Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làng “ 5 tấn” giữa núi rừng Tứ Sơn

Cập nhật: 07:00 ngày 10/08/2019
(BGĐT) - Bới đất, vạt cỏ làm nương rẫy, bạt núi mở đường, ngăn suối đắp đập, gánh đá làm nhà… từ đôi bàn tay chai sạn, những người dân xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã biến một vùng đất hoang vu năm nào thuộc xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lục Nam (Bắc Giang) thành làng quê trù phú. Hơn 50 năm bền bỉ gây dựng nên “bức tranh quê” tươi đẹp giữa núi rừng Tứ Sơn là niềm vui, niềm tự hào của bà con từ quê hương “5 tấn”.

Một thời gian khó không thể quên

Từ tỉnh lộ 293, theo con đường bê tông phẳng lì chúng tôi đến thôn Thọ Sơn, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam. Đây còn thuộc vùng Tứ Sơn gồm 4 xã: Lục Sơn, Trường Sơn, Bình Sơn và Vô Tranh. Xa xa hai bên đường, núi rừng mờ ảo trong mây, thấp thoáng trên vườn đồi là những ngôi nhà tầng khang trang. Đường nội thôn, trên làn hoa tím lúp xúp là lùm nhãn trĩu quả.

{keywords}

Đường nội thôn Thọ Sơn đã được bê tông hóa gần 100%.

Đón chúng tôi tại nhà văn hóa là cán bộ, già làng thôn Thọ Sơn. Câu chuyện bên chén trà như những thước phim quay chậm đưa chúng tôi về với ký ức “dựng làng” cách đây hơn 50 năm của mấy chục hộ từ quê hương “5 tấn” lên vùng kinh tế mới.

“Tôi không bao giờ quên được ngày hôm đó, ngày 28-11-1965” - ông Ngô Tiến Gội, 84 tuổi bắt đầu câu chuyện. “Khi đó tôi khoảng 30 tuổi, dẫn vợ và 5 con theo đoàn 186 người của 32 hộ thuộc xã Quỳnh Thọ lên xe. Ô tô hôm đó vừa chạy, vừa tránh bom. Trải qua chặng đường 120 km, cuối ngày chúng tôi dừng chân ở vùng thâm sơn cùng cốc này.”

Ông Gội kể, vốn là những người chỉ quen đồng ruộng bằng phẳng, thẳng cánh cò bay, nay chân ướt, chân ráo lên vùng đất lạ bao quanh núi đồi trùng điệp, cây cối rậm rạp, ngày tiếng vượn hú, đêm tiếng gầm của thú hoang, tâm trạng ai nấy không khỏi não nề, vừa nhớ quê, vừa lo lắng về tương lai rồi sẽ ra sao. Được người dân địa phương nhiệt tình đón tiếp, đưa từng hộ về nhà ăn nghỉ đã giúp chúng tôi vượt qua giây phút ban đầu tưởng chừng như muốn bỏ cuộc trước bộn bề khó khăn. Sau 1 tháng ở nhờ, chúng tôi tách ra, dựng nhà, chính thức khởi đầu cuộc sống trên quê mới Thọ Sơn.

Ông Nguyễn Đạt Bốn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Thọ Sơn là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn năm ấy nhớ lại: “Khi đó tôi mới 7 tuổi nhưng kỳ lạ là ký ức của những ngày đó đậm sâu trong tâm khảm. Tôi nhớ nhất về cái Tết đầu tiên năm 1965 của cả làng. Một cái Tết chỉ có sắn, lá khoai già, đón giao thừa trong ánh lửa bập bùng với nỗi nhớ quê da diết”.

Ông Bốn chìa đôi bàn tay chai sạn như dấu tích của một thời gian khó. “Nhưng dân Thái Bình vốn là những con người cần cù, lam lũ, không đầu hàng số phận”- ông bộc bạch. Vậy là giữa rừng hoang, ai nấy đều quyết tâm vượt qua đói, rét, bệnh tật để sinh tồn. Không có nhà, chặt cây dựng nhà tạm, quấn lá làm tường chống rét; không có ruộng, vạt cỏ, bạt đồi làm nương rẫy; thiếu nước tưới thì ngăn suối đắp đập, làm mương dẫn nước; chưa có đường thì bạt núi mở đường. 

