Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mùa Xuân Trường Sa

Cập nhật: 08:10 ngày 15/02/2019
(BGĐT)- Mỗi khi Tết đến, Xuân về, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân lại tổ chức những chuyến tàu mang hàng hóa, quà Tết gửi quân và dân trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đi biển vào dịp này thường rất vất vả, phải gặp sóng to, gió lớn song những ai được đi theo chuyến tàu này đều thấy tự hào bởi đã mang hơi ấm tình cảm từ đất liền vượt muôn trùng khơi đến với những người lính đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hành trình đáng nhớ

“… Chúng ta không thể lùi được nữa. Mặc dù ngoài khơi đang có sóng to, gió lớn nhưng vẫn phải đi, áp Tết rồi”, Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân nói dứt khoát trong buổi gặp mặt, chia tay đoàn công tác thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cùng hơn 140 cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và thành viên CLB “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” để mang những phần quà Tết từ đất liền gửi tặng quân và dân trên quần đảo Trường Sa nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019. 

Đại tá Sơn nói thêm: “Đi vào dịp cuối năm, chắc chắn biển động. Bởi thế, mọi người nên chuẩn bị thêm cơm sấy, chai nước, thuốc chống say sóng”. Theo chương trình, chiều 3-1, chúng tôi xuất phát ra đảo nhưng vì ảnh hưởng cơn bão ngoài biển Đông nên đoàn lui lại một ngày. Chuyến đi lần này có 3 tàu lớn chia làm 3 tuyến: Phía Bắc, giữa và Nam để đưa hàng hóa, thay đổi quân trên các đảo và điểm đóng quân quần đảo Trường Sa.

{keywords}

Tàu 571- Một trong 3 tàu chở hàng hóa cùng cán bộ, chiến sĩ và đoàn công tác ra thăm quân, dân trên quần đảo Trường Sa nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Con tàu hải quân, tải trọng hơn một nghìn tấn mang số hiệu 571 chở chúng tôi kéo hồi còi rồi hiên ngang rời quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) hướng ra biển Đông. Tôi vội trở về căn phòng rộng chừng 12 m2 trên tàu với 6 đồng nghiệp. Do đoàn công tác đông người lại kết hợp chở quân nên các phòng đều bố trí thêm người. Hầu như phòng nào cũng có người phải trải đệm dưới sàn để ngủ. Tuy nhiên, ai nấy đều vui, háo hức vì được đến đảo xa, nơi thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi. “Tàu đi chưa anh?", Anh Tuấn, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình TP Hải Phòng hỏi tôi. “Tàu đi được hơn 15 phút rồi”, tôi đáp. “Sao có cảm giác như tàu chưa đi, im thật, vậy sợ gì say sóng”, Anh Tuấn cảm nhận. “Do tàu lớn, đang ở trong vịnh nên chắc không thấy sóng”, tôi phỏng đoán.

Khoảng 30 phút sau, tín hiệu đường truyền yếu dần rồi mất hẳn, sóng điện thoại cũng không còn; tàu bắt đầu rung lắc mỗi lúc một mạnh lên. Loa truyền thanh gắn ở góc phòng thông báo: “Tàu bắt đầu ra khỏi vịnh, mọi người hạn chế di chuyển để tránh bị say sóng”.

Nhà bếp trên tàu bữa ăn trưa ngày đầu ra biển vắng hoe; chỉ lác đác mấy cán bộ, chiến sĩ và một vài phóng viên nam ngồi ăn. “Mọi người say sóng bỏ cơm hết rồi”, anh Thành, phụ trách bếp ăn trên tàu thông báo. Anh Thành cho biết thêm, mùa này đi biển, cơm nấu không cẩn thận sẽ bị sống vì tàu rung lắc mạnh. Tuy nhiên, nhà bếp vẫn cố gắng tạo ra những bữa cơm ngon nhất. “Nhiều lúc, chúng tôi phải buộc dây vào người để ngồi mổ cá, nhặt rau không thì sóng hất xuống biển”, anh Thành nói.

