Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bí ẩn sự "đột tử" liên tục của 8 "cụ" muỗm ngàn tuổi

Cập nhật: 16:59 ngày 06/08/2018
Ngay sau khi 9 "cụ" muỗm ngàn năm tuổi ở đền Voi Phục-Hà Nội được vinh danh là cây di sản, thì 8 "cụ" lăn ra chết, còn sống sót duy nhất 1 "cụ" ngoài khuôn viên đền. 

Ở Hà Nội có 2 ngôi đền, đều tên Voi Phục. Một ngôi đền ở công viên Thủ Lệ, một đền ở phố Thụy Khuê. Ngôi đền cổ và chính, thờ Linh Lang Đại Vương nhưng lại ít người biết đến nằm ở phố Thụy Khuê. Ngôi đền này, chỉ được người dân thủ đô biết đến nhiều hơn kể từ khi 9 cây muỗm khổng lồ gần 1.000 năm tuổi được vinh danh là Cây Di sản, cực kỳ quý hiếm nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thế nhưng, điều hết sức kỳ bí là sau lễ vinh danh ấy thì tất cả các cụ cây trong khuôn viên đền đều lăn ra chết sạch. Điều kỳ lạ này đã thôi thúc tôi đến tận nơi để tìm hiểu.

Tôi tìm đến đền Voi Phục vào một sáng Hà Nội nắng trong. Đúng như lời đồn, trong khuôn viên ngôi đền cổ kính không còn bóng dáng những cây muỗm cổ thụ vài người ôm, thay vào đó là những cây muỗm nhỏ chưa đủ người ôm.

{keywords}

Đền Voi Phục - Thụy Khuê từng rợp bóng mát của những cây muỗm ngàn năm tuổi. Ảnh: Phạm Dương Ngọc.

Đang dạo ở khuôn viên đền thì thấy cụ bà tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu đang lúi húi sắp lễ, tôi liền hỏi bà về những cây muỗm cổ thụ từng ngự ngàn năm ở ngôi đền này. Bà cụ giới thiệu tên Lam, nhà ở phố Thụy Khuê đã có 25 năm hương khói, gắn bó với ngôi đền, kể chuyện với vẻ đượm buồn: “Cả tuổi thơ của tôi gắn bó và đầy kỷ niệm với các ‘cụ’ muỗm nên khi các ‘cụ’ chết đi bản thân tôi cũng như những người gắn bó với ngôi đền này đều rất đau buồn, chẳng khác gì mất đi người thân. Có nhiều lời đồn quanh việc 8 ‘cụ’ muỗm chết nhưng đây là nơi đất Thánh ngự, người trần mắt thịt như chúng ta không thể biết hết được. Cũng có thể có những sai sót mang tính tâm linh nên mới gây ra những hậu quả đáng tiếc như thế”.

Bà Lam chỉ nói vậy rồi thôi. Có lẽ đằng sau cái chết của các “cụ” cây có những nguyên do tế nhị mang tính chất tâm linh mà bà không muốn kể ra, hoặc không dám kể.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Tùng, thủ nhang đền Voi Phục bên một cây muỗm khổng lồ. (Ảnh chụp năm 2010 của Phạm Dương Ngọc).

Tìm hiểu thêm từ một số cụ già hay đi lại hương khói ở ngôi đền cũng như cư dân ở xung quanh thì tôi thấy họ hay nhắc tới cái giếng Ngọc. Xưa kia, đối diện đền Voi Phục là giếng Ngọc nước trong leo lẻo, các cụ gọi giếng Ngọc là mắt phượng hoàng. Những người trông nom hương khói đền và người dân xung quanh đều rất trân trọng và giữ gìn, giếng Ngọc như linh hồn tạo ra sự phong thủy linh thiêng cho ngôi đền. Những ngày tế lễ, các cụ thường lấy nước ở giếng này, gọi là “nước Thánh” để cúng tiến Thánh Linh Lang. Nước giếng này càng sạch sẽ thì đền càng quang đãng, sáng sủa.

{keywords}

Cây muỗm khổng lồ tỏa bóng ra đường Thụy Khuê giờ không còn nữa. Ảnh: Phạm Dương Ngọc.

Thế nhưng, một ngày người dân lấn chiếm, xây dựng nhà cửa, giếng Ngọc biến mất. Theo lời đồn, sự biến mất của giếng Ngọc linh thiêng là nguyên nhân khiến các “cụ” cây liên tiếp “đột tử”.

