Thứ tư, 08/05/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 26 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Một chiều xuân quan họ

Cập nhật: 07:36 ngày 22/02/2019
(BGĐT) - Tôi chỉ vì yêu câu ca quan họ, nên tìm về đây trong một chiều tháng Giêng.

Gặp người quan họ

Ở Bắc Giang, nói gọn hơn là Việt Yên có 5 làng quan họ cổ được Tổ chức Giáo dục- Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì 4 làng ở xã Ninh Sơn, đó là: Mai Vũ, Giá Sơn, Hữu Nghi và Nội Ninh. Làng thứ năm là Sen Hồ bên thị trấn Nếnh. 

{keywords}

Liền anh, liền chị quan họ xã Ninh Sơn (Việt Yên). Ảnh: Hữu Trình

Gọi điện cho anh Nguyễn Văn Ninh, cán bộ văn hóa xã Ninh Sơn, anh vui vẻ nói: “Nhà báo cứ về đi. Ở Ninh Sơn, đến ngõ nào mà chẳng gặp liền anh, liền chị”. Thực thì như vậy, nhưng về UBND xã, cũng phải chờ đợi khá lâu anh Ninh mới tập hợp được 7 trong số 8 người trong đội quan họ được huyện cử sang Bắc Ninh tập luyện, chuẩn bị cho Festival nhân kỷ niệm 10 năm quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, còn một liền anh đang bận công việc cần giải quyết ngay.

Ninh Sơn là xã thuần nông, đấy là trước kia, còn hôm nay, con em của xã cũng đã vào làm ở các công ty, người đi làm ăn nơi khác, làm nghề, dịch vụ, nhưng nhà nào cũng vẫn còn ruộng, ít một vài sào, nhiều hàng mẫu. Như liền chị Nguyễn Thị Sen, 49 tuổi ở thôn Mai Vũ vẫn lo chăm bón 5 sào lạc, mẫu bảy lúa, hàng chục con lợn trong chuồng và nấu 20 kg gạo rượu mỗi ngày, lại thêm nghề đúc xoong nhôm đi chợ bán. 

Lo làm ăn, lắm việc là thế nhưng chị cũng là người thường xuyên đôn đốc, nhắc gọi mọi người trong câu lạc bộ đi tập mỗi tối. Và các cuộc giao lưu với các làng, xã trong huyện, hội hát Bổ Đà hay sang Bắc Ninh, Hà Nội, chị chẳng vắng mặt buổi nào.

“Đồng ruộng có mùa, chợ búa có phiên. Mình phải biết sắp xếp. Vả lại đi hát với các anh, các chị cũng là công việc đương nhiên thường ngày, như việc đồng áng, khô khát thì phải tưới, khi cần thì bón phân, đến lứa thì thu hái; hay như cho con lợn con gà ăn trong chuồng. Nếu coi đấy là việc bắt buộc thì lúc nào cũng khó sắp xếp, lúc nào cũng chẳng có thời gian”, chị Sen nói. 

{keywords}

Liền anh, liền chị quan họ Ninh Sơn (Việt Yên).

Chị Nguyễn Thị Uyên, 38 tuổi, ở thôn Hữu Nghi trẻ nhất trong số các liền anh, liền chị được trưng tập lần này có cửa hàng làm tóc, chăm sóc sắc đẹp song cũng gác công việc để tham dự chuyến đi. Anh Nguyễn Văn Đắc (thôn Nội Ninh), 44 tuổi ngoài đồng ruộng còn có công việc khác thu nhập mỗi ngày 400 nghìn đồng song cứ ới là có mặt. 

Còn chị Vũ Thị Thủy, 48 tuổi ở làng Giá Sơn thì đến ủy ban rồi mà cứ nhấp nhổm vì đang phải chăm bố mẹ già đều đã ngoài 90 tuổi, các cụ lại đau yếu cần người thường xuyên phục vụ, được “trưng tập” dịp này vinh dự thật đấy mà phải về lo thu xếp công việc ở nhà, nhất là việc chăm sóc các cụ chu đáo cái đã.

Ở đây, chị em đi nhổ mạ, đi cấy cũng hát, nhổ cỏ, xới lạc trên đồng hay đi chùa cũng hát. Buổi tối, ngày nghỉ, lúc nông nhàn rủ nhau hát; ru con ru cháu bằng quan họ. Nhiều khi tập buổi tối gặp trời mưa là trải chiếu hát thâu đêm chờ mưa tạnh mới ra về.

