Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 26 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Phóng sự - Khám phá
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Bác sĩ trẻ Bắc Giang trên tuyến đầu chống Covid-19

Cập nhật: 07:53 ngày 27/02/2021
(BGĐT) - Bất kể sáng sớm hay đêm muộn, hễ chuông reo là các y, bác sĩ trẻ lại gấp rút mang hành trang lên đường thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Họ tạm gác lại lo lắng về cuộc sống, dịch bệnh, thiết thực đóng góp một phần công sức để đem lại an toàn cho cộng đồng. 

Gác niềm riêng

Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi may mắn được gặp các y, bác sĩ trẻ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang - những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Lúc này, từng giây, từng phút với các cán bộ, y, bác sĩ ở đây còn “quý hơn vàng”. Tranh thủ ít phút nghỉ ngơi, Tiến sĩ, bác sĩ Dương Thị Hiển, Trưởng Khoa Xét nghiệm chia sẻ: “Từ 30 Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay là quãng thời gian cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên của đơn vị không có ngày nghỉ. Họ đều là người trẻ, nhiệt huyết, trách nhiệm và là mắt xích rất quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của tỉnh”.

{keywords}

Bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang thực hiện quy trình xét nghiệm Covid-19. Ảnh: TUYẾT MAI

Trong câu chuyện với chị Hiển, tôi nghe chị nhắc đến những cái tên như chị Đoàn Thị Thanh Nhàn (SN 1983), Phó trưởng Khoa Xét nghiệm; anh Phạm Thanh Sơn (SN 1986), các chị Đặng Thúy Linh (SN 1987), Bùi Thị Thanh Vân (SN 1991) kỹ thuật viên tổ Vi sinh... Và ngay lập tức, tôi được mục sở thị công việc của cán bộ, nhân viên nơi đây. 

Gương mặt đẫm mồ hôi, kỹ thuật viên Phạm Thanh Sơn đang báo cáo nhanh với lãnh đạo về lô mẫu của công nhân Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (Việt Yên) mà anh và nhóm vừa đi lấy về. Được biết, khoảng 20 giờ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, khi đang đi chúc Tết, anh nhận được điện thoại phân công nhiệm vụ tham gia lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và ngay lập tức bắt tay vào công việc. Cứ như vậy anh đi biền biệt cả tuần không về nhà. 

Khi tôi hỏi "Đi biền biệt như vậy, vợ con ở nhà nghĩ thế nào?", anh chỉ cười hiền. Hóa ra vợ anh là chị Phan Thùy Linh cũng là cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm. Họ là cặp đôi có tiếng ở cơ quan, từng nhiều lần song hành với nhau trên tuyến đầu chống dịch. Đến nay đã 10 năm có lẻ vợ chồng anh Sơn tham gia công tác phòng, chống dịch, từ cúm, sởi, viêm não Nhật Bản và giờ là dịch Covid-19. Cũng chính từ những chuyến sát cánh dập dịch ấy, anh chị nên duyên vợ chồng. Anh Sơn phụ trách lấy mẫu bệnh phẩm, chị Linh chịu trách nhiệm điều tra dịch tễ, truy vết nguồn gốc. Khi cả hai cùng lên đường chống dịch thì hai con nhỏ được gửi cho ông bà nội ngoại chăm lo.

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, kỹ thuật viên Đặng Thúy Linh (SN 1987), tổ Vi sinh, Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Chồng chị là Thượng úy Nguyễn Văn Xuân (SN 1982), cán bộ Bộ CHQS tỉnh hiện đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly y tế tập trung của tỉnh. Hơn 60 ngày qua, hai vợ chồng chị chưa được gặp nhau trực tiếp mà chỉ qua những cuộc gọi vội vàng. Có lần 5, 10 phút, cũng có khi chỉ kịp dặn dò nhau giữ gìn sức khỏe là điện thoại ngắt kết nối, mỗi người một nhiệm vụ. Thượng úy Xuân vào ca trực, đón tiếp công dân, quản lý, kiểm soát người ra, vào khu cách ly. Còn chị Linh nhanh chóng trở lại phòng xét nghiệm.

