Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: “Giọt vàng” Tây Yên Tử

Cập nhật: 13:40 ngày 10/07/2020
(BGĐT) - Các cánh rừng mênh mông của phía Tây dãy núi Yên Tử trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) là vùng nguyên liệu tuyệt vời để hàng nghìn đàn ong hằng ngày chắt lọc, mang về những giọt mật quý giá. Tin vui vừa đến với những người nuôi ong ở vùng cao, sản phẩm “Mật ong Tây Yên Tử” vinh dự được tôn vinh là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Nuôi ong làm giàu

Nhiều lần tôi lang thang cùng những người thợ nuôi ong ở vùng cao Sơn Động len lỏi khắp những khu rừng, từ rừng nguyên sinh đến những vàn cây do bà con trồng để cảm nhận, thấu hiểu được nỗi vất vả, say nghề của họ. Giữa tiếng bay vù vù của hàng trăm đàn ong mà “dân ngoại đạo” như tôi mới nghe thôi đã thấy nổi gai ốc, vậy mà họ vẫn bình thản bước giữa các thùng ong, chăm chút từng đàn, kiểm tra cẩn thận, có dấu hiệu bất thường là xử lý ngay.

{keywords}

Mô hình nuôi ong ngay tại vườn nhà ở thôn Tiên Lý, xã Yên Định (Sơn Động).

Sau chuyến đi lên thôn Tiên Lý, xã Yên Định (Sơn Động), thỉnh thoảng ông Chu Văn Luật, một người nuôi ong nổi tiếng ở nơi được coi là còn lại những cánh rừng lim đẹp nhất vùng cao vẫn gọi điện thoại cho tôi kể về “nghiệp” nuôi ong. Ông nói say sưa, mỗi lần trò chuyện đều có những cái mới và trước khi kết thúc, bao giờ cũng bảo: “Chú đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nhớ giới thiệu giúp chúng tôi về mật ong Sơn Động nhé. Tôi muốn tiêu thụ giúp cho bà con nên cần mở rộng đại lý, chú yên tâm, tôi bảo đảm chất lượng mật đều do chúng tôi trực tiếp lấy từ những đàn ong nuôi bằng hoa rừng”.

{keywords}

Những cánh rừng phía Tây Yên Tử là nơi đàn ong tìm hoa tạo mật.

Địa hình thôn Tiên Lý tạo nên một vùng tiểu khí hậu trong lành, tương đối ổn định, ngày hè nắng như đổ lửa mà vượt qua vài con dốc, nơi này dịu mát hẳn, nhiệt độ chênh lệch khá lớn với chỗ khác. Quanh thôn là những rừng cây rậm rạp, trải dài trên đồi núi, có những cây to đến hai người ôm, kết hợp với hệ thống suối khe, đồng ruộng xen giữa những thung lũng khiến Tiên Lý như một vùng nghỉ dưỡng, điều này rất phù hợp để nuôi ong.

Từ nhiều năm trước, người dân thôn Tiên Lý đã biết khai thác mật ong rừng, tuy vậy không phải lúc nào cũng có. Để làm giàu, một số người nghĩ đến việc nuôi ong ngay trong vườn nhà. Ông Luật cũng được các thế hệ đi trước truyền cho nghề, từ vài chục đàn, đến nay, ông và hai con trai có khoảng 600 đàn ong, nếu tính cả “chi nhánh” trang trại ở tỉnh Lạng Sơn thì gia đình ông có hơn một nghìn đàn. Mỗi năm, từ khai thác mật, bán giống... gia đình ông thu được 300-400 triệu đồng, với người dân vùng cao, đây là nguồn thu nhập lớn, ổn định. Ở xã Yên Định, không chỉ có bố con ông Luật làm nghề này, hàng chục hộ dân khác cũng nuôi ong nên nguồn mật dồi dào, sẵn sàng cung cấp số lượng lớn cho khách hàng.

Huyện Sơn Động hiện có gần 18 nghìn đàn ong, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 170 - 180 tấn mật với giá bán bình quân 150 nghìn đồng/lít, cho doanh thu gần 20 tỷ đồng. Lợi thế của Sơn Động là những cánh rừng phía Tây Yên Tử có sẵn nhiều loài kỳ hoa dị thảo, quanh năm đua nở hương sắc để những đàn ong chắt chiu cho đời những giọt mật vàng có hương vị, chất lượng khác hẳn, tạo nên thương hiệu riêng biệt.

Trong lần cùng anh Tằng Văn Biên ở xã Vĩnh An chuẩn bị quay mật cho khách là một doanh nghiệp ở Hà Nội thường xuyên mua của anh mỗi lần vài trăm lít, anh đưa tôi đến khu rừng đặt hơn 600 đàn ong của gia đình. Trên vạt đồi thoai thoải, giữa rừng keo, từng đàn ong bay đi về kín cả khoảng trời, mùa này có nhiều loại hoa nên ong cho lấy mật liên tục. Anh Biên kể: Mười mấy năm gắn bó với con ong, anh trải qua không ít thăng trầm. Có nhiều lần ong bị dịch bệnh hoặc những năm đầu, anh không có kinh nghiệm nên tưởng như phải bỏ nghề, sạt nghiệp. Nhưng cả người và ong cứ cần mẫn bám theo từng vụ hoa rừng, hoa vải thiều, nhãn, keo... rồi gượng lại được. Đến nay thì anh đã ổn định hơn nhiều, khách đặt hàng cố định, xuất bán đều đặn, sản phẩm của anh uy tín nên mỗi năm bỏ túi không dưới 300 triệu đồng.

