Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đắng cay bỏ lại xứ người

Cập nhật: 10:46 ngày 27/09/2019
(BGĐT) - Sau hàng chục năm bị bán qua biên giới, một số chị em tại Bắc Giang đã gặp lại người thân trong nước mắt đoàn tụ. Để hòa nhập với cuộc sống, họ còn gặp nhiều khó khăn song trở về đến quê hương đã là may mắn. Bởi ở đâu đó có không ít ông bố, bà mẹ bao năm trôi qua mòn mỏi mong chờ, tin con vẫn như bóng chim tăm cá…

Những cuộc hôn nhân mua, bán

Chuyện xảy ra nhiều năm nhưng nhắc đến ký ức buồn, giọng chị Dương Thị Thùy (SN 1976), quê ở thôn Chản Làng, xã Yên Sơn (Lục Nam) trầm xuống: “Hôm ấy là ngày 23-11-2004 (Âm lịch), tôi và bạn là chị Nguyễn Thị Thanh nghe lời người họ hàng rủ đi bốc hàng bên kia biên giới với thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày. Hy vọng có cơ hội đổi đời, nào ngờ tôi bị lừa bán!”. 

{keywords}

Sau khi trở về, chị Nguyễn Thị Biên (giữa) xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu việc làm.

Choàng thức dậy, trước mắt chị Thùy là khung cảnh hoàn toàn xa lạ. Căn nhà 7 tầng của bà chủ ám đủ thứ mùi. Ngôi nhà có đến hàng trăm người phụ nữ Việt Nam tuổi từ 15, 16 đến 30, 35 hay 40 đang bị giam giữ. Mỗi người một nơi, hoàn cảnh khác nhau, từ Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương đến Thanh Hóa, Nghệ An. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, căn nhà ấy là nơi giam lỏng những “món hàng” chờ bán.

Hơn một tháng ở ngôi nhà đó, chị và hơn chục phụ nữ Việt được cho ăn, thay bộ quần áo mới sạch sẽ, tô son điểm phấn. Những người đàn ông già có, trẻ có, ngắm nghía rồi xì xào hỏi người chủ bằng thứ tiếng chị Thùy chưa từng nghe thấy. Nếu ai được chọn mà chống cự sẽ bị những trận đòn thừa sống thiếu chết. Chị Thùy thấy vậy đành buông xuôi, nuôi cơ hội trốn thoát. Sau một cuộc ngã giá, người đàn ông trung tuổi nọ nắm tay chị Thùy dẫn đi. Nghe lõm bõm chị biết mình bị bán làm vợ người ta với giá hơn 80 triệu đồng.

Căn nhà ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) tập trung đông già trẻ, gái trai. Họ ùa ra nắm tay chị và người đàn ông rồi cười cười, nói nói. Hai người phụ nữ dẫn chị vào phòng riêng rồi cố khoác lên chiếc áo cưới đỏ rực. Hơn 7 tháng chung sống với người chồng Trung Quốc, chị Thùy tìm cách liên hệ với người nhà để báo tin rồi bỏ trốn về Việt Nam vào năm 2005.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, hiện Bắc Giang có 44 phụ nữ trở về, còn số lượng phụ nữ bị lừa bán sang bên kia biên giới chưa thể thống kê đầy đủ. Nguyên nhân bởi nhiều gia đình không khai báo với cơ quan chức năng hoặc che giấu vì ngại dư luận.

19 tuổi, chị Đỗ Thị T (SN 1980) ở huyện Hiệp Hòa học hết phổ thông rồi ở nhà làm ruộng đỡ đần cha mẹ. Năm ấy, một người bạn của bố chị tên là Thành hay qua lại gia đình. Vì thân thiết nên ông Thành thường ở lại ăn cơm, trò chuyện.

 Một ngày kia, ông ngỏ ý rủ chị T cùng đi chơi ở Thái Nguyên. Vì tin tưởng nên bố mẹ chị T đã đồng ý. Đó là một buổi chiều cuối tháng 11-1999 (Âm lịch), mãi chẳng thấy con gái trở về, cả nhà mới tá hỏa biết con gái đã bị lừa bán.

“Quán café” cao 4 tầng mà chị bị bán vào ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) lúc nào cũng mờ ảo, bên cạnh chị là những cô gái khác cũng trong tình trạng hoảng loạn. Chủ quán tên Hạnh - quê huyện Tân Yên cùng em trai to tiếng quát tháo 14 cô gái trẻ đang thút thít khóc. “Khi bà Hạnh hỏi và biết tôi là họ hàng xa nên không ép “tiếp khách” mà cho tôi lên tầng 4 để đun nước, nấu cơm, dọn dẹp”. Chị T nói.