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa

Buổi chiều ngày thứ hai trong hải trình trên biển, cả con tàu bỗng nhiên như vỡ òa khi có ai đó reo lên: “Tàu chuẩn bị đi qua đảo Gạc Ma”! Mọi người đều bật dậy xách máy ảnh, máy quay phim chạy lên boong tàu, cho dù trước đó vẫn đang nằm bê bết vì say sóng.

{keywords}

Phóng viên Hà Chi, Báo Hà Nam đọc thư của một người anh gửi em trai hy sinh trong 

trận chiến đảo Gạc Ma năm 1988.

Gần mạn phải mũi tàu, tôi thấy một cô gái trẻ nghẹn ngào đọc thư, đôi mắt ngấn lệ. “Bảy, em trai yêu quý của anh! Đã 30 năm bọn giặc sang xâm chiếm biển đảo Việt Nam tại Gạc Ma - Trường Sa. Chúng bắn chìm tàu 604 của hải quân Việt Nam, em và 61 đồng đội đã anh dũng hy sinh chìm dưới đáy đại dương cùng con tàu… Không lúc nào mà anh quên được em; ngày ngày ở quê nhà, anh thắp hương cầu mong cho vong linh hương hồn em được siêu thoát. Vì điều kiện biển đảo sóng gió, anh không ra nơi đó để thắp hương cho em và các đồng đội của em được. Sắp tới, có cháu phóng viên Hà Chi ở Báo Hà Nam đi công tác ra nơi em và các đồng đội hy sinh ngày 14-3-1988, anh có vài dòng chữ nhắn nhủ và cầu mong em linh thiêng phù hộ độ trì cho gia đình và các đồng đội của em đang bảo vệ biển đảo luôn mạnh khỏe, vững tay súng. Anh chào em; chúc em yên nghỉ”. Hà Chi cẩn thận bọc lại phong thư rồi chắp tay thả nhẹ xuống biển. Những người được chứng kiến cảnh đó đều rưng rưng nước mắt.

{keywords}

Chuyển người và hàng hóa vào đảo Sinh Tồn Đông.

Đang trầm tư nhìn về đảo Gạc Ma, đột nhiên Thập Văn Hoan, chiến sĩ trẻ, quê tỉnh Ninh Thuận đứng cạnh tôi kể: “Giữa năm trước, em được cử đi theo phục vụ trên tàu; khi đến gần đảo Gạc Ma, tàu dừng lại làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại đây. Không hiểu sao, hoa và đồ lễ cứ chạy quanh con tàu mãi không trôi đi. Mấy chú trên tàu bảo, đó là do linh hồn các anh muốn níu kéo tàu ở lại lâu hơn vì nhớ nhà, nhớ đất liền. Ai cũng khóc, thương lắm, anh ạ”. Hoan năm nay mới 20 tuổi, nhập ngũ tháng 3-2018, đã hai lần đi theo tàu phục vụ, đợt này Hoan lên đảo Sơn Ca đóng quân. “Em sẽ quyết tâm cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước”, chiến sĩ trẻ bộc bạch.

Giữa trùng khơi mênh mông sóng nước, không có mạng dịch vụ di động hay Internet, dường như tình người trở lên mặn nồng hơn. Anh Tuấn, sau một ngày nằm im để “giữ nhiệt” vì say sóng nay cũng đã ngồi dậy đi lại nhúc nhắc. Những phong lương khô, củ đậu mua từ đất liền được Anh Tuấn bỏ ra mời mọi người trong phòng.

Sau hai ngày hai đêm, con tàu di chuyển được hơn 350 hải lý, cách đảo Sinh Tồn Đông gần 2 hải lý thì trời tối, sóng biển gần đảo khá yên ả. Con tàu thả neo để sáng hôm sau vào đảo. Đêm trên tàu giữa đại dương, chúng tôi lên boong tàu ngắm sao, ngắm biển. Xa xa, ngọn hải đăng ở đảo Sinh Tồn Đông thỉnh thoảng lóe lên vệt sáng để định vị cho tàu thuyền qua lại; kế bên lấp lánh ánh đèn điện tàu đánh cá của ngư dân, tạo nên khung cảnh thân thương như đang ở đất liền. “Nhờ có cán bộ, chiến sĩ cắm chốt trên đảo mà ngư dân của ta yên tâm vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản. Mỗi khi sóng to, gió lớn, bà con lại neo thuyền vào đảo để tránh trú bão”, Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - Trưởng đoàn công tác của tàu tâm sự.

