Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nét xưa lưu lại chốn này

Cập nhật: 16:43 ngày 20/02/2021
(BGĐT) - Trong giới chơi đồ cổ ở Bắc Giang và các tỉnh phía Bắc, ông Nguyễn Long Giang (SN 1964), thôn Quang Châu, xã Ngọc Châu (Tân Yên) được nhiều người biết đến. Đam mê cổ vật, ông đã  dày công sưu tầm, lưu giữ, góp phần bảo tồn di sản của cha ông.

Duyên với cổ vật

Đầu xuân chúng tôi ghé thăm Việt phủ Linh Giang trên diện tích hơn 2 nghìn m2 đất trong thôn Quang Châu. Khác hẳn với cảnh ồn ào ở thị trấn Cao Thượng, không gian nơi đây trầm mặc nhưng cuốn hút bởi những gian nhà cổ lợp mái ngói, tường gạch chỉ, cửa sổ hoa thị, hàng cau thẳng tắp trước hiên và các bộ sưu tập với hơn hai nghìn cổ vật bằng gỗ, đá, gốm, sành, sứ các thời kỳ được chủ nhân khéo léo sắp đặt. Đó là những linh vật như chó đá, rồng đá, trâu đá đặt trước hiên nhà; bình vôi, cơi đựng trầu, be rượu, bình gốm Thổ Hà, gốm Chu Đậu, tiền cổ...

{keywords}

Ông Nguyễn Long Giang giới thiệu về đài sen đá cổ được sưu tầm từ Hà Nội.

Ông Giang kể về cơ duyên đến với thú chơi này: "Bố mẹ tôi là người quê gốc Nam Định, lên đây khai hoang cách đây ngót 80 năm. Trong quá trình di cư, tài sản mang theo của ông bà là một số vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt gồm: Chiếc bình vôi để têm trầu, chục chiếc bát gốm có hoa văn. Sau này, đời sống phát triển hơn, bình vôi và bát gốm không còn dùng đến nữa, bố mẹ tôi qua đời nhưng những đồ vật ấy gia đình bảo quản cẩn thận".

Được tiếp xúc với cổ vật từ nhỏ song “thích là thích thế thôi” chứ đến ngoài đôi mươi tuổi, ông cũng chưa từng nghĩ có ngày sẽ đi sâu tìm hiểu. Tốt nghiệp phổ thông, ông học nghề kim hoàn rồi gây dựng cơ nghiệp, xây dựng gia đình. Trong quá trình tiếp xúc với khách, những câu chuyện về món đồ vật tưởng như bình thường nhưng lại có sức hút ghê gớm với ông. 

Vậy là ông chủ tiệm kim hoàn dần dần để vợ quản lý việc kinh doanh còn mình có nhiều thời gian dành cho đam mê riêng. Năm 2000, ông chính thức bước chân vào lĩnh vực sưu tầm cổ vật và nghiên cứu văn hóa dân tộc. Trong giới sưu tầm cổ vật, thường mỗi người chuyên sâu về một lĩnh vực. Có người thích đồ gốm, đồ gỗ, đồ đá hoặc sưu tầm đồng hồ, tem, tiền cổ còn ông Giang tự nhận mình hơi tham lam vì đam mê tất cả những gì thuộc về di sản văn hóa cổ xưa từ đời Lý, Trần, Lê đến thời kỳ bao cấp.

Gìn giữ di sản

Trải qua chiến tranh, thời gian, sự thay đổi địa chất khiến di sản của dân tộc bị phân tán, hư hại. Ông Giang tâm niệm di sản là vốn quý của quốc gia nên cần có trách nhiệm góp công sức bảo tồn, phát triển, gìn giữ cho đời sau.

{keywords}

Ông Nguyễn Long Giang và những cổ vật được trưng bày tại Việt phủ Linh Giang.