Ông Nguyễn Văn Nên, 59 tuổi, thôn Mai Vũ chia sẻ, bà xã làm giáo viên, thích hát lắm nhưng chất giọng không được tốt, chỉ hát chơi ở nhà thôi, nhưng thấy chồng say mê thì khuyến khích. “Tôi giờ con cái lớn, bà xã có công việc của bà ấy, nhà còn vài sào ruộng với chăn vài con lợn, hiện chưa có cháu bế bồng nên rỗi rãi thành ra tích cực. Câu lạc bộ bây giờ toàn người luống tuổi, lớp trẻ còn bận làm ăn”, ông Nên chia sẻ.

Yêu thì hát thôi

Ninh Sơn may mắn chưa có dự án công nghiệp nào “giải phóng mặt bằng” làm thu hẹp đồng ruộng; đình chùa, ao hồ… được gìn giữ, tu bổ nên không gian, môi trường cho quan họ còn được duy trì.

Hỏi về mức độ “cổ” của quan họ ở Ninh Sơn, cán bộ chuyên môn của xã, các liền anh, liền chị và người lớn tuổi ở đây không ai biết chính xác quan họ ra đời từ khi nào. “Từ thời ông bà tôi đã nói với chúng tôi rằng biết hát là do các cụ truyền lại. Chúng tôi học từ cha mẹ, ông bà, các cụ lại học từ người trước nữa, cứ thế, đời nọ truyền cho đời kia. Chắc đã mấy trăm năm, mà có khi còn xa xưa hơn nữa”, liền chị Đoàn Thị Bùi, Chủ nhiệm CLB quan họ Nội Ninh kể. 

Ở đây, chị em đi nhổ mạ, đi cấy cũng hát, nhổ cỏ, xới lạc trên đồng hay đi chùa cũng hát. Buổi tối, ngày nghỉ, lúc nông nhàn rủ nhau hát; ru con ru cháu bằng quan họ. Nhiều khi tập buổi tối gặp trời mưa là trải chiếu hát thâu đêm chờ mưa tạnh mới ra về.

Và trong buổi chiều xuân nắng đẹp, tại nhà văn hóa thôn Nội Ninh, các liền anh, liền chị cất lên những lời ca quan họ cổ không nhạc đệm: “…Giăng… ư hữ… bao nhiêu tuổi giăng già… Này núi bao nhiêu tuổi … ư hữ … gọi là núi non… Sương mai tính cuộc vuông tròn, phải dò cho đến ngọn nguồn đáy sông…” (Giăng già). Hay: “… Kim Lan ơi hự là… Đường Bạn này ơi… là rằng đấy ơi là mấy em đến hỏi là… Đường Bạn là… có mấy Kim Lan ơi…” (Đường Bạn Kim Lan). 

Theo các liền chị Nội Ninh, “Gió mát giăng thanh” là làn điệu khó hát nhất trong các làn điệu cổ, tập kỳ công một tuần mới thuộc lời, thuộc lối, nếu đã hát được bài này thì sẽ dễ dàng hát được các làn điệu cổ khác. Trước đây thôn chưa có nhà văn hóa, cũng chưa có loa đài, băng đĩa nên chủ yếu học truyền miệng tại nhà nhau. 

Sau này, năm 2009, khi quan họ được công nhận là di sản, các chị được nghệ nhân bên Bắc Ninh hỗ trợ tài liệu, hướng dẫn thêm kỹ năng, rủ nhau tập quên ăn. Có khi ngủ rồi mà cuốn sách chép lời ca quan họ vẫn ấp trên ngực. Lớp trẻ bây giờ khi học quan họ thường rất ngại theo các bài hát đối, vì nó khó.

{keywords}

Liền chị quan họ thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn.

Liền chị Đàm Thị Bùi biết hát thành thạo từ khi 13 tuổi. Từ nhỏ, nghe mẹ và người lớn hát là thấy thích, học theo. Được cụ thân sinh khuyến khích, lớp sáu, lớp bảy bà đã theo tập và hát thành thạo các bài như: Sông Cầu nước chảy lơ thơ, Cây trúc xinh, Còn duyên, Lý cây đa… Để hát hay cần chất giọng tốt, còn vì yêu quan họ mà hát thì không cứ gì chất giọng, chỉ cần biết cách lấy hơi, nhả chữ đúng cách, đúng chỗ.

