Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Vua cá" hồ Ngạc Hai

Cập nhật: 10:00 ngày 17/04/2020
(BGĐT) - Đó là biệt danh do các “cần thủ” đặt cho anh Trương Viết Chiến (sinh năm 1979) - chủ trại cá trên lòng hồ Ngạc Hai, xã Xuân Lương (Yên Thế). Với anh Chiến, ngoài đam mê sản xuất, kinh doanh cá, anh còn muốn xây dựng hồ Ngạc Hai trở thành điểm thu hút khách tham quan.

"Đánh thức" nguồn lợi

Tôi và anh Chiến quen nhau nhờ có con học chung một lớp. Dù vậy cũng chỉ “gặp” anh trên facebook chứ ít khi thấy ngoài đời. Trên trang cá nhân, anh thường đăng ảnh các “cần thủ” câu cá ở hồ Ngạc Hai- nơi anh đang sở hữu trại cá quy mô đầu tư hàng tỷ đồng.

{keywords}

Một góc khu nuôi cá của anh Trương Viết Chiến.

Hồ Ngạc Hai cách TP Bắc Giang gần 50 km, rộng 54ha, được bao bọc bởi những ngọn núi thấp với bạt ngàn rừng bạch đàn, keo lai và dùng phấn. Không gian nơi đây trong lành với tiếng chim hót, mây trời, bóng cây soi trên mặt nước, tạo nên khung cảnh nên thơ, hữu tình. Cạnh đập nước, khu nuôi cá của anh Chiến nổi trên mặt hồ với các ô chuồng, nhà ở, tháp canh chắc chắn, quy mô lớn.

Anh Chiến và người làm công ở đây đón chúng tôi bằng nụ cười ấm áp. Đưa chúng tôi thăm một vòng các chuồng nuôi cá, anh giới thiệu, toàn bộ khu chăn thả có 65 chuồng nuôi, diện tích mỗi chuồng 36m2, bọc lưới sâu 4m có thể thả từ 1 đến 1,5 vạn cá giống (tùy loại). Trên bờ hồ là nhà kho và dãy bể xi măng lớn với hệ thống dẫn nước đồng bộ mới được xây dựng. Anh Chiến khoe mới “ném” thêm hơn 3,3 tỷ đồng mở rộng trại cá. Dự kiến cuối năm sẽ cho cá chuối hoa sinh sản tại đây để không phải nhập giống từ Trung Quốc nữa. Nói rồi anh ra hiệu cho người làm vớt lên một con cá lăng lớn. Vuốt nhẹ thân cá, anh chia sẻ, trại chỉ nuôi hai loại chính là cá lăng và chuối hoa. Cá lăng thương phẩm nặng từ 3-3,5kg (sau từ 9 đến 11 tháng nuôi), còn cá chuối hoa thương phẩm đạt từ 0,7-0,8kg/con (sau 7 đến 9 tháng nuôi). Thịt hai loại cá này rất thơm ngon nên tiêu thụ thuận lợi cả trong nước và xuất khẩu. Với giá cả hiện tại, trừ chi phí, cả hai loại cá người nuôi thu lãi từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg trở lên. Nếu cá lăng trên 6kg có giá hơn 350 nghìn đồng/kg, lãi rất cao.

{keywords}

Trại nuôi cá lăng của anh Trương Viết Chiến.

Vừa đưa khách tham quan, anh Chiến vừa nhắc công nhân quan sát kỹ các chuồng cá xem có xuất hiện váng nước hay cá chết không. Theo anh, nếu có các hiện tượng trên là cá đã bị nhiễm bệnh, phải vớt lên các bể trên bờ chữa trị, tránh lây lan. Anh cho biết, hồ Ngạc Hai rất thuận lợi cho việc nuôi các dòng cá đặc sản như cá lăng, chuối hoa và cá trình vì ở đây mực nước sâu, nhiệt độ ổn định lại không lo ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu sau khi ăn no mà có người đi lại trên mặt chuồng, cá sẽ bị khuấy động, dễ xảy ra xuất huyết đường ruột rồi chết. Để bảo đảm cá phát triển tốt, anh thuê ba công nhân chăm sóc cá. Thời điểm cho cá ăn, khẩu phần cám, sử dụng thuốc phòng, chữa bệnh được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình an toàn dịch bệnh. Mặc dù gia đình sống tại thành phố nhưng tuần nào anh Chiến cũng lên trại cá vài lần để thăm nom. Ngoài ra, anh còn giám sát các chuồng nuôi qua hệ thống camera, bảo đảm sản xuất an toàn.

