Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngột ngạt khí than

Cập nhật: 10:56 ngày 25/05/2018
(BGĐT) - Mấy năm gần đây, do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước tăng cao nên trên địa bàn huyện Lục Nam xuất hiện nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình xây dựng cơ sở sản xuất than hoa, than hoạt tính. Điều đáng nói là trong thời gian dài, hầu hết các cơ sở này không chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, trong khi hoạt động ngay tại khu dân cư, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Khói bủa vây nhà dân

Gần trưa, nắng hè gay gắt chiếu xuống con đường bê tông chạy qua thôn Trại Đáng, xã Tam Dị. Mấy cụ già ngồi trong quán nước bên đường liên tục lấy quạt giấy phe phẩy như muốn xua đi mùi khói than nồng nặc, dù cạnh đó quạt điện đang chạy vù vù.

- Khói ở đâu ra nhiều vậy, thưa bà?- Tôi tò mò hỏi.

- Khói từ lò sản xuất than hoa gần đây. Hôm nay còn đỡ chứ nhiều hôm khói dày đặc, khó chịu lắm - Một bà cụ ngoài 70 tuổi nói.

Bốn lò sản xuất than hoa của gia đình anh Vũ Văn Thế, thôn Trại Đáng nằm quanh vườn. Mỗi lò rộng chừng 10m2, cao 2m, được xây đắp bằng gạch trộn với bùn đất. Phần đầu nhô ra hơn 1m để nhóm lửa; phần thân chứa đầy củi cùng những ống thông khói đen xì cao không quá đầu người…

Đến gần một lò đang hoạt động, khói tỏa ra quanh người, anh Thế phân trần: “Sản xuất than hoa không độc hại, bởi khói từ củi như mọi người vẫn nấu cơm hằng ngày”!? Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Soạn, Bí thư Chi bộ thôn, nhà ở liền kề với những lò than này lại khẳng định việc sản xuất than đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống, nhất là thời gian mới đốt lò. Khi đó, khói đen cuồn cuộn bốc lên, có mùi khó chịu khiến không gian ngột ngạt. Đặc biệt, những ống khói này lại không được làm cao nên khói cứ tụ bám vào nhà dân xung quanh. Theo ông Soạn, từ giữa năm 2017 đến nay, cả thôn có 7 người chết, trong đó 6 người chết do ung thư phổi. “Nhiều lần, gia đình tôi phải sơ tán con trẻ đi nơi khác vì môi trường không khí bị ô nhiễm”, ông Soạn chia sẻ.

Gia đình anh Thế bắt đầu xây lò sản xuất than hoa cách đây hơn ba năm theo giấy phép hoạt động do UBND huyện Lục Nam cấp. Theo quy trình, mỗi tháng anh cho ra một mẻ than, sản lượng 10 tấn/lò. Nguyên liệu để đốt là các loại gỗ tươi như bạch đàn, keo, vải thiều, nhãn… Do cơ sở sản xuất nằm ngay trong khu dân cư lại gần Trường Tiểu học Tam Dị nên nhiều lần người dân có ý kiến với lãnh đạo thôn, xã, huyện về vấn đề này. “Xã đã yêu cầu cơ sở ngừng hoạt động, chúng tôi cũng đến nhắc nhở song đến nay lò vẫn hoạt động bình thường”, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Công an xã kiêm Trưởng thôn Trại Đáng thông tin.

Cuối chiều tháng Năm, nắng nóng vẫn hầm hập đổ trên mái tôn của khu lò sản xuất than hoạt tính ở thôn Bảo Lộc 1, xã Bảo Sơn. Mấy lao động nữ đang cặm cụi xúc từng xẻng than đỏ rực từ miệng lò cho vào thùng phi gần đó. Kế bên là lò than được bịt kín miệng bằng lớp bùn nhão, để hở một lỗ làm ống khói. Khói từ đây phả ra rồi tỏa đi theo chiều gió. Người dân vùng này cho biết khói xuất hiện nhiều vào buổi tối và sáng sớm. Khi ấy trời có sương nên khói không thể bay cao mà tỏa ra xung quanh. Một số cây vải thiều của các hộ gần đó không thể ra hoa, đậu quả được. Mọi người thường bị khói gây khó thở, tức ngực. 

