Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đánh thức Sa Lý

Cập nhật: 16:35 ngày 20/07/2018
(BGĐT) - Lần này lên Lục Ngạn (Bắc Giang), chúng tôi không tới các vườn vải bạc tỷ, không thăm các xã bội thu hàng trăm tỷ đồng từ cây trái mà đến với Sa Lý - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, nơi mà tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới 57%. Làm gì để Sa Lý chuyển mình, làm gì để đánh thức “ốc đảo” này bật dậy vẫn là câu hỏi lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây.
{keywords}

Đường tỉnh 248 chạy qua xã Sa Lý.


Ngổn ngang khó khăn

Khoảng hai chục năm trở về trước, Sa Lý với những tên gọi đầy ma mị như: “Sa Lý tự do”, “ốc đảo tự do”, “U Minh cốc” luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với những ai đến vùng đất này. Đường vào xã quanh co, hiểm trở cộng với núi rừng hoang vắng, nạn khai thác vàng “thổ phỉ” ngang nhiên hoành hành khiến Sa Lý trở thành “ngáo ộp” trong tâm khảm nhiều người.

Giờ mất hơn một tiếng đồng hồ từ trung tâm huyện Lục Ngạn, chúng tôi đã có mặt tại trụ sở Đảng ủy- HĐND- UBND xã. Đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Phạm Việt Dũng cùng đi bảo, con đường trải nhựa này mở cách đây mười năm, là con đường hy vọng, mở hướng thoát nghèo cho Sa Lý.

Bí thư Đảng ủy xã Sa Lý Lâm Văn Quý tuổi đời còn khá trẻ. Anh thuộc thế hệ 8X nhưng từ năm 2012 đã giữ trọng trách Chủ tịch UBND xã, mới nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã hai năm nay. Tiếp chúng tôi, anh tâm sự: “Đảng bộ xã vừa tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ, cơ bản các chỉ tiêu đều chưa đạt, dù anh em đã rất cố gắng. Đúng là cái khó nó bó cái khôn”.

{keywords}

Muốn vào suối Cặm, không còn đường nào khác là phải lội.

Sa Lý có nhiều cái khó thật! Là xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, dù đã được Nhà nước đầu tư đủ cả bốn trụ cột “điện- đường- trường- trạm” song mới chỉ được phần nào. Đơn cử như đường giao thông, ngoài đường tỉnh 248 và một thôn mới được trải nhựa, còn lại 7 thôn hoàn toàn là đường đất đỏ, nhiều đoạn dốc ngược, xe đạp xe máy đi chỉ chực ngã. 

Trường học cũng vậy! Xã có trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia nhưng ở các điểm lẻ vẫn vô cùng khó khăn, xa xôi cách trở. Chưa kể học sinh học hết THCS, muốn học lên bậc THPT phải lên huyện học hay chí ít học ở Tân Sơn, gần nhất cũng 30 cây số. Xã có 8 thôn thì 5 thôn chưa có nhà văn hóa; ngay trụ sở xã cũng không có hội trường lớn, nơi sinh hoạt chung.

Mấy năm nay, từ sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, Sa Lý dẹp được nạn đào đãi vàng sa khoáng. Đó là thành công lớn của Đảng bộ và chính quyền nơi đây song hệ lụy để lại khá nặng nề. Đói kém, không còn vàng lộ ra để đãi bán lấy tiền nên người dân rủ nhau vào rừng chặt phá. Chưa kể, một số thanh niên từ khai thác vàng có tiền tiêu xài đã “bập” vào tệ nạn xã hội, nghiện hút ma túy. Nhiều cái cộng lại khiến Đảng bộ xã mất danh hiệu trong sạch vững mạnh, an ninh trật tự có thời điểm còn bất an.

Sa Lý có 721 hộ, 3.002 nhân khẩu thì hơn một nửa trong số đó là hộ nghèo, hộ cận nghèo (hộ nghèo 39%, hộ cận nghèo 18%). Trừ 4 hộ người Kinh, còn lại đa phần bà con dân tộc Sán Chí, Tày, trình độ dân trí thấp. 100% các khoản chi của xã trông chờ vào ngân sách nhà nước.

Cũng là ở Lục Ngạn, trong khi các xã khác chỉ qua vụ vải người dân đã thu tiền tỷ nhưng cả năm, Sa Lý chỉ mong thu được mấy chục triệu đồng. “Từ đầu năm đến nay, chúng em thu được cả thảy 28 triệu đồng ngân sách. Năm ngoái, nếu làm tròn thì được 68 triệu, chủ yếu từ tiền phí và lệ phí với xử phạt hành chính, ngoài ra không có khoản nào khác”- Bí thư Lâm Văn Quý tâm sự thật.