Thú chơi nào cũng cần công phu nhưng với cổ vật thì chỉ đam mê chưa đủ mà còn cần có thời gian, tài chính và có "duyên". Bởi thực tế cổ vật càng quý thì giá trị kinh tế càng lớn, nhiều hiện vật nằm trong các gia đình, dưới lòng đất sâu, đáy biển hay trên núi cao nên không phải muốn là có được, mất nhiều công sức, thời gian tìm kiếm. 

Nhiều năm trước, hoạt động sưu tầm, giao lưu đồ cổ vẫn diễn ra song người trong giới khá kín đáo, thầm lặng bày tỏ niềm đam mê của mình. Kể từ khi Luật Di sản văn hóa năm 2009 sửa đổi có hiệu lực đã giúp ông và mọi người tăng cường giao lưu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm bảo tồn, giữ gìn di sản, có kiến thức nhất định để tránh mua phải đồ giả, đồ trộm cắp.

Trong câu chuyện, ông Giang nhiều lần nhắc đến khó khăn bởi sử sách, tài liệu trong nước giới thiệu về cổ vật rất hiếm, một số sách bằng chữ Hán - Nôm phải nhờ người am hiểu trong lĩnh vực hỗ trợ mới hiểu hết được ý nghĩa. Chủ nhân Việt phủ Linh Giang luôn khiêm tốn cho rằng dù đi nhiều, đọc nhiều và tiếp xúc nhiều với cổ vật song sự hiểu biết về văn hóa dân tộc của mình còn mức độ, vì vậy ông luôn học hỏi, tìm hiểu, tham khảo ý kiến từ các nhà nghiên cứu và những người đi trước.

Mỗi cổ vật mang một câu chuyện, phong tục truyền thống của dân tộc. Ví như bình vôi để ăn trầu, ông Giang đã có bộ sưu tập hàng chục chiếc với nhiều chất liệu như đá, gốm, sứ. Trong đó, phải kể đến chiếc bình vôi đá. Ngoài tác dụng đựng vôi ăn trầu thì đó còn là câu chuyện về lòng hiếu khách "miếng trầu là đầu câu chuyện", tình cảm thủy chung của người dân nước Việt.

Đưa chúng tôi đến đài sen đá đặt giữa sân nhà, ông Giang kể: "Đài sen này có đường kính 1,73 m, lòng sâu chừng 70 cm, tôi đưa về nhà cách đây gần 4 năm trong một lần đến phim trường ở gần bãi đá sông Hồng (Hà Nội). Khi phát hiện đài sen lạ chạm khắc từ đá xanh nguyên khối, cánh hoa kép có hình đức Phật nổi, họa tiết rồng uốn lượn đặc trưng thời nhà Lý tôi mê lắm, về nhà mấy hôm không ngủ được. Sau vài lần thấy tôi trở đi, trở lại khu vườn, có lẽ chủ nhà “cảm” được niềm đam mê, trân quý của tôi nên đồng ý để lại".

Muốn phân biệt, xác định giá trị mỗi cổ vật, người chơi thường căn cứ theo họa tiết in trên đồ vật, chất liệt, cốt gốm, chất men, cách tạo hình. Nghiên cứu nhiều tài liệu viết về văn hóa và trải nghiệm thực tế, ông hiểu được rằng mỗi triều đại, thời kỳ có sự kế thừa, giao thoa và nét đặc trưng về văn hóa khác nhau, vì thế đồ vật có chất liệu, hoa văn, họa tiết, chất men, cách tạo hình cũng khác. 

Nếu như nét đặc trưng gốm miền Bắc thường có màu nâu trầm còn miền Nam là màu sắc rực rỡ, đa phần là màu vàng, xanh, đỏ. Ông cho biết thêm: “Mỗi lúc rảnh tôi thường sắp xếp, vệ sinh cho cổ vật. Tôi luôn dùng cả hai tay nâng đế và ôm thân bình tránh khỏi va đập, rơi vỡ. Vì có những hiện vật nằm sâu ở dưới lòng đất nhiều năm nên chất men yếu”.

