Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chăm đào đón vụ mới

Cập nhật: 07:00 ngày 17/03/2018
(BGĐT) - Cứ vào cữ ra Giêng, mưa xuân ẩm ướt, tiết trời ấm áp cũng là lúc người trồng đào ở xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) lại bắt tay vào vụ mới. Những gốc đào đã cho thuê từ trước Tết được đưa về vườn, ruộng hay gốc đào ươm mới đang được chăm sóc để phục vụ dịp Tết năm sau.
{keywords}

Anh Nguyễn Văn Sang, thôn Thuyền, xã Dĩnh Trì chăm sóc đào.

Ươm những mầm xanh

Dĩnh Trì được nhiều người biết đến và coi như “thủ phủ” của hoa đào trên địa bàn tỉnh. Trồng loài hoa phụ thuộc rất lớn vào điều kiện ngoại cảnh, năm được năm mất song với tình yêu nghề, hàng chục năm qua, người dân trong xã vẫn kiên trì gắn bó với nghề.  

Trở lại vùng trồng đào vào chiều một ngày tháng Ba, nắng ấm chan hòa khắp nơi, chúng tôi cảm nhận sự say mê của bà con với công việc chăm chút loài hoa mang tín hiệu mùa xuân tới. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con tất bật vào vụ mới, ươm những mầm xanh khiến nơi đây nhộn nhịp như những ngày giáp Tết. Một số cây đào gốc to, nặng đến cả tạ được cẩu từ ô tô xuống ruộng. Ven đường nội đồng dẫn vào khu trồng đào hay ở đầu bờ ruộng là những bao tải phân bón hữu cơ chất cao để phục vụ chăm sóc đào.  

Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân thôn Núm cho biết: “Sau khi trưng Tết, đào thiếu hụt dinh dưỡng do bị cắt một phần rễ. Để cây bền gốc, tôi rút kinh nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ chăm cây, hạn chế phân hóa học giúp hoa dày cánh, đẹp, tươi lâu hơn”. Theo lời ông Hùng, làm nghề đến nay được hai mươi năm, ban đầu ông chỉ ươm cây nhỏ, chăm sóc đến khi ra hoa rồi bán đứt cho khách. Về sau, có kinh nghiệm hơn, ông gom đào người ta bỏ đi sau khi trưng Tết mang về trồng. Với ba sào đào, năm nào gia đình ông cũng có lãi. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng. 

Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, bà con trồng đào ở Dĩnh Trì bội thu. Bình quân mỗi ha thu về hơn 800 triệu đồng. Với tổng diện tích hơn 36 ha đào, tập trung tại các thôn Núm, Thuyền, Riễu, doanh thu toàn xã đạt hơn 25 tỷ đồng.

Ông Hùng khiêm tốn: “Thu nhập như nhà tôi thuộc diện thường thường bậc trung. Ở xã có một số hộ cho thuê những cây đào “khủng” thu tới vài trăm triệu đồng". Từ sự chỉ dẫn của ông Hùng, tôi đến ruộng đào có những gốc to sần sùi, dáng thế đa dạng, chủ nhân là anh Nguyễn Văn Thụy. Tại ruộng có gần 100 gốc, còn trong vườn nhà có số lượng cây gấp đôi. Trong đó, nhiều cây hơn 30 năm tuổi. Bên gốc cây đã được ghép mắt bích đào, anh Thụy nhanh tay bóc lớp ni-lông để cây sinh trưởng tốt. Anh phấn khởi: “Đây đều là đào lâu năm, được tôi mua từ khu vực miền núi. Tìm được cây rồi đánh gốc, đưa về đến ruộng là cả một công đoạn khắt khe, không khéo có thể làm cây bị chết. Sau khi cây sống mới áp dụng kỹ thuật ghép mắt giống đào mà thị trường ưa thích”. 

Với những gốc đào to, mấy năm gần đây anh Thụy gần như không bán mà chỉ cho thuê. Khách hàng cũng thay đổi trong cách sử dụng như chuộng thuê hơn mua. Do đa phần khách không có kinh nghiệm nên chỉ cần trưng những ngày Tết, sau đó chủ vườn đến chở về quy tụ tại ruộng trồng cho vụ sau, còn người dùng cũng không phải bỏ ra số tiền quá lớn. Anh Thụy chỉ cho tôi một cây đào cổ, dáng “long chầu mặt nguyệt” có giá 90 triệu đồng song thuê chỉ 35 triệu đồng. Còn đào tiến vua khá độc, lạ, màu hồng tím nhiều người trả giá lên 40 triệu đồng nhưng anh chưa bán. Tổng thu nhập từ đào trong dịp Tết vừa qua, anh Thụy đạt khoảng 500 triệu đồng.

