Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đất trũng chuyển mình

Cập nhật: 07:00 ngày 19/10/2019
(BGĐT) - Từ vùng đất với phần lớn diện tích là ruộng trũng, đầm lầy, đường giao thông lầy lội mỗi khi trời mưa, qua hơn 10 năm, xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã có sự đổi thay mạnh mẽ, trở thành vùng quê đáng sống. Sự mạnh dạn, quyết đoán với những nghị quyết mang tính đột phá của cấp ủy và sự đồng lòng của người dân là yếu tố quyết định cho bước chuyển mình ấy.

"Top" nghèo nhất

Cho đến bây giờ, người dân ở xã Lão Hộ vẫn chưa quên chỉ hơn chục năm trước, khi ấy Lão Hộ là một trong 4 xã nghèo nhất của huyện Yên Dũng. Nhiều người, nhất là đội ngũ cán bộ xã còn nhớ như in hình ảnh khi trời mưa, đường lầy lội, mỗi người đến trụ sở xã làm việc thường phải cầm theo một đoạn gậy ngắn. Mục đích là để... cạy đất ở giày, dép trước khi vào phòng làm việc!!!

{keywords}

Một góc nông thôn mới Lão Hộ hôm nay.

Chứng kiến những thăng trầm của quê hương, ông Nguyễn Văn Bộ, hiện là Bí thư Đảng ủy xã nhớ lại: “Lão Hộ khi ấy thực sự khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 60%, sản xuất nông nghiệp liên tục bị ảnh hưởng bởi thời tiết và thường xuyên chịu cảnh “chiêm khê mùa thối”. Trong số hơn 230 ha đất nông nghiệp của toàn xã thì có tới gần 50 ha là diện tích đầm lầy hoang hóa, lau sậy mọc đầy. Phần diện tích còn lại quá nửa nằm ngoài đê bối, chỉ có thể cấy được một vụ lúa”.

Sản xuất khó khăn, giao thông đi lại cũng bất tiện. Đường về xã chỉ có duy nhất trục chính đi qua xã Tân An vừa nhỏ lại gồ ghề. Mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt nên chẳng mấy khi ô tô về được đến trụ sở xã. Từng nhiều lần về làm việc với xã trong giai đoạn này, anh Vũ Văn Thùy, Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Dũng thừa nhận: “Trời mưa mà về Lão Hộ thực sự là một thử thách. 6 mũi khâu trên trán tôi chính là kết quả của cú trượt ngã ở con đường về Lão Hộ hơn chục năm trước”.

Biến khó khăn thành lợi thế

Vậy nhưng, bước ngoặt với Lão Hộ rồi cũng tới. Cuối nhiệm kỳ 2005-2010, sau khi đánh giá, nhìn nhận tổng thể bức tranh KT-XH, Đảng ủy xã thống nhất chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó xác định trọng tâm là biến khó khăn với những diện tích hoang hóa thành lợi thế phát triển thủy sản. Điều này sau đó được cụ thể hóa thành nghị quyết lãnh đạo của Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015. May mắn ở chỗ, nhiệm kỳ 2010-2015, xã Lão Hộ được huyện lựa chọn xây dựng xã điểm nông thôn mới. Việc quy hoạch lại đồng ruộng, nhất là chuyển phần diện tích đầm lầy, trũng sang nuôi thủy sản được tiến hành nhanh chóng.

Hơn 10 năm trước, xã Lão Hộ có khoảng 60% hộ nghèo, nhờ bước đột phá với ba mũi nhọn kinh tế: Thủy sản, xuất khẩu lao động và cung cấp lao động cho doanh nghiệp, đến nay số hộ nghèo trong xã chỉ còn 3,7%; thu nhập bình quân đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm.

Nhấp ngụm trà, ông Hoàng Xuân Kỳ, Chủ tịch UBND xã tâm sự: “Cái khó duy nhất lúc đó là việc chẳng có mấy người dân tin vào chủ trương, nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy xã. Họ cho rằng không thể nhìn thấy thành công với bạt ngàn lau sậy, sình lầy. Thậm chí có người còn thách thức: Đố các ông làm được ăn!”.

Với suy nghĩ, thực tế là biện pháp tuyên truyền hữu hiệu nhất, lãnh đạo, cán bộ xã bắt tay làm trước. Lần lượt Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã rồi Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Công an xã đầu tư vốn, thuê máy móc về vét bùn, đắp bờ, đào ao thả cá. Ít tháng sau, hơn nửa đầm lầy bỏ hoang trở thành những diện tích mặt nước đầy tiềm năng kinh tế. Nhìn thấy vậy, nhiều người dân mạnh dạn nhận thầu diện tích còn lại, góp phần biến gần 50 ha đầm lầy trở thành vùng nuôi thủy sản của xã.

Ông Kỳ chia sẻ thêm, hiện Lão Hộ có hơn 20 hộ tham gia nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi thủy cầm, gia cầm với quy mô từ 1 đến hơn 2 ha. Nếu thuận lợi, mỗi mô hình thu về không dưới 200 triệu đồng/năm. Không khó để kể tên những gia đình tiêu biểu: Thôn Quyết Chiến có ông Nguyễn Văn Tỵ, bà Lương Thị Xuân; thôn Liên Sơn có ông Nguyễn Khắc Luyện, Hoàng Văn Tú… Sắp tới, để nâng cao hiệu quả kinh tế, xã sẽ tập trung chỉ đạo tăng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP trên địa bàn.

Trong câu chuyện, ngoài khoe thành tựu về thủy sản, các đồng chí lãnh đạo xã bày tỏ tự hào với những nghị quyết đúng đắn, sát hợp mà cấp ủy xã ban hành và tổ chức thực hiện. Như nghị quyết về cứng hóa đường giao thông, để “gieo” được vào cuộc sống, cán bộ, đảng viên trong xã chẳng quản khó khăn đến từng nhà tuyên truyền, vận động. 

