoàng Văn B (SN 1983) ở thôn Bắc 1, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) lại nhớ cũng vào mùa hoa như thế này cách đây 4 năm, anh cùng vợ là Trương Thị T (SN 1987) lặng lẽ gửi lại hai con nhỏ cho ông bà nội trông, hai vợ chồng đánh liều một chuyến vượt biên sang Trung Quốc làm ăn. Nhắc tới quãng thời gian ở xứ người, B bảo “Đã qua mấy năm rồi, nghĩ lại vợ chồng em vẫn còn rùng mình. Nếu biết sang đó khổ cực thế, chúng em làm ở nhà cho xong”. 

Ngoài trời mưa xuân lất phất bay, hương hoa bưởi ngào ngạt, thư thái ngồi trong căn nhà mới nền lát gạch hoa sạch sẽ, có cả ti vi, tủ lạnh và nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, B khoe với tôi vừa sắm trước Tết. Kể lại chuyện cũ, B trầm tư: Ngày đó với mong ước kiếm được món tiền kha khá để hoàn thiện nốt ngôi nhà trần một tầng dang dở này, nghe nhiều người nói ra Giêng sang đó làm ăn, vài tháng nửa năm thì về. Thủ tục đơn giản, chỉ cần mỗi người bỏ ra 3 triệu đồng sẽ có người đưa sang tận nơi. 

“Đêm đó, vợ chồng em ra phố Chũ, lên ô tô đến cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, sau đó họ chở đi đâu không rõ. Lắc lư trên xe cả chục tiếng đồng hồ, sau này mới biết là chúng em ở tỉnh Quảng Đông. Đến một nhà trọ thấp lè tè, có mấy chục người cùng ăn ở tại đó, nam nữ mỗi giới một khu. Môi trường mới chưa quen, điện nước sử dụng hạn chế, sống cùng nhiều người không biết ở quốc gia nào... Ban ngày đi làm ở một nhà máy sản xuất dây USB. Nếu làm đủ 12 tiếng được trả khoảng 400 nghìn đồng tiền Việt Nam. Tối về nhà trọ, chúng em luôn được chủ hướng dẫn rằng khi có truy quét hãy chạy hướng nọ, thoát hướng kia. Đàn ông còn đỡ chứ phụ nữ họ vô cùng sợ hãi. Sống trong cảnh nơm nớp như thế, có người bị ốm mà không dám đến bệnh viện khám, mua thuốc vì sợ bị bắt. Làm việc một thời gian, chưa cả nhận được lương thì vào một buổi chiều, Công an Trung Quốc ập vào nhà trọ bắt giữ tất cả và nhốt vào trại vì không có giấy tờ cư trú hợp pháp. Em định chạy trốn thì bị đánh liên tiếp vào gáy”, B nhớ lại. 

Cũng qua câu chuyện, B cho biết đến bây giờ em cũng không rõ hai vợ chồng bị bắt là do Công an chủ động hay có người tố cáo để tống tiền, vì sau đó họ nói em phải điện thoại về Việt Nam, nhắn với bố mẹ mang 50 triệu đồng để chuộc. Vì gia đình không xoay xở được nên họ nhốt 7 tháng 10 ngày trong trại. Phòng giam chật hẹp nhưng có tới mấy chục người hằng ngày chỉ ăn toàn rau song vẫn bị bắt làm việc. Không làm thì không cho ăn. Sau khi công an Trung Quốc áp tải về đến cửa khẩu Hữu Nghị, B liên hệ với gia đình về nước. Vậy là sang Trung Quốc “làm chui”, vợ chồng anh B bị bắt giam và trở về tay trắng. “Thoát thân, giữ được mạng sống trở về được gia đình đã là mừng lắm rồi”- anh B cho biết.

{keywords}

Sang nước ngoài làm chui, người lao động gặp rất nhiều rủi ro. Đáng lưu ý là có nhiều ông chủ tham lam móc nối với kẻ môi giới để nhận lao động vào làm việc. Đến kỳ trả lương lại lén lút thông báo với Công an đến kiểm tra. Khi không đủ giấy tờ chứng minh, bị công an bắt giam thì họ chiếm đoạt luôn lương của người  lao động.


Đại tá Vũ Quang Vinh, Trưởng phòng An ninh điều tra (Công an tỉnh).

Cùng chung cảnh ngộ như vợ chồng anh B còn có hàng nghìn lao động chui khác. Với họ, thời gian ở Trung Quốc thực sự là cơn ác mộng khó quên. Sau những ngày khốn khổ, tủi nhục vì nghĩ sang làm công nhân sẽ có tiền gửi về giúp đỡ gia đình, chị Hoàng Thị T (SN 1990) ở thôn Nguyên, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) bị ép làm nô lệ tình dục. Trốn về Việt Nam, chị mạnh dạn làm đơn tố cáo Ngụ Văn Bộ (SN 1978), trú tại thôn Ngọ Xá, xã Châu Minh (Hiệp Hòa) bằng thủ đoạn lừa đảo xin việc đã lừa bán chị sang Trung Quốc vào "ổ nhền nhện". Tại đây chị bị đánh đập dã man, ép buộc bán dâm cho nhiều thành phần, đối tượng. Nói chuyện với tôi, cổ họng chị nghẹn ứ, nước mắt giàn giụa. Được biết, nhiều phụ nữ Việt Nam cứ nghĩ được sang làm việc ở doanh nghiệp, nhà máy nhưng thực chất bị lừa bán, bị ép buộc mua vui, phải tiếp khách chán chê rồi sau đó tiếp tục bị chúng bán cho những người đàn ông Trung Quốc già nua, bệnh tật để thỏa mãn tình dục. Có chị em chống cự liền bị chúng dùng điếu thuốc lá đang cháy liên tục châm vào cơ thể, đau đớn nên đành nhắm mắt làm liều chờ cơ hội trốn thoát.

