Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những tấm lòng vì vùng cao yêu thương

Cập nhật: 13:32 ngày 07/12/2018
(BGĐT) - Thầy Lê Quang Duy (SN 1981), giáo viên Trường THCS xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) bắt đầu làm công tác thiện nguyện từ năm 2012. Đứng đầu Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện “Vì vùng cao yêu thương”, thầy đóng vai trò chính trong việc vận động hiện vật, kinh phí tổ chức nhiều chuyến đi vùng cao, đem đến cho người dân còn khó khăn, thiếu thốn sự sẻ chia, giúp đỡ kịp thời, góp phần tiếp thêm cho họ niềm tin yêu và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Vì vùng cao yêu thương

Từ những chuyến đi thăm hỏi bạn bè, người thân ở vùng cao, thầy Duy nhận thấy người dân ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Yêu mến những con người chất phác, thân thiện cùng vẻ đẹp tự nhiên, hùng vĩ của núi rừng và để những chuyến đi có ý nghĩa hơn, thầy có ý định tổ chức hoạt động quyên góp nhu yếu phẩm, sách vở, quần áo ấm, chăn, màn…giúp đỡ học sinh, người dân các làng bản xa xôi. “CLB “Vì vùng cao yêu thương” ra đời từ đó. Không chỉ đối với người dân vùng cao, các gia đình ở vùng xuôi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo CLB vẫn tổ chức giúp đỡ”, thầy Duy nói.

{keywords}

CLB "Vì vùng cao yêu thương" đưa hàng lên xe chuẩn bị cho chuyến đi thiện nguyện.

Mặc dù bận rộn nhiệm vụ ở trường và trách nhiệm chăm lo gia đình song thầy luôn cố gắng thu xếp công việc, tranh thủ những buổi không có giờ dạy, ngày nghỉ để chuẩn bị cho các chuyến đi. Đồng hành với thầy, hai cụ thân sinh đều đã ngoài 70 tuổi nhưng luôn quan tâm, tạo điều kiện và động viên thầy cùng CLB tổ chức các chương trình thiện nguyện, nhận trông con giúp khi cả hai vợ chồng cùng đi. Vợ thầy tích cực giúp chồng những khi rảnh rỗi. Ngay cả các em nhỏ, hàng xóm cũng tranh thủ giúp phân loại quần áo, xếp chăn màn, chuẩn bị vật dụng cho những chuyến đi thiện nguyện.

Tại Trường THCS Tăng Tiến nơi thầy Duy công tác, đồng nghiệp và các em học sinh cũng tích cực góp sức bằng việc thường xuyên động viên, giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần để những chuyến đi thành công. Hiện trường có ba thầy cô tham gia CLB thiện nguyện. Đối với các chuyến đi khảo sát ở vùng sâu, vùng xa mất nhiều thời gian, công sức thì các thầy, cô tạo điều kiện sắp xếp hỗ trợ về chuyên môn.

Thầy và CLB "Vì vùng cao yêu thương" đã đến hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên… xa nhất là lên một số xã thuộc huyện Mường Tè (Lai Châu) cách Bắc Giang khoảng 700 km. Tại mỗi nơi đến, CLB đều để lại nhiều tình cảm với đồng bào các dân tộc thiểu số.

{keywords}

Thành viên CLB đưa hàng vào Trường Mầm non xã Thượng Quan để tặng cho các em học sinh.

Thời còn là sinh viên sư phạm, theo học khoa Văn, nhưng do yêu thích trải nghiệm và những chuyến đi đến các tỉnh Tây Bắc nên thầy xin chuyển khoa và trở thành giáo viên môn Địa lý. Kiến thức Địa lý đã giúp ích thầy rất nhiều trong các chuyến đi nhờ hiểu biết rõ về điều kiện tự nhiên, KT-XH của các tỉnh vùng cao; phương pháp tiếp cận vấn đề, tìm hiểu và thu thập thông tin tốt, cụ thể nhất để xây dựng kế hoạch, quá trình vận động được nhiều người ủng hộ hơn.
{keywords}

“6 năm qua, CLB đã tổ chức 30 chuyến thiện nguyện đến hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là nơi còn nhiều khó khăn như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Hoà Bình, Lai Châu… Tổng trị giá hiện vật và tiền hỗ trợ khoảng 4,5 tỷ đồng do CLB vận động từ các nhà hảo tâm đã được trao cho hàng chục nghìn người dân. Nhờ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã kết nối, chúng tôi nắm chi tiết nhu cầu để chuẩn bị hàng rồi đến tận thôn, bản, trường học để gặp gỡ, thăm hỏi và trực tiếp trao quà. Như tại xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), người dân thích ăn cá mắm, đoàn đã mua tặng 150 kg”.


Thầy giáo Lê Quang Duy

Cần có một tấm lòng

Quả thật khi mới bắt đầu, gia đình, bạn bè rất lo lắng do làm thiện nguyện trong tỉnh đã khó, đi các tỉnh vùng cao còn khó khăn hơn nhiều do đường xa, đi lại vất vả, tốn kém, thậm chí nguy hiểm. Nhưng hiệu quả mang lại từ những chuyến thiện nguyện ban đầu đã tiếp thêm động lực cho thầy và các thành viên CLB.

Sau nhiều năm tổ chức các chuyến đi, thầy Duy đúc rút được rằng, trước hết để làm tốt công tác thiện nguyện, mỗi người phải có một tấm lòng biết chia sẻ, yêu thương giúp đỡ mọi người. Thầy nhấn mạnh, tấm lòng là điều kiện cần. Còn để làm được các chương trình quy mô lớn, những người tổ chức phải có quyết tâm cao và có mối quan hệ rộng, biết cách lôi cuốn để mọi người hiểu, sẵn sàng chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Thêm nữa, cần tìm hiểu kỹ về đối tượng giúp đỡ. Đặc biệt, phải đến tận xã thu thập thông tin cần thiết như dân số, thành phần dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, số thôn bản, điểm trường, nghề chính của đồng bào, địa hình, phong tục tập quán…

{keywords}

Thầy giáo Lê Quang Duy.

