Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bồng bềnh “hồ trên núi”

Cập nhật: 07:52 ngày 23/11/2018
(BGĐT) - Chọn một ngày Chủ nhật khi thời tiết chuyển dần sang lạnh, cả nhóm mang ba lô lên hồ Cấm Sơn thuộc huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Chúng tôi chọn tuyến đường từ thị trấn Chũ, vượt Đèo Cạn để vào xã Sơn Hải, nếu đi xe máy hết gần ba giờ đồng hồ. 

Con đường nhựa từ chân Đèo Cạn đến Cầu Sắt thênh thang lượn quanh những sườn đồi. Khi chạm mắt vào màu xanh ngăn ngắt của bạt ngàn rừng keo hai bên đường, ấy là lúc chúng tôi bước vào “cửa ngõ” của nơi được ví như “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ.

Những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, các quả đồi trồng toàn thông, còn đoạn đường vẫn là đường đất. Thời gian công tác trong ngành giáo dục, được phân công phụ trách ba xã Kiên Lao, Kiên Thành, Sơn Hải, tôi thường chọn đi xa về gần nên điểm đến đầu tiên thường là Sơn Hải. Lúc lên Đèo Cạn phải gò lưng đạp xe leo dốc, nhiều chỗ phải dắt xe, vừa đi vừa thở hổn hển. Đến những đoạn cua tay áo, chiếc xe đạp cứ nhảy cồ cồ theo con dốc đất đỏ lởm chởm đá sỏi.

{keywords}

Một bộ phận lớn dân cư sống trên các đảo trong lòng hồ. Ảnh: VIỆT HƯNG

Thấm thoắt đã mười lăm năm nay, kể từ sau chuyến đi vùng cao năm 2003 hoàn thiện các thủ tục công nhận đạt chuẩn phổ cập quốc gia độ tuổi THCS trong toàn huyện, nay tôi mới có dịp “hồi hương”. Vừa đặt chân tới Cầu Sắt, tôi chợt nghe tiếng gọi: “Cô lên trên này à? Lâu lắm rồi mới gặp cô”… Ôi, bác Phiến! Gia đình bác Phiến ở ven hồ Cấm Sơn, thời trung niên một lần bác đi rừng bị ngã gãy chân nên đi lại khó khăn. 

Bao năm nay bác ra “cổng làng” này bán hàng nước rau cháo đỡ gia đình. Lúc còn công tác, mỗi bận lên đây, tôi đều ghé vào quán bác uống hớp nước vối nóng ủ trong giành tích, nghe bác kể những câu chuyện về núi Ba Hòn, núi Kỉn, suối Mọc, suối Vảy Rồng, đảo Lăn Lóc… của vùng hồ Cấm Sơn như những huyền thoại. Lâu dần thành quen, hễ lên Sơn Hải là tôi lại ghé vào bác cho đỡ nhớ người, nhớ chuyện.

- Từng ấy năm cô đi đâu? Bác rót nước cho cả đoàn rồi hồ hởi hỏi.

- Em bận rộn công việc, rồi nghỉ hưu, lại trông nom các cháu. Giờ mới được rảnh rang nên đi thăm lòng hồ một chuyến.

Dòng Cấm Sơn khởi nguồn từ huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) đến huyện Lục Ngạn thì bị chặn lại thành hồ. Hồ Cấm Sơn nằm trong địa bàn bốn xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Tân Sơn và Cấm Sơn. Hồ có diện tích bề mặt khoảng 2.650 ha. Vào mùa mưa, nước dâng lên nhiều, mặt hồ có thể rộng đến 3.000 ha. Lòng hồ nơi sâu nhất tới gần 50 m. Nhớ những lần mới đến nơi này, tôi chỉ dám đứng trên đồi, phóng tầm mắt ra xa, thấy mênh mang một màu nước xanh thẳm.

Hồ Cấm Sơn hoang sơ và khoáng đạt, hiện đã là nguồn thủy sản dồi dào, là nơi người lao động thả hồn trong làn điệu dân ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao. Thiên nhiên tươi đẹp và con người vùng lòng hồ thân thiện, siêng năng, hiếu khách đã tạo nên một “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ mang dáng dấp thi ca, nhạc họa của “Hồ trên núi”. Chỉ bấy nhiêu thôi đã khiến Hồ Cấm Sơn mang một thương hiệu riêng, hứa hẹn trở thành điểm sáng du lịch của tỉnh.

