Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Không dễ giấc mơ đổi đời

Cập nhật: 09:45 ngày 11/10/2019
(BGĐT) - Đến những gia đình có người thân tử nạn khi đi lao động ở nước ngoài, tôi cứ bị ám ảnh bởi tấm hình thờ sau làn khói hương. Họ đều là lao động chính, trụ cột trong nhà. Những tưởng tạm biệt quê hương đi làm ăn nơi đất khách quê người, họ sẽ được đổi đời nhờ đồng tiền gửi về. Nào ngờ ở nhà, gia đình phải lo chạy vạy để có đủ tiền chỉ mong đưa được thi thể người thân về nước.

Bỏ mạng ở xứ người

Một buổi chiều cuối năm 2018, như mọi ngày, chị Vi Thị Hiếu (SN 1978) ở thôn Vĩnh Thịnh, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đang làm việc ở công ty may thì nhận được điện thoại của mẹ chồng: “Mày xin về trước đi, nó chết rồi”, chưa kịp hỏi thêm, mẹ chồng chị đã cúp máy. Đặt điện thoại xuống bàn, chị chau mày suy nghĩ: “Ai chết nhỉ?”. 

{keywords}

Từ khi chồng qua đời ở nước ngoài, chị Vi Thị Hiếu, xã Tân Hưng (Lạng Giang) một mình gánh vác công việc gia đình.

Cố gắng làm hết khoảng thời gian ít ỏi còn lại cuối ngày, chị Hiếu tất tả lấy xe về nhà. Trời mưa rét, tay chị run lên bần bật, con đường về hôm nay đi sao dài thế. Đến nhà, điện không thấy bật, tối om, cổng vẫn khóa. Chị phóng xe sang nhà bố mẹ chồng ở ngõ bên thấy đông đúc người, từ ngoài đã nghe rõ tiếng khóc than gọi tên chồng chị vang lên. 

“Có lẽ nào anh Tuấn đã chết, có khi nào nhầm lẫn không nhỉ?’- chị Hiếu tự an ủi, trấn an tinh thần. Bước vào nhà, mọi người đưa cho chị chiếc phong bì được gửi từ Sở Ngoại vụ Bắc Giang, người nhận đúng là tên và địa chỉ của chị rồi. Mở ra đọc, chị không tin vào mắt mình. Tờ giấy báo chồng chị - anh Hà Xuân Tuấn đã tử nạn ở Macao (Trung Quốc).

Chị Hiếu và anh Tuấn cùng tuổi, cùng thôn. Hai người nên duyên chồng vợ vào cuối năm 1999 rồi lần lượt sinh được hai con (một gái, một trai). Anh Tuấn có nghề xây dựng, đi cai công trình khắp đây cùng đó; còn vợ ở nhà làm ruộng, sau này gửi con cho ông bà chăm sóc rồi chị theo chồng đi phụ hồ. Cuộc sống không đến nỗi khó khăn. 

Với ước mơ có một khoản tiền kha khá để xây dựng ngôi nhà rộng rãi hơn, năm 2015, anh Tuấn quyết định sang Trung Quốc làm ăn. Nhưng hết hạn visa không về nên bị cảnh sát nước sở tại bắt và trục xuất. Về rồi lại đi theo đường tiểu ngạch, bị bắt vài lần nên khoảng giữa năm 2018, anh Tuấn trốn sang Macao trên chuyến tàu biển. 

Vì đi bất hợp pháp sang nên khi bị cảnh sát kiểm tra, sợ bị phát hiện lại bị trục xuất về nước nên anh Tuấn đã nhảy xuống biển và vướng vào chân vịt con tàu dẫn đến tử nạn, nhiều ngày sau mới tìm thấy thi thể.

Về phía gia đình ở Việt Nam, sau nhiều ngày không thể liên lạc được với anh Tuấn đã nhờ cộng đồng người Việt ở Trung Quốc dò la, tìm tung tích nhưng cũng bặt tăm. Đến khi cảnh sát tìm thấy thi thể và có thông báo, gia đình đã cử người sang tận Macao để lấy mẫu ADN xét nghiệm làm các thủ tục đưa hài cốt của anh Tuấn về quê hương. 

Vậy là kể từ ngày mất tích đến khi đưa về đến nhà là hơn 5 tháng, chi phí lên đến cả trăm triệu đồng. Ngày đưa hài cốt anh Tuấn về, dân làng tập trung đông đúc, họ tiếc thương cho anh - một người hiền lành, chịu khó, hiếu thảo mà sớm lìa đời. Và câu “giá như” anh không bỏ trốn, “giá như” anh đi theo con đường hợp pháp thì có lẽ không bị nạn như vậy.

Ngôi nhà 2 tầng của gia đình anh Nguyễn Văn Huy (SN 1976), ở tiểu khu 6, thị trấn Neo (Yên Dũng) nằm nép bên dãy núi Nham Biền gần sông Thương. Mấy tuần vừa rồi, tầng 1 luôn khói hương nghi ngút, anh Huy phải tạm dừng công việc bốc vác ở khu vực bến phà Đám để lo việc ma chay cho vợ. 