Nuôi giữ vốn cổ

Người trẻ Nội Ninh có còn yêu quan họ như ông bà của họ không? “Có chứ, cánh trẻ hát ác liệt đấy, có điều các em phải đi học, đi làm, lo con cái còn nhỏ nên chỉ ngày nghỉ, ngày lễ tết mới có cơ hội thể hiện. Những lúc ấy, chúng tôi nhường cho các em, các cháu hát cho thỏa đam mê”, anh Nguyễn Văn Đắc, một liền anh của CLB quan họ Nội Ninh nói. 

CLB hiện có 39 thành viên, nhỏ tuổi nhất là “liền chị“ Nguyễn Phương Thảo, 6 tuổi và Nguyễn Thị Quỳnh Chi, 7 tuổi đều là cháu ruột các liền chị Đàm Thị Bùi, Đoàn Thị Cự được bà dẫn dắt, huấn luyện.

Ninh Sơn có nhiều cặp vợ chồng vẫn cùng đi hát với nhau như cặp Nguyễn Văn Nên - Lê Thị Lưu, Đoàn Thị An - Nguyễn Văn Thức, Nguyễn Văn Đắc - Đoàn Thị Hương…

Đi hát (đi hội, đi thi, đi giao lưu) có tốn kém lắm không? Nghe tôi hỏi, các liền chị chỉ cười: Mình hát vì yêu thích thôi, nó như máu thịt, như cuộc sống của mình, không được hát thì thấy nhớ, thấy thèm, thấy thiếu. Một bộ áo mớ ba mớ bảy đặt may bên Bắc Ninh 850 nghìn đồng, nón thúng quai thao 200 nghìn, dép quai mỏ hơn 200 nữa, thêm chút phấn son trang điểm. 

Khi đi giao lưu xa cần chi phí đi lại, ăn uống thì tự đóng góp; ôn luyện để dự hội thi thì được trên hỗ trợ chút kinh phí. Khi nhận được lời mời sang bên Diềm, Gio Nha (Bắc Ninh), lúc lên Ngân Đài (xã Minh Đức) thậm chí ra cả Hà Nội giao lưu.

Nuôi giữ vốn cổ, di sản quan họ có khó lắm không? Nếu nói về chi phí tiền bạc, có thể thời buổi này không khó lắm song có lẽ nuôi dưỡng tình yêu lâu bền với quan họ cổ mới là cái khó nhất. Các liền anh liền chị, nhất là liền chị tháng tháng thường phải nhuộm tóc để ăn nhập với màu khăn mỏ quạ khi đội, bởi phần lớn các chị tóc đã pha sương. 

Và họ, những liền anh, liền chị Ninh Sơn: Anh Hai Nên, Hai Đắc, Hai Ngoạn; chị Hai Bùi, Hai Cự, Hai Việt, Hai Luyến, Hai Thủy, Hai Uyên… tất cả đều đã luống tuổi đang là người giữ sợi dây nối mạch nguồn quá khứ với hiện tại và cố gắng với cả tương lai. Trút bỏ bộ quần áo ruộng đồng, khi các anh chị hóa thân vào trang phục mớ ba mớ bảy, khăn mỏ quạ, áo the khăn xếp tôi bỗng như thấy nghìn xưa và hiện tại sao mà gần nhau quá.

Chiều đã nhạt nắng, ra về mà lời ca quan họ vẫn vẳng bên tai: Giăng thanh gió mát hii hii í hii tiếng chim lạc ơi à trên non… chim lạc đàn kêu xao xa à xao xác í ii… nghe con vượn ơi à hót véo von… véo ớ von ru con trên non ư hự bồng là hây hẩy gió đông ư hự hừ hời hư… trăng soi lồng trăm hoa đua nở… Tôi nhìn bóng giăng tôi đứng lại trông giăng… trông ánh giăng hoa thơm lạ lùng… Hây hẩy ấy là gió đông hoa thơm nực (nức) một vùng ứ hự ừ hư ứ hư… ấy là thơm sao… là tính ới là tính tang ố là tình tang…

Kim Hiếu

Phải lòng quan họ
(BGĐT) - Tháng Giêng người đi đâu
Ta phải lòng quan họ
 
Trên quê hương quan họ
Ảnh chụp tại xã Hợp Đức, huyện Tân Yên (Bắc Giang).
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...