Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bệnh nhân ung thư Trần Kim Oanh: Cho đi là còn mãi

Cập nhật: 15:42 ngày 22/11/2019
(BGĐT) - Khi gặp chị Trần Kim Oanh (SN 1986), quê ở thôn Chớp, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang tại Bệnh viện K (Tân Triều - Hà Nội), chúng tôi không nghĩ mình đang trò chuyện với bệnh nhân ung thư đã trải qua nhiều lần điều trị hóa chất và phẫu thuật cắt bỏ khối u. Vui vẻ và lạc quan, chị kể về quá trình chống chọi căn bệnh này và những việc làm thiện nguyện. 

Ung thư không phải dấu chấm hết

Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Oanh học trung cấp rồi tiếp tục học liên thông đại học chuyên ngành kế toán. Vốn là cô gái năng động, tự lập từ nhỏ nên thời gian học chuyên nghiệp, dù được bố mẹ chu cấp đầy đủ nhưng nữ sinh viên ấy vẫn chăm chỉ đi làm thêm. Công việc tại quán cafe hay phát quà khuyến mại tại các siêu thị giúp chị trải nghiệm ở nhiều môi trường và có thêm thu nhập.

{keywords}

Chị Trần Kim Oanh (trái) tặng quà cho bệnh nhi ung thư.

Ra trường, chị kết hôn và làm kế toán cho một doanh nghiệp; thời gian rảnh tranh thủ bán cây cảnh, cây phong thủy online. Năm 2013, tổ ấm nhỏ của chị tràn đầy hạnh phúc khi con trai đầu lòng chào đời. Những tưởng cuộc sống không còn mong gì hơn vì có công việc ổn định, gia đình yên ấm. 

Thế nhưng đầu năm 2019, người mẹ trẻ thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, khi đi khám bác sĩ kết luận bị ung thư vú giai đoạn 3. Đầu óc quay cuồng, chị cố không để nước mắt trào ra khi nghe bác sĩ tư vấn. Chỉ đến lúc ra về, nước mắt tuôn rơi như mưa không gì ngăn nổi. Tờ giấy báo kết quả sinh thiết nhẹ bẫng trên tay mà như bản án “tử”, đôi chân trĩu nặng chỉ muốn khuỵu xuống.

“Mới 33 tuổi, tương lai còn rất dài ở phía trước, người thân trong gia đình sẽ ra sao khi biết tin này và đặc biệt là cậu con trai vẫn còn quá nhỏ. Những suy nghĩ bộn bề, sự lo lắng thường trực khiến tôi mất ngủ nhiều đêm. Nhưng lúc tự hỏi rằng cuộc đời mình chấm hết ở đây sao thì tôi chợt bừng tỉnh khi nhận ra mình không đơn độc. Dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì tôi vẫn có gia đình, người thân ở bên"- chị kể lại.

Khi được bác sĩ tư vấn, chị hiểu rằng: Ung thư là một loại bệnh. Mà có bệnh thì phải chữa, phải đối diện, chiến đấu với nó để tồn tại. Và từ bây giờ, còn được sống ngày nào thì ngày đó phải là ngày vui, thật sự có ý nghĩa. Vài tháng sau, khi đã thu xếp mọi việc, sẵn sàng tinh thần để nhập viện điều trị, lúc đó chị mới báo cho gia đình biết tin.

Hành trình chống chọi bệnh tật

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Tiến Giang, Khoa Nội 6 (Bệnh viện K) cho biết: Bệnh nhân Trần Kim Oanh bị K vú giai đoạn 3 nên phải điều trị lâu dài, chi phí tốn kém (mỗi năm khoảng 250 triệu đồng). Là bệnh nhân nhưng trong thời gian điều trị, chị Oanh quan tâm giúp đỡ nhiều người hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

{keywords}

Chị Trần Kim Oanh và người thân.

