Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cô gái sống chậm với bữa ăn 10.000 đồng

Cập nhật: 09:11 ngày 22/02/2021
Một năm nay, ngày nào Thu Hương cũng dậy từ 4h sáng, đọc sách, tập thể dục trước khi nấu bữa sáng cho cả gia đình.

Bữa cơm được nấu trong vòng nửa tiếng. Khi cô gái bày xong bữa cơm với gạo lứt, đỗ xanh, hạt sen, cháo yến mạch nấm hương và rau cải luộc lên bàn ăn thì bố mẹ cũng ngồi vào bắt đầu bữa sáng. Hương dành lại một phần cho bữa trưa ở cơ quan, ngoài cơm và rau củ, còn có thêm bắp ngô và một chút hoa quả.

{keywords}

Như bao người trẻ, Thu Hương từng đánh đổi sức khỏe, các mối quan hệ để theo đuổi công việc, thu nhập. Tới khi chạm được, cô lại càng hoang mang. Trăn trở của cô dừng lại khi tìm được lối sống tối giản.

"Từ ngày biết đến chế độ ăn này, mình cảm thấy ăn gì cũng ngon miệng, cơ thể luôn thanh thoát, khoẻ mạnh và tràn đầy năng lượng", Thu Hương, nhân viên một ngân hàng ở Phố Nối, Hưng Yên, chia sẻ.

Thay đổi chế độ ăn uống là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình Hương tìm đến lối sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Những năm trước cô thường làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày, bất kể cuối tuần. Sau vài năm, Hương cũng tích góp được chút tiền biếu bố mẹ xây nhà mới, có thể mua được những món đồ mình thích hay đi du lịch. Song bên trong cô vẫn cảm thấy thiếu thốn và nỗi lo vẫn đè nặng trên vai.

"Tôi bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời. Mình sinh ra để làm gì? Hạnh phúc thực sự nằm ở đâu?", Thu Hương trăn trở.

Đại dịch Covid-19 xảy đến khiến Hương phải ở nhà nhiều hơn. Chính trong bối cảnh này cô có thời gian đọc thêm nhiều sách. Cô cũng được truyền cảm hứng từ các bài viết trên một group về lối sống tối giản. "Cuối cùng tôi nhận ra con đường duy nhất mình cần chỉ là: Sống chậm", Hương chia sẻ.

Năm 2019, Hương quyết định rời Hà Nội về quê làm việc để gần bố mẹ. Cũng từ đó cô bắt đầu thực hành lối sống chậm có kỷ luật và làm những điều mình thích như: ngủ sớm dậy sớm, tập thể dục, nấu ăn, ngồi thiền, đọc sách và đi dạo.

"Cuộc cách mạng" đầu tiên của cô gái là thay đổi trong chuyện ăn uống. Hương từng nghĩ nấu ăn và dọn dẹp là những thứ lãng phí thời gian, nhiều hôm chỉ có gói mỳ tôm, hay 5.000 đồng xôi cũng xong bữa. Từ khi tự nấu ăn, cô trở nên yêu công việc bếp núc và nhận ra chuyện ăn không phải để cho no bụng mà còn là một cách để nuôi dưỡng sức khoẻ và tâm hồn.

{keywords}

Thu Hương có thể mua rất nhiều thức ăn ngon, quần áo đẹp nhưng lại chọn ăn những bữa cơm 10.000 đồng, bởi cô nghĩ cần ít thôi, tiêu thụ ít thôi sẽ dễ dàng tìm được hạnh phúc.

Thu Hương chọn ăn thuần thực vật kết hợp Eatclean - một phương pháp lấy tiêu chí chế biến đơn giản và hạn chế gia vị làm chủ đạo để có thể giữ lại tối đa dinh dưỡng. Dù ăn đơn giản, cô luôn bảo đảm bữa ăn của mình phải có đủ 4 nhóm chất: đạm, chất béo tốt, đường bột tốt, vitamin và khoáng chất.

Để giúp cả gia đình duy trì chế độ ăn chủ yếu là thực vật, cô chủ động vào bếp ngày hai buổi sáng - tối. Món cơm gạo lứt độn thêm các loại hạt đậu thơm bùi được cả nhà cô yêu thích.

