Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mối ân tình thiêng liêng

Cập nhật: 15:16 ngày 04/01/2019
(BGĐT) - Vì yêu mến Bác Hồ, cảm phục trước sự can trường, dũng cảm của người lính Việt Nam, bà Ưng So - một thiếu nữ Campuchia đã làm đơn xin vào phục vụ quân đội Việt Nam. Từ trong khói lửa chiến tranh, giữa bà và chàng trai quê Bắc Giang đã nảy nở tình yêu, họ hẹn nhau bao giờ đất nước thống nhất mới chính thức trao lời “ước thề trăm năm”.

Năm 1976, một đám cưới không rượu, không pháo, không xe hoa rực rỡ, chỉ có mối ân tình thiêng liêng và bài ca chiến sĩ do những đồng đội hát tặng như tô thêm sự đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

{keywords}

Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) trước khi lên đường làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia. Ảnh tư liệu.

Chung một chí hướng

Ngôi nhà hai tầng xinh xắn của gia đình vợ chồng cựu chiến binh Dương Văn Nguyên - Hoàng Thị Xuyến (tên Campuchia là Ưng So) nằm dưới chân một quả đồi thuộc thôn Kè, xã Minh Đức (Việt Yên), xung quanh là bạt ngàn cây trái xanh tươi. Trong một buổi sáng thanh bình dịu thơm hương bưởi chín, tôi được nghe ông bà kể chuyện đời lính, chuyện tình yêu của cuộc đời mà mới nghe cứ ngỡ như cổ tích.

Ông Nguyên sinh năm 1949, 18 tuổi, ông tạm biệt quê hương khoác ba lô hành quân vào chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị - vùng đất đầy nắng gió và tàn khốc của chiến tranh. Là lính đặc công, ba năm sau đơn vị ông tiếp tục di chuyển sang đất bạn Lào, rồi Campuchia đóng quân trong rừng sâu, đơn vị chiến đấu tại tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Công - pông- chàm (Campuchia). 

Do có nhiều thành tích trong chiến đấu, đúng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1972), tại chân núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, ông được kết nạp vào Đảng. Ông Nguyên nhớ lại: “Lúc đó lớp lớp thanh niên đều xung phong ra chiến trường. Mà đã vào đó thì xác định nhiệm vụ chính là đánh giặc, là chiến đấu mà thôi”.

Ở phía bên kia biên giới thuộc đất nước Campuchia, tại thị trấn Xư-pư, tỉnh Công - pông - chàm, có một thiếu nữ 16 tuổi xinh đẹp tên là Ưng So. Ưng So sinh năm 1954, là con gái cả trong một gia đình có tới 10 chị em. “Lúc đi học, tôi được các thầy, các cô dạy nhiều về Việt Nam nên hiểu thế nào là chiến tranh, là hòa bình. Và rồi những loạt bom đế quốc Mỹ đánh vào Việt Nam đã làm rung chuyển cả ngôi trường nhỏ chúng tôi đang học. Tôi còn biết sau những loạt bom đó là sự chết chóc, mất mát, đau thương của những người dân vô tội. Vì thế tôi và các bạn đã đồng lòng hướng về Việt Nam, căm ghét quân xâm lược Mỹ. Chúng tôi cũng được nghe chuyện bộ đội Cụ Hồ đánh giặc với những tấm gương thật dũng cảm, rồi chuyện về người nữ anh hùng Võ Thị Sáu trước quân thù vẫn bất khuất, hiên ngang, thật xúc động và đáng học tập”- bà Ưng So kể.

Nhớ lại những ngày đầu tình nguyện vào quân ngũ, bà Ưng So hào hứng: “Năm 1970, đế quốc Mỹ xâm lược đất nước Campuchia. Một hôm, chúng dội bom xuống ngôi trường của chúng tôi. Trường lớp nát tan, thầy trò loạn lạc, dân chúng hỗn loạn và sợ hãi. 

Giữa lúc đó là sự có mặt kịp thời của bộ đội Việt Nam. Cảm phục sự giúp đỡ đó, thanh niên quê tôi đã tình nguyện tham gia các chiến trường cùng bộ đội Việt Nam, trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp. Tháng 4-1970, vừa tròn 16 tuổi, tôi cũng vinh dự được đứng trong hàng ngũ đó, được đi học tiếng Việt, học văn hóa, học nghề y tá rồi biên chế vào một đơn vị bộ đội chuyên cứu chữa, chăm sóc thương binh”.