Những gì chị T chứng kiến có lẽ chị sẽ chẳng bao giờ quên được. Có lần, em H (Thái Nguyên) và chị M (Nam Định) bỏ trốn bị phát hiện, bà Hạnh sai đám chân tay truy lùng rồi bắt về. Hai người bị tra tấn dã man như thời trung cổ. Giữa tháng 3-2000 (Âm lịch), trong một lần truy quét của lực lượng chức năng Trung Quốc, chị và một vài phụ nữ khác được thả gần biên giới, mọi người men theo con đường rừng tự tìm về Việt Nam.

“Tôi chẳng muốn nhắc lại chuyện cũ vì giờ tôi đã có một cuộc sống mới, làm mẹ hai đứa con. Nhưng tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình để các cô gái trẻ cũng như các bậc cha mẹ biết và lường trước nguy cơ bị mua bán”, chị T nói. Trong câu chuyện với tôi, chị T bày tỏ mong muốn được giấu tên bởi sợ ảnh hưởng đến tương lai và cuộc sống sau này của các con.

Loại trừ nguy cơ

Bà Nguyễn Thị Chiện, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) nơi có một số trường hợp bị bán qua biên giới cho biết: “Những chị đã trở về còn mãi nỗi đau tinh thần, mất đi tuổi xuân ở bên kia biên giới nhưng vẫn còn may mắn. Đau lòng nhất là các chị em là nạn nhân vẫn “trôi dạt” xứ người chưa biết ngày về”.

Những năm qua, tội phạm mua bán người vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Theo Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nạn nhân của các vụ mua bán hầu hết là phụ nữ và trẻ em, họ có thể bị cưỡng ép kết hôn, đẻ thuê hoặc bóc lột sức lao động và tình dục. Các đối tượng tội phạm chủ yếu là người quen, họ hàng; chúng nhắm đến những chị có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong hôn nhân hoặc những thiếu nữ, trẻ em gái sống trong các gia đình cha mẹ ít quan tâm đến con cái. 

Các đối tượng xấu thường sử dụng các chiêu bài như: Giới thiệu việc làm với mức thu nhập cao, rủ rê đi chơi rồi lừa bán. Không ít thiếu nữ vì nhẹ dạ cả tin mắc lừa khi các đối tượng làm quen qua mạng xã hội, tán tỉnh yêu đương rồi rủ đi chơi, vẽ ra viễn cảnh về sự giàu sang, xa hoa của những miền đất hứa. Đặc biệt, tội phạm buôn bán người thường có tiền án, tiền sự, có người từng là nạn nhân bị mua bán, thông thuộc khu vực biên giới, cửa khẩu, các đường mòn, lối mở.

Mong muốn tạo điều kiện cho các nạn nhân bị mua bán ổn định cuộc sống khi trở về, bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Năm 2018 và năm 2019, các các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh đã hỗ trợ, giúp đỡ 34 lượt chị em xây nhà mái ấm tình thương, vay vốn không lãi suất, giới thiệu việc làm, hướng dẫn làm thủ tục về hộ khẩu. 

Ví như, chị Nguyễn Thị Biên (SN 1968) thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) trở về sau 28 năm bị bán nay được giới thiệu việc làm tại một doanh nghiệp sản xuất túi giấy xuất khẩu; chị Lê Thị Thuần, thôn Phú Nhuận, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) được hướng dẫn làm các giấy tờ về hộ tịch cho chị và các con. Bà Trần Thị Lương (SN 1962) thôn Chằm, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) và chị Đỗ Thị T ở huyện Hiệp Hòa được Hội LHPN xã, huyện hỗ trợ xây nhà mái ấm tình thương.

Những hoạt động của các cấp hội có lẽ chưa thấm là bao so với khó khăn mà các chị phải đối mặt sau khi trở về song đó là tình cảm mà cộng đồng xã hội dành cho các chị. Bao nhiêu người phụ nữ, trẻ em trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người là từng đó gia đình khiếm khuyết. 

Những tổn thương, mất mát về vật chất, tinh thần sẽ rất dai dẳng. Vì vậy, các giải pháp hỗ trợ về vật chất, tinh thần cũng cần triển khai trong dài hạn, cần sự quan tâm từ cộng đồng, người thân của nạn nhân và các hội, đoàn thể địa phương.

Nạn mua bán người diễn ra từ nhiều năm qua, nó không chỉ xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân mà còn tác động tiêu cực đến an ninh trật tự. Hệ lụy đã rõ nhưng để đấu tranh phòng ngừa tội phạm mua bán người vẫn còn là bài toán nan giải. 

Những nơi tôi đến, những hoàn cảnh tôi gặp, các chị em đều sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo còn lắm gieo neo, trình độ dân trí còn hạn chế, chưa đề cao cảnh giác, thiếu thông tin nên dễ dàng nghe theo những lời đường mật. Trong khi đó, công tác điều tra, truy tố các đối tượng tội phạm gặp nhiều trở ngại. 

Thời gian nạn nhân bị bán thường kéo dài, có người sống ở nước ngoài một năm nhưng cũng có người sau hàng chục năm mới tìm được đường về, vì vậy chứng cứ vật chất, nhân chứng khó xác định được. Đối tượng mua bán người thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi khi tiếp xúc với nạn nhân, thay đổi tên, tuổi, địa chỉ, dùng nhiều số điện thoại làm quen và lừa gạt. 