Sau một năm ăn chay, cơ thể Hương thanh thoát và khỏe hơn, ăn gì cũng thấy ngon miệng. "Thông qua các bữa ăn 10.000 đồng tôi muốn chia sẻ rằng, việc ăn uống đơn giản và thanh đạm không những tốt cho sức khoẻ, mà còn giúp tối thiểu hoá nhu cầu cuộc sống, đồng thời tiết kiệm tài chính để có thể làm nhiều việc ý nghĩa khác", cô chia sẻ. Hiện mỗi tháng Hương đều dành ra một khoản tiền để quyên góp cho các tổ chức từ thiện và các hoàn cảnh khó khăn.

Sống xanh cũng là một hành động mà người trẻ như cô đang theo đuổi. Thu Hương luôn mang hộp cơm đi làm, mang theo làn, hộp khi đi chợ, hạn chế tối đa dùng túi nilon. Ba tháng trước, cô bỏ xe máy, chuyển sang đi xe đạp tới cơ quan, quãng đường đi và về tổng cộng 16 km. Cô gái cũng chọn xe đạp và đi bộ để di chuyển chính mỗi khi chợ búa, gặp mặt bạn bè.

{keywords}

Thu Hương đi ngủ từ 21 h và dậy 4h sáng mỗi ngày. Trong 3 tiếng trước lúc đi làm, cô đọc sách, học ngoại ngữ, thể dục và nấu bữa sáng cho cả nhà.

Cuối tuần vừa rồi, Hương đi bộ thăm cô bạn gái cách nhà mình 5 km. "Lần đầu tiên sau nhiều năm, mình tận hưởng cảm giác hòa làm một với đất trời. Mình cứ đi mà không mong về đích", cô kể về cảm giác khi đi trên những con đường làng, những cánh đồng và ruộng cúc, những giàn đỗ xanh mởn.

Thùy Linh, bạn Hương chia sẻ: "Nếu để miêu tả cô bạn tôi bằng một từ, thì với tôi cô ấy chính là 'người truyền cảm hứng". Cách cô ấy sống đã truyền cho tôi cảm hứng sống một cuộc sống toàn diện: yêu thể thao, đọc sách, ăn chay và tối giản các nhu cầu vật chất".

Sáng sớm ngày cuối tuần, Hương ngồi thiền bên cửa sổ, phóng tầm mắt sang nhà hàng xóm. Ngôi nhà cấp 4 cũ, mái ngói rêu phong trong nắng mai ấm áp cũng trở nên thơ mộng trong mắt cô gái.

"Tôi chọn sống chậm, vì đây là con đường giúp tôi sống hạnh phúc, an nhiên. Nếu bạn chưa cảm thấy thực sự hạnh phúc, hãy thử dừng lại một chút, trân trọng và biết ơn những gì mình đang có, bạn sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn", cô gái 27 tuổi chia sẻ.

Nét xưa lưu lại chốn này
(BGĐT) - Trong giới chơi đồ cổ ở Bắc Giang và các tỉnh phía Bắc, ông Nguyễn Long Giang (SN 1964), thôn Quang Châu, xã Ngọc Châu (Tân Yên) được nhiều người biết đến. Đam mê cổ vật, ông đã  dày công sưu tầm, lưu giữ, góp phần bảo tồn di sản của cha ông.
Nghĩ từ thị trấn quê mình
(BGĐT) - Họ nhà tôi gốc gác ở Thường Tín, Hà Tây cũ, giờ là Hà Nội. Với Bắc Giang, Lạng Giang, Kép…, chúng tôi là dân ngụ cư, khi cụ tổ chi họ đưa gia đình lên làm ăn buôn bán ở Phủ Lạng Thương, rồi lên phố Kép sinh cơ lập nghiệp. Đời ông, đời cha, đến thế hệ chúng tôi đã coi đây là quê hương bản quán.
Giữ bình yên đỉnh Vạn Cung
(BGĐT) - Vượt qua trở ngại về giao thông, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và sự khắc nghiệt của thời tiết, các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang ngày đêm bám trụ trên đỉnh núi Vạn Cung, xã Phong Vân để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép.

Theo VnExpress

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...