Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Báu vật giữa non thiêng

Cập nhật: 07:00 ngày 05/08/2018
(BGĐT) - Phía Tây của dãy Yên Tử với tầng tầng, lớp lớp di chỉ văn hóa, lịch sử, tôn giáo… khiến không ít người mỗi lần đến lại thêm một lần bất ngờ. Những di tích, công trình ấy được đặt trong quần thể rừng nguyên sinh độc đáo, đa dạng đã tạo nên báu vật của trời đất.
{keywords}

Chùa Hạ đang được gấp rút hoàn thiện.

Chúng tôi đang mải mê chụp ảnh và tận hưởng những làn gió mát từ đỉnh Yên Tử cao hơn một nghìn mét thổi về thì bất ngờ cơn mưa đổ xuống. Thế rồi mưa đi qua cũng nhanh như lúc đến. Cả dãy núi với những tán lá rừng như xanh bóng lên, tinh khôi và đầy sức sống. Mây trắng quấn quanh đỉnh núi cao vút, bồng bềnh trong nắng hè. Sau mấy ngày mưa, con suối Nước Trong đoạn đổ ra cửa rừng được mở rộng hơn, nước đổ ào ạt tạo thành các con thác nhỏ, tràn qua vô số đá hòn, đá tảng xếp lớp thấp dần. 

Không đi theo đường cáp treo, chúng tôi chọn cách leo bộ ngược núi. Bắt chuyện với đoàn khách đang hăm hở vượt suối, được biết các anh chị đều là giáo viên huyện Lạng Giang, tranh thủ nghỉ hè tổ chức đi tham quan. Các cô giáo trẻ hào hứng chọn những góc đẹp để có được bức ảnh seo-phì (selfie) ưng ý, khoe với bạn bè trên mạng xã hội.

Thảm lá rừng che khuất những con đường mòn, có đoạn gần như không còn dấu vết, rêu và nước mưa làm những hòn đá, mô đất thêm trơn trượt, chúng tôi phải “đánh vật” với mỗi bước chân. Đàn muỗi rừng đói thấy hơi người túa ra như trấu, chỉ cần sơ ý là “hiến máu” cho chúng. Người bạn đồng hành vô tình gặp trên đường là chị Triệu Thị Hoa, ở xã Tuấn Mậu (Sơn Động) thì cứ phăm phăm bước, trái với vẻ vất vả của chúng tôi dù trên vai chị là gùi to toàn cây thuốc nặng trĩu. Chị kể: “Dân tộc Dao chúng tôi gắn bó với dãy núi Yên Tử không biết bao nhiêu đời rồi. Cây cỏ, thú rừng trở nên thân thiết, mở mắt ra là thấy núi, theo thói quen và cũng là phong tục, chúng tôi vẫn vào rừng hái thuốc. Gia đình tôi có nghề bốc thuốc truyền thống, sáng nay tôi dậy từ 3 giờ, nấu cơm rồi chuẩn bị mọi thứ để 5 giờ vào rừng. Những cây này phải đi xa lắm, lấy về vừa để nhà dùng vừa chữa bệnh cho dân bản”.

Chị chỉ cho chúng tôi những thân cây ngoằn ngoèo, cây thì mốc thếch, cây lại xanh thẫm rồi giới thiệu: Đây là cây Vuôn mền, kia là cây Xó nhà trắng, Tan đỏ… sau khi lấy về cắt nhỏ, phơi khô hoặc sao vàng, kết hợp lại có thể chữa được nhiều loại bệnh theo bí quyết riêng của người dân tộc địa phương.

{keywords}

Bây giờ rừng được quản lý chặt lắm, không còn chặt phá, săn bắn nữa đâu. Tôi không biết chữa bệnh nhưng thỉnh thoảng vẫn vào rừng lấy cây thuốc, những loài thú to thì rất ít gặp nhưng mấy năm gần đây, rừng đang rậm rạp trở lại như xưa nên chúng tôi vẫn hay nhìn thấy khỉ, sóc...”.


Anh Triệu Tiến Đạt, người dân xã Tuấn Mậu

Nghe chị Hoa kể, tôi miên man với suy nghĩ, cũng con đường này đây, hàng trăm năm qua, đã có biết bao người hành hương lên với chùa Đồng, đỉnh Ngọa Vân… theo Phật Hoàng Trần Nhân Tông “Hoằng dương Phật pháp”. Tuy không còn nhiều cây thông cổ thụ, những am, chùa còn khá nguyên vẹn như bên phía Đông Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh nhưng trên địa bàn huyện Sơn Động vẫn dễ dàng bắt gặp không ít dấu vết của những con đường, những địa điểm hành đạo Phật sự của Tam tổ Yên Tử và các đồ đệ năm xưa.