Giấu những giọt nước mắt cho thân phận mình, chị Nguyễn Thị L (SN 1989) ở thôn Kim Thành, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) sang Trung Quốc và cũng bị lừa bán. Mới đây thất thểu trở về địa phương mang theo hai đứa con không có cha, chị phải nhờ tựa bố mẹ đẻ chăm sóc, nuôi dưỡng để đi làm. 

Tỉnh táo khỏi bị lừa

Để người dân tin tưởng nộp tiền, các đối tượng xấu thường vẽ ra những công việc dễ dàng, nhàn hạ hơn ở Việt Nam lại có thu nhập tốt, tương lai đầy hứa hẹn và yên tâm có công an, người nhà bên Trung Quốc “bảo lãnh”. Thế nhưng khi sang đến nơi, công việc thực chất là chặt mía, sản xuất đồ chơi trẻ em, gia công hàng may mặc, làm tôm đông lạnh… vất vả, cực nhọc nhưng thu nhập không hơn ở Việt Nam là bao, chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng mà luôn trong tình trạng sống lủi, làm chui, để rồi kết thúc là những ngày tháng lo sợ trong trại giam, chờ đóng tiền phạt và trục xuất về nước trong cảnh tàn tạ, trắng tay, có người còn mất mạng.

{keywords}

Cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Lục Nam tuyên truyền người dân xã Nghĩa Phương không xuất cảnh trái phép.

Như một sự cảnh tỉnh về tình trạng lao động trái phép sang Trung Quốc, qua thống kê của cơ quan chức năng, năm 2017 toàn tỉnh có gần 5.000 người, riêng huyện Lục Ngạn năm nào cũng đứng đầu. Làm việc với Thượng tá Giáp Văn Tân, Phó trưởng Công an huyện, trên gương mặt của người lãnh đạo vốn dày dạn kinh nghiệm chống tội phạm này không giấu được vẻ lo ngại khi đưa ra cho chúng tôi những con số giật mình. Mặc dù đã giảm dần qua từng năm nhưng vấn đề này vẫn đáng báo động. Đỉnh điểm là năm 2014, toàn huyện có hơn 4.000 người, năm sau là 2.000 người, tiếp theo là 1.800 người và năm 2017 có 1.772 người, chiếm gần 38% số lao động xuất cảnh và nghi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc của toàn tỉnh. Từng có nhiều năm phụ trách công tác an ninh, ông Tân cho rằng bên cạnh những nguyên nhân như nhu cầu lao động phổ thông từ phía Trung Quốc, thời gian đi ngắn, làm thời vụ (3 đến 5 tháng), chi phí chỉ vài triệu đồng và xuất cảnh dễ dàng thì một nguyên nhân nữa là Lục Ngạn có hơn 1 vạn người dân tộc Hoa, bằng 5,9% dân số, chỉ cần một cú điện thoại với lý do thăm thân là có thể sang đó ngay được. Trước thực trạng này, lực lượng công an đã tăng cường công tác phòng ngừa, phối hợp cùng nhiều cấp chính quyền tuyên truyền đến người dân những rủi ro rình rập và hệ lụy khi xuất cảnh trái phép, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh, bắt giữ, xử lý các vụ đưa người lao động trái phép sang Trung Quốc.

Để khỏi bị lừa xuất khẩu lao động, quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân. Mọi người cần tỉnh táo trước những lời hứa hẹn, viễn cảnh sáng chói nơi xứ người mà chúng vẽ ra. Khi muốn đi đâu, theo chương trình nào thì nên đến UBND xã hoặc Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện để tìm hiểu trước. Người dân phải hiểu rằng: Bất cứ quốc gia nào nếu có lao động bất hợp pháp đều bị truy quét, bắt giữ và đẩy đuổi về nước. 

Tôi lại nhớ câu nói của anh Hoàng Văn B- một nạn nhân đã nhắc ở trên, đại ý là sau thời gian sống chui lủi nơi xứ người, trở về an toàn mới thấy được giá trị của sự yên bình, ấm cúng nơi quê hương. Giờ đây, anh ở nhà lo chăm sóc vườn đồi với hàng trăm cây vải thiều và 400 cây cam, bưởi. Vợ anh - chị Trương Thị T đang làm công nhân ở một doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, thu nhập trung bình 7 triệu đồng mỗi tháng. Hai con một trai 1 gái được bố mẹ chăm sóc hằng ngày. 

Cuộc sống giản dị và đầm ấm. Còn nạn nhân Hoàng Thị T cũng có công việc và thu nhập ổn định ở một doanh nghiệp may mặc thuộc KCN Quang Châu (Việt Yên), cũng đã lập gia đình và mới sinh con trai khỏe mạnh, bụ bẫm. “Ở quê mình khó khăn còn được chính quyền quan tâm, hỗ trợ chứ nơi xứ người, ốm đau, bệnh nặng cũng chẳng ai biết đâu”- chị T nghẹn ngào.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...