Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Theo những mùa hoa tìm mật

Cập nhật: 10:15 ngày 23/03/2018
(BGĐT) - Tháng 3, tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi, nảy lộc, muôn hoa khoe sắc. Đó cũng là lúc những người làm nghề nuôi ong đưa hàng trăm nghìn đàn từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước về Bắc Giang khai thác mật hoa. Riêng mùa này, nhiều chủ ong thu về hàng tấn mật, có lợi nhuận lớn.
{keywords}

Vùng vải thiều Lục Ngạn là nguồn nguyên liệu quý cho việc nuôi ong lấy mật. Ảnh: Việt Hưng.

Sung túc nhờ nghề

Mùa này, những vườn vải thiều tại bản Đồng Chủ, xã Tam Hiệp (Yên Thế) ra hoa thành từng chùm, màu trắng ngà phủ kín khắp các triền đồi. Ong thoả sức về lấy mật. Hoa nhiều, diện tích lớn nhưng trong thôn chỉ có vẻn vẹn ba hộ làm nghề nuôi ong. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến thăm chủ ong Hà Huy Lợi, người dân tộc Tày. Vừa vào đến cổng đã nghe tiếng ong rù rì bay về tổ. Những con ong nhỏ, sọc vằn nâu đen bay quanh các thùng gỗ, rồi lượn khắp vườn, đậu cả vào người đến thăm. Thấy chúng tôi hốt hoảng, ông Lợi trấn an: “Đừng cử động mạnh, cứ kệ nó thì sẽ không bị đốt”.

Nhằm thỏa trí tò mò của khách, ông Lợi nhẹ nhàng mở nắp thùng chứa ong. Trong thùng, đàn ong dày đặc đang nhả mật. Ông Lợi bảo với người con trai: “Mật nhiều lắm. Nắng đẹp thế này thì ngày mai phải gọi thợ vào quay thôi, kẻo lỡ đợt mật tốt”. Hơn 200 đàn ong vừa được ông di chuyển từ tỉnh Hòa Bình về đã nhanh chóng thích ứng với môi trường mới. Năm ngoái, vải thiều chỉ ra lộc mà không có hoa, đa phần chủ ong phải di chuyển sang tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng để khai thác mật hoa dại còn năm nay ngay tại quê, nhiều loài cây cùng trổ hoa, bung nở.

Ước tính, đến nay ông Lợi thu khoảng 500 lít mật vải, bưởi, cao gần gấp đôi so với năm ngoái. Rót chén mật vàng đặc quánh, thơm nức mời khách, ông chia sẻ: “Mùa này, hầu hết các loại cây đều ra hoa nên ong no nhất. Mật hoàn toàn tự nhiên bởi không phải nuôi bằng đường”. Chỉ tính riêng hơn một tuần đưa ong về quê, ông đã lấy được hơn 300 lít mật. Giá bán bình quân 150 nghìn đồng/lít, ông thu khoảng 45 triệu đồng. Chỉ tay vào chiếc xe ô tô 7 chỗ gầm cao, ông nói, tất cả từ ong mà ra đấy!

{keywords}

Ông Hà Huy Lợi (trái) sang chiết mật ong bán cho khách.

Ở tuổi ngoài lục tuần, đến nay ông Lợi đã có gần 40 năm gắn bó với nghề nuôi ong. Ban đầu chỉ là thú vui của tuổi trẻ, lên rừng bắt được tổ ong mang về nuôi vì tò mò chứ ông chẳng bao giờ nghĩ tới khá giả nhờ nghề. Về sau, những tổ ong sinh sôi, cho mật nhiều, không chỉ đủ sử dụng trong gia đình mà còn có để bán, ông đã nảy ra ý tưởng phát triển kinh tế từ con ong. Ngày qua ngày, ông ì ạch chở từng thùng ong bằng xe đạp đến nơi có hoa để lấy mật. Ông bị người làng cho rằng, suốt ngày lông bông, việc nhà chẳng lo cứ tung tẩy với đàn ong. Yêu nghề, nghề chẳng phụ, năm 1992, gia đình ông là hộ đầu tiên trong thôn có của ăn của để nhờ nuôi ong.

“Kinh tế khấm khá, tôi đầu tư mua chiếc xe kích để vận chuyển ong cho đỡ vất vả. Lúc đó, đời sống người dân vẫn còn nghèo khó nên ai cũng xuýt xoa khi tôi tậu được chiếc xe mới. Nếu không có ong thì tôi không thể nuôi được 6 đứa con ăn học và chữa bệnh cho người vợ thường xuyên đau ốm”- ông Lợi bộc bạch. Với ông, chỉ khi nào không còn sức khỏe ông mới rời bỏ con ong bởi đó là nguồn sống, niềm vui của mình.

Đến với nghề nuôi ong hơn 20 năm qua, anh Nguyễn Văn Công, thôn Khuân Liêng, xã Trường Sơn (Lục Nam) cũng có cuộc sống sung túc. Dưới nắng xuân chan hòa, đàn ong của gia đình anh cần mẫn hút mật hoa vải. Trời tạnh ráo, mật hoa dường như đặc hơn, bám vào mặt lá cây lấp lánh. Lo khách bị ong đốt, anh Công dùng chiếc đèn chuyên dụng, đốt vài lá cây khô tạo ra khói để ong đỡ “dữ”. Hàng trăm thùng ong đặt trong vườn, cạnh tán cây xanh mát, tiếng ong vo ve trên đầu mà chúng tôi không lo bị châm. Vừa cẩn thận kiểm tra từng thùng, anh Công vừa nhẩm tính, từ đầu vụ hoa vải đến nay thu được chừng 300 lít mật. Sản phẩm cung cấp cho khách ở TP Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội với giá bán 150 nghìn đồng/lít. Mỗi năm, anh để ra được khoảng 200 triệu đồng từ nuôi ong lấy mật.