Tìm hiểu được biết, hiện toàn huyện Sơn Động có gần 18 nghìn đàn ong, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 170 - 180 tấn mật với giá bán bình quân 150 nghìn đồng/lít, cho doanh thu gần 20 tỷ đồng. Lợi thế của Sơn Động là những cánh rừng phía Tây Yên Tử có sẵn nhiều loài kỳ hoa dị thảo, quanh năm đua nở hương sắc để những đàn ong chắt chiu cho đời những giọt mật vàng có hương vị, chất lượng khác hẳn, tạo nên tiếng lành vang xa.

“Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”

Hành trình để được khẳng định “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” của sản phẩm mật ong Tây Yên Tử không hề dễ dàng. Là người “có duyên” với nghề nuôi ong và luôn ấp ủ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quê hương, chị Hoàng Thị Ninh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động chia sẻ: Sơn Động có độ che phủ rừng lên đến hơn 75%, người dân lại có sẵn nghề nuôi ong, sản lượng mật hằng năm khai thác khá lớn. Tuy vậy, nếu chỉ sản xuất kiểu tự phát, sản phẩm sẽ không thâm nhập được vào thị trường cao cấp, giá bán cao, thậm chí phải tính đến cả việc cung cấp cho các chuỗi siêu thị và xuất khẩu. Vì thế, một trong những yêu cầu là phải xây dựng thành công thương hiệu cho mật ong Sơn Động.

{keywords}

Người dân nơi đây chỉ lấy mật vào thời điểm ngon nhất nên đạt chất lượng cao.

Với mục tiêu đó, năm 2018, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh đã đầu tư, liên kết với các hộ dân ở xã An Lạc, nơi có khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ, bắt tay nuôi ong bằng phương pháp hữu cơ. Khác với cách làm trước đây, hơn 20 hộ tham gia sản xuất chăm sóc hơn một nghìn đàn ong theo quy trình nghiêm ngặt, mỗi năm chỉ khai thác mật một vụ từ tháng 5 đến tháng 9 nên chất lượng mật cao hơn các loại mật ong thông thường. Ông Cao Văn Tý ở thôn Biểng, xã An Lạc nuôi gần 100 đàn ong, cho biết, ong là loài rất nhạy cảm với thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh... Với địa bàn xã An Lạc, chúng tôi có lợi thế là sống cùng ong giữa rừng. Nếu theo phương pháp cũ, chúng tôi quay mật gần như quanh năm, nay có thời gian cho ong “nghỉ”, chỉ lấy mật vào thời điểm ngon nhất nên đạt chất lượng cao. Khách hàng ưa chuộng, dù lượng mật có thể ít hơn nhưng giá bán cao, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên nhiều hộ khác đang chuyển sang chăn nuôi ong theo quy trình của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh.

{keywords}

Sản phẩm mật ong Tây Yên Tử.

Để duy trì chất lượng sản phẩm ổn định, phù hợp với những quy chuẩn quốc gia, quốc tế, Hợp tác xã đầu tư mua máy hạ thủy phần, thiết kế bao bì cho sản phẩm. “Mật ong Tây Yên Tử” trở thành sản phẩm ở phân khúc cao hơn, thể hiện rõ chất lượng và sự sang trọng ngay từ hình thức bên ngoài. Hàng nghìn chai mật ong đã được cung cấp đến tay khách hàng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, TP khác trong cả nước. Nhãn hiệu mật ong của Hợp tác xã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Mới đây, Ban Tổ chức Chương trình khảo sát bình chọn “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” thuộc Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã chọn “Mật ong Tây Yên Tử” là một trong 80 thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, nổi tiếng để trao danh hiệu. Lễ tôn vinh sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chính Minh vào ngày 15/8 tới. Niềm vui đến với những người nuôi ong Sơn Động như là lời khẳng định về công sức, chất lượng sản phẩm mà họ vất vả làm ra.

Ly kỳ chuyện săn mật ong trong rừng già
Tổ ong đóng trên ngọn cây cổ thụ cao hàng chục mét, đường kính vài người ôm mới xuể nhưng thợ bắt ong ở vùng miền núi Quảng Nam vẫn leo đến tận nơi.
Nữ giám đốc 8X và ước mơ đưa mật ong rừng xuất ngoại
(BGĐT) - Năm 2010, khi đang làm nhân viên lễ tân kiêm hướng dẫn viên du lịch ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai), Vũ Thị Thảo (SN 1985), quê ở xã Vô Tranh, huyện Lục Nam (Bắc Giang) quyết định bỏ việc đi buôn nông sản. 10 năm long đong khởi nghiệp từ con số 0, giờ đây Thảo là Giám đốc Công ty TNHH Mật ong Tân Kéo, thôn Ao Vè, xã Vô Tranh (Lục Nam). Thảo đang nỗ lực đưa mật ong rừng ra thị trường nước ngoài. 
Thu hoạch mật ong vải ước đạt 1.700 tấn
(BGĐT) - Theo số liệu tổng hợp của cơ quan chuyên môn, năm nay, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đón khoảng 85.000 đàn ong ngoại từ các tỉnh thành trong cả nước về địa phương (tăng khoảng 10.000 đàn so với đầu vụ), trong đó có 12.000 đàn ong của người dân địa phương.

Quốc Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...