Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đánh thức “mầm” thiện

Cập nhật: 07:00 ngày 16/12/2018
(BGĐT)- “Trừ những lúc lên cơn vật vã vì đói thuốc, khi tỉnh táo trong mỗi người nghiện đều trỗi dậy bản năng sinh tồn, yếu đuối và rất tình cảm, chịu nghe lời. Chúng tôi phải kiên trì lấy cái tâm của mình đặt vào hoàn cảnh của học viên để hiểu được nỗi niềm, từ đó đánh thức “mầm” thiện trong con người họ, giúp việc cai nghiện thành công” - Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang Nguyễn Hữu Thắng tâm sự.

“Tre già không dễ uốn”

Chiều cuối tuần tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (đặt tại xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên), sau khi hoàn tất công việc lao động tại tổ đội của một ngày, học viên được tham gia sinh hoạt tập thể. Nhìn những thanh niên “có da có thịt” say sưa chơi bóng chuyền hơi, đá cầu, bóng đá, xung quanh là những tiếng reo hò cổ vũ nồng nhiệt, ít ai nghĩ rằng khi mới bước chân vào đây, tất cả đều trong trạng thái nghiện nặng, khiếm khuyết cả về thể chất và tinh thần, cơ thể gày yếu, hom hem, mệt mỏi, đi không vững, ánh mắt đờ đẫn vô hồn... Có nhiều trường hợp vướng vào hội chứng cai (lên cơn thèm ma túy) dẫn đến bị rối loạn hành vi, cứ vật vã, la hét, chửi bới, có những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí đập đầu vào tường định tự vẫn.

{keywords}

Học viên đánh bóng chuyền trong giờ sinh hoạt tập thể.

Đã có vợ và 2 con, công việc ổn định nhưng Nguyễn Sỹ T (SN 1978) ở phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang) lại vướng vào ma túy. Lần thứ hai đi cai tự nguyện, trò chuyện với T, tôi nhận thấy tinh thần em khá thoải mái. Cầm chiếc điếu cày vừa mới làm xong (T làm ở tổ điếu), T hóm hỉnh: “Em cai được 17 tháng rồi, chỉ còn 7 tháng nữa là hết thời gian “an dưỡng”. Mới vào đây thật mất tự do, tù túng, khó chịu nên chỉ muốn trốn về; chưa kể những cơn đói thuốc hành hạ, cảm giác buồn bực, bứt rứt như có trăm nghìn con giòi đang bò trong xương tủy. Nhưng khi được điều trị cắt cơn theo phác đồ, lao động nền nếp, thực hiện đúng quy định với sự chỉ dẫn trực tiếp của cán bộ, em dần quên đi cảm giác thèm thuốc, ăn được, ngủ được, làm việc giờ giấc, em béo, khỏe ra trông thấy.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện tâm sự: Ở đây, học viên cao tuổi như T chiếm khá nhiều, thấp cũng ngoài 20, chủ yếu là nam giới xăm trổ đầy mình, ăn chơi có số má. Nữ giới có mấy em nhưng mức độ chịu chơi và hùng hổ cũng không thua kém; khi lên cơn, các em sẵn sàng đập cả tăng âm, loa đài, vật dụng khác… Khó khăn nữa là nhiều học viên đã có tiền án, tiền sự, có thời gian dài sử dụng ma túy, bị gia đình xa lánh, vợ con bỏ bê, tâm sinh lý không ổn định, thường xuyên có hành vi bạo lực, chống đối. Các cụ có câu “tre non dễ uốn” mà ở đây hầu hết là “tre già”, đòi hỏi tập thể cán bộ nhân viên ở đây phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm, trau dồi phương pháp sư phạm thì mới giúp học viên cai nghiện thành công.

Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang đặt ở 2 nơi. Cơ sở 1 tại xã Song Mai (TP Bắc Giang) và Cơ sở 2 ở xã Ngọc Châu (Tân Yên). Nếu như dịp cuối năm 2016, Cơ sở chỉ có 40 học viên thì nay lên tới 153 người ở tất cả các địa phương trong tỉnh, nhiều nhất là TP Bắc Giang. Học viên có cả cai tự nguyện và bắt buộc theo quy định của Nhà nước. Gửi con em mình vào đây, cha mẹ, vợ con, gia đình đặt kỳ vọng rất lớn vào sự quyết tâm, tu tỉnh của người nghiện cũng như sự giúp đỡ của cán bộ, nhân viên. Vì vậy, khi bắt đầu tiếp nhận học viên, một hành trình dài lại được tiếp nối, ngắn là 18 tháng, dài hơn là 2 năm. Việc đầu tiên của cán bộ, nhân viên là tiến hành khám sàng lọc, phân loại từng đối tượng; sau đó điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế nhằm cắt cơn giải độc, đưa học viên về trạng thái bình thường, khoảng thời gian này mất từ 15-20 ngày. Tiếp theo, từng học viên được bố trí xuống nơi ở để học tập nội quy quy chế; đưa vào các buồng sinh hoạt, biên chế vào các tổ đội sản xuất, trị liệu, từng bước giáo dục sửa đổi hành vi, nhân cách... nhằm giúp học viên tránh xa ma túy.

Những người thầy đặc biệt

Việc cai nghiện có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của người nghiện và sự đồng hành của 41 cán bộ, nhân viên- những người thầy đặc biệt. Nhìn các học viên xếp thành hàng lối chỉnh tề khi tham gia các hoạt động, sinh hoạt tập thể hay say sưa, im lặng làm việc ở các tổ, đội mới thấy hết quá trình gian nan của những người làm công tác ở nơi đây. Mỗi lần đứng lớp giảng bài cho các học viên về “Giá trị cuộc sống”, ông Nguyễn Hữu Thắng nhận thấy trong mỗi con người nghiện đều khát khao hướng thiện. Vì vậy, các lớp tuyên truyền về kỹ năng sống, tái hòa nhập cộng đồng thường xuyên được tổ chức. Hằng ngày, học viên được các thầy đánh thức từ 5 giờ sáng tập thể dục trong khoảng 30 phút. Sau đó từng người vệ sinh cá nhân, bữa ăn sáng do nhân viên ở đây trực tiếp nấu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ dinh dưỡng. Tiếp đến là nghỉ ngơi ít phút tại các buồng được bố trí trong khu cai nghiện tập trung. Đến giờ lao động, theo hiệu lệnh của thầy, từng tổ đội xếp hàng, điểm danh dưới sự điều khiển của một số học viên ưu tú do các tổ đội tự quản bầu ra, sau đó đến các khu làm nghề, gồm: Tiện hạt làm đệm ghế ô tô; may túi siêu thị, làm mi giả, làm điếu cày và chổi xuất khẩu. Mỗi học viên được sắp xếp công việc phù hợp với năng khiếu cũng như sức khỏe. Mỗi tuần học viên có 2 buổi sinh hoạt tập thể, sinh hoạt nhóm như: Xem ti vi, chơi bóng chuyền hơi, bóng đá, đá cầu. Buổi tối được xem chương trình thời sự 19 giờ. Vào những ngày lễ, Tết, các thầy lại chịu khó “vẽ” ra các cuộc thi cho học viên trổ tài như: Hát, đọc thơ, tìm hiểu phòng, chống ma túy…

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Đạm, cán bộ Phòng Quản lý học viên hướng dẫn đối tượng làm điếu cày.

Công việc của những người thầy ở đây được ví như “Chẻ lạt bằng tre già, nếu không khéo léo lạt sẽ gãy ngay”. Học trò vừa chữa bệnh vừa học nghề, vì vậy bên cạnh sự kiên nhẫn vận động, thuyết phục, các cán bộ của Cơ sở phải cùng học viên tìm ra hướng giải quyết hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Hồng Quang, nhân viên Phòng Y tế phục hồi sức khỏe là người có thâm niên nhiều năm nhất ở cơ sở cai nghiện này. Quê ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa), tốt nghiệp ngành y, ra trường năm 1998, ông nhận công tác tại đây đến nay. Ông tâm sự, những học viên tuy cùng mắc nghiện nhưng không ai giống ai với những biểu hiện khác nhau. Trước đây chỉ có một loại thuốc gây nghiện việc điều trị thuận lợi hơn. Nay xuất hiện nhiều loại ma túy mới tàn phá não bộ ghê gớm, làm suy thoái hệ thần kinh, học viên có những hành vi rối loạn nhiều hơn, tâm lý khó lường hơn, có nhiều loại chưa có phác đồ điều trị. Thực tế đó khiến công việc của cán bộ y tế khó khăn, phức tạp và nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị.