Đúng 8 giờ sáng hôm sau, tàu nhổ neo di chuyển gần hơn về đảo Sinh Tồn Đông chừng 1 hải lý thì dừng lại. Đại tá Thuần nói: “Khi nào có lệnh, cán bộ, chiến sĩ và phóng viên mới được đi, nếu không dễ bị ngã xuống biển hoặc bị gãy chân do kẹp vào mạn tàu”.

Đảo Sinh Tồn Đông hiện ra trước mắt chúng tôi một màu xanh của những cây bàng vuông và mù u - loài cây có sức sống mãnh liệt trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nơi đảo xa. Các cán bộ, chiến sĩ của đảo đã đứng chờ sẵn trên cầu tàu với khuôn mặt rạng ngời niềm vui như thể đón người thân đi xa nay trở về nhà. Những cái bắt tay, cái ôm thắm thiết đã xua tan bao mệt nhọc của những ngày lênh đênh trên biển. Chúng tôi đã đặt chân lên hòn đảo đầu tiên của hải trình đến 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa- mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng cực Đông của Tổ quốc

Từ đây, con tàu tiếp tục đưa chúng tôi đến 5 đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Mặc dù điều kiện đi lại khó khăn song chuyến đi đã đọng lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm với biển cả, của tình đồng chí, đồng đội.

Vui đón Tết ở Trường Sa
(BGĐT)- Mặc dù cách đất liền hàng trăm hải lý, điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn, song trong những ngày đầu xuân năm mới Kỷ Hợi 2019 này, không khí đón Tết cổ truyền trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn diễn ra sôi động, tạo không khí vui tươi, đầm ấm trong cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.
 
Trước thềm Xuân- Trò chuyện cùng lính đảo Trường Sa
(BGĐT)- Vào những ngày áp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, phóng viên Báo Bắc Giang đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một số cán bộ, chiến sĩ quê Bắc Giang đang đóng quân trên quần đảo Trường Sa, những người ngày đêm vững tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Xuân về trên quần đảo Trường Sa
(BGĐT) - Trong những ngày áp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, quân và dân trên quần đảo Trường Sa đang háo hức chuẩn bị đón xuân mới với những phần quà ý nghĩa chứa đựng nhiều tình cảm từ đất liền chuyển ra.
 
Quà Tết gửi quần đảo Trường Sa
(BGĐT)- Ngày 3-1, tại Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa),  Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và Tỉnh đoàn Khánh Hòa, Lữ đoàn Trường Sa phối hợp với Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" thuộc T.Ư Đoàn tổ chức đưa hàng Tết lên tàu để chuyển ra phục vụ quân và dân quần đảo Trường Sa. 

Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc
(BGĐT) - Tàu kiểm ngư 491 (KN 491) vang lên ba hồi còi rời cảng Cam Ranh đưa chúng tôi cùng Đoàn công tác số 5 thăm quần đảo Trường Sa. Hành trình hơn một nghìn hải lý đến với 10 đảo và nhà giàn DK1 đã cho tôi cảm nhận về một vùng đất oai hùng, thơ mộng nhưng cũng đầy phức tạp, hiểm nguy; có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. 
 
Ân tình với Trường Sa
(BGĐT) - Trong tháng Tư vừa qua, cùng với đoàn công tác số 5 do Quân chủng Hải quân tổ chức, chúng tôi đến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Được chứng kiến những khởi sắc ở vùng biển đảo thiêng liêng này, chúng tôi biết đó là nhờ sự chung sức, tri ân của cả nước và sự nỗ lực của quân và dân Trường Sa. Những ân tình của hậu phương đã góp phần làm nên sức sống mới cho Trường Sa hôm nay.
 

Đỗ Thành Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...