"Thời gian tới tôi sẽ nhân rộng lên 85 chuồng nuôi và mở một xưởng sản xuất thức ăn phục vụ riêng cho trại cá. Đó là bước đệm để triển khai chế biến cá chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu thị trường”

Trương Viết Chiến

Để chăn nuôi tốt hai loại cá đặc sản của mình, điều gì là quan trọng nhất? - một vị khách hỏi, anh Chiến bộc bạch: "Điều tiên quyết là người nuôi phải hiểu nguồn nước, điều tiết và xử lý nước hợp lý; đồng thời nắm chắc kỹ thuật nuôi, sau đó mới đến giống, thức ăn và cách sử dụng thuốc phòng, trị bệnh”. Được chăm sóc bài bản nên đàn cá ở đây tỷ lệ hao hụt rất thấp, chưa đến 7%, trong khi nuôi cá trong lồng ở sông và biển tỷ lệ hao hụt lên tới 30%. “Thời gian tới tôi sẽ nhân rộng lên 85 chuồng nuôi và mở một xưởng sản xuất thức ăn phục vụ riêng cho trại. Đó là bước đệm để triển khai chế biến cá chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu thị trường”, anh Chiến nói. Tháng 3 vừa rồi anh đã thành lập hợp tác xã để có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, thực hiện ý tưởng của mình.

Thành quả sau gian khó

{keywords}

Anh Trương Viết Chiến bên hồ Ngạc Hai.

Đước biết, để có thành quả như hiện nay, anh Chiến đã trải qua không ít gian truân. Nhà ở đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Giang, là con thứ trong gia đình có năm anh chị em, cha mẹ từng làm nghề buôn bán nên từ nhỏ anh đã học được cách bươn trải, vươn lên trong cuộc sống. Tốt nghiệp nghề điện lạnh sau ba năm đào tạo nhưng không xin được việc làm, cuối năm 2001, anh sang Liên bang Nga cùng anh trai buôn bán. Công việc thường xuyên phải tiếp xúc với thương nhân Trung Quốc và người bản địa nên anh đã tự học tiếng Nga và tiếng Trung để giao tiếp. Sau này, vốn tiếng Trung đã giúp anh thâm nhập sâu thị trường Trung Quốc, đưa nhiều giống cá tầm, chuối hoa... về phân phối cho các cơ sở nuôi trong nước. Năm 2005, anh xây dựng gia đình. Sau nhiều năm lăn lộn, kiếm được lưng vốn khá, đầu năm 2011, anh cùng vợ trở về Việt Nam sinh sống để có nhiều thời gian nuôi dạy con và lập nghiệp.

Anh Chiến tâm sự: “Từ năm 2013 đến đầu năm 2016 tôi đầu tư gần 40 tỷ đồng vào một số ngành nghề như: Mở xưởng, thành lập công ty chế biến gỗ; buôn, nuôi cá chuối hoa... Tuy nhiên do không có kinh nghiệm quản lý, lại bị bạn hàng lừa gạt nên thua lỗ gần 20 tỷ đồng...”. Cùng với sự động viên của người thân, nhằm sốc lại tinh thần, thời gian này anh thường cùng bạn đi câu cá để dưỡng tâm, tìm hướng kinh doanh mới. Trong những ngày đó anh đã đến hồ Ngạc Hai. Tại đây, anh nảy ra ý tưởng và thuê khoán lại hồ để nuôi cá, đồng thời xây dựng thành khu sinh thái câu cá giải trí. “Cái rủi cứ theo đuổi tôi mãi anh ạ!”, anh Chiến cười buồn nhớ lại. Một trong những thất bại của anh là khi xuống giống 10 chuồng cá đầu tiên tại hồ Ngạc Hai (năm 2015). Chỉ chưa đầy chục ngày, 15 vạn cá chuối hoa (trị giá 128 triệu đồng) đã trở thành mồi cho cá lớn trong hồ với một lý do rất ngớ ngẩn là cá giống nhỏ hơn mắt lưới. Chứng kiến cảnh này, người bạn góp vốn cùng đã lăn ra ốm và bỏ cuộc. Sau đận ấy, anh xuống Hà Nội, Hải Dương tham quan, học tập kỹ thuật từ các mô hình nuôi cá tương tự. Một tháng sau anh tiếp tục đầu tư 120 triệu đồng cá giống, đồng thời thuê hai chuyên gia Đài Loan về hướng dẫn kỹ thuật (từ năm 2015 đến 2018, mỗi năm ba tháng vào thời điểm chuẩn bị ao, chuồng nuôi trước khi thả cá giống). Nhờ đó, năm 2016 anh thu về 20 tấn cá, lãi gần 300 triệu đồng.