Với những người thân của anh Vương Kỳ Hùng (SN 1986), Trưởng Khoa Sức khỏe - Môi trường - Y tế học đường, Bí thư Chi đoàn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khoảng một năm qua, tiếng chuông điện thoại lúc nửa đêm hay sáng sớm không còn xa lạ bởi họ đã dần quen với việc chuông điện thoại reo là anh lên đường làm nhiệm vụ. 

{keywords}

Tích cực đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngoài xung kích, tình nguyện trên tuyến đầu, các y, bác sĩ trẻ của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh còn vận động nhiều khẩu trang y tế, mũ chống giọt bắn, nhu yếu phẩm kịp thời hỗ trợ cho ban chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, TP và các khu cách ly”.

Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang Đặng Văn Hòa

Anh Hùng phụ trách Tổ Xử lý môi trường với 12 cán bộ, họ là những người thường đến sớm nhất và về muộn nhất. Thực hiện nhiệm vụ, họ thường khoác trên người bộ quần áo chuyên dụng, đeo trên vai bình hóa chất 40 kg đi bộ từ thôn này sang thôn khác. Mỗi bộ áo quần chuyên dụng trị giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng chỉ được sử dụng một lần nên không phải muốn thay là được. Trời nắng nóng, mồ hôi toát ra, toàn thân ướt sũng nhưng vẫn cố chịu. Hơn một năm chiến đấu với dịch bệnh, anh giảm 7 kg, da sạm đi, nhiều dự định cá nhân phải gác lại để ưu tiên cho công tác chống dịch.

Mong dịch bệnh qua mau

Không trực tiếp xét nghiệm, truy vết nhưng bác sĩ Thân Minh Khương (SN 1986), Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Phổi Bắc Giang là một trong số những bác sĩ có mặt đầu tiên ở khu cách ly y tế tập trung của tỉnh. Anh nhớ lại: “Những ngày đầu tỉnh thành lập khu cách ly y tế tập trung, nhiều y, bác sĩ trẻ tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang đã tự nguyện xung phong làm việc tại khu cách ly. Lúc ấy, cơ sở vật chất sơ sài, thiếu thốn, chúng tôi báo cáo lãnh đạo được mang theo 4 chiếc đèn chiếu tia cực tím, 10 bình xịt khử khuẩn, hàng trăm chiếc mũ, kính chống giọt bắn do đồng nghiệp tặng. Tất cả được gói ghém cẩn thận với tâm lý có còn hơn không”.

{keywords}

Y, bác sĩ trẻ Bệnh viện Phổi Bắc Giang kiểm tra thân nhiệt cho công dân cách ly y tế tập trung. Ảnh do CLB Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Phổi cung cấp.

Với công việc chủ yếu là đón, tiễn và theo dõi công dân đến cách ly y tế tập trung nên giờ giấc hầu như không cố định. Nhiều đêm, chỉ mới kịp ngả lưng xuống giường, bác sĩ Khương nghe tiếng tít tít từ máy báo tin, choàng thức giấc và thế là từ đó đến sáng, anh cùng đồng nghiệp đón công dân vào khu cách ly. Mỗi người một việc, người xịt khử khuẩn, người đo thân nhiệt, người ghi chép lại lịch trình của công dân.

Trò chuyện với các y, bác sĩ trẻ, chúng tôi hiểu mỗi người đều có khó khăn riêng song tất cả vì sức khỏe của cộng đồng nên họ sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Người trực hai đợt, cũng có người trực đến 3 hay 4 đợt (mỗi đợt kéo dài từ 7 đến 10 ngày tại khu cách ly cộng thêm 14 ngày tự cách ly tại bệnh viện). 