Anh đâu có ngờ rằng ngày đón vợ - chị Đàm Thị Hợp (SN 1977) trở về nhà lại trong cảnh tang tóc thế này. Gia cảnh khó khăn, năm 2009 chị Hợp từng đi nước ngoài làm giúp việc gia đình, hết hạn 3 năm trở về có được món tiền, anh chị quyết định xây nhà thay thế ngôi nhà cũ dột nát. Tuy nhiên, làm nhà xong thì công nợ quá nhiều. 

Với mong muốn có tiền trang trải nợ nần, chị Hợp lại một lần nữa tạm biệt chồng con xin đi làm giúp việc gia đình ở Bắc Síp (Thổ Nhĩ Kỳ) từ năm 2014. Đến tháng 10-2017, chị Hợp mất tích. Phải đến gần 2 năm sau, gia đình mới nhận được thông tin chính thức từ Sở Ngoại vụ rằng chị Hợp đã tử vong.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng kết luận chị Hợp chết do bị kẻ xấu giết hại để cướp tài sản (đến nay chưa rõ hung thủ - PV), thi hài đang được bảo quản tại nhà xác bệnh viện, chờ người nhà sang đưa về nước. Bắc Síp là nước theo đạo Hồi nên không hỏa táng người chết. 

Vì vậy nếu gia đình muốn đem thi thể về Việt Nam phải bỏ ra khoảng 6.000 USD (hơn 130 triệu đồng) gồm chi phí vận chuyển bằng đường hàng không, xử lý thi thể và đóng quan tài kẽm… Anh Huy đau đớn kể: “Nhận được thông báo với chi phí quá lớn như vậy, vì không có tiền, bố mẹ già lại đau ốm thường xuyên, hai con còn nhỏ. 

Cơ quan chức năng của Bắc Síp căn cứ vào luật định của nước sở tại không thể hỗ trợ về tài chính cũng như không chi trả bồi thường. Công ty môi giới đưa vợ tôi đi cũng không có hỗ trợ gì, gia đình tôi phải cắn răng nuốt nước mắt làm đơn đề nghị cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ và bà con người Việt Nam ở Bắc Síp giúp đỡ làm lễ an táng và chôn cất theo phong tục nước sở tại; sau này nếu có điều kiện sẽ sang Thổ Nhĩ Kỳ đưa vợ tôi về…”.

Chia sẻ nỗi mất mát và hoàn cảnh gia đình anh Huy, cộng đồng người Việt Nam bên đó đã vận động đóng góp, ủng hộ được hơn 100 triệu đồng, kết hợp với số tiền vay mượn từ nhà gửi sang, đồng thời thuyết phục gia đình cố gắng đưa chị Hợp về nước yên nghỉ. Được sự trợ giúp của Sở Ngoại vụ Bắc Giang, tháng 8 vừa qua, thi thể chị Hợp mới được đưa về quê nhà chôn cất. Vậy là giấc mơ đổi đời tan biến, mất người, mất của, số nợ lại càng nhiều lên.

Nói không với lao động “chui”

Đã có rất nhiều cảnh báo về hậu quả của lao động “chui” nhưng dường như chưa làm “hạ nhiệt” tình trạng này. Nhiều người đi xuất khẩu lao động trái phép thông qua những con đường như: Du lịch, thăm thân, thậm chí kết hôn giả… với mơ ước làm giàu mà không hay biết tuy thu nhập có cao hơn làm việc trong nước nhưng quá nhiều rủi ro. 

Theo dõi trang facebook "Lục Nam quê tôi", nơi có nhiều thành viên quê Lục Nam đi xuất khẩu lao động, tôi đã đọc được không ít thông tin về những trường hợp tử nạn tại nước ngoài. Trong đó có lao động nữ tử vong do tai nạn giao thông, có nam thanh niên đột tử giữa đêm khuya mà không rõ nguyên nhân.

Các ngành chức năng của tỉnh những năm qua đã tăng cường nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xuất khẩu lao động trái phép. Số lượt người xuất cảnh "chui" tuy có giảm nhưng chưa nhiều. Thời kỳ cao điểm, tỉnh Bắc Giang có đến cả gần chục nghìn lao động bất hợp pháp ở nước ngoài (nhiều nhất là Trung Quốc). 

Rất nhiều người trong số đó vì muốn giảm chi phí đóng thuế và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật nước sở tại nên cố tình nhập cảnh trái phép, không nghĩ đến sự nguy hiểm đối với bản thân. Họ phải tìm ra nhiều phương cách đối phó với cảnh sát, với chính quyền. Nhiều trường hợp bị đánh đập, ăn chặn tiền công. Công việc cũng không được pháp luật bảo hộ và thừa nhận nên khi xảy ra rủi ro đều không được hỗ trợ.