Anh Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử giới thiệu với chúng tôi, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử chủ yếu nằm trên địa bàn các xã: Thanh Luận, Tuấn Mậu, An Lạc, thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động) và xã Lục Sơn (Lục Nam) với hơn 13 nghìn ha rừng và đất rừng đặc dụng gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (hơn 6 nghìn ha), còn lại là phân khu phục hồi sinh thái và hành chính dịch vụ. 

Nơi đây chứa đựng tiềm năng đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho vùng Đông Bắc Việt Nam. Các nhà khoa học đã phát hiện và xác định hàng nghìn loài thực vật, trong đó có những loại đặc biệt quý hiếm, thậm chí nguy cơ tuyệt chủng hoặc giá trị dược liệu cao như Tùng la hán, Hoàng đàn, Trúc bụng Phật, Thông hai lá dẹt, Trầm hương, Ba kích, Thổ phục linh... Cùng đó là hàng trăm loài thuộc các lớp thú, chim, bò sát, nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Cu li nhỏ, gấu ngựa, khỉ vàng, hươu vàng, gà lôi trắng, rùa vàng, rắn hổ mang chúa, thằn lằn cá sấu, cá cóc sần, ếch Yên Tử…

- Có cách nào để tìm được chúng không anh? - Tôi hỏi.

Anh Hiệu chia sẻ:

- Khó đấy, có những cán bộ công tác ở đây cũng đi rừng thường xuyên mà chưa một lần nhìn thấy những loài thú hiếm đó. Chỉ có một số nhà khoa học trong nước và quốc tế lặn lội nhiều ngày trong rừng với những thiết bị chuyên dụng mới may mắn gặp chúng. Khi bắt được, họ gắn chíp điện tử để theo dõi chặt chẽ, kiểm soát số lượng, phạm vi hoạt động, hằng năm họ lại đến kiểm tra. Hoạt động này được quản lý rất nghiêm, không phải ai cũng biết được khu vực phát hiện những con vật đó và tần số của chíp gắn trên người chúng. Làm vậy mới bảo đảm hạn chế tình trạng săn bắn trái phép, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, làm nên vẻ độc đáo của Tây Yên Tử.

{keywords}

Rừng Yên Tử thu hút du khách bởi vẻ nguyên sơ, trong lành.

Mang niềm háo hức ấy, chúng tôi tìm hỏi anh Triệu Tiến Đạt, một người dân tộc Dao ở xã Tuấn Mậu trước đây hay vào rừng, thuộc Tây Yên Tử như “lòng bàn tay”. Ngồi ở bìa rừng sau khi đưa chúng tôi đi tham quan nơi này, đưa tay gạt mồ hôi, anh bảo: “Bây giờ rừng được quản lý chặt lắm, không còn chặt phá, săn bắn nữa đâu. Tôi không biết chữa bệnh nhưng thỉnh thoảng vẫn vào rừng lấy cây thuốc, những loài thú to thì rất ít gặp nhưng mấy năm gần đây, rừng đang rậm rạp trở lại như xưa nên chúng tôi vẫn hay nhìn thấy khỉ, sóc… Có những khu vực lim, thông, mai vàng Tây Yên Tử đang lên rất tốt, đẹp lắm”. 

Khi nhìn ảnh và nghe chúng tôi miêu tả về loài thằn lằn cá sấu, cá cóc sần, anh Đạt hào hứng: “Những con này thường có ở các khe suối, ao nước nhỏ trên núi, vì đã được tuyên truyền nên người dân ở đây không ai bắt cả. Giờ này muộn rồi, không đi được đến đâu nhưng tôi chắc chắn là đã nhìn thấy trong một số lần vào rừng trước đây”.

Vậy là những loài sinh vật quý hiếm của Tây Yên Tử đã hồi sinh sau nhiều năm bảo vệ, giữ gìn của lực lượng kiểm lâm, các nhà khoa học và chính người dân khu vực này. Đứng trước tam quan của chùa Hạ, phóng tầm mắt ra xung quanh mới thấy được vẻ kỳ vĩ, huyền ảo của vùng núi linh thiêng được mệnh danh là "đất tổ Phật giáo Việt Nam". 

Trên diện tích gần 14 ha, những cụm công trình đang dần hình thành mang đến diện mạo mới cho nơi đây. Hệ thống cáp treo hiện đại, dài hơn 2.000 m đã hoàn thành, đón trước mùa lễ hội năm tới. Thấp thoáng trong mây và cây rừng, những nhà ga, cột thép vững chãi, cabin rộng rãi sẵn sàng đưa khách hành hương từ chùa Hạ lên chùa Thượng để đến chùa Đồng, nhanh hơn rất nhiều nếu đi từ sườn Đông Yên Tử. Với khả năng kết nối từ con đường tâm linh 293, đường tỉnh 291, những tiềm năng của khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử đang được khai thác để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Quốc Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...