Qua ủy ban xã, tôi rủ ba bạn vào Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sơn Hải. Ngày chủ nhật nên chỉ còn nhóm giáo viên xa nhà ở lại. Sau một lúc trò chuyện, tôi đặt vấn đề xin ba người đi một ngày cùng nhóm ra hồ. Chỉ chờ có thế, ba cậu thanh niên đã đon đả: “Chúng cháu xin xung phong ạ”. Hùng, Sơn và Thanh đưa chúng tôi xuống lối mòn rồi tháo xích kéo con thuyền từ gốc cây ra.

Làn gió nhẹ lướt qua thổi bay những sợi tóc vương bên má, vậy mà cũng làm sóng ào lên, thuyền chòng chành… Thuyền chạy êm dần trên sóng. Đã hơn 7 giờ mà mặt trời còn chưa ló rạng. Ban mai như kéo làn sương bay là là mặt nước, trông thật huyền ảo. Cảm nhận đầu tiên khi lọt vào lòng hồ lúc này là như đang được đằm mình vào một phiên bản “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ.

Khi nắng bừng lên, các thuyền lớn nhỏ đi đánh cá qua đêm lác đác về. Trên mặt hồ còn có chợ. Chợ bày bán đủ loại, từ tôm cua, cá lăng, cá chiên, cá vược, có cả cá hồi, cá tầm cho đến hoa quả, chè lam, xôi cẩm các màu, lợn, gà được bày la liệt trong lòng thuyền. Chủ thuyền là những “ngư ông” áo chàm tráng kiện, những bà lão vai đeo túi nải miệng nhai trầu bỏm bẻm... Người mua là khách du lịch, dân bốn xã ven lòng hồ, người bên Hữu Lũng hoặc đập Sông Hóa sang mua tôm cá. Có cả những “ngư dân” vừa đi đánh cá đêm về cũng mua thêm đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt. Họ cùng ngó nghiêng, lựa chọn, mặc cả. Bên bán, bên mua cứ tíu tít rộn ràng…

“Chợ” là một khoảng rộng dễ đến gần cây số. Ba “thuyền viên” giảm ga, lạng lách đưa chúng tôi ngó hết chỗ nọ đến chỗ kia trong “chợ”. Các “thương nhân” hồ hởi giới thiệu, giúp chúng tôi lựa chọn tôm cá. Giờ đã bước sang đầu đông, vào mùa nên những con tôm thau tháu bụng căng tròn trứng. Cả nhóm đặt mua món tôm đặc sản mới được rang qua. Lát họ sẽ chế biến rồi đóng hộp và chuyển về quán bác Phiến để chúng tôi qua lấy. Rừng cây xa lắc trong im ắng, còn “chợ” thì gần bên, nhịp nhàng thuyền vào ra, rộn ràng nói cười trong không khí vui tươi…

Ăn nắm xôi cẩm xong, cả nhóm lại tiếp tục ngao du. Hùng đổi ca để Sơn điều khiển tay lái xoay một vòng, chầm chậm đưa chúng tôi dần đến gần một bờ eo. Hoàn thốt lên, đến đoạn hẹp nhất rồi!. Tôi sững sờ khi chỉ trong thời gian ngắn đã chạm mắt được tới những cây cổ thụ ven bờ và chỉ cần giơ tay ra là túm được những cành lau sậy chờn vờn trên mặt hồ. Màu nước ở đây xanh thẫm lại bởi cây cối ven hồ ngả bóng chở che. Mùa này, nước hồ còn dâng cao, len lỏi vào sâu trong sườn rừng, chia cắt ven bờ thành cả trăm hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô, in bóng xuống mặt nước.

{keywords}

Tôm càng hồ Cấm Sơn - một đặc sản nổi tiếng.

Hoàng hôn dần xuống vùng hồ. Mặt trời như chiếc mâm vàng đang nhấp nhóa chia không gian mây trời và sóng nước ra làm đôi. Trước kia, bà con sống dựa vào nguồn thu sắn và đỗ xanh ở trên đồi. Họ cũng trông chờ cả vào mùa cạn, nước xuống thì trồng hoa màu, rồi thả rọ bắt tôm cá… Nhưng nguồn thu ấy thất thường bởi phụ thuộc vào thời tiết. Mươi năm gần đây, những quả đồi thấp đã phủ xanh cây trái. 