Khi mới tổ chức, việc kêu gọi tài trợ rất khó khăn bởi số người biết đến và tin tưởng vào CLB còn ít. Gần đây, do làm tốt hơn những hoạt động thực tiễn nên ngày càng được nhiều người ủng hộ, thầy và CLB có thể kêu gọi qua mạng xã hội và trực tiếp đến các đối tượng, doanh nghiệp trao đổi cụ thể nơi cần giúp đỡ, vận động tài trợ đúng những gì đồng bào đang cần.

“Có quà đến là rất quý nhưng tặng như thế nào cũng là một vấn đề, không thể theo kiểu ban ơn mà người tặng quà cần thể hiện sự chia sẻ, chân thành, khi đó món quà dù ít hay nhiều đồng bào đều đón nhận, trân trọng. Thực hiện hơn 30 chuyến đi lớn trong thời qua, chúng tôi vẫn giữ mối liên hệ với những nơi đã đến và quan tâm xem sau khi hỗ trợ, đồng bào đã bớt khó khăn chưa, có cần giúp đỡ nữa không. Nếu họ còn khó khăn thì tiếp tục kêu gọi ủng hộ. Rất mừng là cùng với sự nỗ lực của bà con và sự hỗ trợ của các chương trình thiện nguyện, đời sống người dân vùng cao đã có thay đổi nhiều so với trước đây”, thầy Duy cho biết.

Gian nan chẳng quản

Ấn tượng nhất với thầy Duy là chuyến đi ba ngày đến bản Mỏ Nhà Cao, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang). Bản cách UBND xã hơn 10 km nhưng đi mất ba tiếng, gặp trời mưa, bánh xe máy phải quấn xích và cài số 1 để dắt bộ. Ở đây đồng bào chỉ có món ngô để ăn, chế biến thành món mèn mén (bột ngô nghiền, hấp lên) chan với canh rau cải. Quà đoàn mang đến có gạo, chăn, màn, áo ấm, bột canh, mắm, mì chính. Vậy nhưng đồng bào không biết ăn bột canh, mắm, mì chính nên đổ lẫn cả mấy thứ để ăn với cơm. Không chỉ bản Mỏ Nhà Cao, nhiều nơi đồng bào còn lạc hậu, đời sống thiếu thốn, đường đến trường của học sinh rất xa và khó khăn.

{keywords}

Thầy Duy trao quà cho các em nhỏ bản Pù Pióot.

Cùng đoàn đến trao quà tại bản Pù Pióot, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), tôi gặp ông Lý Văn Tình. “Hôm nay dân làng vui như ngày hội, nhà nào cũng được tặng quà. Đây là lần đầu tiên có đoàn tình nguyện đến và mang nhiều thứ tặng bà con, lại vào mùa đông nên những chiếc áo, chăn ấm, cân gạo rất quý giá đối với dân bản”, ông Tình nói. Xã Thượng Quan hiện có 770 hộ nhưng có tới 315 hộ nghèo, 99% là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông.

Xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, diện tích 16 nghìn ha, trải dài trên 95 km, địa hình vô cùng hiểm trở, đồng bào ở không tập trung. Chuyến đi này, đoàn đã mang đến hàng nghìn bộ quần áo trẻ em và người lớn; sách vở, đồ dùng học tập, truyện tranh, bánh kẹo, tiền mặt, chăn màn, lương thực, thực phẩm… trị giá 250 triệu đồng tặng các trường học của xã, các hộ nghèo của 2 thôn, hỗ trợ làm đường giao thông.

Kết thúc đợt thiện nguyện ở Bắc Kạn, thầy Duy cùng các thành viên CLB lại sắp xếp, đóng gói số hàng còn lại gửi tặng đồng bào nghèo ở Hà Giang và bắt tay vào đợt vận động mới để chuẩn bị cho chuyến đi Trạm Tấu (Yên Bái) vào mùa Xuân tới.

Nhóm thiện nguyện "Nhịp cầu yêu thương" và chiến dịch 10.000 áo ấm cho em
(BGĐT)- Nhóm thiện nguyện Nhịp cầu yêu thương (được hình thành khởi đầu từ thôn Tây, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang) bao gồm hơn 200 thành viên ở các tỉnh, thành phố miền Bắc vừa thực hiện chuyến đi tình nguyện tặng quà, mang hơi ấm đến người dân, trẻ em vùng cao nguyên đá - xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).
 
Ra mắt Câu lạc bộ thiện nguyện Hoa Hướng Dương
(BGĐT) - Ngày 2-12, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Hoa Hướng Dương chi nhánh tỉnh Bắc Giang.
 
HTY - Những tấm lòng thiện nguyện
(BGĐT) - Đến thăm Trường THPT Tân Yên số 1, hỏi nhóm HTY (Học sinh Tân Yên), bạn sẽ được các học sinh nơi đây kể về họ với sự tự hào và ngưỡng mộ. Đó là nơi hội tụ những bạn trẻ mang trái tim thiện nguyện.
 
Ấm áp những tấm lòng thiện nguyện
(BGĐT) - Với trái tim nhân ái, nhiều người đã dành tiền của, công sức hỗ trợ người khó khăn, hoạn nạn vơi bớt khó khăn. Hoạt động này đang lan tỏa rộng khắp.
 

Kim Hiếu- Hữu Trình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...