Cũng có những vụ án mua bán người có đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng nhưng chưa giải cứu được nạn nhân hoặc nạn nhân chưa tố giác thì việc phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hầu như không thực hiện được.

Để phòng tránh, giảm số lượng nạn nhân bị mua bán, công tác truyền thông, giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính các bậc phụ huynh cần sớm trang bị cho mình và con em mình những kiến thức, thông tin cần thiết. Khi đi bất cứ đâu cũng cần phải thông báo tới bố mẹ, người thân trong gia đình về số điện thoại, địa chỉ liên hệ. Đối với trẻ em gái, thiếu nữ và phụ nữ nói riêng càng phải cảnh giác trước những lời tán tỉnh qua mạng Internet, bạn bè rủ rê đi chơi xa hoặc những cơ hội việc làm lương cao ở vùng giáp biên hay bên kia biên giới.

Từ tin tố giác qua facebook, phá đường dây mua bán người xuyên quốc gia
Công an TP Hà Nội vừa tiến hành trao trả 3 trẻ sơ sinh được đẻ thuê ở nước ngoài, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Đối tượng mua bán người ở Bắc Giang bị bắt sau 7 năm trốn truy nã
(BGĐT)- Sau 7 năm bỏ trốn khỏi nơi cư trú và bị truy nã về tội mua bán phụ nữ, trẻ em, Trần Thị Bạn (tức Linh, SN 1985) trú tại thôn Giếng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) đã sa lưới pháp luật khi đang lẩn trốn tại thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Câu chuyện tòa án: Mua bán người, lĩnh án tù
(BGĐT) - Bị kẻ xấu lợi dụng bán sang Trung Quốc, chị M (SN 1990), trú tại thôn Nguyên, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) đã phải chịu cảnh tủi nhục nơi xứ người. Được một phụ nữ Việt Nam đang sinh sống ở Trung Quốc giúp đỡ, chị đã trở về quê hương an toàn và làm đơn tố cáo kẻ lừa bán mình.
Giao lưu tuyên truyền viên giỏi về phòng, chống tội phạm mua bán người
(BGĐT)- Ngày 10-10, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện phối hợp với Công an huyện Lục Nam (Bắc Giang) tổ chức buổi giao lưu tuyên truyền viên giỏi về phòng, chống tội phạm mua bán người.
Tọa đàm thanh niên với phòng, chống nạn mua bán người
(BGĐT) - Ngày 21-9, tại Trường THPT Lạng Giang số 2, Tỉnh đoàn tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Đoàn thanh niên phòng, chống nạn mua bán người - Con người không phải để bán” thu hút gần 1 nghìn đoàn viên thanh niên trên địa bàn tham gia. 
Tập huấn về phòng, chống mua bán người
(BGĐT) - Ngày 20-9, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống mua bán người năm 2017 cho 100 học viên làm công tác tuyên truyền tại các xã, thị trấn của 4 huyện: Hiệp Hòa, Yên Dũng, Tân Yên và Lục Ngạn.
Tọa đàm tìm hiểu kiến thức phòng, chống mua bán người
(BGĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Giang, ngày 24-4, Hội LHPN xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) tổ chức tọa đàm “Kiến thức phòng, chống mua bán người năm 2017”. 
Kẻ mua bán người nguy hiểm ra đầu thú
5 năm lẩn trốn ở nước ngoài, Hà Thị Vân (35 tuổi, trú tại thôn Ngọc Thành, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), kẻ có lệnh truy nã đặc biệt của Công an tỉnh Hà Nam về hành vi mua bán người luôn day dứt vì tội lỗi do chị ta đã gây ra, về hai đứa con thơ nơi quê nhà. Nhưng nỗi lo sợ mơ hồ đã khiến chị ta không thắng nổi chính mình.
Xét xử hai kẻ mua bán người
(BGĐT) - Ngày 1-12, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hằng (SN 1997), trú tại thôn Trại, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Công Hậu (SN 1994), trú tại thôn An Nguyễn, xã Cương Sơn (Lục Nam) 5 năm 6 tháng tù đều về tội “Mua bán người”.
Báo động tình trạng mua bán người
(BGĐT) - Không chỉ có phụ nữ, trẻ em, đàn ông cũng đang trở thành nạn nhân của hoạt động tội phạm buôn bán người. Ngoài ra, bào thai, nội tạng và dịch vụ đẻ thuê cũng là những hình thức buôn bán người được các cơ quan chức năng cảnh báo.
Việt Yên: Liên hoan tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người
(BGĐT) -  Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Việt Yên (Bắc Giang) vừa tổ chức Liên hoan tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người tại Nhà văn hóa thôn Hoàng Mai 2, xã Hoàng Ninh. 

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...