Vào mùa thu hoạch, những trái vải mọng đỏ dập dìu trong gió gọi mời. Và điện đã thắp sáng vùng cao, những căn nhà mới khang trang đang thay thế dần những căn nhà tường chình cũ kỹ, lúp xúp bao năm. Trên cao, nhiều ngôi nhà tầng lẫn giữa màu xanh của đồi núi trông như khu nghỉ dưỡng. Dăm năm nay, cam lòng vàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh… dần len lỏi xung quanh những sườn đồi. Cuộc sống của người dân khấm khá dần, họ đã thực sự quan tâm tới việc học hành của con trẻ. Ở nơi núi non, hồ mênh mông nước này, tình cảm, trách nhiệm của các thầy cô dạy chữ cho con em bản làng luôn gắn liền với tình cảm của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Những năm xưa, không có một con đường nào để đi vòng quanh hồ. Muốn đến trung tâm các xã hay từ nhà này sang nhà nọ đều phải dùng thuyền. Từ ủy ban xã đến Đồng Mậm, nơi xa nhất của xã Sơn Hải, con đường duy nhất là đi thuyền, không tính bằng ki lô mét mà tính bằng giờ đồng hồ. Giờ đây, thuyền máy đã dần thay thế thuyền gỗ tự chèo lái, đã có nhiều con đường nhỏ quanh các sườn núi trải bê tông từ trung tâm xã tới các thôn bản: Cầu Sắt, Tam Chẽ, Cổ Vài, Đấp, Đồng Mậm nên đã thuận tiện hơn nhiều.

{keywords}

Du khách khám phá hồ Cấm Sơn.

Trời vào đêm. Đêm nay không trăng nhưng bầu trời đã ban cho chúng tôi một nguồn sáng lung linh, đấy là muôn ngàn vì tinh tú hắt xuống làm làn nước ánh lên bàng bạc. Nếu đã một lần đến đây vào thời khắc như thế, nếu không kịp chạm tay vào mặt hồ trong đêm thanh vắng, làm sao có thể cảm nhận được rõ rệt hơi sương đang tan ra, lan tỏa. Đêm hồ Cấm Sơn sôi động hơn khi trong tiếng sóng vỗ, làn điệu Sli, Sloong hao từ đâu đó trên con thuyền đánh cá… Đấy là những câu hò, câu đối mà người vùng hồ tự biên tự diễn để trao nhau những ân tình sâu nặng, làm quên đi những nhọc nhằn, biến vị mặn của những giọt mồ hôi vương trên vầng trán quanh năm đón gió trời và mưa nắng, thành vì sao sáng lung linh soi tỏ đường đi của những con thuyền…

Một ngày trọn vẹn cho chuyến đi đáng nhớ. Nhớ lòng hồ trong ban mai phủ đầy sương sớm, nhớ ánh nắng chiều về lóng lánh trên mặt hồ thẳm xanh, nhớ những món ăn đậm đà, thơm thảo tình người, nhớ hơi sương đêm ấm áp nghĩa tình và những lời ca bay bổng… Hùng cho thuyền chuyển hướng từ Đồng Mậm về khu trung tâm xã. Bác Phiến đã đón chúng tôi bằng cốc nước vối nóng hổi và những hộp tôm trứng rang mà “ngư dân” chuyển tới. Trong giờ phút chia tay, ai cũng thấy bịn rịn và hẹn ngày trở lại.

Chính thức cấp nước từ hồ Cấm Sơn vào hệ thống nước sạch Bắc Giang
(BGĐT)- Sáng 18-8, tại thôn Càn, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) diễn ra lễ khánh thành Nhà máy nước sạch DNP- Bắc Giang. Đến dự có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh cùng đại diện một số bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương.
 
Ấn tượng chợ Tết vùng cao Cấm Sơn
(BGĐT)- Cấm Sơn có hơn 40% là người dân tộc thiểu số, cách thị trấn Chũ -trung tâm huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khoảng 40km. Do điều kiện canh tác không thuận lợi, chủ yếu trông vào nương bãi nên Cấm Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện. Tuy nhiên, vào ngày cuối năm cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 này, phiên chợ Cấm Sơn nhộn nhịp hẳn lên.
 
Tình thầy trò ở vùng hồ Cấm Sơn
(BGĐT) - Việc dạy và học ở các xã đặc biệt khó khăn vùng hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đầy gian nan do cách trở về địa lý, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với nỗ lực của thầy và trò nên chất lượng giáo dục nơi đây từng bước nâng lên.
 
Làm giàu từ nuôi cá ở lòng hồ Cấm Sơn
(BGĐT) - Vài năm trở lại đây, thay vì mưu sinh nơi đất khách quê người, nhiều thanh niên của thôn Mới, xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình dần ổn định, có của ăn của để.
 

Lưu Thị Phụng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...