{keywords}

Vợ chồng cựu chiến binh Dương Văn Nguyên - Hoàng Thị Xuyến xem lại những kỷ niệm khi cùng về quê hương Campuchia.

Năm 1973, bà Ưng So chuyển công tác về đơn vị D30, trực thuộc Sư đoàn 27 đặc công. Tại đây, bà đã gặp chàng trai Dương Văn Nguyên, quê Bắc Giang. Và rồi ngọn lửa tình yêu chớm nở khi ông liên tục để ý, quan tâm đến bà. Mặc dù “tình trong như đã” nhưng chuyện tình của người lính trẻ và nữ y tá chỉ diễn ra âm thầm thông qua những lá thư ông dúi vội vào tay bà khi gặp mặt. Còn bà cho biết: “Từ lâu, tôi rất quý những người lính vì sự can trường của họ. Suốt những năm làm y tá, hình ảnh người chiến sĩ bị thương, đau đớn nhưng vẫn dũng cảm đã để lại trong lòng tôi ấn tượng sâu sắc”.

Năm 1975, ông bà cùng đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, họ tìm gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Lúc này mối quan hệ tình cảm đôi lứa mới chính thức được công khai trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. 

Gần 4 năm yêu nhau trong lặng lẽ, tháng 4-1976, lễ đăng ký kết hôn và đám cưới giữa hai người lính là anh bộ đội Việt Nam và cô gái Campuchia diễn ra tại xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Một hôn lễ được tổ chức giản dị, không rượu, không pháo, không xe hoa rực rỡ, chỉ có mối ân tình thiêng liêng và những bài ca chiến sĩ do chính những người đồng đội hát tặng nhưng vô cùng xúc động, ấm áp.

“Giải phóng miền Nam, ông này lôi tôi ra Bắc”

Cưới chồng người Việt, bà Ưng So lấy tên là Hoàng Thị Xuyến. Sau lễ thành hôn, hai người xin ra quân. “Bạn bè Campuchia xung phong vào bộ đội Việt Nam cùng tôi ngày ấy, người nào còn sống đều ở lại Sài Gòn. Riêng tôi phải theo chồng về Bắc, không thể khác được. 

Ông Nguyên là anh cả trong gia đình, lúc đi bố mẹ vẫn còn, khi về cha mẹ đã khuất núi. Tôi biết ở quê chồng, theo phong tục con cả phải có trách nhiệm hương khói cho bố mẹ, chăm lo các em. Vậy là giải phóng miền Nam, ông này lôi tôi ra Bắc”- bà nhìn ông âu yếm. 

“Từ tỉnh Cong - pung - chàm đến tỉnh Bắc Giang thật xa và rất xa nhưng với tôi lại rất gần. Bắc Giang, Việt Nam là quê hương của tôi, trong trái tim tôi rồi” - Bà Xuyến tươi cười. Lời nói này của bà cùng với câu chuyện xúc động, những cử chỉ ân cần, chăm chút ông bà dành cho nhau mà tôi được chứng kiến không chỉ thể hiện tình yêu, tình đồng đội giữa hai con người ở hai đất nước, mà hơn cả đó là tình hữu nghị, đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam- Campuchia ngày càng bền vững.

Tình yêu quá lớn trong chiến tranh đã thôi thúc bà về: “Vì yêu ông ấy và cũng muốn biết miền Bắc XHCN là thế nào, chúng tôi về quê hương Bắc Giang, tài sản không có gì, chỉ có hai chiếc ba lô, hai trái tim người lính nhưng trong lòng thì hăng hái và phấn chấn lắm. Khi đó, tôi mới 22 tuổi thôi”. 

Cuộc sống thời bao cấp vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề, bà lại không quen công việc đồng áng cùng với khí hậu miền Bắc, lạnh cắt da cắt thịt, nóng thì cháy thịt cháy da. “Tôi chưa làm nông bao giờ. Nhìn người ta làm cứ con cón mà tôi thì đòn gánh co vai, chân tay cước sưng vù vì lạnh, thấy khổ quá, nhưng mà vẫn chịu được đến tận bây giờ cơ đấy”- bà cười đôn hậu.