Những năm qua, Sở Ngoại vụ Bắc Giang đã tích cực phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan thực hiện công tác bảo hộ công dân nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân Bắc Giang đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài; tư vấn, hỗ trợ mấy chục trường hợp tử vong ở nước ngoài đưa hài cốt về nước. 

Tuy nhiên, nếu là lao động “chui” thì việc bảo hộ rất phức tạp. Không có giấy tờ hợp pháp, nếu không may tử nạn, người thân của nạn nhân sẽ phải chi phí tốn kém với nhiều thủ tục để đưa được thi thể về, trong khi đó gia cảnh của họ hầu hết đều khó khăn.

Đi lao động xuất khẩu là lựa chọn của nhiều người, nhất là khu vực nông thôn với mong muốn thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Nhà nước cũng có những chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, người lao động đừng vì thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật. 

Chỉ nên đi làm việc tại nước ngoài thông qua các doanh nghiệp đã được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cấp phép, có hợp đồng xuất khẩu lao động. Khi làm việc phải tuân thủ pháp luật nước sở tại, đừng vì những lợi ích nhỏ trước mắt mà bỏ trốn sang nước khác hoặc ra ngoài lao động bất hợp pháp, đôi khi phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Hai công ty Việt xuất khẩu lao động sang Nhật có thể bị xóa tên
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam sẽ xóa tên 2 doanh nghiệp khỏi danh sách đủ điều kiện phái cử thực tập sinh sang Nhật.
Quản lý chặt hoạt động xuất khẩu lao động
(BGĐT) - Ngày 8-8, Ban Văn hóa -Xã hội (HĐND tỉnh) tổ chức khảo sát việc chấp hành các quy định pháp luật về xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2019 tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng chí Hà Văn Bé, Trưởng Ban chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Từ Minh Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND  tỉnh.
Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở làm tư vấn cho người xuất khẩu lao động
(BGĐT) - Huyện Sơn Động vừa tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực đối với cán bộ làm công tác tư vấn cho người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động tại Hiệp Hoà
(BGĐT) - Ngày 17-7, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) do ông Hà Văn Bé, Trưởng Ban làm trưởng đoàn khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn huyện Hiệp Hoà, giai đoạn 2017 - 2019. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).
Tư vấn, giới thiệu xuất khẩu lao động
(BGĐT) - Hội Nông dân huyện Lục Nam (Bắc Giang) vừa phối hợp với Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế ICO tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu xuất khẩu lao động.
Cảnh báo tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động lợi dụng chương trình IM Japan
Trước tình trạng lừa đảo, thu tiền trái phép của người lao động với thủ đoạn "theo chương trình IM Japan", Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) vừa phát đi cảnh báo tới người lao động.
Xuất khẩu lao động ở Yên Dũng: Nỗ lực trở lại thị trường Hàn Quốc
(BGĐT) - Đầu năm 2017, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) có 119 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Chính phủ nước này đã ngừng tiếp nhận lao động của huyện đi làm việc có thời hạn. Hơn một năm qua, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của người dân, đến nay, huyện Yên Dũng đã được phía Hàn Quốc xóa bỏ lệnh cấm.
Hỗ trợ xuất khẩu lao động cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số: Mang lại cuộc sống ấm no
(BGĐT) - Trong các nhóm giải pháp giảm nghèo thì giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động (XKLĐ) mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ hướng đi này, nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sau khi được tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước đã có cuộc sống no ấm, đầy đủ.
Người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động có thể vay 100% vốn ưu đãi
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Quyết định về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo, huyện thoát nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hà Nội: Bắt giữ một giám đốc lừa đảo xuất khẩu lao động
Ngày 4-1-2018, thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP.Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra (CQĐT) vừa thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Giáp Văn Hạnh (SN 1978, quê Bắc Giang), là Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu (XNK) tổng hợp và phát triển trang trại Việt Nam, để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 
Lục Nam: Xuất khẩu lao động được hơn 3.600 người
(BGĐT)- Thời gian qua, các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện Lục Nam đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng thực hiện kịp thời, đời sống nhân dân được nâng lên.
Thu hồi giấy phép của 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), đến nay có 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động (DN XKLĐ) đã bị thu hồi giấy phép. Cả nước có hơn 290 DN XKLĐ đang hoạt động.
Lạng Giang: 556 người đi xuất khẩu lao động
(BGĐT) -Huyện Lạng Giang (Bắc Giang) vừa có thêm 55 trường hợp đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, nâng tổng số người đi xuất khẩu lao động từ đầu năm đến nay lên 556, đạt 77% kế hoạch. 
17 doanh nghiệp xuất khẩu lao động được cấp phép hoạt động tại Bắc Giang
(BGĐT) - Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang đã cấp phép cho 17 doanh nghiệp ở TP Hà Nội, các tỉnh Hải Dương, Phú Thọ... đủ điều kiện về các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...