Ý Đảng hợp với lòng dân, đến thời điểm đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014, toàn bộ hệ thống giao thông trong xã được đổ bê tông với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Mới đây, phần lớn đường trục trong xã (khoảng 14 km) thêm một lần được nâng cấp, mở rộng từ các nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện và kinh phí huy động trong dân. Nhờ vậy, Lão Hộ được “kéo” về gần hơn trung tâm huyện, gắn kết với các xã lân cận như: Thái Đào, Đại Lâm (Lạng Giang) và Lan Mẫu (Lục Nam). 

Càng mừng hơn bởi sau giai đoạn này, đường tỉnh 293 chạy qua xã cũng hoàn thành, qua đó mở ra cơ hội lớn để Lão Hộ thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Hiện xã có ba doanh nghiệp gồm: Công ty May Bình An cùng hai công ty sản xuất vật liệu xây dựng Trung Nam và Bắc Hải Hưng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động địa phương.

Không chỉ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, 10 năm qua Lão Hộ còn tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động. Quá trình thực hiện, xã phối hợp tổ chức cho lao động địa phương tham gia các lớp đào tạo nghề; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. 

Nhờ đó, từ đầu những năm 2000, Lão Hộ là một trong những xã điển hình trong xuất khẩu lao động của huyện. Từ hướng đi đúng, đến nay Lão Hộ có 62% lao động đi xuất khẩu lao động hoặc làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài xã, lao động nông nghiệp giảm còn 38%. Chỉ tính lượng tiền do con em lao động ở nước ngoài gửi về hằng năm cũng đạt khoảng 50 tỷ đồng.

Động lực để vươn lên

Về Lão Hộ lần này, tôi còn tới thăm vùng nuôi thủy sản, đi trên những con đường bê tông phẳng phiu đến từng ngõ xóm. Dọc hai bên đường là những luống hoa tỏa sắc tím dịu dàng do cán bộ, hội viên các đoàn thể trong xã trồng. Đến đâu tôi cũng thấy những nụ cười rạng rỡ, thân thiện của người dân nơi đây. Cái nghèo, cái khó khăn vất vả một thời dường như đã lùi xa.

{keywords}

Nuôi thủy sản mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở xã Lão Hộ.

Trở lại sau nhiều năm làm kinh tế nơi xa, anh Hoàng Văn Tuyến (SN 1966) - người con của Lão Hộ rất bất ngờ trước sự chuyển mình nhanh chóng của quê hương. Hôm gặp gỡ chúng tôi tại bộ phận một cửa của xã, anh tâm sự: “Lão Hộ đổi thay đến ngỡ ngàng. Lúc này tôi chỉ có mong ước duy nhất là một ngày không xa sẽ được trở về, đóng góp công sức xây dựng quê hương”. 

Nếu hơn 10 năm trước, Lão Hộ có hơn 60% hộ nghèo, nay còn lại 3,7% theo tiêu chí mới. Với ba mũi nhọn kinh tế gồm: Nuôi thủy sản, cung cấp lao động qua đào tạo cho các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động, thu nhập bình quân ở xã hiện đạt hơn 42 triệu đồng/ người/năm.

Từ muôn vàn khó khăn, Lão Hộ trở thành vùng đất được đánh thức bằng những nghị quyết lãnh đạo mà ở đó thể hiện được tổng hòa các yếu tố: Đúng đắn- mạnh dạn- quyết đoán. Những "cái cây" nghị quyết ấy, qua 10 năm đã và đang bén rễ, sinh sôi, cho quả ngọt trên vùng đất khó. Thành tựu hôm nay chắc chắn sẽ là bệ phóng, động lực quan trọng để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây tiếp bước truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp, thực sự là vùng quê đáng sống.

Yên Dũng mở rộng vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp
(BGĐT) - Thực hiện Nghị quyết 401 ngày 3-4-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về Chiến lược phát triển nông nghiệp Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, huyện Yên Dũng xác định hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đó là tiếp tục mở rộng vùng sản xuất tập trung chuyên canh có sự tham gia của doanh nghiệp (DN).
Yên Dũng: Tập trung cao “cứng hóa” đường giao thông nông thôn
(BGĐT)-Ngày 21-8, UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tổ chức hội nghị kiểm điểm tiến độ thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn theo nghị quyết số 07 và nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh Bắc Giang trên địa bàn huyện. Đồng chí Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. 
Yên Dũng tập trung nguồn lực xây dựng nhà văn hóa
(BGĐT) - Căn cứ cơ chế hỗ trợ của các cấp và nguồn kinh phí xã hội hóa, các địa phương huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã tập trung xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, trọng tâm là tôn tạo, nâng cấp, xây mới nhà văn hóa thôn, khu phố. Đến nay, toàn huyện có 175/181 thôn, khu phố có nhà văn hóa.
Ca trù trên đất Phượng Hoàng
(BGĐT) - “Hát ca trù khó lắm, chỉ có ai yêu thích và kiên trì mới theo được. Ấy vậy mà Câu lạc bộ (CLB) của chúng tôi đã quy tụ được gần 30 thành viên”, bà Bà Đặng Thị Chấn, nguyên Chủ nhiệm CLB Ca trù  huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang phấn khởi chia sẻ với chúng tôi. 
Tuổi trẻ đất Phượng Hoàng hân hoan lên đường bảo vệ Tổ quốc
(BGĐT)-Sáng 21-2, Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tổ chức lễ giao nhận quân năm 2019. Đồng chí Lại Thanh Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự chỉ đạo buổi lễ.

Quốc Trường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...