Chẳng hạn như khi sử dụng ma túy đá, học viên thường bị ảo giác nặng, việc khai thác thông tin để có hướng điều trị là vô cùng khó khăn bởi lời khai thường không đúng thực tế. Học viên mới vào thường có xu hướng bỏ trốn nên bịa ra đủ lý do để hành bác sĩ, y tá. Ông Quang kể, cách đây vài hôm, học viên Nguyễn Quang Đ (SN 1984) ở xã Thượng Lan (Việt Yên) bị cưỡng chế lần 3 vào cai nghiện. Vào được 3 ngày, Đ có biểu hiện diễn biến vật vã, được điều trị cắt cơn. Tuy nhiên sang đến ngày thứ tư, đối tượng tự đập gạch, đào tường trong phòng cắt cơn. Đ báo với cán bộ là vừa nuốt một vật sắc nhọn và liên tục kêu la đòi đi bệnh viện cấp cứu. Bằng kinh nghiệm, cảm quan và kỹ năng xử lý, ông Quang phải làm công tác tư tưởng mấy tiếng đồng hồ để đối tượng bớt quậy phá, rồi tiến hành thăm khám vùng bụng. Ông biết đó chỉ là chiêu trò của đối tượng nhằm đánh lừa cán bộ để hòng trốn khỏi cơ sở.

Sau những ngày tháng tận tụy làm công tác cai nghiện, niềm vui của cán bộ, nhân viên ở đây là tình cảm, sự biết ơn “một điều dạ, hai điều thầy” của học viên và gia đình họ. Tuy nhiên có một thực tế khiến ai cũng trăn trở đó là tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức cao. Không ít học viên sau khi được điều trị ổn định, sức khỏe khá lên đã trở về với cộng đồng nhưng vì không dũng cảm vượt qua cám dỗ đã tái nghiện. Bởi vậy, hiểu về tác hại dai dẳng của ma túy và tránh xa cạm bẫy đó luôn là giải pháp hữu hiệu nhất.

Những “tiệc ma túy” ở quán karaoke
(BGĐT)- Mấy ngày qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, xử lý các vụ sử dụng ma túy tập thể ở quán karaoke trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Cần tăng cường các biện pháp như thế nào để ngăn chặn quán karaoke tiếp tay cho hoạt động ma túy?
 
Bắc Giang: 10 ngày, triệt phá 5 tụ điểm sử dụng ma túy tập thể tại quán karaoke
(BGĐT)- Nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự, 10 ngày qua, lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang đã liên tiếp triệt phá 5 tụ điểm sử dụng ma túy tập thể với hơn 100 đối tượng dương tính với ma túy.
 
Đột kích quán karaoke phát hiện 50 thanh niên nam nữ sử dụng ma túy
Ngày 9-12, Công an (CA) TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã tạm giữ gần 60 đối tượng để điều tra về hành vi mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong quán karaoke.
 
Hơn 80 đối tượng sử dụng ma túy trong các quán hát ở Lục Nam: Nhếch nhác, phờ phạc sau "bay, lắc"
(BGĐT) - Chỉ trong vài ngày, với sự chỉ đạo sát sao và vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang, Công an huyện Lục Nam đã tập kích, triệt xóa hàng loạt tụ điểm “bay, lắc” ở thị trấn Đồi Ngô (huyện Lục Nam) với số lượng người tham gia rất đông. Đáng lưu ý là trong số đó có nhiều đối tượng nữ còn khá trẻ, khi bị bắt dương tính với ma túy.
 
3 phạm nhân phạm tội ma túy và giết người trốn khỏi trại giam
Chiều 5-12, Đại tá Nguyễn Trí Dũng - Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Kiên Giang - đã khẩn cấp ký quyết định truy nã đặc biệt đối với 3 phạm nhân trốn khỏi Trại tạm giam Công an tỉnh Kiên Giang.
 
Hạ nhiệt điểm “nóng” ma túy Ngọc Vân
(BGĐT)- Sau hơn 6 năm triển khai kế hoạch của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) giải quyết tình hình phức tạp về ma túy ở xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang), đến nay điểm “nóng” này đã cơ bản hạ nhiệt. Đây là điều kiện quan trọng để địa phương hoàn thành mục tiêu chuyển hóa địa bàn phức tạp, phấn đấu đạt xã chuẩn nông thôn mới.
 

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...