Trong câu chuyện kể của hai ông bà, tôi biết sau khi xuất ngũ trở về địa phương, bà Xuyến đã mày mò học làm nghề nông, nữ công gia chánh khéo léo không thua kém bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào. “Bà ấy đảm đang, chu toàn việc nhà để tôi toàn tâm toàn ý cho công việc xã hội”. Được biết, ông Nguyên có 32 năm công tác liên tục tại xã Minh Đức, từ Xã đội trưởng đến Phó Chủ tịch UBND, rồi Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã.

Khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt lên nắm quyền, chiến tranh nóng hổi ở các vùng biên giới, bà Xuyến không dám trở về quê hương Campuchia, phần vì xa xôi cách trở, con lại nhỏ, nhưng lo sợ nhất là nếu Pôn Pốt biết bà theo bộ đội Việt Nam, khi về chúng sẽ tìm gặp và giết chết cả nhà. Bà kể rằng, Pôn Pốt tàn bạo lắm, ban đêm chúng đi gõ cửa từng nhà, rồi gọi người đi đâu đó, sau là mất hút luôn chả biết lý do. May có quân đội Việt Nam giúp đỡ. Sau giải phóng miền Nam, cha của bà đã nhiều lần đến Sài Gòn tìm con nhưng đều không gặp được. Phải đến năm 1982, khi đứa con thứ ba được 15 tháng tuổi, bà mới mạnh dạn một mình bế con tìm về quê hương. 

“Khi đó, tôi ở nhà chăm sóc hai đứa con gái đầu. Đưa bà ấy ra ga tàu, tôi trở về nhà, nhiều người bảo vợ tôi ẵm thằng con trai đi luôn rồi. Ở với ông vất vả thế bà ấy không quay lại nữa đâu. Tôi cứ nghe nói vậy thôi chứ trong lòng luôn có niềm tin. Và rồi sau hơn hai tháng bặt vô âm tín, bà ấy quay trở về với bố con tôi trong một diện mạo khác lạ: Tóc uốn xoăn, quần ống loe, vai khoác ba lô, một tay bế con, một tay xách đèn bão và ít đồ chơi cho hai đứa con gái đầu, lững thững đi bộ từ ga Bắc Giang về. Gặp ai đi đường bà cũng bảo nhắn cho ông Nguyên ra đón” - ông xúc động kể.

Sau hơn 4 thập kỷ đi theo tiếng gọi tình yêu, tình đồng đội, bà Ưng So với một tên mới Hoàng Thị Xuyến rất mãn nguyện khi có 4 đứa con (2 trai, 2 gái) học hành thành đạt, có công ăn việc làm ổn định. Bà nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Cặp vợ chồng người Việt - Campuchia này nên duyên đã 43 năm nhưng chưa hề to tiếng với nhau bao giờ. Hiện tại, cả hai ông bà được hưởng chế độ chất độc da cam của nhà nước.

“Từ tỉnh Công - pông - chàm đến tỉnh Bắc Giang thật xa và rất xa nhưng với tôi lại rất là gần. Bắc Giang, Việt Nam là quê hương của tôi, trong trái tim tôi rồi” - Bà Xuyến tươi cười. Lời nói này của bà cùng với câu chuyện xúc động, những cử chỉ ân cần, chăm chút ông bà dành cho nhau mà tôi được chứng kiến không chỉ thể hiện tình yêu, tình đồng đội giữa hai con người ở hai đất nước, mà hơn cả đó là tình hữu nghị, đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia ngày càng bền vững.

Ngày ấy trên đất bạn
(BGĐT) - Năm 1975, tập đoàn Pôn Pốt thi hành chính sách diệt chủng đối với Campuchia, phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, hơn 4.000 người con Bắc Giang trong đội hình quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã sang giúp nước bạn lật đổ chế độ diệt chủng,  bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng cuộc sống mới. 
 
Bảo vệ biên giới Tây Nam: Mốc son trong quan hệ Việt Nam – Campuchia
Việt Nam và Campuchia luôn đoàn kết bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do cho mỗi nước.
 
Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng
Năm 1978, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng và thiêng liêng của mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đồng thời, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Việt Nam đã cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng.
 
Hội thảo đầu tiên về chiến tranh biên giới Tây Nam dưới góc độ Sử học
Ngày 5-4, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cùng Hội Khoa học Lịch sử TP  Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam" với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong cả nước. 
 

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...