Trong câu chuyện đầu xuân mới với chúng tôi, Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết, ông đã nhiều lần đến thăm Việt phủ Linh Giang và đánh giá cao tâm sức của nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Long Giang. "Ông Giang là một trong số ít người am hiểu sâu văn hóa, dày công sưu tầm được nhiều cổ vật phản ánh các thời kỳ phát triển của đất nước. Không chỉ dừng lại ở niềm đam mê của cá nhân, trong vai trò là hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, ông Nguyễn Long Giang còn tích cực bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cung cấp nhiều thông tin quý báu cho các nhà nghiên cứu cũng như hiến tặng cổ vật cho Bảo tàng tỉnh".

Để phát huy giá trị văn hóa của những vốn cổ này, gần đây Việt phủ Linh Giang mở cửa đón học sinh, sinh viên, khách đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm và là điểm hẹn của những người đam mê cổ vật trong toàn quốc. Dẫu vậy, cá nhân ông vẫn mong muốn được ngành văn hóa tiếp tục quan tâm, trao đổi thông tin giám định giá trị cổ vật cho hội viên. 

Cùng đó tổ chức triển lãm, trưng bày giới thiệu bộ sưu tập nhằm quảng bá hình ảnh và các giá trị văn hóa tiêu biểu của tỉnh; kết nối du lịch về nguồn giữa các điểm di tích, danh lam thắng cảnh nhằm góp phần phát triển du lịch quê hương.

Mai Toan

Giới thiệu hơn 130 cổ vật quý mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa Việt Nam
Sáng 28-11, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Cổ vật thành phố khai mạc trưng bày chuyên đề “Nét cũ dấu xưa”.
Trưng bày 500 tư liệu, cổ vật thời Đông Sơn và các triều đại Việt Nam
Ngày 24-10, tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức khai mạc gian trưng bày tư liệu, hiện vật, cổ vật chủ đề "Cổ vật thời Đông Sơn, Đinh-Tiền Lê, Lý-Trần, Hậu Lê và Nguyễn".
Sưu tầm và phát huy giá trị cổ vật
(BGĐT) - Cổ vật được xem là hiện vật của thời gian, nhân chứng của quá khứ. Ở tỉnh Bắc Giang, những di sản quý ấy được quan tâm sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị. 
Nhức nhối nạn trộm cắp cổ vật
(BGĐT) - Gần đây, tình trạng mất cắp cổ vật tại các di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang “nóng” trở lại. Chỉ trong hai tuần (cuối năm 2017 đầu 2018) xảy ra 2 vụ trộm cắp cổ vật. Điều đáng quan tâm là trong số hàng chục vụ mất cổ vật từ trước đến nay, hầu hết chưa được cơ quan chức năng tìm ra thủ phạm để xử lý.
Trộm đột nhập đình Thổ Hà lấy đi nhiều cổ vật
(BGĐT) - Theo thông tin từ ông Cáp Trọng Việt, Trưởng thôn Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang), đêm ngày 10 rạng sáng 11-1, kẻ gian đột nhập vào đình Thổ Hà (di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia) lấy đi một số cổ vật, hiện vật có giá trị như: 1 bộ chấp kích cổ (8 chiếc), 1 kiếm thần, 1 nồi hương đồng và 1 đôi hạc đồng. 
Bắc Giang: Ngăn chặn trộm cắp di vật, cổ vật
(BGĐT) - Chủ quan, xem nhẹ công tác quản lý, bảo vệ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cắp di vật, cổ vật tại nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua. Vì vậy, chính quyền cơ sở, ban quản lý di tích các cấp, cơ quan chức năng cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Phong trào hiến tặng cổ vật: Mỗi hiện vật, một tấm lòng
(BGĐT) - Trong khi ngân sách nhà nước dành cho việc sưu tầm hiện vật có hạn, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận không ít tài liệu, hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Đây là việc làm ý nghĩa nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu cũng như của khách tham quan.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...