Ví như bác sĩ Đoàn Thị Loan (SN 1988), Phòng Kế hoạch tổng hợp có chồng là bộ đội xa nhà cũng chẳng ngần ngại xung phong trực hai đợt vào tháng 7/2020 và cuối tháng 11/2020. Gia đình các điều dưỡng Nguyễn Thị Thoa (SN 1986), Nguyễn Thị Hằng (SN 1990), Khoa Bệnh phổi ngoài da cũng neo người nhưng các chị sẵn sàng gửi con nhờ ông bà chăm sóc để tham gia phòng, chống dịch tại khu cách ly tập trung. 

Vừa bảo đảm theo dõi sát sao tình hình sức khỏe, nhắc nhở công dân thường xuyên đeo khẩu trang, các y, bác sĩ còn bất đắc dĩ đảm nhận vai trò chuyên gia tâm lý. Chị Thoa nhớ lại: “Tết Nguyên đán vừa qua, ông T (Sơn Động) vừa vào khu cách ly tập trung được 2 ngày thì nằng nặc đòi về quê ăn Tết làm tất cả xôn xao. Cán bộ, chiến sĩ khuyên mãi chẳng nghe, phải đến lúc chúng tôi giải thích nguy cơ, hậu quả nếu lây nhiễm ông mới chịu ở lại. Rồi ông lại là người tích cực động viên người thân, bà con chấp hành nghiêm quy định ở khu cách ly nhằm bảo đảm sức khỏe cho mình và cộng đồng”.

Những lo lắng của các y, bác sĩ tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch được chị Vũ Thị Hạnh (SN 1985), điều dưỡng tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh viết ra lời thơ “Nếu một ngày mẹ phải cách ly”. Và đâu đó trong những lo toan, nhọc nhằn, các y, bác sĩ trẻ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 ấy vẫn tìm cách làm dịu mát tâm hồn, xua tan căng thẳng, mệt mỏi bằng nhiều cách. Bác sĩ Khương khoe: “Tại khu cách ly y tế tập trung, dẫu căng thẳng như vậy nhưng vào mỗi buổi chiều, chúng tôi lại tổ chức chương trình karaoke từ xa cho bà con, ai ở phòng nào ở nguyên phòng đó vừa hát theo lời nhạc bài hát “Ghen Cô Vy” hay “Việt Nam ơi” để cổ vũ, động viên tinh thần nhau chiến thắng Covid. Mong là dịch bệnh qua mau”.

Tuyết Mai
Gặp bác sĩ người Bắc Giang luôn có mặt ở điểm nóng Covid-19
(BGĐT) - Tiến sĩ, bác sĩ (TS.BS) Thân Mạnh Hùng sinh ra và lớn lên tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang). Anh hiện là Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và là một trong những bác sĩ xông pha nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu tiên. Phóng viên  đã “tranh thủ” có buổi trò chuyện cùng TS.BS Thân Mạnh Hùng trước khi anh lại vội vã cùng đồng nghiệp hội chẩn chuyên môn, tiếp nhận điều trị và chi viện cho tuyến dưới chống dịch.
Kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 (1955-2021): Nỗ lực nâng chất lượng dịch vụ, vì sự hài lòng của người bệnh
(BGĐT) - Đổi mới trong hoạt động khám, chữa bệnh, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ là những nỗ lực của ngành y tế tỉnh Bắc Giang để nâng cao chất lượng dịch vụ, làm hài lòng người bệnh.
Kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Nâng cao năng lực ứng phó với tình huống khẩn cấp về y tế
(BGĐT) - Trên trận tuyến phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, đối mặt với khó khăn, thử thách và hiểm nguy, lực lượng làm nhiệm vụ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đang ngày đêm miệt mài, tận tụy vì sự an toàn, sức khỏe của mọi người, mọi nhà. Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 (1955-2021), phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Từ Quốc Hiệu, Phó trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh Bắc Giang về PCD Covid-19, Giám đốc Sở Y tế về chủ đề này.
Kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch
(BGĐT) - Những ngày Tết vừa qua, trong mỗi gia đình, không khí đón xuân rộn ràng nhưng tại những cơ sở cách ly y tế tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, mọi hoạt động của đội ngũ y tế, công an, bộ đội vẫn diễn ra hết sức khẩn trương, chính xác nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...