Khi thấy giống lúa vùng cao năng suất thấp, thôn đã cử 4 người đàn ông khỏe mạnh gồm ông Ngô Tiến Gội, Đào Duy Cường, Phạm Quang Sơn, Nguyễn Đăng Cậy đi bộ bằng đôi chân trần 2 ngày trời về quê Thái Bình để gánh lúa giống lên. Không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ xuống để tạo nên mầm sống trên vùng đất khó khăn này. “Khi đã có ruộng nương, cộng thêm kinh nghiệm canh tác, sự chịu thương chịu khó vốn có chính là “chìa khóa” để bà con Thái Bình tìm ra lời giải cho bài toán thoát đói nghèo từ đây” - anh Phạm Văn Quang, Trưởng thôn Thọ Sơn nói.

Làng quê trù phú

Thôn đạt được thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ người dân địa phương, cùng với sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng, ý chí vượt khó của các hộ mới ly hương.

Theo chân cán bộ thôn, chúng tôi đến thăm nhà vợ chồng ông Trần Văn Chuyên, bà Nguyễn Thị Dung, một trong 32 hộ lên Thọ Sơn từ những ngày đầu. Bao quanh ngôi nhà là vườn nhãn trĩu quả. 

Dẫn chúng tôi ra vườn, ông Chuyên giới thiệu: “Năm nay, không được mùa như mọi năm nhưng ước tính nhãn vẫn cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Đã có nhiều người đến đặt mua cả vườn từ bây giờ rồi!”. 

Ông bảo, gia đình vừa bán lứa gà thu 35 triệu đồng. Một năm từ nhãn, vải, bưởi và gà, gia đình ông thu hơn 300 triệu đồng. Ông còn phấn khởi khoe về con trai út, anh Trần Công Nguyên đang công tác ở Công ty cổ phần Dược Hậu Giang hiện có mức lương gần 50 triệu đồng/tháng.

{keywords}

Lãnh đạo thôn Thọ Sơn vào thăm mô hình trồng nhãn của gia đình ông Trần Văn Chuyên (bên phải).

Nhớ lại ngày đầu cơ cực lập thân, lập nghiệp trên quê hương mới, ông Chuyên bồi hồi: “Đó là những ngày tháng lao động không biết mệt mỏi. Vợ chồng con cái bảo nhau làm cật lực, sáng nhổ lạc, chiều cuốc đất trồng đỗ, tối về đập lạc. Ngày mưa làm việc ngày mưa, ngày nắng làm việc ngày nắng. Xây nhà thì đóng gạch, cõng đá, chở vôi về tự làm. Ngẫm lại, không hiểu mình lấy đâu ra sức lực để làm được ngần đấy công việc!”. 

Quả thật trông con người ông, chúng tôi có thể cảm nhận được điều đó. Lao động đã khiến ông như thành khối đồng hun rắn chắc, có khả năng chống chọi trước gió mưa, bão táp cuộc đời.

Cùng lối ngõ vào nhà ông Chuyên là ngôi nhà khang trang như biệt thự rộng 130m2 của gia đình ông Bùi Quang Tặng. Nhìn vào gia cảnh ông Tặng hôm nay thật khó hình dung đây là một trong những hộ nghèo nhất của đoàn từ Thái Bình lên ngày đó. Ông là con út trong 4 người con của bà Ngô Thị Nhài, người mẹ đã gồng gánh đàn con thơ nơi quê mới. Có lẽ chính gian khó đã thôi thúc con người vượt lên bằng nội lực. Nay gia đình ông là điển hình của thôn, phát triển kinh tế giỏi, nuôi dạy con cái trưởng thành. Con trai ông Tặng, anh Bùi Quang Thịnh hiện là Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa, Hà Nội.

Rong ruổi quanh thôn Thọ Sơn, thật ngỡ ngàng khi chúng tôi đang đặt chân ở giữa vùng Tứ Sơn, một trong những khu vực từng được coi là đặc biệt khó khăn của huyện Lục Nam. Đường làng ngõ xóm rộng rãi, đổ bê tông, xe ô tô có thể chạy vào từng nhà. Nhiều nhà tầng khang trang, nổi bật giữa vườn cây, không ít ngôi mang dáng dấp biệt thự như ở khu đô thị. Vườn nhà nọ nối nhà kia hầu như chẳng có tường xây cách biệt, điều này cho chúng tôi cảm nhận rõ sự bình yên, trù phú và thân thương vô cùng.

Trò chuyện với ông Nguyễn Đăng Lịch, Bí thư chi bộ thôn, được biết, thủa ban đầu 32 hộ thì 4 hộ trở lại Thái Bình, còn 28 hộ, 168 khẩu, 1 tổ đảng (3 người), đến nay, thôn Thọ Sơn đã có 176 hộ với 621 nhân khẩu, 1 chi bộ với 27 đảng viên. Thôn đạt được thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ người dân địa phương, cùng với sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng, ý chí vượt khó của các hộ mới ly hương. 