Đến nay, chị đã trải qua 8 đợt truyền hóa chất. Đó thực sự là những ngày mà thời gian như trôi chậm lại, cơ thể đau rã rời, da sạm, tóc bắt đầu rụng, hình ảnh chai dịch truyền lửng lơ chập chờn trong giấc ngủ đầy ám ảnh. Sợ thì có nhưng chị không đầu hàng. Chị xác định rằng đây là cuộc chiến lâu dài và sẽ không bỏ cuộc. Từ đợt truyền thứ 4 trở đi, chị Oanh thuyết phục người thân ở nhà quán xuyến công việc, mình chị ở bệnh viện tự lo liệu, xoay xở được.

Không để lãng phí thời gian, mỗi lần đi bệnh viện, trên chiếc xe máy chị mang theo sản vật của quê hương Hiệp Hòa như: Bánh chưng, bánh gio, gạo nếp, bưởi... để bán cho những người có nhu cầu. Trở về sau đợt điều trị, chị lỉnh kỉnh chở thêm cây hoa, cây cảnh phong thủy theo đơn đặt hàng của khách ở quê nhà.

{keywords}

Nếu chỉ còn được sống một ngày tôi vẫn muốn sống sao cho ý nghĩa. Qua đây tôi cũng nhắn nhủ mọi người hãy yêu thương bản thân nhiều hơn, chú ý ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, dùng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc và kiểm tra sức khỏe định kỳ để nếu không may mắc bệnh sẽ có cơ hội điều trị tốt hơn”.

Chị Trần Kim Oanh

Gần đây, để chuyến đi gọn nhẹ hơn, nhất là có thể dễ dàng phân phối cho khách trong toàn quốc, chị Oanh chỉ tập trung bán online các loại hạt giống cây hoa. Công việc trôi chảy, khách hàng tìm đến ngày càng nhiều. 

Có khi nằm trên giường bệnh, một tay cắm kim truyền dịch còn tay kia thoăn thoắt bấm điện thoại chốt đơn rồi liên hệ với shipper đến nhận hàng giao cho khách. Việc bán hàng giúp chị khuây khỏa, mang lại thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đôi khi, chị quên mất mình là bệnh nhân ung thư.

Chị Trần Thu Hiền (SN 1984 - chị gái của chị Oanh) xúc động: "Gia đình tôi có 3 chị em. Oanh từ nhỏ đã nhanh nhẹn, năng động. Khi bị bệnh, em rất kiên cường và lạc quan. Gia đình luôn ở bên động viên và đồng hành với em". Trên facebook của nữ bệnh nhân tuyệt nhiên không thấy dòng chia sẻ nào mang tâm trạng buồn bã, lo lắng. Ở đó phần lớn là hình ảnh những bông hoa đủ sắc màu. 

Thỉnh thoảng chị đăng những bức ảnh "sống ảo" cho dù tóc đã rụng hết do truyền hóa chất. Trò chuyện với chúng tôi, chị bảo rằng bệnh ung thư bây giờ đâu có hiếm và không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa. Ung thư vẫn có thể chữa khỏi nếu như được phát hiện sớm.

Giàu lòng nhân ái

{keywords}

Chị Trần Kim Oanh và người thân.

Là bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, với trái tim nhân ái, chị Trần Kim Oanh luôn hướng về những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Trong thời gian ở bệnh viện, chứng kiến những cảnh đời éo le, chị thầm nghĩ cần phải làm gì đó để góp phần sẻ chia. Với các em nhỏ đang điều trị, chị Oanh cùng một số nhà hảo tâm xây dựng quỹ thiện nguyện mang tên Tình thương để hỗ trợ. 

Chị tìm hiểu thông tin từ Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện K). Từ tháng 9 đến nay, đều đặn mỗi tháng một lần, chị cùng mọi người mang đến tặng các em những phần quà nhỏ.

Ngày 12-11, chị được phẫu thuật cắt bỏ khối u. Chỉ vài ngày sau, nữ bệnh nhân đã cùng những người bạn đến Khoa Nhi trao quà cho bé Tăng Thanh Hà, bị ung thư não, quê ở tỉnh Thái Nguyên. 