Có kinh nghiệm, trong hai năm tiếp theo, anh đầu tư nâng từ 10 lên 65 chuồng nuôi. Nhờ đầu tư đúng hướng, năm ngoái anh thu 80 tấn cá lăng và 70 tấn cá chuối hoa, trừ chi phí, mỗi năm lãi từ 1,1 đến hơn 5 tỷ đồng. Dự kiến năm nay anh sẽ thu 250 tấn cá các loại... Thành công đến, người nuôi cá từ các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ...đã tìm đến để tìm hiểu. Bạn hàng được mở rộng. Một số hộ tại Sông Công (Thái Nguyên) còn được anh hướng dẫn, đầu tư con giống, tận dụng các chuồng lợn bỏ không (do dịch tả lợn châu Phi) chuyển sang nuôi cá chuối hoa, thu lãi cao. Ngoài ra, anh còn chung vốn đầu tư nuôi cá Tầm ở hồ Cấm Sơn và mở một trại ấp nở cá chuối hoa tại xã Xuân Phú (Yên Dũng)...

Anh Chiến đưa chúng tôi lên xuồng khám phá hồ Ngạc Hai. Những dải hoa rừng đủ sắc màu buông xuống từ những ngọn dùng phấn soi mình trên làn nước. Anh cho biết, những ngày đẹp trời, người câu cho cả gia đình lên hồ cắm trại qua đêm. Khi ai đó câu được cá lớn là cả hồ xao động trong tiếng nói cười sảng khoái. Để tạo cảnh quan, anh cho nhân công vệ sinh, trồng hoa các lối đi ven hồ...

Buổi trưa chúng tôi cùng dùng bữa tại trại cá. Có lẽ không gì thú hơn khi được thưởng thức cá ngay tại trang trại giữa hồ, nơi thiên nhiên, con người như hòa quyện.

Chia tay ông chủ trẻ giữa khung cảnh mây nước Ngạc Hai huyền ảo, chúc anh sẽ thành công với những dự tính, ước vọng của mình, trở thành “vua cá” không chỉ ở hồ Ngạc Hai.

Bắc Giang: Dân hiến “tấc vàng”, rộng mở đường vào khu xử lý rác
(BGĐT) - Giữa màu xanh trùng điệp của núi rừng Lục Ngạn, một con đường bê tông còn tươi màu xi măng uốn lượn bên sườn đồi dẫn chúng tôi vào khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung chuẩn bị được xây dựng tại thôn Cai Lé, xã Kiên Thành. "Tấc đất tấc vàng" song nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để mở rộng con đường, tạo mặt bằng sạch ủng hộ địa phương làm bãi rác vì lợi ích cộng đồng.
Nơi tình thương ở lại
(BGĐT) - Mỗi lần đến thăm Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp (BTXHTH) tỉnh Bắc Giang, chứng kiến các cán bộ, nhân viên nhẫn nại chăm sóc, trò chuyện với các cụ già neo đơn hay dạy bảo trẻ nhỏ, tôi hiểu rằng, chính tình yêu thương, lòng trắc ẩn đã giúp họ thêm gần gũi, sẵn sàng chở che những mảnh đời bất hạnh.
Đất trũng cho trái ngọt
(BGĐT) - Xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vốn là nơi "chiêm khê mùa úng". Rất ít người nghĩ, ở vùng đất này sẽ có ngày hình thành một mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vậy mà, Trần Xuân Đăng – với sức trẻ, sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm - đã xây dựng được một mô hình hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Thế Đại

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...