{keywords}

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc HTX Ong hữu cơ Sơn Động kiểm tra chất lượng ong nuôi.

Cơ sở là nhà

{keywords}

Ong là loài sống rất “tình cảm, thương con”. Nắm được quy luật này, người nuôi ong thường duy trì nhộng ở trong tổ. Khi còn nhộng, ong tuyệt đối không rời xa tổ, chăm chỉ tha mồi về nuôi con, làm mật".


Anh Nguyễn Văn Công, thôn Khuân Liêng, xã Trường Sơn (Lục Nam).

Dịp này, không chỉ có người dân trong tỉnh, chủ ong ở khắp nơi trong cả nước đưa ong về Bắc Giang khai thác mật hoa. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, ước tính có hàng trăm nghìn đàn tụ hội tại địa phương, trong đó địa bàn Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế ong về nhiều hơn cả bởi diện tích vải thiều, nhãn, xoài lớn. Có thâm niên nuôi ong “du mục” gần chục năm, anh Nghiêm Văn Hợp, ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng di chuyển 350 đàn ong ngoại từ tỉnh Bình Dương về đặt tại thôn Trại Nội, xã Trường Sơn. Mỗi thùng ong nằm cách nhau chừng một mét, ngay hàng thẳng lối giữa vườn vải. Trong vòng một tuần, anh Hợp thu gần một nghìn lít mật. Sở dĩ lượng sản phẩm nhiều như vậy là do ong ngoại cho năng suất cao, giá bán chỉ bằng một nửa so với mật ong nội, khoảng 80 nghìn đồng/lít. Quan sát hoa vải, hoa bưởi nở trắng, anh Hợp nói: “Khoảng nửa tháng nữa sẽ hết chu kỳ khai thác mật tại Bắc Giang, tôi lại đưa ong về một số tỉnh đồng bằng lấy mật hoa của cây sú, vẹt, hoa dại”.

{keywords}

Sản phẩm mật ong nguyên chất của HTX Lương Hiệp Tiến được giới thiệu tại Hội chợ Thương mại huyện Yên Thế năm 2018. Ảnh: Việt Hưng.

Với người nuôi ong, cuộc sống nay đây, mai đó đã trở nên thân thuộc và theo quy luật. Như vậy mới giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu quả kinh tế, không phải đầu tư thức ăn cho ong. Ngoài 60 tuổi, thời gian ông Lợi ở nhà chẳng được là bao. Một năm có 4 mùa thì chỉ có khoảng 40-50 ngày trong mùa xuân ông ở quê khai thác mật vải còn lại đưa ong theo những mùa hoa ở khắp các tỉnh phía Bắc lấy mật. Đưa ong đến đâu, chủ ong đều liên hệ với chính quyền địa phương, chủ vườn để được tạo điều kiện tốt nhất. Coi những người dân sở tại như người nhà, sống cởi mở, gần gũi. Nhờ đó, đàn ong được giữ ổn định, không bị xáo trộn. Còn anh Công, xã Trường Sơn kể, thông thường chủ vườn rất mến những người nuôi ong. Ong giúp cây thụ phấn tốt hơn, tăng tỷ lệ đậu quả. Khi vật nuôi có biểu hiện lạ, họ thông báo ngay với người nuôi ong. Có lần đêm muộn, anh Công phải lặn lội đi hàng chục cây số khi nhận được tin ong không vào tổ mà bay quanh tán cây. Dù vất vả song anh Công cho rằng vẫn còn may là nắm được tình hình kịp thời để xử lý, không bị mất đàn. Cũng theo anh Công, ong là loài sống rất tình cảm, thương con. Nắm được quy luật này, người nuôi ong thường duy trì nhộng ở trong tổ. Khi còn nhộng, ong tuyệt đối không rời xa tổ, chăm chỉ tha mồi về nuôi con.

Trò chuyện cả ngày cùng một số chủ ong, chúng tôi hiểu và chia sẻ cuộc sống nay đây, mai đó của họ. Vất vả nhưng bù lại, chủ ong thu được thành quả ngọt ngào từ những giọt mật hoa mà chi phí bỏ ra không lớn. Hiện nay, điều lo ngại nhất của những người nuôi ong là tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế, sau mỗi mùa hoa không ít đàn ong bị chết do “dính” thuốc. Để bảo vệ sản xuất, người nuôi ong phải khảo sát kỹ địa hình, lượng hoa trước khi đưa ong đến khai thác mật. Riêng đối với vải thiều, khi cánh hoa xòe ra khoảng 20% mới nên đưa ong về. Thời điểm này, người trồng vải không phun thuốc trừ sâu và cũng là lúc mật có nhiều nhất. Các chủ rừng, chủ vườn cũng cần tuân thủ quy trình chăm sóc cây trồng, chỉ phun thuốc hóa học khi sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ nhằm tạo điều kiện cho ong sinh sôi, nhả mật.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...