{keywords}

Duy nhất cây muỗm ở ngoài khuôn viên đền, lọt vào nhà dân thì vẫn sống. Ảnh: Nguyễn Chi An.

Tuy nhiên, lại có những lời đồn khác giải mã cho sự ra đi của các “cụ” cây ngàn tuổi ở ngôi đền cổ này.

Theo đó, ngay sau khi được phong là cây di sản vào năm 2010 thì năm 2011 đền Voi Phục được trùng tu với kinh phí 17 tỷ đồng. Dự án gồm 6 hạng mục: Quy hoạch lại tổng thể toàn bộ di tích; tu bổ các hạng mục đền chính, hậu cung và nghi môn; xây mới nhà tạo soạn (tả - hữu), hàng rào bao quanh di tích; cải tạo sân vườn cùng hệ thống thoát nước...Điều trùng hợp là khi dự án trùng tu đền bắt đầu thì các “cụ” cây lăn đùng ra chết mà không có cách nào cứu vãn nổi. Chính vì thế đã bùng lên lời đồn việc trùng tu đền đã “phạm” vào vấn đề tâm linh nào đó.

Theo một số tài liệu về phong thủy Thăng Long thì Hồ Tây là rốn rồng, nơi hội tụ vượng khí của thủ đô. Đền Voi Phục nằm trên trục long mạch chính của Thăng Long. Chính vì thế xuất hiện một số lời đồn việc đào bới, khai quật trong khuôn viên đền trong quá trình trùng tu, xây dựng mới một số hạng mục, đã phạm phong thủy dẫn đến nhưng cái chết bất đắc kì tử cho các cụ cây đã từng trường tồn cùng với kinh thành Thăng Long và giờ là thủ đô Hà Nội.

Có rất nhiều lời đồn mang tính chất tâm linh của các “cụ” muỗm ngàn tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Tùng, thủ nhang đền Voi Phục, người gắn bó với ngôi đền mấy chục năm qua chỉ coi đó là những lời đồn mang tính chất mê tín dị đoan.

Lý giải cho sự ra đi của các cụ muỗm, ông Tùng cho biết: “Sở dĩ những lời đồn mang tính dị đoan bùng phát liên quan đến cái chết của các "cụ" cây là bởi cái chết của các "cụ" cây rơi vào thời điểm có các sự kiện quan trọng của thủ đô cũng như của đền. Là người gắn bó cả đời với ngôi đền này cũng như 8 cây muỗm nên tôi khẳng định rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết liên tiếp của các "cụ" cây là bởi các "cụ" đã quá già, lại bị sâu ăn đến rỗng ruột. Khi được cấp phép cưa cây, chúng tôi mới phát hiện các thân cây đều bị sâu đục thân ăn hết phần lõi. Có những cây thân bị sâu ăn rỗng , 2-3 người chui vào vẫn lọt. Các "cụ" cũng đã gần 1000 tuổi, thân cây đã lão hóa, lại bị hàng ngàn những con sâu to bằng ngón tay đục thân quanh năm suốt tháng, chúng tôi không có chuyên môn chăm sóc, nên mới dẫn đến những cái chết đáng tiếc như vậy”.

Đền Voi Phục là một ngôi đền trong Thăng Long tứ trấn của thành Thăng Long xưa, trấn giữ phía Tây thành. Đền được lập nên để thờ hoàng tử Linh Lang, sinh tại làng Thụy Chương (thuộc phường Thụy Khuê hiện tại), người đã có công đánh lui giặc trong cuộc chiến chống quân Tống (1076-1077). Sau khi Hoàng tử Linh Lang qua đời, vua truyền cho 269 làng, xã, tất cả những nơi mà ông từng ở, đóng quân, đi qua… phải lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ngài. Thụy Chương là nơi sinh ra đức thánh Linh Lang, nên nhân dân đã xây dựng đền thờ để tưởng nhớ. Sau đó, làng Thủ Lệ, nơi Linh Lang từng ở, cũng xây dựng một ngôi đền và cũng đặt tên là Voi Phục. Theo quy ước ngày xưa, ngôi đền nào cùng tên, cùng thờ một người, thì ngôi đền xây sau sẽ phải nhỏ hơn ngôi xây trước. Chính vì vậy, quy mô ngôi đền Voi Phục ở Thủ Lệ nhỏ hơn so với đền Voi Phục ở Thụy Khuê.

Theo Nguyễn Chi An/VTC

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...