Như thấu hiểu tình cảnh xa quê nên ai cũng có ý thức tương trợ nhau, chung sức thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Từ chủ trương phát triển ruộng vườn đến xây dựng điện, đường, trường trạm, các hộ đều sẵn sàng đóng góp sức người, sức của, hiến đất để thực hiện, giúp thôn Thọ Sơn trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu ở xã Lục Sơn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi. 

Đến nay, gần 100% đường giao thông nội thôn được bê tông. 100% hộ dân có điện sớm nhất xã Lục Sơn. Người dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đưa cây ăn quả như nhãn, vải, bưởi trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế vườn đồi.

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, mọi nhà đều quan tâm đến việc học hành của con cháu. Hầu hết con em trong thôn đều tốt nghiệp THPT, nhiều cháu học lên đại học và cao học. Con em các thế hệ người dân Quỳnh Thọ năm xưa đến Lục Sơn giờ đã có nhiều người bước ra khỏi làng quê, đi lao động, học tập, công tác ở trong và ngoài nước. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Số hộ nghèo của thôn ít nhất xã Lục Sơn. 100% hộ trong thôn xây dựng nhà kiên cố, sắm đồ gia dụng hiện đại. Nhiều nhà đã có ô tô.

Thiếu định hướng nghề nghiệp, người trẻ “đi đường vòng”
“Có lẽ rất nhiều sinh viên cũng từng như tôi cứ cố làm "điều mình không thích" chỉ vì không được định hướng tốt. Đến khi vấp phải sự thất vọng, chán chường ở giảng đường đại học, chúng tôi mới vỡ lẽ...”
 

Trong bữa cơm trưa tại nhà chị Phó Trưởng thôn Đào Thị Huệ, chị Huệ giới thiệu đều là những thứ trong vườn nhà và mua ngay đầu làng, vậy mà mâm cơm sung túc, đậm đà vị đồng quê. Trong câu chuyện nở như ngô rang với lãnh đạo thôn, chúng tôi cảm nhận người dân thôn Thọ Sơn rất đỗi tự hào vì sau bao năm lăn lộn xây dựng đời sống ở miền ngược nay mọi mặt kinh tế, đời sống, con em học hành phát triển đã bắt kịp với miền xuôi quê mình.

Có lần tâm sự với chúng tôi, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn chia sẻ, Thọ Sơn là một trong những thôn đi đầu của xã Lục Sơn, liên tục đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện. Người Thọ Sơn sống có nghĩa, có tình bao năm qua vẫn luôn hướng về quê cha đất tổ. Vẫn luôn nhớ đến lời động viên, những hạt giống trân quý từ thời gian khó năm nào, coi đó là bệ đỡ, là động lực để vươn lên, và luôn giữ trọn niềm tự hào là người con quê hương “5 tấn” giữa núi rừng Tứ Sơn tươi đẹp hôm nay.

Bắc Giang: HTX Na dai xã Nghĩa Phương (Lục Nam) được cấp Giấy chứng nhận sản xuất na dai theo tiêu chuẩn VietGAP
(BGĐT)- Sản phẩm na dai của Hợp tác xã (HTX) Na dai Nghĩa Phương, thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) vừa được Công ty cổ phần Chứng nhận và giám định IQC cấp Giấy chứng nhận VietGAP số: 2086/QĐCN-IQC-VIETGAP ngày 2-8-2019. 
Lục Nam (Bắc Giang): Đầu tư 70 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn chưa có điện để sản xuất
(BGĐT)-Đầu tư 70 tỷ đồng, có hồ sơ pháp lý về đường điện song một năm nay, Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất gạch Ngọc Việt (gọi tắt là Công ty Ngọc Việt) ở xã Khám Lạng, huyện Lục Nam (Bắc Giang) vẫn “bất động” vì không có điện sản xuất. Vì sao lại xảy ra tình trạng này?
Lục Nam vui mùa na chín
(BGĐT) - Hiện nay, na Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đang cho thu hoạch. Khác với những năm trước, giờ đây na đang được điều chỉnh rải vụ, có lịch thu hái theo từng ngày mà không tập trung vào cùng thời điểm. Nhờ vậy, người trồng na có lợi nhuận lớn, không bị ép giá.

Hồng Hiếu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...