Được biết, khi cho thuê đào, gần như chẳng có hợp đồng gì ràng buộc giữa chủ vườn và khách, tất cả nhờ vào chữ tín của hai bên. Đa phần khách thỏa thuận trả lại đào từ giữa đến cuối tháng Giêng để chủ vườn chăm sóc, không để lỡ vụ. Nếu chủ hộ muốn trưng dài hơn phải trả giá cao hơn. Ngoài cho thuê, chủ vườn cũng nhận chăm sóc đào lấy công. 

Để đào khoe sắc thắm

So với một số cây khác, trồng đào không quá vất vả song lại ngặt ở chỗ phải điều chỉnh ra hoa đúng Tết. Nếu thời tiết thuận lợi thì người trồng đào sung túc, bằng không lãi lời sẽ chẳng được bao nhiêu. Vài năm trước, chưa Tết mà nhiều ruộng đào hoa đã bung nở, không ít hộ thất thu. Một số người có kinh nghiệm chia sẻ, sang Giêng, cầy lật đất toàn bộ ruộng trồng đào. Cuốc hố sẵn để trồng ngay khi đưa cây về tới ruộng để cây nhanh chóng hồi sinh. Đối với ruộng trồng đào cây nhỏ hay đào chuyển tiếp phải khẩn trương bón phân, phòng trừ sâu bệnh, giúp cây khỏe mạnh, tạo dáng thế. Và khâu đặc biệt quan trọng là thời điểm tuốt lá để điều chỉnh ra hoa. Theo anh Nguyễn Văn Sang, thôn Thuyền, người “có tiếng” về chăm đào trong xã vì chuyên săn, trồng những gốc đào cổ, giá gốc mua về khá cao, thậm chí hơn trăm triệu đồng/gốc mà không biết cách làm sẽ lỗ lớn. Vào tháng 10 âm lịch là lúc đào “ngủ” nên việc đánh gốc về ruộng sẽ thuận lợi. Khi cây ổn định sẽ áp dụng kỹ thuật chăm sóc bình thường. 

{keywords}

Vùng trồng đào thôn Núm, xã Dĩnh Trì.

Hiện ở xã Dĩnh Trì có anh Nguyễn Văn Trường, thôn Núm áp dụng thành công biện pháp “ép” hoa ra theo ý muốn. Cùng ra thăm ruộng của gia đình, anh Trường bảo bây giờ cây bắt đầu nhú mầm, ra cành mới. Khi cành dăm dài khoảng 30 cm thì cắt bỏ lần một. Sau đó 50-55 ngày cắt cành dăm lần hai nhưng chỉ cắt khoảng 2/3 số dăm trên cây, phần còn lại để 10 ngày nữa mới cắt. Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 âm lịch người làm vườn cắt dăm lần ba. Dựa vào cây, màu sắc có thể tuốt là vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch để cây ra hoa đúng dịp Tết. Anh Trường khuyến cáo, người làm vườn chú ý tùy theo tốc độ sinh trưởng của cây mà điều chỉnh hãm ra hoa bằng cách khoanh gốc. Thấy tôi thắc mắc lý do các gốc đào đều được vun gốc cao mỗi khi chăm sóc, anh Trường giải thích: “Đào là giống cây không ưa nước, nếu bị ngập úng sẽ thối rễ mà chết nên cần phải làm luống to, cao, dễ thoát nước”.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin, dịp Tết vừa qua, bà con trồng đào bội thu. Bình quân mỗi ha thu về hơn 800 triệu đồng. Với tổng diện tích hơn 36 ha đào, tập trung tại các thôn Núm, Thuyền, Riễu, doanh thu toàn xã đạt hơn 25 tỷ đồng. Có được kết quả này là do thời tiết thuận lợi, rét kéo dài và bà con có kinh nghiệm trong xử lý ra hoa. Tuy nhiên, ông Hòa băn khoăn, sản xuất vẫn còn bấp bênh, kỹ thuật tiên tiến áp dụng chưa đồng đều. Coi đây là cây trồng mang lại thu nhập lớn, cải thiện đời sống người dân nên để khắc phục tình trạng này, thời gian tới UBND xã xây dựng một số mô hình trồng giống đào mới hay ứng dụng kỹ thuật cho hoa nở đúng Tết để nhân ra diện rộng; từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời đầu tư hạ tầng đường giao thông, mương nội đồng hoàn chỉnh để tạo thuận lợi cho bà con chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm.

Dù còn nhiều trăn trở, rủi ro song sự cần mẫn của người trồng đào đang tỉ mỉ chăm sóc cây trồng cho mầm xanh đang nhú, chúng tôi hy vọng và chúc cho người trồng đào tiếp tục gặt hái thành công trong vụ mới.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...