Tôi hiểu, chính vì không có nguồn thu, tự cung tự cấp nên Sa Lý hầu như không phát triển thương mại, dịch vụ. Xã không có hàng ăn, quán nước; rất ít cửa hàng cửa hiệu tạp hóa. Chợ phiên họp một tháng hai ngày; những ngày bình thường, bà con muốn cải thiện chỉ trông vào vài ba nhà bán thịt lợn, mà nếu không mua nhanh cũng không còn. Xa về khoảng cách địa lý, khó về giao thông, bí về nguồn lực khiến bao năm nay, Sa Lý vẫn quẩn quanh với nghèo khó, chưa bứt lên được.

Xa về khoảng cách địa lý, khó về giao thông, bí về nguồn lực khiến bao năm nay, Sa Lý vẫn quẩn quanh với nghèo khó, chưa bứt lên được.

Trăn trở cùng Sa Lý

Sa Lý có suối Cặm (ở thôn Đồn) với thác nước chảy róc rách suốt ngày đêm quanh năm mát mẻ không khác gì Sapa, Tam Đảo cùng nhiều huyền thoại về dòng thác này nhưng để phát triển thành điểm du lịch lại là chuyện không tưởng. “Đại hội Đảng kỳ trước xã mạnh dạn đưa vào nghị quyết xin đầu tư làm du lịch nhưng không được duyệt vì không khả thi”- Bí thư Quý cho biết. Đơn giản vì muốn vào được suối, không còn con đường nào khác phải lội qua sông, qua những con đường độc đạo hiểm trở. Vậy nên, dù suối Cặm có đẹp, có nên thơ nhưng đúng nghĩa là “nàng công chúa ngủ quên trong rừng”, không biết đến bao giờ mới có hoàng tử đến đánh thức.

{keywords}

Thác Quả Dứa (Suối Cặm) có thể phát triển du lịch nhưng đường vào quá khó khăn.

Hay như ải Khả Lý sử sách ghi lại xưa kia là phòng tuyến của quân dân Đại Việt chống xâm lăng phương Bắc, bốn bề thiên nhiên hùng vĩ hoàn toàn có thể làm di tích lịch sử, điểm đến thư giãn cuối tuần nhưng không có nhà đầu tư, xã cũng đành chịu.

Ở Sa Lý, nguồn thu nhập chính của bà con từ rừng, làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Vụ vải vừa rồi, xã được mùa lớn với sản lượng khoảng 400 tấn. Tuy nhiên, do chưa có kỹ thuật chăm sóc tốt nên vải nhỏ, chất lượng không cao, chưa kể mang được tấn vải từ vườn ra đường đã mất cả buổi khiến vải nhanh xuống mã, bán không được giá. Cả xã chú trọng vào chăn nuôi gia súc nhưng mấy năm gần đây, tổng đàn cũng giảm vì đồng cỏ bị thu hẹp, trâu bò thả rông ở rừng, không ai chăn dắt.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIV xác định hướng đi chính vẫn là phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi gia súc; tới đây, sẽ mở rộng thêm cây ăn quả, cây có múi song phải chú trọng nâng cao chất lượng. “Chúng em xác định yếu tố con người vẫn là quyết định. Cán bộ lãnh đạo xã đang ở tuổi trẻ, khỏe, cơ bản dưới 40 nên cần thay đổi tư duy, phương pháp làm việc và quan trọng phải gần dân, sát dân hơn nữa. Nếu dân không tin, mình không làm gương thì sẽ rất khó làm việc, nói dân nghe”- Bí thư Quý tâm sự.

Bà con Sa Lý gần như 100% là đồng bào dân tộc, hiền lành, chất phác song lại ngại áp dụng cách làm mới, một số còn tư tưởng thụ động, trông chờ ỷ lại. Việc học ở đây dù đã được quan tâm song tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng rất ít. Mà nếu không có cán bộ tại chỗ, được đào tạo bài bản, am hiểu tình hình địa phương thì rất khó để gần bà con, tuyên truyền bà con làm theo cách mới.

{keywords}

Cửa hàng tạp hóa của gia đình chị Lâm Thị Hồng (thôn Xé).

Những gì là khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân Sa Lý đều đã chỉ ra và quyết tâm cao thực hiện. Tuy nhiên, với hệ thống hạ tầng kém, trình độ tập quán canh tác lạc hậu thì để Sa Lý bật dậy, đánh thức “ốc đảo” này rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện, trao “cần câu” của các cấp, ngành cho bà con nơi đây.

Một ngày ba chuyến, đã thấy Sa Lý có tuyến xe khách chạy qua để về tới Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Một vài hộ trong xã đã đầu tư xe ô tô bán tải, xe tắc-xi làm dịch vụ. Khoảng cách địa lý, tầm nhìn của bà con trong xã đang được mở mang ra bên ngoài. Lớp thanh niên trong xã thỉnh thoảng lại rủ nhau xuống phố huyện, thảnh thơi ngắm phố cho khỏi lạc hậu, thế là thấy hạnh phúc.

Sa Lý hôm nay không còn là “ốc đảo”, Sa Lý đã có đủ “điện- đường- trường- trạm”, có cảnh sắc thiên nhiên trong lành, nếu được đầu tư, cộng với phát huy nội lực, ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con, hy vọng không bao xa, Sa Lý sẽ khởi sắc.

Thu Hương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...