Phần quà gồm: 2 hộp sữa bột, 300 nghìn đồng và bánh kẹo. Cảm thương trước hoàn cảnh của bé Nguyễn Thị Thanh Thảo, quê ở tỉnh Quảng Bình mới 33 tháng tuổi đã bị ung thư tủy di căn, mẹ mất khi em mới 8 tháng, bố bị trầm cảm, chị Oanh vận động được 15,4 triệu đồng hỗ trợ cho bé.

"Ở đây mọi người vẫn tự nhận mình là những người nghèo nhất, khổ cực nhất. Vì thế, dù phần quà không lớn về giá trị vật chất, lại càng chẳng thấm vào đâu so với chi phí điều trị nhưng khi trao đi những món quà ấm tình người, tôi cảm thấy lòng nhẹ nhàng. Tôi luôn động viên mọi người cùng vượt qua khó khăn và không ngừng hy vọng" - chị Oanh chia sẻ.

Không chỉ cùng một số nhà hảo tâm khác lập quỹ Tình thương giúp các em nhỏ, nữ bệnh nhân Trần Kim Oanh còn tham gia nhóm riêng "Phụ nữ kiên cường" - nhóm của những bệnh nhân hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú tại Hà Nội. Nói với chúng tôi về chuyện đi làm thiện nguyện ngay trong khi bản thân phải điều trị, chị chia sẻ rằng chính từ những ngày nằm viện vì căn bệnh hiểm nghèo, chị thấm thía hơn bao giờ hết triết lý sống “Cho đi là còn mãi”. Mai này, sức khỏe có ra sao, chị vẫn vui vì mình đã sống một cuộc đời ý nghĩa.

Những thầy cô nghị lực và tâm huyết
(BGĐT) - Ngành giáo dục toàn tỉnh Bắc Giang có gần 28 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động. Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhiều thầy cô đã giành thành tích cao trong công tác giảng dạy, nêu tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và nghị lực sống. 
Đàm Thạch Thảo Nhi, điểm 10 môn Tiếng Anh: Phần thưởng xứng đáng của cô học trò nghị lực
(BGĐT) - Là một trong 4 thí sinh của tỉnh Bắc Giang đạt điểm tuyệt đối môn ngoại ngữ tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Đàm Thạch Thảo Nhi có tổng 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh khá cao với 26 điểm.
Nghị lực phi thường của dịch giả 'Triệu phú khu ổ chuột'
Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan là cái tên không còn xa lạ bởi hàng loạt những giải thưởng. Đặc biệt, chị là 1 trong 6 nhân vật tiêu biểu được vinh danh với “Giải thưởng khuyến học - Tự học thành tài” trong giải Nhân tài Đất Việt 2018.
Giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững
Với trách nhiệm, tình cảm và truyền thống, đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành luôn quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống. 19 năm qua, ngày 17-10 được lấy là “Ngày vì người nghèo” và tháng cao điểm vì người nghèo được MTTQ Việt Nam tổ chức hằng năm.
Vươn lên từ rừng già Phú Lý
(BGĐT) - Tháng Giêng, rừng già Phú Lý rủ nhau trút lá dưới nắng xuân. Dõi mắt về phía xa xăm, bà Lưu Thị Kim (71 tuổi, ấp Bàu Phụng, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) nhớ lại những ngày cùng chồng là ông Ninh Sui Đào dắt díu các con từ thôn Lâm, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vào đây xây dựng cuộc sống mới. 
Tháng cao điểm Vì người nghèo: San sẻ yêu thương, trao cơ hội vươn lên
(BGĐT)- Tháng cao điểm Vì người nghèo hằng năm là đợt vận động lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhằm kêu gọi các nguồn lực để tổ chức hoạt động chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn. Mỗi phần quà tuy nhỏ nhưng đã trao niềm tin, cơ hội vươn lên đối với người nghèo, tô thắm truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái”. 

Mai Toan - Trần Thanh 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...