Từ cuối năm 2017, cơ sở làm thêm ống dẫn khói lên cao, tình trạng ô nhiễm đã được cải thiện song vẫn không xử lý được triệt để. “Mong cơ quan chuyên môn sớm kiểm tra đánh giá lượng khói thải ra từ cơ sở sản xuất này gây độc hại, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như thế nào. Trước mắt, cơ sở nên làm ống khói cao hơn, bảo đảm khói không bay vào nhà dân”, ông Tuấn kiến nghị.Được biết, chủ cơ sở sản xuất than hoạt tính này ở TP Bắc Giang, thuê lại đất của một gia đình ở thôn, diện tích khoảng 1.000m2 từ năm 2015, có tổng số 10 lò. Ông Nguyễn Minh Trường - người được giao quản lý cơ sở này cho biết, cứ 10 ngày sẽ ra lò một lần. Trung bình mỗi tháng sản xuất được 1 tấn than hoạt tính. Nguyên liệu chính là cành vải, nhãn, giá mua vào 1.000 đồng/kg, khi ra lò sẽ bán khoảng 8.000đ/kg, lợi nhuận khá cao. “Chúng tôi thực hiện đầy đủ quy định của Nhà nước”, ông Trường quả quyết. Tuy nhiên, Trưởng thôn Bảo Lộc 1 Lương Văn Tuấn lại cho biết, cơ sở này đã thải ra lượng khói lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, khiến bà con bức xúc có ý kiến lên cấp trên. 

Sai phạm nhiều, kéo dài

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Lục Nam, trong những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng than hoa, than hoạt tính tại thị trường trong và ngoài nước tăng cao nên tại các địa phương đã có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư xây dựng lò. Hiện toàn huyện có 20/27 cơ sở hoạt động với tổng số 235 lò, sản lượng bình quân khoảng 15 tấn/tháng/cơ sở. 

Khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất than hoa, than hoạt tính trên địa bàn huyện Lục Nam chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Trong số 20 cơ sở đang hoạt động, chỉ có 15 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh; 9/20 cơ sở có đăng ký mã số thuế, kê khai nộp nghĩa vụ tài chính, trong đó 7/9 cơ sở chỉ nộp thuế môn bài hằng năm; 18/20 cơ sở không có sổ theo dõi hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản theo quy định. Đặc biệt, chỉ có 2/20 cơ sở sử dụng đất đúng mục đích theo cơ quan có thẩm quyền cho phép, còn lại 18/20 cơ sở tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ các loại như: Đất rừng, đất ở, đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh. 

{keywords}

Lò sản xuất và sản phẩm than hoa của gia đình ông Vũ Văn Thế, thôn Trại Đáng, xã Tam Dị (Lục Nam).

Các cơ sở trên thực hiện quy định về bảo vệ môi trường cũng chưa đầy đủ. Chỉ có 2/20 cơ sở có bản kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền xác nhận. “Mặc dù qua quan trắc về môi trường tại một số cơ sở, các thông số về không khí đều nằm trong giới hạn cho phép song do các cơ sở này ở trong khu dân cư nên ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, điều kiện sống của người dân”, ông Hoàng Đình Giang, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho biết.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Về khách quan, do nhu cầu sử dụng than hoa, than hoạt tính thời gian qua tăng, lợi nhuận cao nên rất nhiều hộ gia đình tự ý xây dựng lò đốt than củi thủ công với quy mô vừa và nhỏ, khó kiểm soát. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng là do chính quyền cơ sở và các ngành chức năng huyện còn buông lỏng quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát sau cấp phép giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, xác nhận đăng ký hồ sơ bảo vệ môi trường và mở hồ sơ theo dõi nguồn gốc nguyên liệu củi, gỗ đầu vào; chưa kịp thời, cương quyết ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng đất, thất thu thuế nhà nước…

Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, ông Hoàng Đình Giang nói: “Chúng tôi sẽ đề xuất UBND huyện cho dừng hoạt động hoặc rút giấy phép sản xuất kinh doanh đối với những trường hợp cố tình vi phạm”. Nhà nước khuyến khích mọi người dân tham gia phát triển kinh tế với nhiều hình thức, ngành nghề song phải bảo đảm tuân thủ pháp luật. Vì thế, việc quản lý, kiểm soát chặt hoạt động sản xuất than hoa, than hoạt tính trên địa bàn huyện Lục Nam là hết sức cần thiết, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Đỗ Thành Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...